Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Lão mù

Cây cầu mới bắc ngang sông.
Người qua cầu mấy ai không nhìn vòm si lá đỏ bồng bềnh cùng màu tím của vạt hoa cứt lợn bên lợi nước đục ngầu. Trong gốc cội xù xì dưới vòm lá cây si ấy có một túp lều và một ông lão mù sống bằng nghề câu. 
Lão đã ngoài bẩy mươi. Hơn năm mươi năm trước lão đã quay lại đây sống bằng nghề chở đò ngang nhưng trước nữa, bến đò và gốc si còn ghi dấu một kỷ niệm đau buồn đè lên cuộc đời của lão.


***

Giêng hai, cây si biết làm trẻ lại mình bằng lớp lá mới thay. Từ mụn vẩy trên thân già buông xuống lợi nước những sợi rễ để bắt đầu một cuộc sinh sôi. Đầu rễ bấy bớt tươi hồng bám vào mặt đất, cứng cáp dần rồi lớn thành thân mộc thay cho những gốc già ruỗng mục. Cái vòm giữa các gốc si cứ rộng dần rộng cho ông lão dựng một túp lều, đêm đêm lão thức với tiếng nhị hồ nghẹn ngào, tha thiết.
Không biết có còn ai nhớ cái tên Kiệt của lão. Lão là đứa trẻ mồ côi được ông bà Hào Tâm đưa về nuôi dạy cắt cỏ chăn trâu cho đến khi bị bắt vào lính dõng. Cuộc đời lão đang xuôi như dòng nước dưới sông kia bỗng bị lật ngược như ngọn măng gặp bão kể từ buổi sáng đội lính dõng đuổi bắt người điệp báo Việt minh. Tên thiếu úy chỉ huy hô lính phóng hỏa khu nhà rồi lùng sục suốt đêm rồi trói ông bà và ba người con trai vào gốc cau, tra hỏi. Trong đội lính dõng ấy có Kiệt đứng khuất bên chuồng trâu nghe tiếng súng bắn từng người mà khẩu súng trong tay anh vẫn hoàn toàn im tiếng. Suốt mấy chục năm, đến bây giờ Kiệt đã là lão mù mà vẫn phải hình dung phút giây từng người gục xuống. 
Nhà ông Hào Tâm còn lại duy nhất cô con gái út tên là Tầm. Tiếng gào “chạy đi” của ông là sự đánh đổi tính mạng của người cha cho hy vọng sống sót của đứa con gái tật nguyền. Đêm ấy, Kiệt bỏ ngũ trốn đi tìm Tầm nhưng mới đến được bến đò thì gặp lính. Anh bị bắt lại rồi bị tống lên Hòa Bình cùng đêm đông hun hút gió miền tây xoáy vào nỗi ân hận.
Ngày Pháp dồn về Hải Phòng, Kiệt đã lần về làng. Biết đi đâu nếu không về cái nơi mình đã sinh ra nhưng quá khứ lính dõng đã đẩy Kiệt ra nơi bến đò quạnh vắng. Người chèo đò vốn là dân tản cư nay trở về quê cũ nhượng lại cho Kiệt đưa khách qua sông. Lặn ngụp dưới dòng nước đục ngầu tanh tưởi mắt Kiệt đã bị mù nhưng anh cứ tự cho là ông trời bắt phải mù để gánh cái tội đứng cùng đội ngũ những kẻ theo giặc hại ông bà Hào Tâm và những người con.
Cho đến bây giờ lão vẫn chưa rõ buổi sáng ấy Tầm đã chạy thoát bằng cách nào. Năm mươi năm trôi qua, nếu còn sống thì nay Tầm đã qua tuổi sáu mươi, lão triền miên những ân hận và bao giờ cũng mong được gặp lại để nói một câu: tay lão chưa hề bóp cò khẩu súng.
Ông bà Hào Tâm có ba người con trai, Kiệt xếp thứ tư làm anh cô Tầm. Họ đã cùng cha mẹ khai phá những cánh bãi dọc triền sông mà xây nên cơ ngơi nhà ngói cây mít với bầy trâu hàng chục con. Ông Hào Tâm mời thầy ở hẳn trong nhà để dạy các con học chữ. Kiệt cũng được học buổi tối công việc chăm đàn trâu mất rất nhiều thời gian, những bài thiếu anh vẫn học thêm ở Tầm. Mang cơm trưa cho Kiệt, Tầm vẫn đòi anh bện rễ si thành chiếc võng cho cô ngồi lên đưa thật bổng. Một bận, không may cái võng bị tuột ném Tầm bay xuống sông gẫy một bên chân. Thầy thuốc chữa cái chân ấy đã để lại di chứng đi cà nhắc. Thật tội nghiệp, cô gái có một bên chân cà nhắc đã phải làm cuộc trốn chạy hơn năm mươi năm không biết sống chết ở nơi nào.
Tiếng bước chân của Tầm in rất đậm trong trí nhớ của Kiệt. Bây giờ đã mù, nỗi nhớ ấy càng chất chồng lên ký ức. Nhưng chiều nay có điều gì rất lạ. Tiếng phanh ô tô, tiếng sập cửa xe, tiếng đàn bà hỏi ai đó về bến đò cây si và tiếng chân thậm thịch bước không đều đi xuống một đoạn dốc. Lão mù thảng thốt đợi chờ nhưng tiếng cửa xe đã ập lại rồi chạy đi. Lão ngẩn ngơ trong mái lều bất giác với cây nhị vuốt những ngón tay kéo một đoạn Bèo dạt mây trôi mà không biết mình đang làm gì. Có một cái gì đó đang chuyển động. Đôi mắt mù không cho lão quan sát mọi vật theo cách thông thường nên lòng lão càng thêm thấp thỏm. 
Ánh chiều đã treo trên vòm si lá đỏ, xe vẫn vùn vụt qua cầu. Mùi hăng chát của hoa cứt lợn trộn mùi xăng cháy quen thuộc bây giờ hình như đã thêm một mùi gì thoảng bay trong gió.  
Bọn trẻ chăn trâu chiều nào cũng nhảy ào qua những đám cỏ tranh đem cho lão những con nhái con giun làm mồi câu. Chúng thích nghe lão kéo nhị nhưng chiều nay lão đâu còn lòng dạ. Đoạn quan họ bèo dạt mây trôi chỉ là tiếng của nỗi lòng vô vọng quá đấy thôi. Mấy cô giáo trường tiểu học bên kia đường dận guốc lọc cọc theo lối dốc xuống mua cá. Chiều nay lão bắt cá trong cái khoang thuyền quen thuộc mà lại để tuột tay cho cá nhảy tọt xuống sông. Tâm thần càng bất định, lão ngồi thừ trong lều nghe tiếng gió cho đến khi thằng con ông Hàng dê núi ra hái lá si. Chiều nào nó cũng ra hái lá si cho khách ăn hàng rồi kể đủ thứ chuyện. Hôm nay nó khoe bố đã bán mấy gốc sung, gốc khế cho người ngoài phố về làm bon sai. Mà sao dạo này có nhiều người đến ăn thịt dê thế không biết. Những câu chuyện không đầu không cuối làm lão linh tính một cái gì đó đang chuyển động trên quê hương lão nhưng là gì thì lão không thể nghĩ ra. Trời chiều se lạnh, lão với cây nhị đãi người bạn vong niên một bài quan họ, cá đi ăn giấc đầu hôm đã um ủm bên lợi nước mà lão cứ thả hồn với tiếng nhị về phương nào xa lắm. Lưng lão gò lại, đầu gối nhô lên, cánh tay lão cung những vòng lượn cùng khúc dân ca dập dìu. Tiếng nhị loang trên mặt sông quyện cùng sương chiều trộn vào làn gió cứ hu lên qua cái bọng sáo ngang thân si già. Đãi người mà lòng lão hồ như rỉ máu, làn quan họ sao khắc khoải, hoài mong.
Thằng con ông Hàng dê núi kêu sao đã sang tháng ba mà si chưa ra lộc. Lão giật mình, tháng ba si phải ra lộc để tháng năm còn xòe cái vòm đỏ mà đón gió nồm nam chứ! Trong lòng lão vẫn sống động một tháng Năm của Tầm, hôm ấy cô bắt anh thay bộ quần áo mới rồi hai người ngồi trên cái võng bện bằng những chùm rễ si. Cô vòng tay ôm Kiệt bảo anh đừng lo đừng sợ nữa, chân em cũng đã liền lại rồi, bố không la mắng không đuổi anh đi đâu. Anh có biết bố bắt anh học chữ vì bố có ý định lớn lên em sẽ làm vợ anh không. Lời con trẻ hồn nhiên trong trắng đã khắc sâu vào trái tim Kiệt. Nhưng định mệnh đổi thay khi lão bị bắt vào lính dõng, lão day dứt vì sao mình không trốn trước đi để tránh cuộc săn lùng định mệnh. Tại sao không nổ súng vào tên thiếu úy mà cứ run rẩy nghe nó lần lượt bắn chết bà Hào Tâm, bắn chết ba người anh và bắn chết người cha thân yêu của Tầm.
Lão giật mình mà vẫn ngồi, mọi hôm giờ này lão đã sửa soạn bàn câu với cái dỏ mồi rồi chèo thuyền tìm nơi dăng thả nhưng hôm nay lão cứ thẫn thờ ngồi nghe tiếng cá mà bỏ bê việc kiếm ăn. Mấy chục năm nay, điều duy nhất lão làm được là lập bàn thờ cúng giỗ hàng năm. Nếu ai vào trong túp lều của lão sẽ thấy nơi trang trọng nhất là nơi kê cái bàn, bên trên lão đặt ba hàng bát hương, bát thờ ông bà Hào Tâm đặt cùng hàng với bát hương thờ cha mẹ lão. Bao nhiêu nước đã trôi qua cầu mà nỗi ân hận cứ đầy vun trên mỗi bát hương như nỗi lòng chất chồng của lão.
Ao ước được gặp Tầm để chỉ nói một câu "Tôi chưa hề bóp cò khẩu súng..." liệu có còn hy vọng?

***

Bà Tâm Huyền Việt kiều Pháp đã xin được giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả ngay tại quê mình. Hôm ấy, từ trong mái lều dưới gốc si lão mù đã nghe tiếng phanh xe, tiếng bước chân dò dẫm xuống con dốc vệ đường. Một giọng phụ nữ khàn hơi đớt nhưng lão vẫn nhận ra sự quen thân từ bước chân không đều. Phản xạ của lão là với cây nhị trên vách, bàn tay khô khẳng vuốt những mây trôi trăng đã ngả ngang đầu… Vẫn dây tơ ấy mã vĩ ấy mà hôm nay nhị hồ nghẹn ngào như than như khóc thương nhớ không nguôi…
Tiếng nhị kéo bà Tâm Huyền bước nhanh hơn. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã có vết nhăn. Năm mươi năm mới lại được về với gốc si lá đỏ năm nào, với anh Kiệt của bà, anh Kiệt ngày xưa bố đã ngầm chọn làm con rể…
- Anh Kiệt!
Cái nhị rơi xuống, lão mù vấp phải bạnh si khi nhào về phía trước:
- Tầm đấy phải không em?
- Vâng, em đây, anh Kiệt ơi!
Bà Tâm Huyền chính là cô Tầm con gái út ông Hào Tâm, người đã từng thơ ngây hẹn ước với Kiệt dưới gốc si này. Họ nghẹn ngào, run rẩy. Tiếng khóc lặng lẽ của hai trái tim già nua qua bao cơ cực đã gọi về cái buổi sáng đau thương Kiệt đẩy Tầm qua bụi cúc tần rồi xua đàn trâu ra đánh lừa bọn dõng.
Lão mù dìu bà Tâm Huyền ngồi lên chiếc võng rễ si nay đã cắm sâu vào đất. Rồi như sợ không kịp, lão nói ngay cái điều chôn chặt trong lòng:
- Anh cố sống vì chưa nói được với em…
Lão nghẹn lại. Bà Tâm Huyền càng không cầm được nước mắt:
- Anh Kiệt đừng buồn chi chuyện cũ. Em đã gặp người cùng đi càn với anh trong đội lính dõng hôm đó…
Ông lão mù thở ra một hơi rất dài. Nỗi ân hận đè trĩu cuộc đời lão hôm nay đã vơi nhẹ được một chút. Hai người, một nhếch nhác mù lòa một nền nã trong bộ bà ba màu gụ, cùng ngồi cùng kể cho nhau... 
HN- 2006

Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Biển rừng phố thị


          Chú Tam cam đoan với tôi đến Long Biên sẽ mời được anh bộ đội đeo quân hàm xanh đang chạy theo chiếc xe khách dưới đường kia lên xe mình đi cùng. Thấy bác cả có vẻ chưa tin, chú giải thích:
- Có ba đặc điểm để nhận biết các anh bộ đội lên vùng sâu vùng xa. Thứ nhất, ba lô nặng chứng tỏ về phép mang nhiều quà lên cho những người chưa được về. Thứ hai, không phải khách quen tài xế mới bắt chạy theo như thế và thứ ba, bước chân nhấc rất cao vì thường phải đi trên núi đá!
Bác cả nghe vậy biết vậy, chẳng nói gì.
Ba anh em tôi: bác cả bộ đội giải phóng Điện Biên, tôi bộ đội giải phóng miền Nam còn chú Tam sinh sau năm 1975 đang làm nghề kinh doanh bất động sản. Đợt này chú nghỉ mấy ngày lái xe đưa bác đi thăm chiến trường xưa. Mấy năm nay chú cứ áy náy anh mình mang danh chiến sĩ Điện Biên mà chưa biết Nà Ngần, Phai Khắt ở đâu nên giục tôi khẩn trương tổ chức đi một chuyến.
Đến vòng xuyến Long Biên, tôi còn chưa nhìn ra ai với ai thì chú Tam đã dừng xe, mở cửa:
- Đồng chí trung úy ơi, có đi Lạng Sơn lên xe đi cùng cho vui!
Anh bộ đội biên phòng mừng quá:
- Ôi, anh giúp cho thì còn gì bằng. Em đang cần...
Anh nói rằng đêm nay phải mua vé Lạng Sơn để sớm mai đi chuyến bốn giờ lên Cao Bằng vì hết đường ô tô còn nửa ngày cuốc bộ mới về đến đơn vị. Nhìn đôi mắt thiếu ngủ và chất giọng vùng biển nằng nặng, anh cả tôi đã cảm tình:
- Lên đi đồng chí. Lên chúng ta đi với nhau cho vui.
Tôi nhờ anh ngồi ghế trên tán chuyện cho chú Tam khỏi buồn ngủ nhưng vừa nhìn thấy mặt mình trong gương chiếu hậu, anh trung úy biên phòng đã cười thẹn:
- Ba đêm vừa rồi cháu không được ngủ trọn một đêm nào.
- Ba năm du kích năm kề, không bằng chủ lực chỉ về một đêm… Trung úy chắc lâu rồi mới về thăm vợ?
Anh trung úy biên phòng càng thẹn hơn:
- Em chưa…
Chú Tam lại cà kê chắc là về đi dạm vợ rồi đề nghị nếu không bí mật thì kể cho anh em vui quãng đường. Thanh- anh trung úy biên phòng ấy tên là Thanh- quay lại nhìn chúng tôi, dừng cái nhìn nơi bác cả. Được bác cả khuyến khích, Thanh mới kể câu chuyện của mình. 
Chỉ huy cho anh “về tranh thủ” vì có điện mẹ ốm nặng. Trước đó mấy tháng, bố anh mua căn nhà ở thị xã, thư lên bảo anh về để đứng lễ nhập trạch. Cứ như lời của bố trong thư, anh là con trai duy nhất, là người “kế danh tín chủ” không thể không có mặt trong lễ cúng an thần linh thổ địa nơi đất mới.
- Đúng rồi. Bây giờ có điều kiện nên thực hiện những việc kỹ càng như thế!- Bác Cả đồng tình với bố của Thanh.
Nhưng nhận thư của bố hơn ba tháng mà anh chưa thể về vì bản vùng cao vừa dời xuống thung lũng cấy lúa nước. Dân quen du canh du cư đốt phát chọc trỉa nay làm theo quy trình nhất thì nhì thục, bộ đội không thể bỏ dân mà về được.
- Em đã hướng dẫn rất tỉ mỉ nhưng tất tật bà con đều bắt phải làm mẫu. Cày cấy, làm cỏ bón phân, cứ là cầm tay chỉ việc. Vụ này lúa đã kém hạt mà bông vừa mới ửng đuôi, châu chấu đã về búng càng tanh tách nên phải tổ chức chong đèn đi vợt. Lại đến lúc gặt về gặp mưa, hạt thóc chỉ chực mọc mầm, thế là lại phải cùng bà con làm lò sấy. Chỉ khi có người lên thay với bức điện mẹ ốm nặng, bà con mới “Mẹ ốm thì bộ đội phải về thôi” rồi cả bản đưa anh ngược lên nơi có cây gỗ vắt ngang vượt qua dòng suối cuồn cuộn.
- Đi đường phải mất mấy ngày ấy chứ! Chú Tam chia sẻ.
- Mất hai ngày thôi anh ạ. Một ngày đường rừng, một ngày đường nhựa. Về đến đồn anh em chở ngay ra bến vừa kịp chuyến xe cuối cùng. 
Quê cũ của Thanh là một vùng biển đảo quanh năm gió sóng, ra khơi bằng thuyền, vào đất liền bằng mủng. Ngày còn học ở Học viện Biên phòng, mỗi lần anh về mẹ vẫn lội ra tận lợi cát, tay túm cạp mủng tay làm dấu thánh miệng lầm thầm Giê su ma lạy Chúa tôi. Đầu năm nay bố anh đã mua ngôi nhà ở thị xã, ngôi nhà ba tầng một tum giữa vườn cây đẫm bụi. Thanh thả ba lô đứng bên cánh cổng, không biết có phải nhà này không mà cửa ngõ im ỉm? Có tiếng chó rên ư ử và tiếng méo xẹo của con vẹt chào khách ở ngôi nhà bên cạnh. Anh ghé lỗ hoa sắt, nhìn vào. Con chó vàng gâu một tiếng rồi nhẩy chồm lên kéo theo sợi dây xích đánh xoảng. Con vẹt cũng tíu tít nhảy qua nhảy lại mấy thanh tre rồi nhào lộn trên những cái vòng treo. Đó là con Vàng và con vẹt Lì, chúng đã nhận ra người nhà. Còn chưa kịp mừng thì tiếng xe máy xịch đỗ sau lưng với giọng con gái tinh nghịch:
- Anh bộ đội nhòm ngó gì nhà em thế?
Thanh còn chưa biết nói sao thì cô gái đã hỏi tiếp:
- Anh Thanh phải không?
Con chó và con vẹt lại lồng lên khi nghe thổ âm vùng biển:
- Vâng, tôi là Thanh.
Cô gái như reo:
- Em đoán đúng mà! Mẹ bảo em chờ anh…
Nói chưa hết câu cô đột nhiên trở nên lúng túng. Lần đầu tiên gặp con trai của bà hàng xóm, trong lòng cô nhen lên những cảm xúc rất lạ. Cao lớn, khuôn mặt vuông, nước da ngăm mặn mòi gió nắng còn đẹp trai hơn những gì cô mường tượng qua lời kể của bà Thản. Cử chỉ của cô đâm ra mất tự nhiên. Đầu tóc không biết có ổn lại đang mặc bộ quần áo làm việc ở cửa hàng ăn, má cô chợt đỏ bừng. Mời Thanh vào nhà, cô bật quạt rồi bảo anh cứ ngồi cho mát rồi quày quả dắt xe ra cổng.
Cô Liên- cô gái hàng xóm đó tên là Liên- đã cho Thanh biết bố mẹ anh về quê. Bố về quê nội xin sớ nhập trạch, đi được một ngày thì mẹ anh dắt chó xách lồng chim sang nhà Liên gửi chìa khoá về quê ngoại. Nghe những lời của Liên, anh lại thêm lo. Từ lúc nhận bức điện trên bản vùng cao, anh chỉ lo bệnh tim của mẹ trở chứng nhưng đến lúc này anh thêm nỗi lo mới. Mẹ ốm thế nào mà phải về ngoại? Mà sao bố không đưa mẹ đi lại mỗi người một hướng thế này? Rồi cái Thành nữa, sao không xin nghỉ vài hôm mà đi cùng mẹ như lời anh dặn…
Liên từ cửa hàng mang về sắp lên bàn các món ăn:
- Anh Thanh phải ăn hết các món em làm riêng cho anh đấy nhé!
Lúc xin lại chìa khóa, Liên để tay trong tay anh hơi lâu rổi nói một câu đầy ngụ ý:
- Anh Thanh phải lấy vợ đi thôi, bà và cô Thành mong lắm đấy!
- Ai lấy bộ đội quanh năm xa tít ngoài biên cương hở cô!
- Anh cứ nói thế!
Liên có cửa hàng ăn ngoài ngả tư, giờ này khách rất đông. Cô không đành khi để Thanh một mình xách lồng chim và dắt chó về ngôi nhà vắng nhưng ngoài cửa hàng đang có nhiều khách quen đến ăn tối, cô không thể ở lại.
- Thế là ngon rồi. Thanh mà kết với Liên thành liên thanh nổ giòn như AK, nhỉ. - Chú Tam lại tếu.
- Đã có gì đâu anh. Mà em đã nói rồi, lấy bộ đội biên phòng là chuốc cái khổ vào mình!
Thanh kể tiếp:
- Liên đi rồi, ngôi nhà chỉ còn mình em với con Vàng và con Lỳ. Ngoài đường, xe tải liên tiếp rồ ga phủ thêm bụi lên những tàng cây. Em mở dây xích cho con Vàng. Nó tót ra gốc cây kếch một chân lên tè rồi tiện thể sủa trêu con vẹt một tiếng. Bố em vớt được nó bên bờ biển từ ngày em chưa đi Học viện Biên phòng, nay lên biên giới đã hai năm mà nó vẫn chưa quên cái nết gác mõm lên bàn chân em. Thấy em sẻ thức ăn vào cái tô, con Vàng nhẩy cẫng rồi nằm úp bụng, bò lại. Con Lỳ cũng vậy, thấy bạn gàu gàu nhai xương nó cứ nhào tít chào khách cho đến khi được muỗng hạt kê mới thôi.
Trong lòng anh đang nặng nỗi lo về mẹ. Còn bố ư? Không hiểu sao mỗi khi nhớ về bố, anh luôn nghĩ về một người thợ súng có tinh thần rắn như thép đã đi qua chiến tranh giải phóng là mẫu hình để thế hệ các anh noi theo. Lần trước, khi nhà còn ngoài đảo, anh về bố chỉ hỏi về được mấy ngày, công việc trên biên giới dạo này thế nào, sau đó là ngồi nhìn hai mẹ con tíu tít. Mẹ úp mặt vào lưng áo anh hít mùi mồ hôi rồi khơi lò cho nước nóng thêm để anh tắm. Con vừa mới về mà mẹ đã sụt sịt lo sắp đến ngày con lại phải đi!
Ánh điện đầu hôm soi qua lớp bụi làm không khí chung quanh vàng úa. Con Vàng thỉnh thoảng chạy ra hiên chõ mõm lên gâu một tiếng trêu con Lỳ. Vết chân của nó chi chít trên nền gạch bụi bậm. Anh cởi quân phục vắt lên thành ghế, xách xô xách chổi ra lau từ tầng tum xuống đến sảnh rồi lại lau từ sảnh ngược lên. Ở tầng ba có một phòng để bàn thờ, nhưng kệ tam sơn và bát hương cái nào cũng còn quấn trong ni lông. Xuống tầng hai, anh dừng khá lâu trước tượng Giê su chịu nạn và quyển kinh Phúc âm đặt trên cái bàn nhỏ. Đây là phòng cầu kinh của mẹ. Ngày chưa đi học viện, anh vẫn thường cùng mẹ quỳ trước tượng Chúa nơi vùng biển đảo ầm ì. Lúc này, anh bất giác thốt lên lạy Cha, Con và Thánh thần…
Ở gian bếp có bàn thờ thổ công, lọ hoa đĩa quả đã héo, mấy chén nước gần khô đóng những vòng bụi đỏ. Anh vặn vòi xả nước lau rửa úp lên mặt đá sa kim rồi tìm đồ nghề của bố vít lại bản lề triệt bụi lọt vào khe cửa.
Bao nhiêu việc đã làm xong mà trời vẫn chưa sáng! Thanh dạng chân giang tay trên nền gạch hoa nhìn cánh quạt quay đều đều. Phải đi tìm bố thôi. Anh sợ bố hay la cà sẽ làm nhỡ phép của anh. Sáng ra sẽ về ngoại tìm mẹ rồi hai mẹ con cùng về nội. Mà nếu không kịp làm lễ vào nhà mới anh cũng phải đi. Phải lên Lạng Sơn mua vé trước để bốn giờ sáng hôm sau đi chuyến xe đầu tiên mới kịp về đồn.

