Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Bên hàng rào địa bi

Bên hàng rào
địa bi
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh

Đận Mười chín tháng Hai năm Bẩy chín, bố mẹ Túc và bố mẹ Thủ chạy từ Hà Giang về xóm Miếu. Lúc ấy, xóm Miếu còn là doi đất hoang có cái miếu đổ nát, mọc thoi loi ra khu đầm lầy. Dưới đất, rắn hổ vẫn thoắt ẩn thoắt hiện. Trên cây, cò trắng cắn nhau tranh chỗ đậu, ỉa trắng những cành sung trĩu gục bên vũng nước thâm đen. Nhìn đâu cũng thấy vỏ ốc sên, gộp cua, xác rắn, chốc chốc lại có tiếng kêu thảm thiết của con nhái bị rắn đớp, nghe rợn cả người.
Bố Túc và bố Thủ quần quật cạy đống gạch vụn, hai bà mẹ địu hai đứa con trên lưng, ì ạch nhặt từng mảnh sành mảnh chai, bê ra đổ xuống vũng lầy. Đào bươi san lấp mãi rồi doi đất cũng rộng thêm, đủ chỗ dựng hai căn nhà. Cu Túc và cu Thủ lớn lên cùng với tiếng nhái bị rắn đớp và tiếng cò chiều choang choác tranh chỗ đậu.  
Chờ tiếng súng im hẳn, bố Túc và bố Thủ mới lên cơ quan xin thôi việc, chuyển khẩu về quê. Hai cặp vợ chồng gồm bốn thầy cô giáo ấy, đã phải dứt nghiệp gieo con chữ trên vùng cao để nhận về nỗi nghi hoặc triền miên về ông bạn láng giềng bụng dạ như con dao hai lưỡi.
Chia sẻ với nạn nhân chiến tranh biên giới, làng đắp một con đường băng qua đầm lầy, động viên chục hộ ra làm nhà dựng xóm mới. Cuộc sống đang trôi đi trong gió rì rào thì hai cậu con trai bỗng nhiên đốc chứng. Nguyên nhân tại con bé cái Mến có khuôn ngực nhu nhú và đôi má lúm đồng tiền cứ hay cười mỗi khi qua ngõ. Có lần xe Mến bị hỏng, hai chàng hì hục sửa chẳng được liền tình nguyện làm xe ôm nhưng khi Túc tập tễnh dắt xe ra thì Mến đã ngồi sau Thủ phóng đi mất rồi. Từ đấy, không bao giờ còn thấy Túc bá vai Thủ như bao lần hai chàng vẫn bá vai nhau đến những đám tụ năm tụ bảy tán hươu tán vượn.   
Túc bám vai Thủ để che bớt cái dáng tập tểnh do bàn chân bên phải bị khoèo. Dạo còn bé, một con hổ mang chúa đã mổ Túc, bố mẹ Túc và cả bố mẹ Thủ đem Túc đi chữa nhiều nơi nhưng bàn chân vẫn không hết tật. Càng lớn, Túc càng mơ được lành lặn như Thủ nhưng điều mơ ước ấy chẳng bao giờ có được. Đến tuổi trổ mã, cả hai đều ngực nở vai rộng nhưng Túc thua đứt đôi giò cầu thủ. Đã buồn Túc lại buồn thêm, đội bóng xóm Miếu ra sân thiếu người mà Túc chỉ có thể đứng ngoài làm cổ động viên thì làm sao vui được.
Bi quan, Túc gọi Thủ bằng anh lúc nào không biết. Bố mẹ Thủ và cả bố mẹ Túc bảo đừng xưng hô như thế nhưng mặc cảm tật nguyền thấp bé nhẹ cân, Túc không sửa được. Chuyện thích Mến, Túc cũng đã tâm sự với Thủ nhưng chỉ nhận được một cái bĩu môi với con mắt liếc xéo xuống bàn chân bị tật. Sự bẽ bàng đã lấy nốt chút tự tin của Túc, mỗi khi đi đâu Túc cứ phải ngó qua hàng rào địa bi, dè chừng. Có việc mà gặp phải cái nhìn bằng nửa con mắt thì thà đừng làm nữa, còn hơn! 
