Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Được mùa Nông Cống...



Ba mươi Tết, nhóm bạn đồng môn họp mặt như mọi năm, các ông các bà kháo nhau trên trời dưới bể. Ai đó tếu táo Hà nội có Lăng Bác Hồ, có Trung ương, Chính phủ, tiền đồ là đây… rồi quay ra tranh luận câu thành ngữ “Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi…”.
Ông Nhật ngồi uống trà, nghe các bạn và tự nói với mình trong lặng im.
Nặng lòng với quê, một năm có lẽ ông chỉ ở Hà nội vào mười hai kỳ phát lương hưu rồi lại cưỡi Đrem phi tuốt vào núi Nưa. Ở đấy, ông thoải mái đắm vào những sinh hoạt vô cùng dân dã của cái huyện nổi tiếng với câu “Được mùa Nông cống…”
Trong thâm tâm, ông không thừa nhận cách người ta giảng giải Nông cống là nơi khó làm ăn đến nỗi nghèo nhất nước Nam này. Không thừa nhận nhưng quê ông quả thật rất nghèo. Có bận ông chở bao quần áo con cháu ngoài phố thải ra vì lỗi mốt, về quê chẳng đứa nào chê. Không biết chúng động viên ông đường xa mang nặng hay các chị các em ông không có tiền mua đồ mới cho con mà đứa nào ướm vào cũng vuốt ve, trân trọng. Những lúc như thế ông thật xót xa. Sự nghèo khó đã bám nhẵng quê hương từ khi ông còn là đứa bé, nay đến lượt các cháu ông nhìn lên thành phố vẫn còn vời vợi.
Có lần ông đã thề từ nay không về quê nữa nhưng lĩnh lương hưu xong ông lại bồn chồn. Lạ thế, quê hương là gì mà khi muốn rời xa nó lại cuốn lôi người ta về.
Đã qua tuổi sáu mươi, bụng bảo dạ coi chừng đi xe máy đường dài. Vợ ông cũng xa xôi “Lục thập bất đáo đình trung” nhưng ông bảo tôi lánh nơi đô hội cũng là bất đáo đình trung rồi một mình một xe, lại phi một trăm tám mươi cây số.
Ở quê, các đồng chí lãnh đạo đề nghị ông viết sử xã, việc ấy đã hòm hòm. Đồng tộc giao ông làm gia phả, việc ấy cũng đã hoàn thành từ năm ngoái. Bạn cũ thích ông về vì người thủ đô có nhiều thông tin. Thì đã hẳn. Nhưng những níu kéo ấy không phải là tất cả. Chuyện chú em trai chết vì “Sác” khi đi làm cửu vạn để lại cho người em dâu hai đứa con ở một vùng thuần lúa nay lại hay bị khô hạn mới là nỗi canh cánh của ông. Ngồi bên ấm trà, ông tưởng tượng thằng cháu Sửu đang lầm lụi trong những hầm than. Cứ thế, ông tự hỏi, tự nói với mình, trong lặng im.

                                                *
                                                *    *

Được buổi tách ra khỏi những tất bật gia đình con cháu, từng nhóm quây vào chuyện trò thoải mái. Một ông đang trần tình với những lời thăm hỏi về chuyện đi xin việc cho con:  
- Chán lắm! Đi cửa nào cũng nghe quê Nông cống hả. Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi…
Thời này cực nhất là những anh về hưu đi xin việc cho con. Ông bạn đây càng thêm cơ cực vì cái tội quê ở Nông cống. Đã thế, đến cửa nào cũng “Thưa đồng chí”. Ba từ ấy vào lúc ấy đã làm ông đuối tầm trong cuộc đua vào những nơi “chỉ còn một chỉ tiêu duy nhất”!
- Cháu nó đã được phân về một trường cơ sở ở huyện Quan sơn.
Quan sơn là huyện biên giới, đèo cao suối sâu, ngút ngàn núi đá nhưng xem ra ông vẫn rất thỏa mãn. “Đi miền núi là nghĩa vụ nhưng cũng là cơ hội cho các cháu rèn luyện”.
- Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Sư phạm I có thể chạy vào một trường cách Tháp Rùa năm trăm mét!