                                                     *
                                                  *    *

Từ ngày Thành lấy chồng về phố và Thanh lên công tác trên biên giới, nhà ông Thản chỉ còn hai vợ chồng già với bốn mùa sóng gió. Thứ bảy tuần nào bà cũng một mình một mủng đi nhà thờ trong Đảo Lớn. Ông đã thửa cho bà một góc đọc kinh nhưng bà không thể vắng buổi lễ Sam Bát và những lời giảng của Cha vào tối thứ bảy. Đã có lần gió đánh dạt bà sang tận bờ bên kia nhưng đến thứ bẩy tuần sau, bà lại chèo mủng đi.
Vùng biển hối hả với những dự án du lịch. Mấy quả đồi trồng phi lao được đền bù một số tiền đủ cho hai ông bà sống hết đời. Vậy mà lại sinh lắm chuyện. Ông muốn về quê nội cho gần họ tộc, ngoài đất làm nhà ở còn tậu đất xây khu lăng mộ rước các cụ năm đời về xum vầy bên nhau. Bà lại đòi về quê ngoại cho gần nhà thờ, gần Cha gần các bạn cùng dàn đồng ca từ ngày còn là thiếu nữ. Giận dỗi cứ triền miên, việc nào cũng ý kiến trái ngược nhau nhưng việc dành cho vợ chồng Thành một khoản mua ngôi nhà trên thị xã thì hai ông bà rất nhất trí. Ông bơi mủng vào Đảo Lớn đánh điện cho vợ chồng Thành. Vừa bế con qua bãi cát trước nhà, Thành đã bốp chốp:
- Mẹ chỉ loay hoay với những đức tin huyền bí của mẹ. Việc lớn thế này mẹ phải nghe theo bố chứ! Mà bố thì suốt ngày chỉ lo mồ với mả, sao không lo cho hai cái thân già…
Bà Thản lẳng lặng làm dấu thánh còn ông Thản chỉ e hèm. Đến lúc ngồi nhậu, ông chỉ chăm chú cắn càng cua bóc thịt cho cháu mà Thành lo. Chồng Thành vào bếp lấy thêm bia, Thành bám theo thì thào anh cứu em với. Về xin tiền bố để mua nhà trên phố cơ mà... cô lúng túng nói điều mình lo lắng nhưng chồng cô cứ mặc, kể cả lúc ngồi lại vào chiếu anh vẫn mải mê với những con cua bể đang ngồn ngộn trên mâm. Học cách của bố vợ, Kiên kê hàm răng cắn cái càng đánh đốp:
- Bố chọn cua sành thật đấy, con nào cũng chắc nịch. Hôm nào bố dạy con cách hấp làm sao gạch vừa tới mà thịt lại trắng vừa thơm. Con này ngon đây bố này.
Rồi Kiên- chồng Thành tên là Kiên- quay sang nịnh mẹ vợ:
- Ôi chao là cái món nước chấm! Bố chọn cua cũng tài mẹ pha nước chấm cũng tuyệt. Không có nước chấm của mẹ thì cua hấp ngon đến mấy cũng không thể hơn cả tuyệt vời thế này. Ngọt ngọt chua chua lại thơm ngào ngạt, một cái càng với mấy lát xoài đánh đổ lon bia. Sướng thật!
Ông Thản chỉ phẩy tay, giục uống đi, uống đi. Hai bố con ngồi đến lon thứ mười thì mọi chuyện đã khác.
- Để mẹ mày đi mua mấy xâu đen lên cho chúng nó.
Chúng nó đây là lũ bạn của vợ chồng Thành đã nhiều lần kéo về nhậu với ông. Ông thích cái tính chưa thấy người đã thấy vòi ăn, ông bảo gì chứ cua bể thì cứ về đây, mệt nghỉ. Ông chỉ có một yêu cầu là đứa nào rời mâm cũng phải thật no thật say, không no không say chỉ phí công ông dựng nhắm.
Sau lần về ngoại ấy Kiên có ý định sẽ vận động bố mẹ lên thành phố cho  bác Thanh đi về thuận tiện nhưng chưa dám nói với bố. Anh bàn với vợ rồi gọi các bạn tới. Bữa đó, mấy anh em sôi nổi lắm. Ngôi nhà cho các cụ phải là nơi có nhiều cây cối, nếu được hồ nước phía trước thì mỹ mãn. Bàn đi bàn lại, chỉ có khu đang xây dựng ngoại thị là hợp nhưng búa đóng cọc và xe tải ồn ào bụi bậm không biết khi nào các bố xây dựng mới xong mà các cụ lại đang ở nơi không khí biển trong lành. Cuối cùng, cả bọn đánh liều cứ mua chờ khi nào khu đô thị xây hoàn chỉnh tất cả sẽ ngon lành!
Kiên cùng một anh bạn đi đảo Tuần. Cả hai hồi hộp nhưng khuya hôm ấy Kiên đã điện về báo thành công chín mươi phần trăm. Gì chứ cứ ngồi vào mâm, nhậu đến lon thứ ba thứ tư thì bắt đầu mở màn rồi đến lon thứ chín thứ mười, con voi cũng lọt lỗ kim. Hôm ấy, hai ông về thay nhau kể lại chuyến thăm ông bà ngoại. Trả lời câu hỏi đầu tiên ông Thản hỏi về cháu ngoại, Kiên ngập ngừng thưa hôn ở đây vê con bé dị ứng xe đò hay sao mà cặp nhiệt sốt đến… ba bảy độ một! Ông Thản có hơi men nên chỉ biết sốt là sốt. Cháu ông về thăm ông bà phải đi xe đi đò mà ốm, ông xót lắm nhưng khi anh con rể nói thế mới biết thương bác Thanh xong xóc trên đường bao nhiêu năm nay thì ông lăng đi. Được kỳ phép mười mấy ngày phải rải ra nào núi rừng nào phố thị, rồi qua sông qua biển còn ở nhà được mấy ngày. Đang lúc ông xót con xót cháu, Kiên thẻ thọt:
- Chi bằng bố mẹ lên phố với chúng con, bác Thanh về cũng được ngắn thêm quãng đường mà cháu sang ông bà cũng gần.
Các bạn Kiên vẫn tích cực tìm nhà. Anh em tìm được ngôi ba tầng một tum, hướng Nam ghé Tây hợp cả tuổi ông Thản và tuổi Thanh, có sân có vườn cây, chỉ thiếu hồ nước phía trước nhưng bù lại là trục đường chính, mở cửa hàng bán lẻ hoặc đại lý kinh doanh, kiểu gì cũng thuận lợi. Kiên gọi điện xuống tán ngôi nhà như thế như thế, ở thành phố người ta gọi là biệt thự. Chỉ có mỗi một nhược điểm nho nhỏ là nằm bên quốc lộ đang lúc xây dựng hơi ồn hơi bụi một tí… Ông Thản không biết có hội ý với vợ hay không nhưng sau đó một ngày đã gọi lên. Và bây giờ hai vợ chồng ông đã chính thức thành công dân của cái thị xã đang bang bách vươn lên trong xây dựng.
                                                              