Thủ thì khác. Đẹp trai khỏe mạnh tốt nghiệp lớp mười hai, Thủ không chịu bó chân nơi xóm Miếu. Mon men lên vùng biên giới Hà Giang, Thủ đem về điện thoại di động, quần áo ka ki và những cây pháo thăng thiên bắn xòe hoa ngũ sắc. Bố mẹ Thủ và bố mẹ Túc, vốn nặng nghi ngờ nên thứ gì Thủ mang về có nhãn chây- nồ cũng nhắc: khéo không lại dính tà tâm.
Chứng kiến hai thằng cu cùng được bố mẹ địu trên lưng chạy giặc, lớn lên nơi doi đất thoi loi ra cánh đầm lầy mà một thằng luôn tươi rói trong những bộ cánh Tàu tay cầm điện thoại Tàu nhắn tin choen choét, còn một thằng lầm lũi chấm phẩy chăm bầy lợn dưới những cành sung, ai cũng phải lắc đầu. Sao số phận con người quá chông chênh mà đấng cao minh cứ ngoảnh mặt đi đâu thế nhỉ?
Túc làm đơn xin làng cho khai hoang khu đầm lầy sau nhà. Các chú các bác trong Hội đồng chắc áy náy chuyện ngày xưa để hai nhà chạy giặc về phải cắm lều nơi heo hút, nên thông qua rất nhanh. Túc mừng lắm. Không biết có sức người sỏi đá cũng thành cơm được tâm niệm thế nào mà ngày đêm anh phát cỏ vạc bờ, trong đầu luôn nung nấu ý chí cải tạo kỳ được khu đầm cỏ mọc um tùm thành hồ nuôi cá, trả nghĩa cho quê. 
Còn Thủ, chút vốn còm chỉ có thể mua lại những mặt hàng dân đi chợ biên mậu, lời lãi chẳng được là bao. Làm ăn cò con lại bị đầu nậu ép giá, Thủ tức chí xoay tiền vượt biên sang bên kia tìm mua tận gốc. Mấy năm đánh liều, đồng tiền và kinh nghiệm buôn bán đã khá, Thủ thuê “toọc” gùi hàng qua những lối rừng mà chỉ họ biết. Công việc trôi chảy, Thủ mua nhà làm kho, mua xe ô tô chuyển sâu vào nội địa. Nhìn dáng vẻ phởn phơ của Thủ, khối người nghĩ tay này ít cũng có hàng chục tỉ nên đã bảo nhau ứng tiền, giữ mối. Vốn người lãi mình, cái triết lý đi buôn ấy Thủ thuộc làu nhưng anh ta chỉ nhắm vào một bà hiền hiền ở trong một khu nhà có đồi cây rậm rạp và đội xe bịt bạt đưa hàng. Mối bên kia, sau bữa chén chú chén anh hảo lớ, đã cho Thủ đặt cọc, chuyển hàng.
Năm ấy cứ như có quý nhân phù trợ, đi chuyến nào cũng lọt, bên giao hào phóng mà bên nhận cũng xông xênh,vẻ phởn phơ nơi Thủ càng tăng lên gấp bội. Nhưng khi về đổ sổ kết toán, Thủ đã té ngửa. Người chủ đích thực của khu nhà đồi cho biết, cái bà vẫn nhận hàng nay chuyển đi đâu không rõ. Thủ đôn đáo chạy tìm mới biết bà ta chỉ là người được cử sang bên này làm trung chuyển, nay hết đợt đã về với ông chủ bên kia. Cay đắng quá! Cha mẹ phải chạy trối chết mới thoát khỏi họng súng bành trướng nay con lại sập bẫy Tàu Mại hết đường cựa quậy. Còn chưa biết tính sao thì chủ hàng cho đầu gấu xách kiếm xuyên rừng tìm Thủ, đòi nợ. Không thể lên trời, Thủ đành gán hết nhà với xe, chỉ xin bảo toàn mạng sống.
