Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Dự nhiệm quân



Bách là thiếu uý dự bị của trung đoàn Quân dự nhiệm. Đã hai mươi lăm năm, mỗi năm tập trung huấn luyện một tháng, hết một tháng trả súng trả quần áo về với ao với ruộng nên anh hay nói vui tôi là dự nhiệm quân với câu hát nghêu ngao: Đời mình thành mấy khúc quân hành...
Nhưng đận này đông vụ chí kỳ, cái giấy triệu tập huấn luyện chẳng khác quả bom ném xuống thửa ruộng cao sản. Anh lật ngược lật xuôi xem có chỗ nào khả dĩ chậm lại được một hai ngày nhưng tịnh không tìm ra một sai sót. Vợ anh mới dồn đổi được đám ruộng năm sào để cấy tám thơm, hôm nay trạm bơm huyện mới bơm nước về để làm đất mà bây giờ nước cũng chỉ mới lo ló một góc như bãi nước đái nhện.
 Bỗng chốc mọi việc bị đảo lộn, anh ngao ngán nhìn dòng nước chảy lom dom. Chỉ có bầy kiến đang cuống cuồng vác trứng chui ra khỏi những đụn rạ mục chạy đi đâu không rõ làm anh nguôi ngoai được một chút. Kế hoạch của vợ chồng anh là đêm nay lấy nước no, sáng mai bừa dập, trưa dỡ chuồng phân chiều chồng thồ vợ rải, ngày kia bừa thục rồi để bùn đất lắng đọng một ngày rồi cấy.
Vợ anh cũng đang ngẩn ngơ nhìn về rặng núi. Phía bên kia là thao trường quân dự nhiệm, từ phía ấy nắng cuối chiều hắt lên những tia dẻ quạt. Chị hỏi anh:
- Mai phải đi sớm anh nhỉ.
Bách liều:
- Tối mai điểm danh xong anh sẽ trốn về bừa vỡ. Mình đừng cố quá lỡ ốm ra thì chết tôi, mai nhớ bảo con đem thóc đi nghiền bột nấu cháo cho trâu ăn làm đêm nhé.
Nghe anh dặn chị chỉ cười:
- Cái thân mình chả lo lại đi lo cho con trâu.
Rồi chị bàn: có trăng, vợ chồng tranh thủ thồ phân lấn đêm, anh thồ em đẩy, mai anh cứ thong thả mà vào đơn vị. Cứ yên tâm, em cố mấy ngày rồi cũng xong mà!
Chị lại cười:
- Mà sớm mai nhớ cạo râu rồi hẵng đi không các ông ấy lại trêu là bác cả đi thay như lần trước, em xấu hổ chết!
Năm ngoái, chị lên đón anh bị mấy anh trêu “Lên đón bác cả về đấy à” xấu hổ quá trốn đâu không trốn lại lỉnh ra sau bức tường có dòng chữ viết bằng gạch “Chúng tôi luôn sẵn sàng xả nước vì thân”! Chỉ còn mỗi cái lưng chồng để núp nhưng chị vẫn đáo để “ Mấy ông đái bậy còn viết bậy” làm Bách cũng phải bật cười.

*
       *     *


 Qua cổng trung đoàn, Bách lao xe trên con đường đất đỏ rợp bóng keo lai. Đại đội Một của anh đã tập hợp chuẩn bị điểm danh. Trực ban chỉnh hàng, kéo dài dự lệnh chỉnh đốn trang phục rồi chạy lại báo cáo chỉ huy. Bách dựng xe tiến đến, dõng dạc:
- Tôi, Nguyễn Văn Bách, thiếu uý dự bị, báo cáo đồng chí trung uý đại đội trưởng, xin có mặt.
Đại đội trưởng đáp gọn:
- Được, đồng chí về chỗ.