Đấy là lời bình luận của một ông phương phi, tóc mượt, nom qua đã thấy thừa cân. Ông ta nói tiếp với chất giọng nhẹ nhàng, tình cảm:
- Dĩ nhiên đời cha nghèo thì đời con khó nhưng sao ông không cầm miếng đất hay cái gì đó cho cháu nó thoát khỏi cái nơi mà mình đã phải dứt áo ra đi?!
Một ông khác:
- Lâu nay ông cứ không chịu hiểu. “Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi” nghĩa là nếu Nông cống mà được mùa thì mọi nơi bội thu, bội bội thu…
Gió lạnh đưa hơi nước dưới hồ lên, các bà các ông đã có men bia mà vẫn thi nhau xoa hai bàn tay vào má. Công bằng mà nói, hai chữ Nông cống vẫn boong boong trong đầu họ, tựa như tiếng chuông chiều gọi nguyện nhưng khác với con chiên nơi xứ đạo, họ đang mượn cốc bia và những chuyện tầm phào khoả lấp tiếng bước chân rổn rảng gọi về nơi vùi bánh rau thai.
Ông Nhật vẫn lặng im, bạn hữu sao nỡ buông lời chê nhau. Ông còn nhớ tết năm ngoái, sau ngày ông công ông táo lên trời, ông vẫn chưa thể về Hà nội vì thằng Sửu cháu ông đi làm than với thằng Phất vẫn chưa về. Chuyến về tết của chúng nó, từ lúc nghe kể đến bây giờ ngồi trong khách sạn ông còn ngao ngán.
Sửu và Phất vừa xuống ôtô đã bị một cái phát vào mông:
- Của tao!
Không hiểu sao mấy tay xe ôm khác cứ lặng lẽ lảng ra. Xế chiều, đường về quê chỉ còn Sửu và Phất, anh chàng xe ôm mặt quắt đã là loại ghê gớm nhưng vẫn bị thằng Phất hất cằm:
- Bao nhiêu?
Cái hất cằm được bổ sung bằng một tiếng vỗ túi mông nhưng không làm cái mặt quắt đỡ quắt đi tí nào.
- Đi riêng một trăm, đi chung trăm tám.
Sửu như chạm phải ống bô:
- Ôi trời! Hôm ra có hai chục lại được ngồi mỗi người một xe.
- Có biết hôm nay là ngày gì không? Chực toét mắt chờ chúng mày… hay để giao thừa về xông đất luôn một thể!
Vẻ bặm trợn của anh chàng xe ôm làm Sửu im tịt. Phất lại khác, cậu biết cái bọn “bẩy nghề” này là chúa hay thủ dao chọc tiết lợn trong cốp nhưng cái thói ngông nghênh không sao hãm được:
- Trăm tám thì trăm tám chứ sợ đếch bố con thằng nào!
Mặt quắt vẫn rắn đanh:
- Tiền?
- Về đến nhà rồi đưa chứ ai quỵt?
Mặt quắt tắt máy, rút chìa khoá thọc hai tay vào túi đủng đỉnh vào ngồi quán nước. Sửu đã nản, giục Phất:
- Thôi, đưa đi…
Phất vừa sờ tay móc ví mặt quắt đã tuơi như hoa:
- Hai em đưa bao đây, anh xếp. Tí nữa gặp chốt công an chỗ Trại cá cứ bám chắc cho anh xử lý nhé.
          Về đến thị trấn, Phất vào cửa hàng mua bộ bò mài và đôi dày Adiđát trắng tinh. Mặc vào, lớp bụi than ngấm sâu trong lỗ chân lông càng làm tăng thêm độ xỉn trên khuôn mặt râu ria lỉnh kỉnh. Khuềnh khoàng trên xe, nó luôn mồm chõ vào các ngõ hỏi xem đứa nọ đứa kia đã về chưa. Tiếng hỏi như quát và tiếng xe máy mọt ống bô pành pành càng trêu già lũ chó.