Còn biết đi đâu nếu không trở về xóm Miếu. Nỗi đau bị lừa đến trắng tay cứ anh ách trong lòng, Thủ thấy cái gì cũng sẫm màu đen. Nhìn Túc chèo thuyền trên đầm cá mà gan ruột Thủ như có gai đâm. Cứ tưởng thằng khoèo mãn kiếp chẳng thể ngóc cổ mà mấy hôm nay khu đầm vang tiếng hò dô, dưới đầm chục người kéo lưới, trên bờ chục người chuyển cá lên ô tô, lòng Thủ càng ứ đầy ganh ghét.  
Ngày còn đi học, Thủ đã từng văn hoa Mến là vưu vật của đất trời, thằng nào có diễm phúc mới chiếm được nàng và tuyên bố dù có phải lên rừng xuống biển cũng quyết thu phục trái tim. Túc vô tư nên không hiểu đấy chỉ là một cách ngăn Túc đến với Mến. Hơn nữa, với bản tính chân thật, Túc nén lại tình cảm của mình mà vun vén cho bạn. Tình yêu Thủ Mến kéo dài gần chục năm, cô gái mười tám đã trôi đến mép vực chênh vênh của lứa muộn chồng mà vẫn khăng khăng đợi chờ người yêu lặng lờ nơi phương trời xa tít.
Gần đây, Túc đã nhận thấy những tín hiệu không lành khi nghe trong máy Thủ có tiếng con gái đả đớt. Anh chỉ trêu Thủ cẩn thận không tớ mách Mến đấy mà Thủ đã quát om sòm nhưng khó chịu nhất là câu gái đây thiếu gì. Còn Mến, đã quá mệt mỏi với cái thói lập lờ, yêu nhau mười năm mà mỗi khi chạm đến chuyện cưới xin, Thủ lại múa môi lang lảng chuyện khác. Sinh ra và lớn lên ở xóm Miếu, cô chỉ ưa tốt gỗ chứ màng gì đến cái tốt của nước sơn nên cái kiểu người yêu lo tô vẽ mẽ ngoài làm cô ngán ngẩm. Không ít lần cô phải căng lên đối phó với con người thô lỗ, tình yêu chân chính gì mà xàm xỡ, lăng nhăng, vừa ngồi với nhau đã đòi sờ bóp linh tinh lại còn đòi chiều. Mến đạp Thủ một cú lăn lông lốc, hai người cãi nhau, Mến yêu cầu Thủ báo cáo chính thức với hai gia đình nhưng anh ta cười khẩy, vấn đề ấy có gì quan trọng. Mến tuyên bố cắt đứt, Thủ nhơn nhơn, mối tình mười năm tan vỡ trong nước mắt cô gái xóm Miếu dày công đợi chờ. Cô thương thân mình, thương bố mẹ hai bên, thương cả anh Túc có tình mà cố nén để vun cho con người bạc nghĩa bạc tình.
Túc rất muốn cư xử như những người đàn ông nhưng Thủ lại mượn chuyện con gà con chó sang sân sang vườn canh bươi ỉa bậy mà chửi đổng. Nể hai bác bên nhà, anh cố nhịn nhưng đến hôm Thủ đổ thuốc sâu xuống đầm cá nhà mình thì anh không thể nhịn được nữa. Túc quai một đấm vào giữa mặt, cú đấm quá mạnh hất bay Thủ xuống đầm. Vừa lóp ngóp bò lên, Thủ đã tru tréo chửi Túc là đồ sấp mặt, con đầm liền đất hai nhà mà mày không dành cho người ta lấy một miếng!
Túc và Mến sắp cưới nhau nên bố mẹ Túc và cả bố mẹ Thủ đã nhịn như nhịn cơm sống. Cả Mến cũng vậy, cô đã nghe lời người lớn sang có lời với Thủ trước khi đi lấy chồng. Thế mà hôm hai người làm đám cưới, Thủ nhảy qua hàng rào địa bi, trợn mắt nghiến răng bổ thanh kiếm xuống đầu Túc. Túc nhanh tay vơ cái đòn gánh lên đỡ, nhát chém mạnh đến nỗi thanh kiếm bị gẫy làm đôi, mũi kiếm bay cắm phập vào ngực bố Thủ. Mọi người còn chưa hiểu chuyện gì thì bố Thủ đã ôm ngực gục xuống, máu trào theo mũi kiếm phun ra thành vũng quanh chỗ ông nằm. Vợ ông rú thất thanh rồi ngất lịm, mọi người xúm vào nhưng ông ra hiệu vời bố Túc lại gần mà thều thào trước khi dừng cái nhìn cứng đờ vào mặt Thủ.