Anh đứng vào hàng dọc đầu tiên bên phải. Đấy là tiểu đội Một thân thương của anh. Đánh mắt sang bên, những khuôn mặt sạm nắng mưa ngẩng cao hướng về người chỉ huy chăm chú nghe mệnh lệnh huấn luyện. Hai má anh nổi gai. Giây phút đầu tiên của mỗi lần đứng vào đội ngũ, lần nào má anh cũng gai gai như vậy. Bên anh, những con người một nắng hai sương, từ thửa ruộng nhà mình đến trung đoàn dự nhiệm đã nhanh chóng trở thành một khối thống nhất cùng hướng về phía kẻ thù khi Tổ quốc bị xâm lăng. Ý nghĩ ấy lấn át tất cả những lo toan ở thời điểm vất vả nhất của nghề trồng lúa nước.
Đội hình chuyển trạng thái, nghỉ. Từng người lần lượt vào lĩnh quân trang. Sau chín giờ, doanh trại không còn bóng dáng thường phục. Các sỹ quan dự bị chỉnh tề đứng cạnh giường cá nhân chăn chiếu phẳng phiu vuông vức, họ đã tái sinh thành anh lính tân binh thực hành điều lệnh nội vụ. Rồi tiếp đến  khoa mục bảo quản vũ khí, các tiểu đội dàn hàng ngang chếch súng về phía núi. Tiếng quy lát lao vào hộp khoá nòng đánh roát, ánh thép xanh ngời như trùm lên hàng quân, cả đơn vị bừng lên một màu sắc mới.
Theo đúng ngạch dự bị của mình, Bách thực tập khoa mục chính trị viên đại đội kiêm bí thư chi bộ. Hết tuần, chức vụ chính trị viên sẽ được giao cho người khác nhưng bí thư chi bộ phải làm hết khoá. Anh nhận ra những bất lợi với thửa ruộng cao sản nhà mình. Làm bí thư chi bộ mà te tắt về nhà thì lãnh đạo được ai. Lấy lý do sắp hết tuổi dự bị động viên, anh báo cáo đại đội trưởng nên giành các chức danh đó cho anh em còn trẻ gần với độ tuổi quân thường trực. Đề nghị của anh nhận được câu trả lời rất nghiêm khắc:
- Đây là quyết định của Đảng uỷ trung đoàn.
Thế thì lại là chuyện khác. Anh nhủ thế rồi ngồi vào bàn viết dự thảo nghị quyết. Bài bản về công tác đảng công tác chính trị anh đã thuộc làu nhưng hôm nay cứ viết được vài dòng đầu óc lại lảng vảng về đám ruộng còn ngổn ngang lát cày. Nông dân đang lúc chạy nước cấy, đi tập trung huấn luyện là trút lên vai vợ tất cả khó nhọc mùa vụ mà khoản phụ cấp cho dự nhiệm quân chỉ đủ trả thuê vài công cấy. Ừ thì… Ai chả biết đã vào ngạch này, đã mang danh quân dự bị thì phải chịu thiệt thòi. Người lính thời nào chả phải chấp nhận hy sinh, những sự hy sinh lặng thầm và vô điều kiện. Mang danh một sỹ quan lại càng không được so đo mấy trăm ngàn phụ cấp. Dẹp, dẹp mấy cái ý nghĩ vớ vẩn ấy ngay. Anh đã mấy lần tự nói với mình vậy mà mới lia được mấy dòng, góc ruộng lí rí bãi nhện đái lại hiện ra. Điều anh lo nhất lúc này là làm đất không kịp, chung quanh người ta cấy hết thì thồ phân thồ mạ xuống bằng lối nào. Thuê ai được nhỉ, nhà nào cũng chạy bật móng chân biết hỏi thuê ai bây giờ. Chẳng san cho lúc nông nhàn chơi tràn cung mây thịt chó dựng nhắm đánh đụng ầm làng. Thật đúng sinh ư nghệ tử ư nghệ, chưa đến nỗi phải sống chết như cái câu này nhưng vụ cấy vụ gặt nào anh nông dân chẳng phải vắt chân lên cổ mà chạy.           