Hai đứa cùng ngõ xóm, cùng thi trượt, cùng đi cửu vạn đến nay là mùa thứ hai. Hai năm vừa rồi hai đứa nhập với bọn Thái bình đi hầm cho một tay cai than. Bằng những cách khác nhau, tay cai đã bán được hàng ngàn tấn nhưng vẫn nói là chưa có tiền. Vợ cai dẻo quẹo nhờ các em thay mái cái nhà ngang hộ chị với. Đang phải vêu mõm chờ tiền, nay có việc đổi lấy ngày hai bữa thì gì mà không làm. Thỉnh thoảng cô ta lại “Được mùa Nông cống sống mọi nơi” cho đến đêm hôm qua mới thả cho cả bọn xuống đường đón xe.
Ngõ nhỏ, chó xồ ra, inh ỏi. Anh chàng xe ôm đã nếm đòn gà cậy gần chuồng nên vội quay ngoắt, phóng như ma đuổi. Hai thằng xách túi về nhà mình.
Mẹ Phất úp bàn tay chùi mồm:
- Ối! Con mẹ đã về. Con có hắt hơi không, mẹ nhắc con nhiều lắm!
Không nói gì, cậu ta quẳng cái túi lên chõng rồi vào nhà lôi cái Caset ra thổi bụi phù phù. Bản nhạc xập xình xen lẫn tiếng rẹt rẹt cất lên làm chó cả ngõ lại inh ỏi một trận nữa. Bên cái mẹt lót tấm lá chuối đựng lòng lợn tiết canh, chai rượu đã vơi một phần, hai mẹ con dạng cẳng trăm phần trăm như đôi bạn nhậu.
- Mẹ đánh đụng lợn xóm.
Phất nhìn theo tay mẹ chỉ xâu thịt treo trên đầu cột, nó xì một tiếng dắt xe đạp phóng lên chợ huyện. Vòng qua hàng thịt mua mấy cân mông sấn, đến hàng cá chọn con trắm ốc treo vào ghi đông. Rồi hàng bánh chưng, hàng rau quả… tất tật dồn vào cái bao cước buộc trên đèo hàng. Gặp mấy thằng hái cà phê trong Tây nguyên mới về, nó lôi cả bọn vào quán rượu lạc. Bộ bò mài với đôi dày Adiđát lúc này đắc dụng, Phất hãnh diện vỗ túi:
- Tớ đãi!
Mãi chiều tối Phất mới về đến nhà. Nó nhào vào giường ngáy như cưa gỗ. Trong giấc ngủ nó còn mơ thấy mình chuyển sang nghề xây dựng, một mình vừa đánh vữa vừa bê gạch xây cái nhà tiêu ở góc vườn.
Bên nhà Sửu, ba mẹ con gói bánh chưng. Sửu đưa cho mẹ gói tiền:
- Mẹ cầm để đóng tiền học cho em.
 Cậu ta vẫn đợi chờ một cái gì đó mà bố cậu hay nói trước những chuyến đi làm thuê là chờ điềm trời thế đất đổi thay!? Niềm hy vọng vơi dần, vơi dần sau những lần suýt mất mạng trong hầm than thổ phỉ mà điềm trời thế đất sao chẳng có gì khác. Với cậu, tương lai mung lung lắm. Đi cửu vạn để kiếm tiền góp cho mẹ nuôi em ăn học, lúc nào xã gọi thì đi bộ đội rồi về lại đi cửu vạn. Nông dân là gì, cậu không hiểu. Nếu nông dân là người làm ruộng thì cả nhà có bốn sào chưa đủ cho một mình mẹ cậu làm. Chăn nuôi thì chỉ con gà con lợn nhì nhằng chứ trâu bò làm gì có bãi chăn. Mẹ cậu chỉ còn mỗi kế sách là ăn nhịn để dành. Làng quê xanh tươi, bát ngát mà sao bức bối, chật chội.
- Hai năm nay bác Nhật vẫn giục con ra bác kiếm việc cho vừa làm vừa học, năm năm bác nuôi năm năm, bảy năm bác nuôi bẩy năm, có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, miễn là con chịu học. Mẹ cũng muốn con học lấy một nghề về nông nghiệp, sau này về quê dùng nghề mà sống.