Hàng rào địa bi dính máu người tỏa ra mùi hăng xít.
Thủ không kịp tắm rửa thay bộ quần áo sạch cho bố đã bị còng tay dẫn đi.
Những người trẻ bảo phá bỏ nền miếu mà không có cỗ xôi con gà thắp nén hương thì sao tránh được tai họa. Họ không biết hay chẳng cần biết, ba mươi lăm năm trước, đận tháng Hai năm Bẩy chín, người đang nằm trong cỗ áo quan kia đã bươn qua núi đá tai mèo dưới làn đạn đại bác của quân bành trướng, lần về quê được làng thương mới có cái nền miếu hoang bới đất nhặt cỏ nuôi con. Ba mươi lăm năm sau, thằng con học đòi lối sống tranh đoạt từ cái nơi vợ chồng ông phải bỏ chạy, đã hại chết bố mình bằng một thanh kiếm Tàu ngay bên hàng rào địa bi được trồng để đánh dấu khúc đời lận đận của hai nhà.
Hai người mẹ chỉ sau một đêm đã hóa thành Bạch Mao Thiên Cô. Họ bạc tóc vì một việc cần phải nói với vợ chồng Túc Mến nhưng rất khó mở lời. Đó là một chuyện đã lâu. Đêm tân hôn, khi xuất vào người vợ buốt lạnh như lách cứa, bố Thủ mới biết mình mắc bệnh lãnh tinh. Càng chung sống với nhau, căn bệnh ấy càng tàn phá không những sức khỏe, tinh thần mà còn không thể có con. Chữa chạy ư? Lá lẩu rễ cây ai bảo gì cũng làm theo nhưng cần một chuyến đi bệnh viện trung ương thì đành chịu. Đồng lương giáo viên tiểu học với rừng núi xa xôi đã trói chân họ. Bố Thủ thuyết phục vợ chia tay nhưng ở nơi đèo heo hút gió ấy, vợ ông còn có thể tìm được ai để xây tiếp tổ ấm cho mình. Sự chịu đựng nhau quá nặng nề, bố Thủ lại phải thuyết phục vợ đồng ý để mình có nhời, trước là với mẹ sau đến bố Túc, xin cu Thủ. Lý do hai nhà lấy Thủ Túc đặt tên cho hai đứa con là vì chúng được sinh cùng một gốc chứ đâu có như người ta vẫn tưởng, đã thân thiết thì đặt tên con là chân với tay cho thân thiết hơn.
Chuyện kể lại chỉ mấy câu nhưng người trong cuộc đã phải dằng xé suốt bao năm, nếu không có lời dặn lại của bố Thủ trước khi nhắm mắt thì câu chuyện vẫn chìm trong thẳm sâu bí mật.
Thủ đi tù về hai tội giết người không thành và ngộ sát, án rất nặng, ngày ra còn xa lắc xa lơ.  
Một lần, ông bố với hai bà mẹ và vợ chồng Túc vào thăm Thủ. Cậu ta cứ gặng hỏi điều bố Thủ đã thều thào trước khi chết nhưng bố Túc nghiêm mặt: khi nào mày gột bỏ hết thói tranh đoạt, bố sẽ cho biết bí mật đó.
                                                                            Hà Nội- 12/2014 

RÙA MỐC

Rùa mốc
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh.   



Lão bì bõm trong con Bàu Huyết kỳ bí với những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Đất này, thung lũng này và con Bàu Huyết thẫm màu hoa mẫu đơn tím ngăn ngắt này, bao nhiêu năm không ai dám đặt chân tới để bây giờ, hoang sơ đãi lão đánh dậm nào tép nào tôm... 
Hoàn cảnh của lão mười phần bi đát. Không chạy được cái sổ hộ nghèo nên lão không được vay tiền ngân hàng cho thằng con đại học. Nguy cơ gẫy gánh giữa đường đè cha con lão. 