  Bách ngồi mãi mà vẫn chưa qua được mục đặc điểm tình hình. Đang định ghi “chỉ huy mới ngoài hai mươi chưa hiểu hết tình cảnh vùng bán sơn địa những ngày chạy nước cấy” thì Đại đội trưởng đã đứng ở cửa phòng:
- Tiểu đoàn báo ba giờ chiều lên thông qua dự thảo nghị quyết chi bộ đấy đồng chí Bách ạ!
Vẻ nghiêm lạnh của trung uý đã xoá ngay nhưng ý nghĩ rất lộn xộn trong đầu Bách.
*
                                                   *     *

Bách đang trên đường lên tiểu đoàn thì chiếc Uoat phanh gấp trước mặt. Một thượng tá gầy lỏng khỏng bước xuống sấn lại ôm Bách giữa đám bụi.
- Thằng Hoàng
Đấy là Hoàng, bạn anh từ hồi bẩy chín - tám hai. Nhìn vào xe thấy có mấy người cùng đi, Bách vội thay đổi cách xưng hô:
- Ông về lâu chưa?
- Trước ông mấy ngày.
Hồi đầu năm có một đồng chí trên quân khu xuống kiểm tra tình hình dự bị động viên đã nói chuyện sư phó Hoàng sẽ thay trung đoàn trưởng trung đoàn dự nhiệm về nghỉ hưu. Thế mà từ hôm qua tới giờ đầu óc Bách ngổn ngang phân nước nên quên béng. Bách ướm “Cơm xong, tôi lên ông”, Hoàng cũng đang vội nên dặn “Nhớ nhé” rồi bước lên xe ập cửa chạy ra cổng.
Tiểu đoàn bộ đang tíu tít chuẩn bị sổ sách phục vụ giao ban trung đoàn tối nay. Ngày đầu tiên bao giờ cũng là ngày bận rộn nhất. Ban quân lực rà đi soát lại quân số, điện thoại gọi xuống các đại đội liên tục. Bên hậu cần chưa chốt được số người ăn nên chạy đi chạy về vã mồ hôi. Khổ nhất là mấy anh quân nhu, quân phục mặc không vừa nên các sỹ quan dự bị cứ cắp thẳng lên tiểu đoàn xin đổi:
- Quần áo dày mũ không đúng cỡ, sáng mai tôi không có quân phục mặc để chào cờ đồng chí chịu trách nhiệm nhé!
Bách trịnh trọng mở sổ báo cáo. Bí thư đảng uỷ tiểu đoàn là Đại uý Vũ Văn Ngôn làm một hơi điếu cày ngửa cổ nhả khói lên trần nhà. Tiếng nói cũng từ trong đám khói ấy lọt ra:
- Thôi ông Bách ạ, bài bản ấy anh em mình nhắm mắt cũng đọc thuộc. Xin ông cho biết quân ông cần tập trung lãnh đạo vấn đề gì nhất?
Bách không nén được cơn thèm cũng vớ cái điếu làm một quắn mờ mịt, ngón tay còn tạch tạch que đóm định làm điếu nữa:
- Thực thực, hư hư… đâm ra khó!
Ngôn chồm qua bàn:
- Sao lại thực thực, hư hư?
- Tập tành thì phải theo khuôn theo mẫu mà khuôn mẫu nằm lỳ trong đầu, đâm ra…Thực tế thì cứ suy bụng ta ra bụng người: các cụ triệu tập lúc này có khác gì hoạn mấy bố cu không cơ chứ!
Ngôn đang ngớ người thì Bách đã hỏi:
- Vụ này ông cấy giống gì?
- Toàn lúa tạp giao... đã xong tuần trước!
Bách “Ừ” rồi tiếp:
- Mình mới đổi thửa được một đám năm sào để cấy tám thơm nhai cho sướng miệng mà nước trạm bơm hôm qua mới có, theo đến thót cà.