                                                              *
                                                          *      *

Chú Tam khen Thanh có cả số đào hoa và số thanh nhàn nhưng anh Cả bảo mấy ngày vừa rồi cháu chả thanh nhàn tí nào. Chắc anh tôi nói về hậu vận chứ lúc này Thanh đang tất tưởi lên biên giới sau khi đã tất tưởi thu xếp việc gia đình. Khi xe tiếp tục chạy, Tam lại gợi bằng một câu hỏi để được nghe tiếp câu chuyện nhà Thanh.
- Mẹ em giận bố em vì ông đã gắt: giỗ mẹ không lo làm xôi làm gà mà cúng lại lo mấy lớp kinh nhà thờ bắt các cụ nghe suông!
Không phải là bố không tôn trọng mẹ, không tôn trọng phong tục tập quán bên giáo nhưng quả thật ông không tán thành cái cách bỏ giỗ tưởng niệm ngày sinh nhật. Mẹ chết mấy chục năm mà chỉ đọc kinh ngày sinh nhật rồi mấy chị em bầy ra ăn uống với nhau? Còn bà, bà cãi con chiên đã được về bên Chúa còn bắt quay lại chốn cát bụi làm gì! Ông làm giỗ là tưởng nhớ quá khứ còn bà kỷ niệm sinh nhật là hướng tới tương lai. Bà có tín ngưỡng của bà, sống với nhau mấy mươi năm mà ông chẳng chịu hiểu bà. Không biết ngày xưa ông đến nhà thờ đọc mấy lớp kinh để làm gì?
- Thế à. Bố cậu ngày xưa cũng phải đến nhà thờ đọc kinh à?
Bác Cả hỏi Thanh không biết với ý gì.
- Vâng, trước khi cưới mẹ cháu, bố cháu đã học thuộc lòng mấy lớp kinh mẹ cháu viết cho rồi đến nhà thờ đọc, ông ạ!
Bác Cả chỉ ờ ờ rồi giục Thanh kể tiếp.
Hai vợ chồng già lời qua tiếng lại rồi ông về quê nội để lên chùa xin lá sớ làm lễ nhập trạch chuẩn bị cho ngày giỗ ông cụ thân sinh cũng sắp đến rồi.
Từ ngày lấy ông Thản, việc giỗ tết nhất nhất bà làm theo chỉ đạo của chồng, mua gà phải chọn gà trống tơ, xôi đồ xong phải đơm thành oản, mâm cỗ cúng nhất thiết phải đủ xôi gà trầu quả với lọ hoa tươi. Bà coi đấy là bổn phận nhưng lần này bà ấm ức, nỗi ấm ức vì một lý do rất đặc biệt xin kể ở phần sau!
Ông đi rồi, nhà cửa lạnh lẽo làm bà nhớ con trên biên giới đến xoắn gan xoắn ruột. Cả nhà chỉ một mình nó vất vả! Thế là bà ra bưu điện đánh một bức mẹ ốm nặng, về ngay. Về nhà mới thấy mình sai nên bà lại ra xin lại nhưng chị nhân viên bảo đã phát đi rồi. Rõ là mua dây buộc mình, giận chồng giận mình, bà nhưng chẳng biết làm sao đành gửi nhà cho Liên về quê gặp Cha xưng tội.  
Quê bà là vùng đạo toàn tòng. Làng nào cũng có nhà thờ, có Cha, các thế hệ giáo dân chung tay góp sức xây dựng nên một nền nếp hoạt động văn hóa rất chỉn chu. Mấy năm nay kinh tế phát triển, con chiên trong xứ và cả con cháu ở nước ngoài thành tâm công đức cho ngôi nhà của Chúa ngày mỗi thêm khang trang. Bà rưng rưng khi bước trên con đường lát gạch trong tiếng chuông chiều gọi nguyện. Gặp Cha, bà xưng tội đã làm con trai nơi biên cương phải bận lòng và xin mấy lớp Kinh cho người mẹ quá cố của bà là cụ Maria Đào Thị Thơm. Cha nhẹ nhàng khuyên ráng chờ tối thứ bảy này, nhân lễ Sam Bát có đông đủ bà con sẽ cầu nguyện cho linh hồn Maria được mãi mãi ở bên Chúa!
Hôm đi người đã khó ở. Ngồi xe máy lạnh hơn trăm cây số, về đến nhà em gái thì bà Thản bị cảm. Đã uống thuốc cảm và xông nước lá nhưng xem chừng những hương vị trần gian ấy không hiệu quả bằng nửa tiếng đồng hồ bên Cha. Rời xóm đạo đi công nhân quốc phòng rồi lấy chồng theo chồng về vùng biển đảo, mấy chục năm rồi hôm nay bà mới có dịp quẩn quanh dưới chân Chúa, nơi bà được chăn dắt tự thuở ấu thơ. Đặt bàn tay lên mái tóc bạc của bà, Cha du dương “Chúa luôn ở trong lòng con nếu lòng con sáng trong và không rời xa Chúa”. Những ông bà cùng dàn đồng ca ngày ấy tay bắt mặt mừng, họ nhắc về những phút giây cùng quỳ trước tượng Giê su chịu nạn, cùng cất tiếng amen âm vang dưới những mái vòm.
Thanh ngủ lại nhà dì với mẹ một đêm, hôm sau ra đi sớm. Bà Thản sụt sịt nhìn theo bóng con mà thầm gọi ông Thản ơi ông có biết con trai ông vất vả đến thế này không? Ngay lúc ấy bà đã nghĩ phải lỗi hẹn với buổi lễ tối thứ bảy này mất thôi.
Xe về thẳng quê nội bỏ chuyến nên Thanh phải vòng về thị xã. Anh đang ngồi nói chuyện với em gái thì con Vàng hực lên rồi chạy ra bắc chân cào cánh cổng. Là giống sinh ra giữa sóng và gió nên Vàng rất tinh tai, thính mũi, nó đã nhận ra ông Thản vác cái bao leo qua dải phân cách ở cuối đoạn đường. Tiếng gâu của con Vàng làm con Lỳ giật mình. Đang mắt nhắm mắt mở nhưng khi nhận ra ông Thản, Lỳ ta cứ tít mù nhào lộn chào khách.
Mở túi bò khô, ông lấy cho con Vàng một miếng rồi lại mở bọc ni lông lấy bông ý dỹ cho con Lỳ. Xong hai việc ấy ông mới hỏi Thanh:
- Anh về từ hôm nào?
- Con về hôm kia! Bố đi có được việc không bố?
- Được, được…
Ông Thản chợt nhớ ra điều gì:
- Mẹ chúng mày đâu?
Nghe Thanh trả lời mẹ đang dưới ngoại, ông à một tiếng như chẳng có gì quan trọng. Giọng ông vẫn không đổi:
- Bà ấy về xin kinh cứu rỗi đấy mà. Giỗ chạp phải có hương hoa trầu quả cỗ xôi con gà dâng lên tổ tiên, đàng này chỉ lo mấy lớp kinh suông. Tôi đã xạc cho mà vẫn không chịu sửa!
Thành ấm ức từ khi biết mẹ về ngoại bị cảm nên ngứa mồm quá:
- Bố thì lúc nào cũng xạc… Nói chưa hết câu Thành đã bật khóc: sao mà mẹ khổ thế mẹ ơi! Hơi một tý là bị mắng…
- Ơ, cái con này!
Ông Thản ngạc nhiên thốt ra khe khẽ mà tiếng khóc của Thành đã tắt ngấm. Cô vừa quệt mắt vừa thu xếp các thứ bố mới mang về.
- Không phải việc của cô!
Ông Thản vội ngăn vì đấy là bọc tro rơm nếp và những gói chân hương ông đem từ quê lên rất kỵ nữ nhi ngoại tộc chạm vào. Thấy con gái tủi thân, ông bảo:
- Thôi, con đi chợ đi.
Ông sai Thành đi chợ, dặn dò mua gà phải chọn gà trống cựa mới hơi nhú. Gà mới nhú cựa là gà chưa đạp mái, làm cỗ cúng cái gì cũng phải thanh sạch…
Ông Thản cởi áo dài mũ xếp quắc lên cây mắc, hai tay xoa vào nhau ra chiều thỏa mãn lắm. Lễ nhập trạch ông đã làm xong, có con trai cùng đứng lễ làm ông rất vừa ý. Ông đang định khen con gái có món gì mà thơm thế thì Thành đã chạy từ trong bếp ra:
- Bố ơi! Có lá thư của mẹ đây này. Ôi trời, mẹ để trong tủ bếp mà mấy hôm nay con không để ý…
Ông Thản chỉ nhìn qua. Thư của mẹ mày chứ cái gì mà phải ầm ĩ cả lên, ông bảo thế rồi tiếp tục gióng mắt qua ô cửa về cuối con đường. Hai anh em Thanh ngồi bậc cầu thang rì rầm, có dòng chữ ngày giỗ ông nội trùng với ngày sinh nhật của bà ngoại làm Thành không hiểu lại phải hỏi bố. Ông Thản xoay người lại:  
- Giỗ ông nội tính theo ngày âm lịch còn ngày sinh nhật của bà ngoại tính theo dương lịch. Năm nay hai ngày đó trùng nhau!
Thanh giơ hai tay a một tiếng vang cả ngôi nhà. Cùng là sự hiếu đễ với bậc sinh thành nhưng do lịch âm lịch dương trùng ngày lại do cách tưởng niệm khác nhau nên bố với mẹ đã xảy ra những bất đồng. Anh nói với bố:
- Từ lúc nghe cô hàng xóm nói bố về nội mẹ về ngoại, người đi trước người đi sau, con lo quá. Nỗi lo ấy còn lớn hơn cả nỗi lo về bệnh tim của mẹ đấy. Nếu bố mẹ không nương tựa vào nhau thì con không thể yên tâm công tác được. Thú thật, đã có lúc con nghĩ đời mình sẽ là cuộc đeo đá ngàn cân, bố ạ!
Từ lúc gặp con, linh tính người cha đã mách bảo ông có cái gì đó không ổn. Con ông đang có cái gì trong lòng nhưng đôi mắt trai trẻ lại không biết giấu giếm. Định xong việc ông sẽ hỏi để liệu cách giúp con chứ ông đâu biết rằng chính vợ chồng mình đã làm con lo lắng.
Thanh dừng lại, anh Cả bình luận:
- Đôi khi bất hòa lại làm tiền đề cho một sự thống nhất!
                                                             
 
                                                               *
                                                           *      *

Bà Thản cứ luôn miệng nhắc Thanh ăn nhiều vào con. Ở trên ấy kham khổ lắm phải không? Cái Thành hâm lại bát canh miến cho anh mày, chắt riêng nước ra mà đun…
          Cả nhà ngạc nhiên vì cách cư xử khác hẳn ngày trước của bà. Niềm vui vì được gần con trai và niềm vui của cuộc gặp Cha đang giao thoa và cộng hưởng trong lòng bà. Bà kể lại, khi Thanh đi rồi Cha đã đến nhà dì. Ông nghe nói có anh bộ đội biên phòng về nhà dì nên lại thăm. Ông khuyên bà nên về ngay, cứ yên tâm mà về, đến thứ bảy vẫn có buổi cầu kinh như đã hẹn. Cha đưa cho bà mấy lớp kinh về đọc ở nhà và giảng giải cho bà nhiều lắm. Bà hướng về phía ông:
          - Tôi sáng ra nhiều rồi, ông ạ. Lâu nay có gì làm ông phiền lòng cũng chỉ vì tôi chưa hiểu, ông bỏ qua cho tôi nhé.
          Mấy đứa con hết nhìn mẹ lại nhìn bố. Bữa cơm chiều thêm thật nhiều hương vị. Ông Thản cho rằng lời khấn quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc trong lễ nhập trạch đã được thần linh chấp nhận nhưng bà Thản vẫn nhẹ nhàng:
          - Mẹ với bố cứ giữ cái cách làm giỗ và làm sinh nhật từ ngày xưa làm anh Thanh đợt này vất vả. Ở dưới ngoại bây giờ nhà nào cũng sắp ban thờ thắp hương ngày giỗ, ngày tết. Cha bảo thờ cúng tổ tiên là phong tục chung của người Việt nam chứ có phải của riêng ai.
Lúc nãy con nó dẫn tôi lên thắp hương cho cụ rồi đấy ông ạ- bà quay sang nói với ông. Mai ông cứ để mẹ con chúng tôi làm cỗ cúng ông nội xong rồi đọc kinh cho bà ngoại nhé. Bà vòng tay ôm Thanh: lâu lắm rồi con không cầu nguyện chung với mẹ, nhỉ?
Kiên nói với Thanh:
- Em đã chuẩn bị gỗ, tối nay thửa cho mẹ cái kệ trong phòng nguyện. Nếu anh mệt thì cứ nghỉ, em gọi mấy đứa bạn đến làm bảo đảm đến đêm là xong…
Ông Thản tiếp:
- Đúng rồi, gọi chúng nó đến. Xem có đứa con gái nào biết nấu nướng bảo chúng nó đến đỡ mẹ mày với cái Thành một tay. Mai nhà ta làm giỗ ông nội và sinh nhật bà ngoại lại có Thanh về, toàn là việc lớn. Bà nhớ bảo cái Liên sang nhé…





Câu chuyện của Thanh đã làm ngắn lại con đường lắm đèo nhiều dốc. Thanh nghe điện thoại rồi vui vẻ báo tin đến ngã ba sẽ có xe máy của đơn vị đón. Chỉ huy đã báo cho một người đang trên đường công tác trở về dừng lại chờ anh. Chú Tam với tay vỗ vỗ lên đầu gối Thanh:
- Mừng cho em. Gặp nhau không hẹn mà thật có duyên, em đã để lại trong anh không chỉ là ấn tượng về người lính biên phòng mà còn là bài học lớn của hậu phương đấy, Thanh ạ!
Khi Thanh đã được đồng đội đón ở ngã ba rồi, bác Cả ngồi thẫn thờ. Mãi một lúc lâu bác mới lên tiếng:
- Thôi. Anh em mình cũng quay về thôi!
Tôi không hiểu. Chuyến đi thăm chiến trường xưa của anh đã qua được bao nhiêu đường đất. Sao lại quay về? Chú Tam càng không hiểu. Thấy bác Cả bảo quay lại thì chú tạt vào bên đường:
- Sao thế anh?
- Mình rong chơi trong khi người ta vất vả từng giờ từng phút để giữ  gìn biên cương! Không nên, không nên…  
Tôi cứ nao nao nỗi nhớ về Thanh. Cho đến lúc này, hình ảnh Thanh vội vàng lên biên giới cho đúng ngày trả phép cứ day dứt trong tôi. Anh em chúng tôi dùng xe nhà đi chơi. Thành  phố và các vùng biển đảo, tôi và Tam đã đi nhiều rồi. Chuyến này, tiếng là đưa anh Cả đi thăm chiến trường xưa nhưng trong lòng tôi vẫn nghĩ lên rừng cho lạ cho mới, vậy thôi.
Thật may, chúng tôi đã đỡ Thanh được một quãng đường!
                                                                                          Hà Nội     - 20/10/2012

Dự nhiệm quân



Bách là thiếu uý dự bị của trung đoàn Quân dự nhiệm. Đã hai mươi lăm năm, mỗi năm tập trung huấn luyện một tháng, hết một tháng trả súng trả quần áo về với ao với ruộng nên anh hay nói vui tôi là dự nhiệm quân với câu hát nghêu ngao: Đời mình thành mấy khúc quân hành...
Nhưng đận này đông vụ chí kỳ, cái giấy triệu tập huấn luyện chẳng khác quả bom ném xuống thửa ruộng cao sản. Anh lật ngược lật xuôi xem có chỗ nào khả dĩ chậm lại được một hai ngày nhưng tịnh không tìm ra một sai sót. Vợ anh mới dồn đổi được đám ruộng năm sào để cấy tám thơm, hôm nay trạm bơm huyện mới bơm nước về để làm đất mà bây giờ nước cũng chỉ mới lo ló một góc như bãi nước đái nhện.
 Bỗng chốc mọi việc bị đảo lộn, anh ngao ngán nhìn dòng nước chảy lom dom. Chỉ có bầy kiến đang cuống cuồng vác trứng chui ra khỏi những đụn rạ mục chạy đi đâu không rõ làm anh nguôi ngoai được một chút. Kế hoạch của vợ chồng anh là đêm nay lấy nước no, sáng mai bừa dập, trưa dỡ chuồng phân chiều chồng thồ vợ rải, ngày kia bừa thục rồi để bùn đất lắng đọng một ngày rồi cấy.
Vợ anh cũng đang ngẩn ngơ nhìn về rặng núi. Phía bên kia là thao trường quân dự nhiệm, từ phía ấy nắng cuối chiều hắt lên những tia dẻ quạt. Chị hỏi anh:
- Mai phải đi sớm anh nhỉ.
Bách liều:
- Tối mai điểm danh xong anh sẽ trốn về bừa vỡ. Mình đừng cố quá lỡ ốm ra thì chết tôi, mai nhớ bảo con đem thóc đi nghiền bột nấu cháo cho trâu ăn làm đêm nhé.
Nghe anh dặn chị chỉ cười:
- Cái thân mình chả lo lại đi lo cho con trâu.
Rồi chị bàn: có trăng, vợ chồng tranh thủ thồ phân lấn đêm, anh thồ em đẩy, mai anh cứ thong thả mà vào đơn vị. Cứ yên tâm, em cố mấy ngày rồi cũng xong mà!
Chị lại cười:
- Mà sớm mai nhớ cạo râu rồi hẵng đi không các ông ấy lại trêu là bác cả đi thay như lần trước, em xấu hổ chết!
Năm ngoái, chị lên đón anh bị mấy anh trêu “Lên đón bác cả về đấy à” xấu hổ quá trốn đâu không trốn lại lỉnh ra sau bức tường có dòng chữ viết bằng gạch “Chúng tôi luôn sẵn sàng xả nước vì thân”! Chỉ còn mỗi cái lưng chồng để núp nhưng chị vẫn đáo để “ Mấy ông đái bậy còn viết bậy” làm Bách cũng phải bật cười.