Bí phải liều. Lão vào núi sau làng dụng lại cái nghề hèn đến nỗi không ai thèm xếp hạng, nghề đánh dặm.

***
Lão đang ngụp lặn trong Bàu Huyết thì làng xảy chuyện. Thằng Cò cửu vạn trong nam đem về một con rùa có vệt đỏ hai bên tai. Suốt ngày nó lọ mọ dưới gầm bàn gầm ghế, thức gì nó cũng ăn, con giun con dế hay cọng rau muống, vớ được là cu cậu chén trông rất ngộ. Chẳng mất tiền thuê người mà nhà cửa cứ như có ô sin, ai chả thích.
Nhưng chuyện ấy cũng chưa đáng lên cơn sốt. Hôm đem con rùa tai đỏ về, thằng Cò đã trúng liền hai chục mũ đề. Chỉ mất hai chục mà trúng hẳn mười bốn triệu, làng không sốt mới lạ! Cò ta ghé miệng thổi phù phù vào cái tai đỏ của con rùa, vẻ sung sướng ngất ngây.
Đám bợm đề đang nhao nhác thì có người tán, rùa có tên là quy mà quy cũng có nghĩa là quay về, có rùa trong nhà thì tiền về như nước Hồng Hà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin! Thế là con rùa lập tức được tôn lên bậc thần, đám bợm đề rủ nhau đi kiếm rùa đem về nhà nuôi làm thần may mắn!
Rùa Châu thổ sông Hồng, rùa đồng bằng sông Cửu Long, cứ ra ngã ba chỗ Quán rùa đặc sản, đón xe bắc nam, đàm phán với chủ quán, ắt có. Đám bợm đã phải chịu cái giá cắt cổ nhưng đem rùa về cho ăn tôm ăn tép, tắm rửa vuốt ve cực kỳ chiều chuộng mà chả thằng nào trúng mũ đề nào. Đám bợm lại tán, loài rùa đồng bằng và rùa châu thổ chỉ biết đưa cay, chăm thế chứ có chăm nữa cũng chẳng nước mẹ gì. Tốt hơn hết góp lại om nồi chuối gùi mấy chai sáu lăm cho vuông chuyện. Ngẫu nhiên, hôm đó con tai đỏ lại cho thằng Cò trúng luôn mấy mũ nên con vật được phong đệ nhất thần đề. Những thằng chưa trúng cứ hy vọng sẽ trúng nên rủ nhau vào Nam, tìm rùa tai đỏ về nuôi. 
Chủ đề vẫn không ngừng tung chiêu, lúc sổi nổi công khai lúc lặng lẽ bí mật khiến cho nhiều người hoàn cảnh không đi được cũng nằn nì xin gửi. Không khí của làng hối hả như buổi chợ chiều, ai cũng sợ không nhanh tay mua lấy con rùa tai đỏ thì tia sáng soi con đường đề đóm sẽ lụi. Thế là cái giống rùa nho nhỏ xinh xinh mới được mua về cộng với con của thằng Cò, lên đến hàng trăm. Cả làng, cho đến lúc này, tịnh không một ai nghĩ đến việc cho rùa tai đỏ hóa thân cùng riềng mẻ.
Đận ấy cụ rùa Hồ Gươm bị ốm, Nghe đâu cụ là hậu duệ của Ngài Rùa từng nhận kiếm từ tay vua Lê Lợi lại có cả cái quỹ gì của thế giới còn cho tiền đô để chữa bệnh. Cứ mấy hôm đài lại đưa tin. Nhưng đấy là chuyện trên thủ đô, đám ba binh ba tướng ở làng ông đánh dậm kể gì trời cao hay đất dày, cứ tào lao nếu có một chú nặng hơn tạ bẩy như cụ rùa Hồ Gươm thì số lượng chai sáu lăm nút lá chuối ít cũng phải trăm hơn mới gánh nổi. Rồi đến khi các nhà sinh vật học căn cứ vào kết quả xét nghiệm ADN công bố giống rùa Hồ Gươm thuộc dòng rùa Thọ Xuân, đám bợm nhậu bợm đề đã sửa lại tích hồ Hoàn Kiếm. Họ tán rằng vua Lê Lợi nhớ quê, mà anh đếch nào xa quê chả nhớ, nên đem con rùa Thọ Xuân ra thả xuống hồ cho Thăng Long Đông Đô đượm chút hương quê. Cứ một tấc đến biệt thự Thái Thượng Lão Quân như vậy mà chẳng thằng nào bị làm sao. Chúng còn ước, giá nuôi được một con thuộc dòng rùa Thọ Xuân hẳn bọn chủ đề sẽ đứ đừ thẳng cẳng. Niềm ước ao vô lối ấy lại khuyến khích các bợm vượt qua mùi thơm nức mũi của các món nấu xào nướng hấp dãy quán nhậu ngã ba, kéo nhau lên đất tổ.