Anh không kìm được tiếng thở dài:
- Ông hỏi vấn đề gì cần tập trung lãnh đạo nhất, xin báo cáo là cần nhanh chóng khắc phục tư tưởng lo lắng hậu phương, tập trung tất cả cho việc hoàn thành kế hoạch huấn luyện thì mới đạt chất lượng đề ra.
Ngôn bật ngửa ra ghế nhìn người đồng đội. Câu nói quen thuộc ấy thực chất là gì nhỉ? Bách báo cáo tiếp:
- Đại đội tôi toàn anh em vùng bắc huyện, đặc điểm tình hình là đang chạy nước làm đất cấy thì nhận giấy triệu tập, tư tưởng lo cấy không kịp thời vụ là chuyện nóng bỏng, bí thư ạ
Ngôn chồm về phía Bách:
- Nếu tôi không nhầm thì ông là người có vấn đề nhất?
- Thì thế! Thực thực hư hư mà lại. Bí thư chi bộ tư tưởng chưa thông lại dự thảo nghị quyết lãnh đạo đại đội khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ.
Ngôn không nén được tràng cười ha ha. Anh thành thực:
- Chớ quên mình là “Linh hồn của đại đội” đấy.
Câu nói của Ngôn chạm ngay vào lòng Bách. Dặn vợ tối nay trốn về bừa dập thửa ruộng cao sản, bây giờ không biết tính sao!

*
                                                *     *


Cơm xong, Bách lên chỗ Hoàng. Ban chỉ huy trung đoàn đang giao ban. Cậu công vụ mời anh vào phòng trung đoàn trưởng, pha trà xong đã thấy Bách thiu thiu nên nhẹ chân, đóng cửa ra ngoài. Hoàng giao ban xong vào thấy bạn ngủ cũng đi ra nhưng tiếng chốt cửa đã làm Bách choàng dậy.
- Đi đâu đấy?
- Định để ông ngủ. Mệt lắm hả?
- Nhà nông lúc cấy lúc gặt mà!
Hoàng cũng vừa nghỉ phép giúp vợ cấy rồi đi thẳng lên đây. Nhận được điện của sư đoàn, anh biết là cánh sỹ quan dự bị huyện N. gặp bất lợi vì năm nay chậm mưa, nước sông cạn treo cả giỏ bơm lại điện đóm phập phù, triệu tập vào dịp này là căng lắm. Định lên trao đổi với lãnh đạo huyện rồi về bàn lại với các anh trong chỉ huy sư đoàn báo cáo quân khu cho lùi ngày tập trung nhưng các ban ngành đoàn thể ở đây đã triển khai rất chi tiết. Huyện Đoàn sẽ đón các sỹ quan dự bị bằng một đêm giao lưu văn nghệ, Huyện Hội phụ nữ cũng đã điều tra lên danh sách lao động nông nhàn ở những xã đã cấy xong. Thế là anh bị sa vào các buổi họp thống nhất chương trình phối hợp quân dân liên tiếp không dứt ra được. Và anh cũng đã thay đổi suy nghĩ, cứ để anh em khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, bản lĩnh dự nhiệm quân không thể kém ai.
 Anh tâm sự với người bạn một thời trên biên cương phía Bắc như muốn được sẻ chia, muốn nhờ sự tháo gỡ. Bách gật gù, thỉnh thoảng đế theo “Nhà binh mà lại!” nhưng lại hỏi bạn theo cách chẳng nhà binh tí nào:
- Mẹ con chúng nó thế nào?
- Cháu lớn đã làm hồ sơ thi vào Học viện kỹ thuật quân sự nhưng không chắc đỗ. Có lẽ còn phải thêm vài bước chuẩn bị nữa.
Bách hiểu cái gọi là “vài bước chuẩn bị nữa” ấy có nghĩa là vào lò luyện hoặc tìm “dây” nào đó mà chạy. Chuyện tìm dây tìm dợ bây giờ là mốt, thiên hạ rần rần... Hoàng giơ tay ra hiệu:
- Nhưng mình làm sao theo cái mốt ấy được ông!