*
       *     *


 Qua cổng trung đoàn, Bách lao xe trên con đường đất đỏ rợp bóng keo lai. Đại đội Một của anh đã tập hợp chuẩn bị điểm danh. Trực ban chỉnh hàng, kéo dài dự lệnh chỉnh đốn trang phục rồi chạy lại báo cáo chỉ huy. Bách dựng xe tiến đến, dõng dạc:
- Tôi, Nguyễn Văn Bách, thiếu uý dự bị, báo cáo đồng chí trung uý đại đội trưởng, xin có mặt.
Đại đội trưởng đáp gọn:
- Được, đồng chí về chỗ.
Anh đứng vào hàng dọc đầu tiên bên phải. Đấy là tiểu đội Một thân thương của anh. Đánh mắt sang bên, những khuôn mặt sạm nắng mưa ngẩng cao hướng về người chỉ huy chăm chú nghe mệnh lệnh huấn luyện. Hai má anh nổi gai. Giây phút đầu tiên của mỗi lần đứng vào đội ngũ, lần nào má anh cũng gai gai như vậy. Bên anh, những con người một nắng hai sương, từ thửa ruộng nhà mình đến trung đoàn dự nhiệm đã nhanh chóng trở thành một khối thống nhất cùng hướng về phía kẻ thù khi Tổ quốc bị xâm lăng. Ý nghĩ ấy lấn át tất cả những lo toan ở thời điểm vất vả nhất của nghề trồng lúa nước.
Đội hình chuyển trạng thái, nghỉ. Từng người lần lượt vào lĩnh quân trang. Sau chín giờ, doanh trại không còn bóng dáng thường phục. Các sỹ quan dự bị chỉnh tề đứng cạnh giường cá nhân chăn chiếu phẳng phiu vuông vức, họ đã tái sinh thành anh lính tân binh thực hành điều lệnh nội vụ. Rồi tiếp đến  khoa mục bảo quản vũ khí, các tiểu đội dàn hàng ngang chếch súng về phía núi. Tiếng quy lát lao vào hộp khoá nòng đánh roát, ánh thép xanh ngời như trùm lên hàng quân, cả đơn vị bừng lên một màu sắc mới.
Theo đúng ngạch dự bị của mình, Bách thực tập khoa mục chính trị viên đại đội kiêm bí thư chi bộ. Hết tuần, chức vụ chính trị viên sẽ được giao cho người khác nhưng bí thư chi bộ phải làm hết khoá. Anh nhận ra những bất lợi với thửa ruộng cao sản nhà mình. Làm bí thư chi bộ mà te tắt về nhà thì lãnh đạo được ai. Lấy lý do sắp hết tuổi dự bị động viên, anh báo cáo đại đội trưởng nên giành các chức danh đó cho anh em còn trẻ gần với độ tuổi quân thường trực. Đề nghị của anh nhận được câu trả lời rất nghiêm khắc:
- Đây là quyết định của Đảng uỷ trung đoàn.
Thế thì lại là chuyện khác. Anh nhủ thế rồi ngồi vào bàn viết dự thảo nghị quyết. Bài bản về công tác đảng công tác chính trị anh đã thuộc làu nhưng hôm nay cứ viết được vài dòng đầu óc lại lảng vảng về đám ruộng còn ngổn ngang lát cày. Nông dân đang lúc chạy nước cấy, đi tập trung huấn luyện là trút lên vai vợ tất cả khó nhọc mùa vụ mà khoản phụ cấp cho dự nhiệm quân chỉ đủ trả thuê vài công cấy. Ừ thì… Ai chả biết đã vào ngạch này, đã mang danh quân dự bị thì phải chịu thiệt thòi. Người lính thời nào chả phải chấp nhận hy sinh, những sự hy sinh lặng thầm và vô điều kiện. Mang danh một sỹ quan lại càng không được so đo mấy trăm ngàn phụ cấp. Dẹp, dẹp mấy cái ý nghĩ vớ vẩn ấy ngay. Anh đã mấy lần tự nói với mình vậy mà mới lia được mấy dòng, góc ruộng lí rí bãi nhện đái lại hiện ra. Điều anh lo nhất lúc này là làm đất không kịp, chung quanh người ta cấy hết thì thồ phân thồ mạ xuống bằng lối nào. Thuê ai được nhỉ, nhà nào cũng chạy bật móng chân biết hỏi thuê ai bây giờ. Chẳng san cho lúc nông nhàn chơi tràn cung mây thịt chó dựng nhắm đánh đụng ầm làng. Thật đúng sinh ư nghệ tử ư nghệ, chưa đến nỗi phải sống chết như cái câu này nhưng vụ cấy vụ gặt nào anh nông dân chẳng phải vắt chân lên cổ mà chạy.           
  Bách ngồi mãi mà vẫn chưa qua được mục đặc điểm tình hình. Đang định ghi “chỉ huy mới ngoài hai mươi chưa hiểu hết tình cảnh vùng bán sơn địa những ngày chạy nước cấy” thì Đại đội trưởng đã đứng ở cửa phòng:
- Tiểu đoàn báo ba giờ chiều lên thông qua dự thảo nghị quyết chi bộ đấy đồng chí Bách ạ!
Vẻ nghiêm lạnh của trung uý đã xoá ngay nhưng ý nghĩ rất lộn xộn trong đầu Bách.
*
                                                   *     *

Bách đang trên đường lên tiểu đoàn thì chiếc Uoat phanh gấp trước mặt. Một thượng tá gầy lỏng khỏng bước xuống sấn lại ôm Bách giữa đám bụi.
- Thằng Hoàng
Đấy là Hoàng, bạn anh từ hồi bẩy chín - tám hai. Nhìn vào xe thấy có mấy người cùng đi, Bách vội thay đổi cách xưng hô:
- Ông về lâu chưa?
- Trước ông mấy ngày.
Hồi đầu năm có một đồng chí trên quân khu xuống kiểm tra tình hình dự bị động viên đã nói chuyện sư phó Hoàng sẽ thay trung đoàn trưởng trung đoàn dự nhiệm về nghỉ hưu. Thế mà từ hôm qua tới giờ đầu óc Bách ngổn ngang phân nước nên quên béng. Bách ướm “Cơm xong, tôi lên ông”, Hoàng cũng đang vội nên dặn “Nhớ nhé” rồi bước lên xe ập cửa chạy ra cổng.
Tiểu đoàn bộ đang tíu tít chuẩn bị sổ sách phục vụ giao ban trung đoàn tối nay. Ngày đầu tiên bao giờ cũng là ngày bận rộn nhất. Ban quân lực rà đi soát lại quân số, điện thoại gọi xuống các đại đội liên tục. Bên hậu cần chưa chốt được số người ăn nên chạy đi chạy về vã mồ hôi. Khổ nhất là mấy anh quân nhu, quân phục mặc không vừa nên các sỹ quan dự bị cứ cắp thẳng lên tiểu đoàn xin đổi:
- Quần áo dày mũ không đúng cỡ, sáng mai tôi không có quân phục mặc để chào cờ đồng chí chịu trách nhiệm nhé!
Bách trịnh trọng mở sổ báo cáo. Bí thư đảng uỷ tiểu đoàn là Đại uý Vũ Văn Ngôn làm một hơi điếu cày ngửa cổ nhả khói lên trần nhà. Tiếng nói cũng từ trong đám khói ấy lọt ra:
- Thôi ông Bách ạ, bài bản ấy anh em mình nhắm mắt cũng đọc thuộc. Xin ông cho biết quân ông cần tập trung lãnh đạo vấn đề gì nhất?
Bách không nén được cơn thèm cũng vớ cái điếu làm một quắn mờ mịt, ngón tay còn tạch tạch que đóm định làm điếu nữa:
- Thực thực, hư hư… đâm ra khó!
Ngôn chồm qua bàn:
- Sao lại thực thực, hư hư?
- Tập tành thì phải theo khuôn theo mẫu mà khuôn mẫu nằm lỳ trong đầu, đâm ra…Thực tế thì cứ suy bụng ta ra bụng người: các cụ triệu tập lúc này có khác gì hoạn mấy bố cu không cơ chứ!
Ngôn đang ngớ người thì Bách đã hỏi:
- Vụ này ông cấy giống gì?
- Toàn lúa tạp giao... đã xong tuần trước!
Bách “Ừ” rồi tiếp:
- Mình mới đổi thửa được một đám năm sào để cấy tám thơm nhai cho sướng miệng mà nước trạm bơm hôm qua mới có, theo đến thót cà.
Anh không kìm được tiếng thở dài:
- Ông hỏi vấn đề gì cần tập trung lãnh đạo nhất, xin báo cáo là cần nhanh chóng khắc phục tư tưởng lo lắng hậu phương, tập trung tất cả cho việc hoàn thành kế hoạch huấn luyện thì mới đạt chất lượng đề ra.
Ngôn bật ngửa ra ghế nhìn người đồng đội. Câu nói quen thuộc ấy thực chất là gì nhỉ? Bách báo cáo tiếp:
- Đại đội tôi toàn anh em vùng bắc huyện, đặc điểm tình hình là đang chạy nước làm đất cấy thì nhận giấy triệu tập, tư tưởng lo cấy không kịp thời vụ là chuyện nóng bỏng, bí thư ạ
Ngôn chồm về phía Bách:
- Nếu tôi không nhầm thì ông là người có vấn đề nhất?
- Thì thế! Thực thực hư hư mà lại. Bí thư chi bộ tư tưởng chưa thông lại dự thảo nghị quyết lãnh đạo đại đội khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Ngôn không nén được tràng cười ha ha. Anh thành thực:
- Chớ quên mình là “Linh hồn của đại đội” đấy.
Câu nói của Ngôn chạm ngay vào lòng Bách. Dặn vợ tối nay trốn về bừa dập thửa ruộng cao sản, bây giờ không biết tính sao!