Chắc các bạn đều biết, đất tổ nhà Lê ở vùng trung tâm huyện Thọ Xuân bây giờ. Đấy là nơi cao ráo nhưng mưa gió bao năm bào mòn, mỡ màu trôi về vùng hạ lưu Đông Sơn Nông Cống. Lớp đất  màu mỡ này tạo nên những cánh đồng chiêm trũng là môi trường tuyệt vời của các loài tôm tép. Loài rùa sống bằng tôm tép nên cũng phải nương theo dòng trôi ấy mới có cái mà ăn. Các bợm tìm mờ cả mắt khắp miền Tây Giai mà có bắt được chú nào đâu. Họ suy diễn như vậy rồi kéo nhau về miền xuôi nhưng đồng điền bây giờ phun thuốc sâu nhiều quá, tìm mãi chẳng thấy con nào. 
Bẵng đi mấy tháng, khi đã chẳng còn ai ham nuôi rùa thì lão đánh dậm mang một lũ Rùa Mốc trong Bàu Huyết về. Phải nói luôn, người làng này từ ngàn xưa vốn cực ghét con Rùa Mốc. Nó  là hiện thân của sự đau thương mất mát một thời nên nếu ra ngõ gặp phải Rùa Mốc thì đứa trẻ còn để chỏm đang cưỡi lưng trâu cũng tụt xuống quay về. Vì sao ư? Chuyện dài lắm, muốn cắt nghĩa tận tường phải bắt đầu từ thời khởi nghĩa Bà Triệu vài nghìn năm trước!
Lão đánh dậm thắt cái giỏ bên hông, suốt ngày lần mò trong Bàu Huyết vì nay thêm cái việc bắt tép bắt tôm nuôi lũ Rùa Mốc. Bọn bợm đề bợm nhậu mai mỉa lão đủ điều nhưng cay nhất là câu vật xứng kỳ chủ. Đấy là họ so cái vẻ bên ngoài của lão với dáng vẻ xấu xí của loài Rùa. Phải công nhận Rùa Mốc xấu tệ xấu hại, cái cần cổ vươn ra rụt vào kéo theo lớp da bìu nhìu bủng beo xám ngoét, nom đã hãm tài lắm rồi mà còn thêm hai con mắt ti hý chẳng có chút gì gọi là tinh tướng. Kiếm ăn quanh bàu mà chúng sợ nước, không dám lội. Nước Bàu Huyết in màu hoa mẫu đơn tím rất giống màu máu đông, cứ theo những câu chuyện truyền mồm thì đã hòa rất nhiều máu của quân Ngô và các chiến binh thời khởi nghĩa Bà Triệu. Dưới làn nước là hàng trăm hàng nghìn bộ xương người, những cái đầu lâu to tướng là phần còn lại của thân xác quân Ngô. Rùa Mốc chính là kiếp sau của quân Ngô nên rất sợ đến gần những cái đầu lâu lỡ may bị nhập vào thì nguy. Chúng sợ bị hóa ngược thành kiếp lính như ngày xưa phải cưỡi truồng đánh nhau với phụ nữ, ô nhục lắm. Mu rùa vì thế dính đủ thứ đất mùn lá mục, không biết do quyền năng của thần thánh hay do quanh năm suốt tháng đào dũi kiếm dế kiếm giun mà nom bẩn tưởi quá chừng. 