Sửu nhìn mẹ. Cậu hiểu, đấy là cái cần câu bác Nhật muốn cho nhưng nếu mình đi thì ai kiếm tiền học cho em.

                                                      *
                                                   *    *

Đã có thêm mấy người mới đến. Một ông hỏi:  
- Các vị có nhớ câu “Nghệ Yên thành, Thanh Nông cống” “Nhất Đồng nai nhì hai huyện” mà thầy Văn vẫn lấy làm tiền đề giảng cái bài gì ấy nhỉ…
Ông này hơi đãng trí nhưng rất say sưa:
- Đồng Nông cống phì nhiêu, dân Nông cống cần cù, đương nhiên quê Nông cống phải lắm gạo nhiều thóc. Từ ngàn xưa, hương lý cho chí dân cày bộc trực chất phác, quan hàng tỉnh hàng huyện sức xuống bao nhiêu nộp lên bấy nhiêu. Cống nạp lúa gạo cho Hoàng thất mấy triều, nhà vua ban cho ân sủng đổi cái tên Tư nông thành Nông cống.
Ông ta cứ thao thao, đúng là mọt sách chính hãng!
Ông Nhật cũng có ý nghĩ giống với ông mọt sách. Nhà Hồ rất thực dụng. Hồ Qúy Ly là người Nga sơn đóng đô ở Thanh hóa đã đặt tên các các huyện rất nôm na như lối ta vẫn gọi thằng cu con hĩm. Ví dụ, mảnh đất xây thành đóng đô tính chuyện lâu dài đặt là Vĩnh lộc, diêm dân làm ăn khó khăn thuế má luôn chậm chạp thì đặt là Hậu lộc...
Chẳng biết có ai nghe không nhưng ông mọt sách vẫn thao thao:
- Nói là vựa thóc cũng chẳng ngoa. Tiếng xe cút kít trên đường Bốn lăm tới tận đêm vẫn còn chở thóc về lò xay giã“Cầu quan vui lắm ai ơi/ Đóng khố cho chặt mà lôi xay cùn”. Xay cùn, nghe có sướng không, nếu ít thóc đổ vào thì làm gì có những cái xay cùn với những lực điền lao động hết mình như vậy. Gạo xay rồi đóng bao, lại xe cút kít chở ra ga Yên thái chất lên tàu hỏa đưa vào miền trung gió Lào cát trắng…
Lũ học trò thế hệ ông Nhật gần hết cấp ba sắp thành cậu tú cô tú nhưng ngu ngơ lắm. Trong lớp là lời thầy giảng, những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt còn ngoài kia nước ngập trắng đồng. Một công xã viên được trả hai lạng thóc đủ bữa cho một con vịt cỏ nhưng có bạn nào không coi lời thầy là khuôn vàng thước ngọc! Có ai đó thanh minh, cũng đừng trách chi lúc chúng mình mới lớn. Cha anh mình lên thành phố còn lạy nhầm cái ma nơ canh là ông lớn bà lớn nữa là.
Một bà lè lưỡi:
- Sao bây giờ lại hạn được nhỉ? Tôi về thấy đồng điền nứt nẻ lại cứ nhớ về ngày xưa. Năm nào bắt đầu năm học cũng lụt, vừa khai giảng ngồi chưa yên chỗ đã phải đi vớt lúa lụt giúp dân. Mà sao lắm đỉa thế, buộc kín ống quần mà cái giống ấy vẫn chui vào được…
Bà bạn thoắt hai chân lên ghế cứ như dưới chân ghế là nước lụt với đỉa. Khổ thế, lớn lên vào thời gian khó, những hoài cảm buồn hằn sâu đến nỗi ngồi trong khách sạn mà còn tưởng dưới chân là đồng chiêm nước lụt năm nào!