*
                                                *     *


Cơm xong, Bách lên chỗ Hoàng. Ban chỉ huy trung đoàn đang giao ban. Cậu công vụ mời anh vào phòng trung đoàn trưởng, pha trà xong đã thấy Bách thiu thiu nên nhẹ chân, đóng cửa ra ngoài. Hoàng giao ban xong vào thấy bạn ngủ cũng đi ra nhưng tiếng chốt cửa đã làm Bách choàng dậy.
- Đi đâu đấy?
- Định để ông ngủ. Mệt lắm hả?
- Nhà nông lúc cấy lúc gặt mà!
Hoàng cũng vừa nghỉ phép giúp vợ cấy rồi đi thẳng lên đây. Nhận được điện của sư đoàn, anh biết là cánh sỹ quan dự bị huyện N. gặp bất lợi vì năm nay chậm mưa, nước sông cạn treo cả giỏ bơm lại điện đóm phập phù, triệu tập vào dịp này là căng lắm. Định lên trao đổi với lãnh đạo huyện rồi về bàn lại với các anh trong chỉ huy sư đoàn báo cáo quân khu cho lùi ngày tập trung nhưng các ban ngành đoàn thể ở đây đã triển khai rất chi tiết. Huyện Đoàn sẽ đón các sỹ quan dự bị bằng một đêm giao lưu văn nghệ, Huyện Hội phụ nữ cũng đã điều tra lên danh sách lao động nông nhàn ở những xã đã cấy xong. Thế là anh bị sa vào các buổi họp thống nhất chương trình phối hợp quân dân liên tiếp không dứt ra được. Và anh cũng đã thay đổi suy nghĩ, cứ để anh em khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, bản lĩnh dự nhiệm quân không thể kém ai.
 Anh tâm sự với người bạn một thời trên biên cương phía Bắc như muốn được sẻ chia, muốn nhờ sự tháo gỡ. Bách gật gù, thỉnh thoảng đế theo “Nhà binh mà lại!” nhưng lại hỏi bạn theo cách chẳng nhà binh tí nào:
- Mẹ con chúng nó thế nào?
- Cháu lớn đã làm hồ sơ thi vào Học viện kỹ thuật quân sự nhưng không chắc đỗ. Có lẽ còn phải thêm vài bước chuẩn bị nữa.
Bách hiểu cái gọi là “vài bước chuẩn bị nữa” ấy có nghĩa là vào lò luyện hoặc tìm “dây” nào đó mà chạy. Chuyện tìm dây tìm dợ bây giờ là mốt, thiên hạ rần rần... Hoàng giơ tay ra hiệu:
- Nhưng mình làm sao theo cái mốt ấy được ông!
Bách hiểu Hoàng muốn nói về phẩm chất về tính cách của hai con người đang ngồi với nhau.
- Mua nhà ngoài thành phố rồi sao cứ để vợ con ở quê cho chúng nó vất vả?
- Tớ chịu không thuyết phục nổi Hạnh đâu. Ở quê có ruộng có phong trào là có nơi sử dụng kiến thức đã học, ra ngoài phố toàn đường nhựa với tường gạch, cô ấy bảo học đại học chẳng lẽ chỉ để trang trí lý lịch thôi sao!
Vợ Hoàng vợ Bách là bạn thời sinh viên khoa trồng trọt Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Vợ Bách còn chạy ngược chạy xuôi đi xin việc chứ Hạnh xác định chồng bộ đội đã phải sẵn sàng chấp hành sự điều động thì vợ cứ ở nhà gần họ mạc cho chắc ăn.
Hạnh yêu Hoàng có khởi nguồn từ đợt Bách đi Hưng Yên tìm mua ba ba giống. Đấy là một câu chuyện dài, hôm ấy ở sân ga Hàng Cỏ có cô gái đứng ngơ ngác ngóng ai, Bách hỏi cho vui:
- Nhân dân cần đi đâu để quân đội giúp đỡ nào?
Lối nói vui vẻ rất lính của Bách đã chiếm được lòng tin của cô gái. Cô xin đi nhờ về Như quỳnh, Bách bảo chuyện nhỏ như con thỏ, mình cũng về Hưng yên đây. Và thế là Bách hai vai hai túi chân đạp phăng phăng, đến Như quỳnh, Bách chân thật:
- Thôi để mình đưa vào nhà trọ không túi nặng rã tay sinh viên mất!
Cô sinh viên ấy tên là Liên, nói khẽ:
- Hy vọng trái đất tròn anh Bách ạ!
Hạnh là bạn cùng phòng với Liên cũng khuyên Bách ở lại mai mượn xe máy đưa đi.
- Chúng em biết trại giống ba ba, mai sẽ dẫn đường cho anh! Anh mà cứ đòi đi ngay là cái Liên sẽ khóc đấy! Hạnh trêu.
Chuyến ấy Bách gặp nhiều thuận lợi nhờ hai cô sinh viên nông nghiệp. Sau này, Bách điện cho Hoàng có việc gấp, hẹn gặp tại Cầu Chui rồi cùng về Đại học nông nghiệp. Bấy giờ Bách và Liên mới trịnh trọng giới thiệu Hạnh. Hoàng mê Hạnh ngay nhưng cậu ta vẫn hay chống chế:
- Thằng Bách nó bảo…
Sắp đến giờ điểm danh, Bách phải về đại đội. Đã ngồi lên xe nổ máy rồi mà Bách còn nấn ná. Anh không đành giấu bạn:
- Tí nữa tớ về bừa đám ruộng, sẽ có mặt trước giờ chào cờ sáng mai!
Hoàng giật mình “Cái gì” nhưng khi nghe rõ, Hoàng van Bách:
- Tao lạy mày đấy!
Bách đã phóng đi. Hoàng biết tính Bách đã nói là làm nên vội dong xe máy xuống đại đội Một. Anh căn dặn đại đội trưởng mấy câu rồi đi vào làng.

*
                                                   *     *

Hai bạn chia tay khi biên giới vừa im tiếng súng. Bách may mắn hơn Hoàng vì được đi học sỹ quan dự bị rồi được ra quân. Ngày ấy có câu quan trẻ muốn về nhà, quan già xin ở lại. Học sỹ quan dự bị là sẽ được ra quân, về nhà được hưởng khoán mười, đấy là một chính sách lớn mà đám lính tếu rằng ân huệ của nó sánh ngang với non sông thống nhất đất nước hoà bình. Hoàng được đi học Sỹ quan lục quân để phục vụ quân đội lâu dài mà mặt nhăn nhó như nhai phải hạt chanh. Thằng cười thằng nhăn nhưng cả hai còn chưa biết trong tự điển tiếng Việt có từ chạy chọt nên cứ trên giao thế nào chấp hành thế ấy. Mấy năm sau, khi có chủ trương thành lập trung đoàn dự nhiệm, Hoàng là cán bộ tham mưu sư đoàn chủ lực của quân khu, được cử về huyện Bách tiền trạm. Hai người gặp nhau, khỏi phải nói về cái sự nổ trời của cuộc gặp ấy.
Hoàng:
- Không bao giờ quên được chuyến đi bè năm 1983 Bách ạ!
Khi tiếng súng lặng hẳn, các đơn vị nhận lệnh nâng cấp lều lán tạm thành doanh trại có cột kèo mái lá. Bách nhận nhiệm vụ đi khai thác vật liệu trên thượng nguồn sông Lô. Anh bắt đầu bằng việc chọn người. Mấy năm quân ngũ trải qua nhiều công tác nhưng chưa một ai được dạy cách đốn tre, đẵn gỗ, đặc biệt là cách cốn bè mà nghe đã thấy lạ. Rồi chèo lái từ ngọn nguồn sông Lô về trung du Phú thọ, phải qua sông sâu nước xiết, sự khó khăn là chuyện không cần phải nói nhiều. Bách kêu gọi tinh thần xung phong, chỉ những người có đủ dũng khí anh mới nhận vào phân đội vì nếu không may bị hy sinh có thể không tìm thấy xác. Hoàng là người xung phong cuối cùng không phải anh không có tinh thần mà là vì anh không biết bơi. Chỉ sợ phải xa thằng bạn chí thiết nên anh xung phong bừa. Ai cũng tưởng Hoàng sẽ bị gạch tên nhưng anh lại được Bách nói thầm vào tai:
- Đừng lo, mày ở trên bờ nấu cơm và học bơi, khi nào thạo thì xuống nước.
Khi chỉ có hai người, Bách nói với Hoàng:
- Ra ngoài kiếm gạo nấu cơm ăn chứ tao chịu không thấu món bo bo nữa mày ạ!
Bách chịu không thấu thì Hoàng cũng vậy. Sinh ra và lớn lên ở vùng lúa, từng giọt máu trong huyết quản các anh đậm chất gạo quê. Ngồi trước xoong bo bo anh nào cũng nghẻo cổ mà trệu trạo. Bo bo còn khá, có dạo chỉ sắn luộc chấm muối rang, ăn chưa hết một khúc cổ đã nghẹn ứ. Dạo ấy Hoàng rất thích Bách kể chuyện cơm trắng cá kho dưa cải muối. Rồi tranh luận với nhau hết nghẹn từ lúc nào, đến khi nhìn rổ sắn chỉ còn xơ với lõi, cả tiểu đội ôm nhau cười suýt sập lán.
Bách bảo đừng lo nên Hoàng cũng chả lo. Những ngày chuẩn bị và khi hành quân đến bãi khai thác, Bách bắt Hoàng tập bơi rất nhiều. Cái nghề mới tập tọng là hay ham hố. Ngay chuyến xuôi bè đầu tiên Hoàng đòi Bách cho đi theo. Bách mắc thói cả nể nên chẳng biết từ chối thế nào, thôi thì cũng phải cho Hoàng làm quen với sông sâu nước xiết. Chuyến ấy đi thử nên chỉ cốn vài trăm bó nứa vừa đi vừa dò luồng lạch. Ra đến sông Lô, Bách ngồi phía sau cầm lái, Hoàng cầm sào đứng mũi. Bè đi phăng phăng, cả hai châm thuốc phì phèo.
Dân ở thượng nguồn qua sông bằng mảng. Họ buộc một dây song cố định vào hai gốc cây cổ thụ ở hai bờ rồi móc cái vòng ở đầu mảng vào sợi dây song để nhờ sức đẩy của dòng nước kết hợp với sự níu giữ của cái vòng mà mảng trôi sang bờ bên kia. Thuyền bè xuôi ngược đều phải lách vào hai bên chui dưới dây song mà đi.
Hai người mải tán hưu tán vượn không biết cái đoạn dây lập lờ giữa sông là cái bẫy. Ngồi cầm lái, Bách điều khiển vào giữa dòng để đạt tốc độ tối đa. Vừa chạm vào dây song, bè lập tức bị chúc đầu dựng đuôi, quật úp. Bách bị hất tung lên rồi cắm đầu xuống như vận động viên nhảy cầu, may mà nổi lên được khi sắp hết hơi. Vừa cố bơi vào bờ vừa nhìn quanh tìm Hoàng nhưng không thấy Hoàng đâu.
Khi nhìn thấy hai anh bộ đội không biết tránh dây song, bà con đã lao thuyền ra nhưng không kịp. Những bó nứa ngổn ngang lao như ngư lôi trên mặt sông cuồn cuộn. Bách vừa chạy vừa gào tên Hoàng. Hoang mang quá, chả lẽ dự cảm có thể hy sinh không tìm thấy xác lại trúng vào thằng bạn chí thiết hay sao. Mãi lâu sau mới nghe văng vẳng phía thượng lưu có tiếng gọi mình, Bách chạy lên nghe tiếng Hoàng cười như con mẹ dại trên cành sy cổ thụ.
Lúc bè dựng đuôi lên Hoàng đã nhoai ra túm được một cành sy la đà. Nước cuốn, cành si cứ vấp vổng làm anh nuốt no bụng nước nhưng cũng  leo lên được bên trên. Nhìn xuống thấy Bách chạy ngược chạy xuôi, Hoàng gọi mà không ra hơi. Bây giờ, bạn đã đứng dưới gốc, Hoàng lại cười:
- Tớ đố cậu xuống cách nào hay nhất!
Bách chỉ muốn rỉa muốn móc cho chừa cái thói leo cây từ ngọn nhưng anh lại nhẹ lời bảo bạn bò lên một cành chìa ra chỗ trống có búi rễ lua tua mềm mượt. Hoàng tụt đến mặt đất rồi mà Bách còn chưa hết nín thở vì đám dây gai um tùm bao quanh gốc cứ chực hút cậu ta vào. 
Sau chuyến đi thử suýt chết Bách chia phân đội một nửa chặt vác, một nửa cốn, xuôi, dần dần rồi anh em cũng thành thạo. Đên lúc ấy thì Bách có nhiều thời gian tìm cách cải thiện. Anh tìm được chỗ nhận đổi bo bo lấy gạo, còn đổi cả lợn hơi anh em quay lên ăn như trong phim.
 Các anh thấm đến tận tim gan “Thực túc binh cường” nghĩa là thế nào nên khi Hoàng hỏi điều gì ấn tượng nhất của cái năm tám hai khó quên ấy, Bách không chút đắn đo trả lời là gạo và luật sỹ quan!
Hoàng thừa nhận:
- Luật sỹ quan là tiền đề của chế độ sỹ quan dự bị mà nhờ nó hai thằng mình còn được gặp nhau mỗi năm một lần ở trung đoàn dự nhiệm. Còn gạo thì đang hút hồn cậu phải không…
Đúng là học hành vào có khác, Bách đã nghĩ về Hoàng như thế. Còn Hoàng lại nghĩ về hạt gạo những ngày bóp bụng giữ sơn hà…

*
                                                   *     *

Điểm danh xong đã lâu mà đại đội trưởng còn giữ Bách và các trung đội trưởng ở lại. Hai cái xe máy xịch tới đỗ trước cửa, Hoàng và một chị trạc tuổi vợ Bách đi vào.
- Đây là chị Lương chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhận đỡ đầu đơn vị chúng ta, xin mời chị trao đổi với anh em.
Hoàng nhìn khắp lượt và dừng lại Bách:
- Tớ đang nói với chị Lương về khó khăn của anh em. Ví dụ như nhà cậu, mới lấy được nước và rải phân chưa xong thì phải chia đôi lực lượng, mũi chủ lực tập trung huấn luyện quân dự nhiệm còn mũi duyên dáng dịu dàng đảm nhiệm phần bừa và cấy.
Anh văn hoa một chút để trấn an anh em rồi thông báo đã xin ý kiến đồng chí chủ tịch huyện đề nghị điện lực và thủy nông tăng số giờ bơm cho những cánh đồng phía bắc huyện.
Có điện thoại, Hoàng ra ngoài rồi quay vào đưa điện thoại cho Bách: vợ cậu. Bách còn đang không hiểu tại sao vị sư phó kiêm trung đoàn trưởng này lại biết tình trạng năm sào ruộng của nhà mình chi tiết đến vậy thì tiếng vợ anh đã reo lên trong máy.
- Anh ơi! Chiều nay bác Hoàng ra thăm mang bao nhiêu là nước mắm và cá khô. Cái Hạnh nó gửi lên cho em làm thực phẩm cấy, anh ạ. Đã thuê được người bừa người cấy rồi anh nhé, chị Lương vừa gọi cho em. Anh yên tâm không phải về đâu! 
Bách đã hiểu cái nháy mắt lúc chiều khi bạn ập cửa vội vàng cho xe phóng ra cổng. Hoàng lại phải đi, anh ghé vào tai Bách nói nhỏ: tí nữa tiễn chị Lương hộ tớ nhé!
Trung đoàn trưởng đi rồi, Đại đội trưởng cũng thay đổi cách xưng hô:
- Các cô chú cứ bàn trước đi, cháu xem còn ai có nhu cầu mời sang ta trao đổi luôn.
Bách từ chối thuê nhân công giá rẻ do chị Lương đề xuất với tinh thần kết nghĩa. Anh sợ trả công thấp người ta dễ lơ là không bảo đảm kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Hạt gạo với anh bây giờ không còn như năm tám hai nữa mà đã lên ngôi hạt thóc hạt vàng rồi.




Ngày thứ nhất của khoá huấn luyện lần thứ hai mươi sáu của Thiếu úy dự bị Nguyễn Văn Bách đã đến chế độ cuối cùng: tắt đèn nghỉ ngơi. Xin dừng kể chuyện của anh với năm sào lúa cao sản mà nghe tiếng rì rầm từ những tầng nhà. Các sỹ quan dự bị không quen ngủ lúc chín rưỡi nên càng cố im lặng, những tràng cười lại càng ran lên.
                                                                       Hà nội, tháng 9/2005

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Bạn "Tứ đồng"



                                                                                     






Nghe anh con đang dạy học ở quê về báo tin ông Huỳnh đã mất, ông Thoả sững sờ. Thế là người bạn đồng tuế, đồng hương, đồng ngũ, đồng môn đã ra đi khi chưa tròn hoa giáp. Câu chuyện hơn ba chục năm trước đã không còn cơ hội để nói lại với nhau. Cảm giác bất lực trước tạo hoá làm ông buồn bực.
- Anh báo tin cho tôi với thái độ gì vậy. Hình như… hình như…
- Thì con cũng mới nghe thôi mà bố !
Thấy bố quá xúc động, anh giáo nói tiếp:
- Hay là đến hôm bốn chín ngày, con đến thắp hương nói là bố mệt!
Ông Thoả sẵng giọng:
- Anh chẳng hiểu gì cả! Chúng tôi còn một một món nợ, đâu phải chỉ mấy nén hương là xong!
                                               
*
                                                *    *

Con ông không dám nói thêm một lời nào nữa. Hoá ra các cụ có chuyện hệ trọng, nhưng chuyện gì mới được cơ chứ? Đời đầy ắp tiếng cười, người ta say bằng cấp danh vọng, say chức tước tiền bạc còn các cụ thì cứ mãi lằng nhằng ba cái chuyện từ thời chiến tranh!
Nhưng là chuyện gì mới được cơ chứ?
Anh giáo định nhờ bố tính giúp chuyện chuyển vùng nhưng chưa kịp nói đã phải tháp tùng bố về Thanh. Đầu óc anh cứ loanh quanh với câu hỏi chuyện gì mới được cơ chứ. Nửa ngày ngồi xe anh giáo mấy lần định hỏi nhưng vẫn không biết mở đầu bằng cách nào. Bố với chú Huỳnh cùng học phổ thông, cùng đi bộ đội, cùng vào chiến trường rồi cùng ra Bắc học Đại học từ ngày còn bom đạn. Anh chỉ biết có vậy. Mà ngần ấy năm bên nhau tránh sao khỏi những cọ xát va đập. Giả dụ là nếu có đôi lần thất hứa hay lỡ hẹn gì đó thì so với bom đạn mù mịt cũng chỉ là chuyện vặt. Anh giáo cứ tưởng tượng, có lẽ do phân đội súng phun lửa của chú Huỳnh vào cửa mở không đúng giờ G làm phân đội xung kích của bố bị thương vong nhiều hoặc…
Rồi anh giáo cũng được bố kể về ngày còn huấn luyện tân binh. Thấp bé nhẹ cân nên Huỳnh bám riết Thỏa. Trước lúc hành quân vào Nam, Huỳnh vẫn lạc quan về mấy tháng đeo hai viên gạch cốm đi băng băng. Nhưng hành quân mới chỉ được một tuần chân Huỳnh đã sưng vù không xỏ giày được nữa. Đi dép thì bị quai cao su cọ cho những chỗ phồng bị loét ra, bàn chân quấn buộc đủ các loại băng. Tình hình này chỉ còn cách nằm lại trạm giao liên rồi nhận một biên chế ghép vào đơn vị thu dung. Thoả vừa hở ra điều ấy đã bị Huỳnh gắt om:
- Mười năm cùng học tớ chưa từng nhờ cậu việc gì, bây giờ xin chính thức có nhời: hãy giúp tớ vào đến mặt trận.
Thoả không bao giờ dám nhắc hai chữ thu dung nữa. Đến trạm giao liên, việc đầu tiên là lân la các nữ giao liên kiếm ít vải màn cũ và nhúm muối pha nước ấm rửa chân cho Huỳnh. Len lỏi theo những lối mòn giữa rừng già, vắt nâu, muỗi vằn cứ rình chỗ nảo da thịt hở ra là bâu vào. Đêm tối như bưng mà một cậu lại kể chuyện con vàng oanh say sưa thả những vòng tròn âm thanh bẩy sắc cầu vồng vào bình minh của cánh rừng muôn màu hoa lá. Huỳnh thấm nước bọt gỡ con vắt bám như cái càng khóa hai bờ môi rồi bốc tiếp vào câu chuyện: tiếng hót làm náo động cánh rừng đánh thức con tê giác quen thói ngủ muộn ậm è cào bươi lá mục rồi tuôn ra bãi phân bốc hơi nghi ngút. Những vòng tròn xám từ bãi phân nối nhau bốc lên khoá chiếc mỏ màu vàng của chú vàng oanh luyên thuyên… Cứ thế, bao cánh rừng lùi về phía sau, bao chiến trường đón rồi đưa những chàng lính trẻ vào sâu mặt trận.
Có lệnh truyền xuống chuẩn bị leo núi. Thoả chìa gậy xuống bảo Huỳnh nắm lấy. Con vắt no căng trong kẽ tay Huỳnh vỡ ra, máu nhoè nhoẹt làm đầu gậy trơn tuột, Huỳnh tụt tay suýt lăn xuống vực. Nhờ cái ba lô vướng vào gốc cây sinh đôi nên đồng đội kéo được Huỳnh lên nhưng ngay lúc mồm mũi còn phì phò cậu ta đã phét lác:
-  May nhá. Không thì giấy báo tử về đến xã người còn chưa lăn đến đáy vực!
Cậu ta còn luyên thuyên hơn cả con vàng oanh tưởng tượng:
- Đã đành sống chết có số nhưng chết mà chưa xả được thằng thuỷ quân lục chiến nào thì đúng là số cứt gà, các cậu ạ!
Rồi, sau trận quần nhau với lính Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, Thoả và Huỳnh không ngờ được cử đi học. Cùng hành quân vào chiến trường, cùng bên nhau trong ba mùa khô và cùng còn gáo để cùng ra Bắc nên anh em gắn thêm hai chữ “tứ đồng” vào tên hai người.
Ấy vậy mà…
Bố con ông Thoả đang ngẩn ngơ thì được ông hàng xóm mời vào nhà. Bây giờ ông Thoả mới được nghe ông hàng xóm xởi lởi kể về hoàn cảnh gia đình bạn thật bi đát. Các cụ mất từ lâu, nhà có ba anh em thì ông anh cả mắc bệnh tâm thần cả ngày không nói một câu, anh thứ hai chết vì bệnh sốt xuất huyết. Huỳnh là con út, nhìn lên, nhìn xuống chẳng có ai nương tựa. Các bà chị dâu luôn dạy con chết cha còn chú nên Huỳnh thực sự là cây cột cái cho cả một đại gia đình ba nóc nhà. Vợ Huỳnh về “một cục”, cày cấy bốn sào lúa chỉ đủ thóc ăn, mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương hưu của chồng. Giọng ông hàng xóm trở nên ái ngại khi kể về các cháu:
- Thằng út đang học cao đẳng, con gái thứ hai cùng mẹ đi tìm nơi học công nghệ thông tin. Cô Giang đưa con đi không biết hôm nay có về!
- Thế còn thằng Hoài? Ông Thoả sốt ruột.
Ông hàng xóm nhẩn nha hút thuốc lào rồi mới trả lời:
- Thằng Hoài ư! Hôm ông Huỳnh mất nó không về…
Ông Thoả xây xẩm vì thằng Hoài không về chịu tang bố. Từ ngày ra Bắc  vẫn nghe ông Huỳnh đi về chăm sóc vợ con tận tình lắm cơ mà. Hay là lời đồn thổi ở cơ quan Binh đoàn ngày ấy…
Ngày ấy, cái ngày vợ Huỳnh đẻ thằng Hoài, cứ đọng lại trong lòng ông Thỏa một nỗi day dứt. Nghe nói thằng Hoài không về chịu tang bố, ông lẩm bẩm “Có thể tay Chính trị Hiệp lý viên Cơ quan có lý”.
Nhìn mấy thứ trong giỏ xe, ông hàng xóm đề nghị:
- Bác và anh tới thắp hương cho ông Huỳnh nhưng mẹ con cô Giang không gửi lại chìa khoá. Đường xa tới… áy náy quá… hay là để tôi gọi đứa cháu đưa ông con ra nghĩa địa, lòng thành tỏ bày trên mộ phần chiến hữu.
Ở quê ông Thoả có tục các thứ đồ phúng điếu dù là chưa thắp hương cũng kiêng mang quay lại nhà mình. Đám còn hung như đám ông Huỳnh đây lại càng phải kiêng. Anh giáo đang phân vân tí nữa đem cho người ăn xin ở đầu chợ hay đem đến cúng thí mả ông ăn mày. May quá, bố con anh đã gặp người hàng xóm tốt bụng…


                                                *
                                                *    *

Ông Thoả ngủ lại khu tập thể giáo viên của con. Mai là hăm ba tết, ông tính sáng ra đi chuyến xe sớm về chuẩn bị làm lễ cúng ông Táo vẫn kịp. Nhưng lòng ông không yên, chưa gặp cô Giang để nói một lời thì về làm sao được.
Con ông ngủ với bạn ở phòng bên thấy bố cứ chong đèn đã mấy lần hé cửa giục bố ngủ. Quá nửa đêm, anh làu nhàu cứ triền miên thức trắng thế này thì mẹ chăm thế nào cho lại rồi chui vào chăn với bố. Và đêm ấy, anh được nghe bố kể câu chuyện ba mươi năm trước.
Cuối năm một chín bẩy tám, ông Thoả được đi phép. Nói là được đi phép vì ngày ấy chưa có điều kiện thực hiện chế độ phép nề nếp như bây giờ. Binh đoàn các ông đang bộn bề với công việc thiết kế và thi công đường Trường sơn. Hôm trả phép, Phòng thiết kế mà hầu hết là anh em tốt nghiệp Khoa công trình Học viện Kỹ thuật quân sự quây quần uống rượu tắc kè với mực khô vợ ông Thỏa gửi lên. Ông gọi điện xuống tiểu đoàn khảo sát nhưng ông Huỳnh đã vào tuyến…
Thỏa hồn nhiên:
- Thằng cha trốn chiêu đãi lên chức bố cu!
Rồi Thoả đằng thằng thông báo Huỳnh đã có thằng “Xưn”*chống gậy. Chính trị Hiệp lý viên nghi ngờ:
- Thật không?
Thoả ngơ ngác:
- Thật cái gì cơ?
- Chuyện vợ Huỳnh sinh con trai?
- Chính xác - Thoả vô tư - Nghe vợ tớ nói tớ rất muốn đến xem bộ ấm chén cu cậu có khá không nhưng vợ tớ bảo đàn ông không được đến đám đẻ chưa ra cữ.
Khi Thoả nâng ly kêu “dô” nhưng Chính trị Hiệp lý viên lại lẳng lặng về phòng mình cầm sang quyển sổ. Anh ta bấm đốt tay trong khi Thoả vẫn ba hoa:
- Sướng tít nhé. Con trai, mẹ đầy sữa thoải mái tu cả ngày… tóm lại là… mỹ mãn!
Chính trị Hiệp lý viên chỉ vào một dòng có tên Lê Huỳnh trong cuốn sổ theo giõi cán bộ rồi tính từ kỳ nghỉ gần nhất đến lúc vợ Huỳnh đẻ mới được có sáu tháng:
- Chắc bà ấy chửa gà nên mẹ mới vuông con mới tròn như cái mồm ông Thoả.
Kèm theo là câu xin vái nhà đại bốc khoác với một cái bĩu môi dài hơn cơn gió làm cho Thỏa lại càng thêm ngơ ngác:
- Thì vợ tớ bảo mà lị!
Đã ba năm hoà bình nhưng nếp sống và cách cư xử của những trí thức mặc áo lính vẫn không khác những năm chiến tranh là mấy. Tất cả cho hoàn thành nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, những gì gì nữa đều là chuyện nhỏ như con thỏ. Cả phòng lại một hai ba dô mà quên hẳn thông tin của Thỏa.
Trưởng phòng nhìn đám sỹ quan trẻ, nói đùa:
 - Chỉ sợ không đủ thóc nộp phạt chứ chế độ phép mà được thực hiện thì mấy bà con dâu phòng này còn nhanh hơn gà ấy chứ lỵ!
 Rồi anh giục anh em đi ngủ sáng mai còn đi cánh tuyến phía Nam.
Chỉ có thế mà trong cơ quan lan truyền chuyện Huỳnh bị “ái” nên bật đèn xanh cho vợ đi kiếm thằng cu. Thỏa đau đầu lắm. Bao năm tắm tiên suốt dải Trường sơn cái mục ấm chén của nhau nào có lạ gì. Tay nào bậy quá, bậy mà ác, phao cái tin ấy với một tay đàn ông ga lăng như Huỳnh khác gì đem muối dưa người ta.
Rồi chuyện này cũng qua. Dù là sổ của Chính trị Hiệp lý viên vẫn tiếp tục ghi thêm những dòng theo dõi nhưng anh em đã tỏa về các hướng với công việc bộn bề. Huỳnh liên tục bám tuyến, trong một phiên trực kỹ thuật Thoả nói qua bộ đàm:
- Cậu bố trí về vài ngày được không?
Bộ đàm tự nhiên rộ lên tiếng bục bục nên Thỏa phải nói lại:
- Mình muốn nói với cậu câu chuyện.
Huỳnh trả lời như không có gì:
- Cho qua đi thằng bạn tứ đồng ơi!
Nhưng chỉ mấy tuần sau Huỳnh đã phải lao vào cuộc chiến mới. Biên giới phía Bắc có động, Huỳnh ra đường 279 khảo sát tuyến Quảng ninh - Lai châu, Thoả sang Lào tham gia với Nga làm đường số 9.

                                                    *
                                                 *    *

Anh giáo chở xe máy đưa ông Thoả sang nhà cô Giang.
Giang đứng trước thềm, áo thụng buông gấu, mảnh khăn xô trùm đầu càng làm khuôn mặt thêm bợt bạt. Sương tháng chạp rắc đầy lá úa trên sân, những chiếc lá xao xác dạt theo cơn gió lạnh. Tấm ảnh bán thân Huỳnh mặc quân phục với cái nhìn xa xăm, mong đợi giữa những bức trướng, cành phan héo rủ vây quanh bàn thờ. Ông Thoả khấn:
- Huỳnh ơi, tớ là Thoả tứ đồng của cậu đây! Bao năm bom đạn không rời nhau một ngày, lúc yên bình lại phải đứa Nam đứa Bắc. Rồi mấy năm nay lo ăn lo học cho con, chúng mình đã quên câu sinh ư hạn tử bất kỳ, Huỳnh nhỉ. Bây giờ âm dương ách biệt, câu chuyện ngày ấy mình biết giãi bày với ai.
Lời khấn của ông Huỳnh làm cô Giang càng thêm nức nở. Trời thêm lạnh. Rất lâu sau cô mới trẫn tĩnh được mà ngập ngừng:  
- Sao mà cuộc đời các anh vất vả đến vậy. Ba chục năm hoà bình chỉ mong có một ngày được gặp nhau, đến lúc gặp nhau thì nhà em chỉ còn là tấm ảnh phủ băng tang. Anh Thoả ơi, anh Huỳnh hay nói đời chưa quá một chữ may là thế nào hở anh?
 - Ông ấy nói đúng đấy, được sống là cái may lớn nhất cô ạ…
Cô Giang lại càng buồn. Cô khóc vì chữ may của chồng cô bé nhỏ nên đã bỏ vợ bỏ con mà đi khi mới năm mươi sáu tuổi trời. Ông Thỏa đã lỡ lời nên không biết nói tiếp câu chuyện thế nào đành mở cuốn nhật ký đặt trên bàn thờ ông Huỳnh.
Nét chữ quen thuộc trên những trang giấy ố vàng, những trang cuối bị nhoè do mồ hôi và do giấy cũ, thời gian ghi trong nhật ký xuyên suốt từ ngày vào Plây cu năm 1977 cho đến trước ngày Huỳnh ra đi không lâu. Ông Thoả lật nhảy cóc mấy trang.
…28/10/78: Đùa quá trớn với Th. Rất tiếc! phiên trực sau sẽ xin lỗi bạn nhé.
15/2/79: Bên nhau suốt mười năm đánh Mỹ với mấy năm hòa bình nay phải mỗi đứa một phương. Về Phòng Thiết kế chia tay thì Th. đã sang Lào chỉ còn lá thư để lại. Sao bạn dằn vặt nhiều thế, Th. ơi! Bạn không có lỗi gì đâu! Có hiểu điều khó nói của mình không hả ông bạn “Tứ đồng”?
10/5/1998: Nghe tin Th. lại đem vợ con ra Hải phòng hay Quảng ninh gì đó. Nó không nhớ quê hay sao mà cứ tít mít tận góc trời. Bao giờ mới có dịp nói lại câu chuyện ngày ấy với nhau, hở Th.?
10/7/2004: Đã thấm đòn cậy cửa xin việc cho con. Ôi ông phó thường dân Lê Huỳnh ơi, ôi cái mặt sau của kinh tế thị trường ơi… nếu biết những con ông cháu cha sướng đến thế này thì mình ở lại mà phấn đấu chứ về hưu sớm làm gì!
15/7/2004: Động mạch vành cứ giở chứng hoài. Những cơn đau thắt điếng người đã gửi một thông điệp buồn! Vẫn phải giấu Giang và anh em thằng Hoài thôi. Còn nhiều việc quá… Đến bao giờ mới có dịp nói cho Th. biết đợt phép chui ấy nhỉ. Th. ơi, mình về trộm mấy ngày được thằng Hoài đúng vào đợt xét thăng quân hàm thượng uý, may lãnh đạo không biết nên mới được cùng đàn sáo sang sông với các bạn. Mình tồi lắm phải không, Th.? Cậu ở đâu hãy báo bằng cách nào đó cho mình, giấu Chính trị hiệp lý viên chứ mình đâu muốn giấu thằng bạn tứ đồng là cậu.
Hoá ra thằng cha lỉnh về ôm vợ. Như thế là đảo ngũ chứ phép chui cái nỗi gì. Huỳnh ơi là Huỳnh, thảo nào tay Chính trị Hiệp lý viên Cơ quan bấm đốt rành rành.
Ông Thoả bồi hồi nhớ ngày truyền thống Quân đội năm ấy, mấy trung uý kỹ sư Phòng Thiết kế được thăng cấp đều tề tựu vui vẻ nhận quyết định thượng úy, duy có Huỳnh nằm lì dưới tuyến.
Cô Giang nói trong tiếng nấc:
- Nhà em không giận, không trách gì anh đâu. Anh ấy vẫn kể những gì bác Thoả đã dành cho bố từ ngày mới vào bộ đội và dặn anh em thằng Hoài không bao giờ được quên. Anh đọc nhật ký chắc hiểu nhà em ân hận như thế nào. Mấy năm nay thỉnh thoảng anh ấy cứ lẩn thẩn ngửa mặt lên trời hỏi anh nọ anh kia đang ở đâu. Chúng em có lỗi với anh nhiều...
Anh giáo à lên thành tiếng. Đấy là tiếng à của sự vỡ lẽ. Anh đã nhận ra, đời không phải lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười khi hiểu được một phần uẩn thắt trong lòng bố!
Ông Thoả như người vừa ngoi lên khỏi mặt nước, mặc cảm gây ra rắc rối cho bạn đã được cất đi. Những dòng của Huỳnh từ những trang nhật ký làm lòng ông ấm lại. Một lần nữa, đứng trước bàn thờ Huỳnh, ông lại cất tiếng gọi Huỳnh ơi.


                                                   *
                                                *    *


Cô Giang kể, ông Huỳnh vừa đưa thằng Hoài vào Kiên giang nhận công tác. Về nhà được mấy hôm thì giải bóng đá Agribank Cup khai mạc.
- Anh ấy quý đội Thể công đến nỗi khi Thể công bị rớt hạng cứ thở dài thườn thượt. Trận hôm ấy, mỗi khi Thể công ghi bàn anh ấy lại hò hét còn to hơn hôm có thằng Hoài ở nhà. Em đi làm về mệt nên đi nằm sớm, khi nghe tiếng gọi vội chạy ra thì nhà em đã gục xuống thành ghế. Em gào bà con đưa đi cấp cứu nhưng chỉ được nửa đường, nhà em đã trút hơi thở cuối cùng. Không ngờ mẹ con em lại phải xa nhà em như thế, anh ơi!
 Cô Giang lại gục mặt vào cánh tay.
- Bây giờ em chưa biết báo tin cho thằng Hoài thế nào, anh ạ. Cháu vừa nhận công tác, không biết đã quen chỗ làm? Đường xa hơn ngàn cây số chứ có ít ỏi gì đâu…
Những lời của Giang và ánh mắt xa xăm mong đợi của Huỳnh cứ rõi theo ông Thỏa suốt chặng đường về. Lá khô xao xác đuổi nhau trên mặt đường. Thế hệ các ông đã đi qua cái khe rất hẹp của sự sống và cái chết, suốt mấy chục năm thương vong bệnh tật chẳng còn món nào không nếm trải mà bạn ông lại ra đi sau một tiếng hét vui mừng.
Thế mới biết những tơ sợi bồng bềnh giữa đời nặng biết bao nhiêu!  
                                                                                      Hà Nội - 30/4/2005
---------------------- 
*Xưn: Con trai (phiên âm tiếng Nga)