Lão nhốt lũ Rùa Mốc trong những ô chuồng xây bằng gạch cốm, vứt cả cái bắp cải vài cân cũng chỉ một buổi chúng gặm hết. Lần nào trúng đề lão cũng cố kiếm vốc tôm bóc vỏ thả vào máng, món tiền lão trúng chẳng to tát gì nhưng lão không quên lộc bất tận hưởng. Những con Rùa Mốc nom bề ngoài rất xấu xí nhưng nết ăn lại sang. Tôm tươi bóc vỏ với lá bắp cải nõn nòn non, con nào con nấy lim dim chậm rải như muốn được hưởng đến tận cùng hương vị, có lúc chúng lại đứng hẳn trên bốn chân đi lại như kiểu người dự tiệc Buypphê.
Danh sách hội bợm đề kiêm bợm nhậu không thể có tên lão đánh dậm vì mắt lão bị toét. Tay lão rất không vệ sinh. Vừa quệt ngang đôi mi hem hép lại thò vào bốc đĩa thức nhắm thì bố ai còn dám chung mâm với lão. Mà thói đời, lúc rượu đã ngà ngà mấy ai còn dùng đũa. Nhón cái chân rùa cuộn cái lá mơ thục vào bát mắm tôm, tay kia cầm cái nõm củ sả gõ vào không khí, phong độ bợm tăng thêm mấy phần. Cứ vậy, cuộc nhậu nào cũng năm quân phối hợp đưa cái chất cay bất hủ, nâng hồn lên chín tầng trời.
Không ai cùng nhậu mà cũng không ai cùng chơi với lão. Đôi mắt viêm bờ mi mãn tính ấy có thể lây qua đường không khí nên người ta còn ngại cả đứng gần. Nhưng không sao, lão cứ một mình một khoảnh trời, tự nhiên tự tại, đánh dậm trồng bắp cải, nuôi thằng con đại học và bầy Rùa Mốc.
Bầy rùa của lão không được bất cứ một ai, dù chỉ là cái anh chuyên quẩy đôi thùng đi gắp phân chó về bón thuốc lào, quan tâm. Truyền thuyết ngàn đời thấm sâu bao tầng trí nhớ, ngày xửa ngày xưa, khi quân Ngô cởi truồng đánh nhau với nữ binh Bà Triệu, vị thần ngồi ghế vị tiền của Thiên cung được Thổ địa núi Nưa lên báo cáo rằng có rất nhiều hồn ma mới lìa khỏi xác. Ông thần vị tiền này vội tâu lên Ngọc Hoàng đúng lúc bầy tiên nữ đang nhảy múa hát ca nên Ngài chỉ nghiêng đầu ra một cái lệnh vắn tắt là hóa kiếp. Các quan nhà trời truyền nguyên xi cái lệnh ấy xuống nhưng khi thực thi thì thấy có rất nhiều xác nam nhân cởi truồng nằm bên xác nữ nhân. Kẻ bị giáo đâm, người bị tên bắn, có những nam nhân cầm ngược cây giáo tự đâm vào ngực mình, nom rất thương tâm. Động lòng, các ngài cho đàn bà con gái chết trẻ hóa thành tiên nữ còn bọn nam nhân dù đã đâm giáo tự sát nhưng trần truồng thô bỉ phải biến thành giống rùa rụt cổ. Đưa đón phần hồn xong đến táng cất phần xác, các ngài nhờ thần mưa phun nước tắm rửa một hồi rồi lại nhờ thần sét một nhát xong ngay cái huyệt. Nước mưa đẩy tất cả xác chết xuống cái huyệt ấy, thủy táng. Có điều, Thổ địa núi Nưa quá ưa sự công bằng nên rất không đồng tình với cái tội lính Ngô chưa được nhà trời lượng hình về cái thói cướp nước nên lại lập cập lên trời. Các tiên nữ đang quấn quýt cao trào, ông trời lại ra một cái lệnh rất chi là thoáng. Theo lệnh ấy, Thổ địa núi Nưa được toàn quyền xử lý nhưng quyền năng của ngài chỉ có thể bắt những con rùa chịu thêm cái mu mốc meo xấu xí chứ có muốn hóa chúng thành con bọ hung hay một loài gì suốt đời phải chui rúc đống phân cũng chẳng được. Sau này, huyệt thiêng được mưa gió lấp đầy biến thành Bàu Huyết mênh mang kỳ bí, đám bợm mấy đời không ai dám tới gần hồn cốt chiến binh. Chỉ có lão đánh dậm bí tiền nuôi con đại học đã liều mạng vào đây.
Chuyện còn kể rằng lũ rùa mốc đã nhiều lần tìm ra sông ra biển mong lần về phương bắc nhưng không thành. Núi cao vực sâu làm chúng chết khá nhiều, số còn lại bị vua Thủy Tề sai Hà Bá chặn đánh tơi bời. Năm nào cũng có trận chiến đẫm máu xảy ra, máu rùa màu đen, máu Hà Bá màu đỏ, hai màu thấm xuống nhuộm đen nhuộm đỏ đất Nưa Sơn. Chả biết chuyện truyện truyền mồm sai đúng đến đâu nhưng ngày nay, ai đến nơi này đều thấy đất núi Nưa có hai màu đen đỏ. 
Còn đám bợm thì sao? Cứ tưởng lão mang cái lũ vẫn bị người đời coi là kiếp sau của bọn lính Ngô về làng thì hội của chúng sẽ bị vỡ. Thực ra họ có bị nhưng chỉ vỡ ra làm đôi. Một nửa luôn khẳng định bốn cái chân Rùa Mốc lêu đêu với cái mai sùm sụp nom dị chủng dị loài thế kia đích thị mang hồn ma ăn cướp, bọn ấy thì chẳng bao giờ sớt cho anh em mình một mũ nào đâu. Nửa kia nguýt dài, đã qua thế kỷ hai mươi mốt mà đầu óc u mê như thế thì chỉ có nước… ăn cơm chấm muối vừng.
Riêng thằng con ông đánh dậm học nhiều biết rộng nên động viên bố cứ chịu khó quơ dặm trồng bắp cải. Sẽ có nơi cần đến những con Rùa Mốc bố đang nuôi. Nó còn mở những cái đĩa cho lão đánh dậm xem rất nhiều công viên nuôi Rùa Mốc mà toàn là những công viên hạng sang, người lớn dắt trẻ con tóc xoăn mũi dọc dừa ríu rít như thiên thần dạo chơi trên mặt đất. Lão đánh dậm sướng tít mù khơi, bao năm bì bõm kiếm tiền nuôi con ăn học nay nó biết chỉ đường vạch lối, lão cứ thế mà theo.
Thực ra, chưa bao giờ lão đánh đồng cá mè một lứa đám lính Ngô chết trận. Trong ý nghĩ, lão vẫn trân trọng những kẻ tự trở giáo đâm vào mình. Nam nhi đại trượng phu. Đã từng oai hùng trên lưng ngựa chinh đông chinh tây, mà nay phải cởi truồng hòng dành ưu thế trước những cô gái chỉ quen canh cửi thì cái cách trở giáo tự đâm vào ngực đáng ghi nhận lắm chứ. Họ cũng biết bắt chước các võ sĩ Samurai bên xứ Anh Đào tự mổ bụng bảo toàn sỹ khí đó thôi. Dù ông trời đã biến tất cả bọn họ thành lũ rùa rụt cổ nhưng công minh mà xét, trong đám rùa ấy cũng có những con kiếp trước chẳng đến nỗi nào!

***
Lái buôn Trung quốc đã lần đến đặt vấn đề mua Rùa Mốc của lão đánh dậm. Đỉa họ còn mua nữa là con Rùa Mốc cùng giống cùng nòi với thần Kim Quy. Đợt ấy lão đánh dậm đếm tiền mệt nghỉ còn đám bợm đề bợm nhậu lại được dịp oang oang kể về ngày xửa ngày xưa An Dương Vương xin Kim Quy được mỗi cái móng chân làm lẩy nỏ mà giữ thành Cổ Loa được bao nhiêu năm.
Trên trời dưới bể, chuyện cứ ran ran trên chiếu rượu. Có điều, quá lu bu nhậu nhẹt các bợm đã để bầy rùa tai đỏ lần ra đồng lúa đồng ngô đua thói phàm ăn với lũ ốc bưu vàng.
                                                                   Hà Nội - 21/12/2014