Ông Nhật lan man về nơi đồng bãi. Ngày đó, ngập lụt là dịp các ông thi tài bắt cá. Những cánh đồng trắng nước, cỏ năn ngoi đều một lượt. Cá từ sông Lãng lên đồng đua nhau tìm nơi vật đẻ. Nơm vác ghé trên vai, cái giỏ hình con vịt kẹp hai khúc ống bương ngoằn ngoèo trôi theo sợi dây buộc ngang lưng, người đánh cá lò dò những bước chân lặng lẽ theo những ngọn năn lay cùng dợn sóng. Đôi cá say sưa giao hoan cứ quyện vào rồi lại buông ra, lờ lững vờn ngọn cỏ. Vài bước vọt lên, cái nơm vung nhẹ, một nhát úp gọn. Ai đoán chính xác đôi cá quần nhau cách bụi năn đang rung mấy vòng nơm thì người ấy úp trúng.  
Các nhóm vẫn nói cười không ngớt. Ông giáo Địa lý đáp lại bà đỉa chui rằng tiềm năng thủy lợi của huyện mình với ba con sông và hai hồ thuỷ lợi đâu phải là nhỏ. Do năng lực quản lý khai thác và điều phối của con người quá kém nên đất này mới bị hạn. Mọi người bị hút theo:
- Sao quê mình lại thiếu nước được nhỉ?
Họ ít về nên không biết chứ bạn cùng thời chưa bao giờ ra khỏi làng cũng đang phải hỏi nhau sao quê mình lại thiếu nước được nhỉ!
Ông chuyên viên Nông nghiệp thì nói rằng không biết tổ tiên mình chinh phục vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đã mấy ngàn mấy trăm năm nhưng thâm niên nghề trồng lúa nước thì chắc chắn có từ thời tiền Hán. Không biết ông ta có nhầm lẫn không mà đã đưa ra chứng cứ là thời đó Nông cống đã có tên Di phong tức là bão sau đổi thành Cư phong tức là lốc. Người nông dân bao đời trông trời trông đất trông cây hay chọn những nét gây ấn tượng nhất của thời tiết để đặt tên quê.
Ông Nhật vẫn lặng im. Cách nay bốn, năm mươi năm có ai nói đến En Ninô hay La Nina, thậm chí còn nhầm bão với áp thấp. Không biết tầng Ôzon bị thủng ở đâu, trục trái đất bị lệch đi mấy độ nhưng nhỡn tiền vùng quê nổi tiếng vì ngập lụt nay nửa huyện lại triền miên hạn hán.
Đầu đằng kia dãy bàn, nhóm ít về quê đang bôi bác:
- Thời chiến tranh, mình đi đến đâu cũng bị người ta gọi là dân ba tỷ bảy. Còn bây giờ, xây cái nhà mà có chỗ nào bị chê là xấu thì câu cửa miệng sẽ là thợ Thanh hoá ấy mà.
- Chơi bài mỗi ván dăm ba ngàn gọi là bạc bài Thanh hoá…
- Dân rau má, khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào…
Rồi ào ào:
- Cho Lào, Lào không nhận, đồng bào biết phận toan lập nước riêng, quốc huy là cây rau má vẽ nghiêng…
Chưa hết, chuyện bôi bác còn nhoằng đến cả địa danh:
- Vừa bằng gang tay cũng gọi cầu Bố, ba cây lố nhố cũng gọi Rừng thông…
Huyện vòng lên tỉnh, tỉnh đao xuống huyện, chuyện bôi bác cứ nở như rau má họ.
- Xe vừa lăn bánh đến đầu huyện đã phải qua cái cầu tên là cầu Vạy. Thẳng thớm còn chẳng ăn ai nữa là vạy…
- Trung tâm huyện có con sông lại đặt tên là sông Mực, mới nghe đã thấy tối ngòm…
Vô thưởng, vô phạt, ha ha cười, ha ha nói. Ông Nhật chán,  bỏ về nhưng vừa ra khỏi thang máy đã gặp ông Thanh:
- Này, nghe tớ đọc nốt câu thành ngữ nhé!
Không đợi người nghe có đồng ý hay không, ông ta vừa gật gù vừa nhấp bọt ngón tay lần giở cuốn Địa chí:
Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi.
Mất mùa Nông cống tả tơi khắp vùng !
Hoá ra, có người sinh ra và lớn lên ở đất này cũng chỉ mới biết một nửa câu thành ngữ được mùa Nông cống..!
          Hà nội - Tháng 6/2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét