Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

CẢM NHẬN

CẢM NHẬN
Về tập thơ “Hát với vầng trăng khuyết” của Nguyễn Ngọc Minh.

Hát với vầng trăng khuyết*
Dịu dàng mà tha thiết
Thẳm sâu da diết trong lòng.

Từ xứ Thanh đến Định Công
Tuổi trẻ thành ông
Qua chiến tranh tận cùng ác liệt**.

Nay bình dị đời thường
Phút giây tĩnh lặng
Vui buồn vấn vương.

Khắc tâm công đức sinh thành
Yêu thương vợ con rất mực
Anh chị em huyết hồng trong ký ức.

Bạn bè tri kỷ tri âm
Nước biếc, non xanh, phong nguyệt hữu tình
Dạt dào đạo lý nhân sinh.

Bao kỷ niệm
Bao cảm rung
Ấp ủ trong lòng những nét đẹp như tranh.

Vầng trăng đã khuyết
Vẫn ánh lung linh
Với nghĩa, với tình
Càng sáng.

Một hồn thơ nhạy cảm, nhân văn.
23/3/2016
Văn Hạnh
---------- 
                * Tên tập thơ
              ** Dựa theo ý của tác giả 

PHÍA SAU NGƯỜI LÍNH
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh



Bà Tuận đi nhà thờ từ nhỏ, lớn lên vào công nhân quốc phòng. Sống tập thể, năm nào đến ngày sinh nhật của bố mẹ bà cũng lầm rầm đọc mấy lớp kinh, cầu nguyện cho linh hồn các cụ được an bằng bên Chúa. Trong tâm thức của bà, kỷ niệm sinh nhật là hướng đến tương lai, hoàn toàn khác bên đời, cúng giỗ là điểm lại quá khứ.
Ông Tuận chồng bà vẫn giữ nếp quê nhà, ngày giỗ ông bà bố mẹ, ông thửa rượu hoa trầu quả thắp hương khấn vái. Từ ngày kinh tế khấm khá, ông sai bà làm mâm cỗ mặn, năm nào kiệt lắm thì cũng phải có đĩa xôi hoa cau với con gà luộc, lớp lang cúng bái đầy đủ như sách thọ mai gia lễ. Bà Tuận vẫn làm mọi việc theo yêu cầu của chồng nhưng đến ngày giỗ bố mẹ mình, bà nhất định không đồng ý cúng giỗ. Theo bà, cỗ bàn toàn các món mặn tạp nơi cát bụi trần ai, có gì hay mà phải vái lạy khấn mời bố mẹ vốn là những con chiên ngoan đạo đã được về miền cực lạc bên Chúa!
Mọi năm ông Tuận vẫn mặc kệ bà, nhưng năm nay ngày giỗ ông nội theo lịch âm và ngày sinh nhật bà ngoại theo lịch dương lại trùng nhau nên câu chuyện trở nên căng thẳng. Ông diễu cợt: chẳng cúng được đĩa xôi cho mẹ lại bắt nghe suông mấy lớp kinh, bà cự lại: đời có triết lý của đời, đạo có triết lý của đạo, ông đừng cả vú lấp miệng em mà xúc phạm tín ngưỡng của tôi.
Thực ra, dịp này ông muốn ra mắt hàng phố. Giỗ ông nội là dịp tốt để mời bà con chén rượu kết tình láng giềng mà tính ông đã mời là phải có dăm mâm đàng hoàng, mẹ con cứ mải mê vào kinh với sách thì ai làm mấy mâm cỗ cho ông.
Chẳng nói được vợ, ông bực mình xách túi ra cổng đón xe về nội. Còn bao nhiêu việc phải làm, nào là xin trưởng tộc cho tách chi rồi lên chùa xin sư cụ lá sớ, lên mộ tổ xin năm cái chân hương về làm cốt cho bát hương, hơi đầu mà lời đi lời lại với cái bà hoi động một tí đã Giêsu ma…
Vợ chồng ông mới chuyển từ vùng biển lên. Ngôi nhà hai ông bà đang ở là nhà mới mua, còn chưa làm lễ nhập trạch. Ông bà tuyên bố, nhà này mua cho anh Thanh. Đó là người con trai lớn của ông bà, Thanh mới tốt nghiệp Học viện Biên phòng nay đang  công tác trên biên giới. Người chính danh hành lễ nhập trạch phải là anh Thanh, nhưng không biết anh bận việc gì mà chưa về được. Ông Tuận quyết định năm nay ông thay con làm lễ vì không hộ hành con sao xứng là bố bộ đội. Còn bà Tuận, sợ nhắc nhiều con nóng ruột nên chẳng dám buông thành lời, trong lòng chỉ ước ao có dịp sẽ kể cho con nghe việc ông bắt cúng giỗ như bên đời và nỗi lo phạm phép nhà thờ.
Thà mắng mỏ còn hơn ông cứ lặng lẽ mà đi, bà tủi thân ngồi khóc một mình. Ngôi nhà rộng thênh vốn đã hiếm tiếng người lúc này lại càng trở nên lạnh lẽo. Nỗi vắng vẻ làm bà Tuận bã bời gan ruột, tầm non trưa thì bà sợ nên đạp xe định đi ra chợ cho khuây. Khi ngang qua bưu điện, cô nhân viên gọi bà lại buôn chuyện hôm qua con bé cháu ngoại bà được mẹ nó đưa sang gửi trông hộ đi đâu một tí, nó nói rằng nó chỉ mong bác Thanh nó về để đưa đi chơi. từ bao giờ mà ứ thấy bác về, còn ngọng líu mà tuyên bố xanh rờn bác cháu mà lấy vợ cháu sẽ có chị bé... Nhà cô ở bên cạnh nhà con gái bà, dạo ông bà chưa lên đây Thành vẫn hay đưa con bé sang gửi nên nói chuyện với bà rất thoải mái tự nhiên. Nẫy giờ có mấy phút mà cô khen bức ảnh anh Thanh mặc lễ phục vừa đẹp vừa oai mấy lần làm bà Tuận sướng quá cứ cười theo. Vừa cười với cô nhân viên bưu điện đấy bà Tuận đã lại thẩn thờ nhìn về phía núi xa mờ, hình dung con trai đang đi tuần cùng đồng đội trên đỉnh núi mù sương. Hình như đã hết cách làm cho bà Tuận khuây khỏa, cô nhân viên đề xuất đánh hộ bức điện xin cấp trên cho Thanh về.
Về đến nhà bà Tuận mới hỡi ôi, mình có ốm đau gì đâu mà nói dối con là ốm nặng. Nhớ lại từng chữ trong bức điện “Mẹ ốm nặng, về ngay”, bà giận mình đã quên lời hứa cố gắng giữ gìn sức khỏe. Đạp xe ra xin lại nhưng bức điện phát đi rồi, cô nhân viên còn an ủi: chắc thủ trưởng sẽ cho anh Thanh về thôi, mẹ ạ. 
Càng nghĩ bà Tuận càng hoảng. Nhìn tượng Giê su chịu nạn trên giá mà bà ân hận, lời Cha răn dối trá là hành vi của quỷ Giu Đa được nghe giảng từ ngày mới theo người lớn vào nhà thờ mà sao hôm nay mây đen làm bà u tối, tiếng xe chạy ngoài đường không át được tiếng lầm bầm, day dứt: tội lỗi quá, tội lỗi quá. Nỗi khát khao được giãi bày lên Cha, được nghe lời khuyên của người thay mặt Đức chúa lòng lành như liều thuốc an thần cho cái đầu sắp bị nổ tung đã xui khiến bà vội vàng khóa cửa khóa cổng ra đường đón xe về xóm đạo.


***

Quê bà Tuận là vùng đạo toàn tòng, làng nào cũng có nhà thờ và Ban trị sự, các thế hệ giáo dân chung tay xây dựng một nền nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất chỉn chu. Mấy năm nay con chiên xóm đạo và con cháu ở nước ngoài thành tâm công đức, ngôi nhà của Chúa được tu bổ đẹp đẽ, khang trang.
Cha chiều lòng bà Tuận đường xa, dừng việc lại để nghe. Giọng Cha du dương: vì nông nổi mà con đã làm con trai và đồng đội phải bận lòng. Chúa lòng lành sẽ tha thứ cho con. Chúa luôn ở trong con nếu lòng con đủ sáng trong để không rời xa Chúa. 
Việc xin mấy lớp kinh cha cũng sẵn sàng. Cha còn vui vẻ khuyên ráng chờ đến tối thứ bảy này nhân lễ Sam Bát, bà con sẽ cùng cầu nguyện cho linh hồn cụ được an bằng bên Chúa!
Rời xóm đạo đi công nhân quốc phòng rồi theo chồng về ở vùng biển đảo mấy chục năm, hôm nay bà mới có dịp quẩn quanh dưới chân Chúa, nơi bà được chăn dắt thuở ấu thơ. Những ông bà ngày xưa trong dàn đồng ca gặp lại tay bắt mặt mừng, họ nhắc về những phút giây trang nghiêm, tất cả cùng quỳ trước tượng Giê su, cùng cất tiếng amen âm vang dưới những mái vòm.

***
Từ ngày con gái tên là Thành theo chồng về phố, hai vợ chồng ông Tuận vẫn ở ngôi nhà giữa những đảo thông bên bờ biển. Thứ bảy tuần nào bà cũng một mình một mủng chèo vào nhà thờ trong Đảo Lớn, đã có lần bị gió đánh dạt sang bờ bên kia nhưng đến thứ bẩy tuần sau bà vẫn đi. Ông lo sóng gió thất thường đã thửa cho bà một góc đọc kinh tại nhà nhưng bà vẫn muốn hòa cùng mọi người nghe lời Cha giảng.
Dự án du lịch ôm trọn vùng biển đảo với cả những đồi cây của nhà ông, đất và cây được đền bù một số tiền đủ cho hai người sống đến hết đời. Vậy mà hai ông bà lại sinh lắm chuyện. Ông muốn về quê nội cho gần chùa gần họ tộc, mua đất làm nhà mua cả đất xây khu lăng mộ, rước đủ trên dưới chín đời về nghĩa địa gia đình xum vầy bên nhau. Bà lại đòi về quê ngoại để được gần nhà thờ, gần các bạn cùng dàn đồng ca từ ngày còn là thiếu nữ, ý kiến nào của người này cũng bị người kia phủ nhận, duy mỗi việc dành cho vợ chồng cô con gái một khoản tiền mua ngôi nhà trên thị xã là hai ông bà không cãi nhau.  
Nhận được điện của bố, vợ chồng Kiên Thành bế con về. Vừa bước khỏi lợi cát trước nhà, Thành đã bốp chốp: mẹ chỉ loay hoay với những đức tin huyền bí, việc lớn thế này mẹ phải nghe theo bố chứ! Mà bố thì suốt ngày chỉ lo mồ với mả, sao không lo cho hai cái thân già…
Ông Tuận nhìn con: có bao nhiêu chín chắn thằng anh nó giữ hết mất rồi. Kiên nhận ngay ra thái độ bố vợ nên xui con gái ra xin ngoại cái càng cua rồi ghé vào tai vợ: bố mà bực lên thì đi đứt. Thành hỏi bây giờ phải làm thế nào nhưng Kiên chỉ còn biết sắm nắm lấy bia lấy tương ớt. Ngại bố nên Kiên nịnh mẹ chọn cua sành thật đấy, con nào cũng chắc nịch, hôm nào mẹ dạy nhà con cách hấp mà húp nước vừa thơm vừa ngọt thế này mẹ nhé. Ông Tuận vẫn chẳng nói gì, Kiên bí quá phải quay sang bình phẩm món tương ớt. Cua này phải đi với tương ớt chính tay mẹ làm mới hợp, ngọt ngọt chua chua lại thoảng mùi xoài, thế này thì chỉ cần tám cái cẳng cũng đánh gục lon bia Hà Nội…  
Không biết Kiên sẽ lấy gì mà tán tiếp nếu ông Tuận không e hèm: hai đứa tìm mua một căn nhà vừa ý, hết bao nhiêu ông sẽ chuyển trả qua ngân hàng khỏi phải mang tiền mặt đi đường cách rách. Hình như việc cho con một khoản tiền dù lớn đến mấy ông cũng cho là không quan trọng nên quay sang nhắc bà Tuận mua thêm mấy xâu cua cho Kiên xách về "để lũ chúng nó rả rích với nhau". Chúng nó đây là lũ bạn của Kiên, lần nào về thăm ông bà vừa cặp lợi nước đã oang oang vòi ăn. Ông cười, uống bia Hà Nội với cua hấp sả được không thì cả bọn vừa bố già muôn năm vừa lỉnh kỉnh ôm xách những thùng những túi, có đợt chúng nó mang quà thành phố về biếu ông bà dùng hàng tháng chưa hết.
Tính ông Tuận, ăn uống là phải thật no thật say. Ai chưa say ông xùy cho một cái: chỉ phí công mẹ chúng mày pha nước chấm, còn ai chưa no thì ông bắt húp liền ba tô cháo ngán. Ông bảo cháo ngán rất bổ, ăn vào cho lợi sức mà công tác. Cả lũ răm rắp nghe ông đến nhẵn mâm mới đứng dậy.
Kiên có ý đưa bố mẹ vợ lên thành phố nhưng hôm nay vợ anh trót dại mồm, anh ngại chưa dám nói. Về Thị xã, anh mời các bạn tới, mấy anh em bàn bạc ngôi nhà phải tọa lạc nơi có nhiều cây cối, phải có hồ nước phía trước với con mương hay đại loại một dòng chảy phía bên trái thuận chiều kim đồng hồ với hướng nhà cho hợp phong thủy. Vừa may khu đô thị ngoại vi đang mở bán, Kiên đặt tiền giữ lốt một căn biệt thự rồi đi đảo Tuần, tính vận động các cụ.
Đã có một anh bạn đi hộ lời mà Kiên vẫn hồi hộp như lần đầu về đảo Tuần ra mắt. Thành ở nhà lại càng lo, bố dạo này khác tính nên khi có điện thoại Kiên báo mới đạt yêu cầu năm mươi phần trăm, nỗi lo của cô càng tăng. Chiều hôm sau, khi cả hội xúm quanh rổ ốc nhẩy bà Tuận gửi lên, Kiên mới giải thích năm mươi phần trăm là uống mới hết nửa số bia chứ vấn đề ông bà được gần con cháu làm gì phải nói nhiều. Chém gió thế thôi chứ hôm ấy dồi dắng đến lon thứ tư thứ năm gì đấy hai anh em mới mở được lời, lúc đầu ngúc ngắc nhưng đến khoảng lon thứ mười thì câu chuyện trở nên khó phanh. Khi ông Tuận hỏi cháu có ngoan không, Kiên thưa hôm ở đây về con bé bị dị ứng cặp nhiệt sốt đến ba bảy độ một, ông Tuận chẳng quan tâm ba bảy độ một là bao nhiêu, nghe cháu bị sốt là ông quát om cái con Thành đoảng quá, xe máy lạnh mà không quàng khăn giữ cổ cho nó. Ông xót xa về nỗi cháu ông còn bé mà mỗi lần về ngoại phải chịu cảnh đường xa biển trời sông nước thì anh bạn gợi chuyện: bác Thanh nhà mình từ biên giới về phải qua bao nhiêu là núi rừng, gần đến nhà còn phải vượt sóng vượt gió, mà biển khơi có phải lúc nào cũng yên ả đâu với câu bình luận người lính thời nào cũng khổ. Ông Tuận lặng đi. Đã qua mấy cuộc chiến, ông dễ dàng hình dung khi biên giới có động, giọt máu đầu tiên rơi xuống là máu của các anh bộ đội biên phòng như con trai ông. Biết bố đang xót cháu thương con, Kiên ghé tai chi bằng bố mẹ lên phố, bác Thanh đi phép được ngắn thêm quãng đường mà các cháu chạy sang ông bà cũng chỉ mất một đoạn phố!  
Không biết ông Tuận đã ừ lúc nào mà anh con rể cứ mở bia pùm pụp chúc mừng sự sáng suốt của bố vợ.

***


Khi ông thầy làm lễ nhập trạch đã ra về, bà mới kể với ông về những ngày mình về xóm đạo. Tôi sáng ra rồi ông ạ, cúng giỗ ông bà cha mẹ là phong tục của người Việt chứ đâu phải của riêng ai mà tôi cứ hơn thua với ông. Thôi, những gì ông phiền lòng bấy nay, ông bỏ qua cho tôi nhé!
Ông Tuận nghe đấy nhưng trong bụng vẫn cho rằng nhờ lá bùa trấn nghịch ông thầy vừa yểm, bà vợ ông mới thay đổi tính nết. Còn bà vẫn say sưa chuyện xóm đạo: dưới ngoại bây giờ nhiều nhà đã sắp ban thờ thắp hương như bên đời, chuyện cúng giỗ cha mẹ là sự tùy tâm, không ai ép buộc ai nên mọi người vui vẻ, cuộc sống ấm cúng lắm ông ạ.
Khi bà xin đến hôm giỗ ông nội, ông cho mẹ con chúng tôi đọc cho bà ngoại mấy lớp kinh, ông Tuận không ừ cũng không phản đối, bà cười mà hai giọt nước mắt lăn trên gò má.
Trong bếp, Thành và cô nhân viên bưu điện rúc rích nháy nhau mỗi khi hai ông bà ngóng ra đường ô tô, chắc các cụ hy vọng chuyến xe muộn sẽ dừng và anh Thanh bước xuống.
Hà Nội- 20/10/2016