Bách hiểu Hoàng muốn nói về phẩm chất về tính cách của hai con người đang ngồi với nhau.
- Mua nhà ngoài thành phố rồi sao cứ để vợ con ở quê cho chúng nó vất vả?
- Tớ chịu không thuyết phục nổi Hạnh đâu. Ở quê có ruộng có phong trào là có nơi sử dụng kiến thức đã học, ra ngoài phố toàn đường nhựa với tường gạch, cô ấy bảo học đại học chẳng lẽ chỉ để trang trí lý lịch thôi sao!
Vợ Hoàng vợ Bách là bạn thời sinh viên khoa trồng trọt Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Vợ Bách còn chạy ngược chạy xuôi đi xin việc chứ Hạnh xác định chồng bộ đội đã phải sẵn sàng chấp hành sự điều động thì vợ cứ ở nhà gần họ mạc cho chắc ăn.
Hạnh yêu Hoàng có khởi nguồn từ đợt Bách đi Hưng Yên tìm mua ba ba giống. Đấy là một câu chuyện dài, hôm ấy ở sân ga Hàng Cỏ có cô gái đứng ngơ ngác ngóng ai, Bách hỏi cho vui:
- Nhân dân cần đi đâu để quân đội giúp đỡ nào?
Lối nói vui vẻ rất lính của Bách đã chiếm được lòng tin của cô gái. Cô xin đi nhờ về Như quỳnh, Bách bảo chuyện nhỏ như con thỏ, mình cũng về Hưng yên đây. Và thế là Bách hai vai hai túi chân đạp phăng phăng, đến Như quỳnh, Bách chân thật:
- Thôi để mình đưa vào nhà trọ không túi nặng rã tay sinh viên mất!
Cô sinh viên ấy tên là Liên, nói khẽ:
- Hy vọng trái đất tròn anh Bách ạ!
Hạnh là bạn cùng phòng với Liên cũng khuyên Bách ở lại mai mượn xe máy đưa đi.
- Chúng em biết trại giống ba ba, mai sẽ dẫn đường cho anh! Anh mà cứ đòi đi ngay là cái Liên sẽ khóc đấy! Hạnh trêu.
Chuyến ấy Bách gặp nhiều thuận lợi nhờ hai cô sinh viên nông nghiệp. Sau này, Bách điện cho Hoàng có việc gấp, hẹn gặp tại Cầu Chui rồi cùng về Đại học nông nghiệp. Bấy giờ Bách và Liên mới trịnh trọng giới thiệu Hạnh. Hoàng mê Hạnh ngay nhưng cậu ta vẫn hay chống chế:
- Thằng Bách nó bảo…
Sắp đến giờ điểm danh, Bách phải về đại đội. Đã ngồi lên xe nổ máy rồi mà Bách còn nấn ná. Anh không đành giấu bạn:
- Tí nữa tớ về bừa đám ruộng, sẽ có mặt trước giờ chào cờ sáng mai!
Hoàng giật mình “Cái gì” nhưng khi nghe rõ, Hoàng van Bách:
- Tao lạy mày đấy!
Bách đã phóng đi. Hoàng biết tính Bách đã nói là làm nên vội dong xe máy xuống đại đội Một. Anh căn dặn đại đội trưởng mấy câu rồi đi vào làng.

*
                                                   *     *

Hai bạn chia tay khi biên giới vừa im tiếng súng. Bách may mắn hơn Hoàng vì được đi học sỹ quan dự bị rồi được ra quân. Ngày ấy có câu quan trẻ muốn về nhà, quan già xin ở lại. Học sỹ quan dự bị là sẽ được ra quân, về nhà được hưởng khoán mười, đấy là một chính sách lớn mà đám lính tếu rằng ân huệ của nó sánh ngang với non sông thống nhất đất nước hoà bình. Hoàng được đi học Sỹ quan lục quân để phục vụ quân đội lâu dài mà mặt nhăn nhó như nhai phải hạt chanh. Thằng cười thằng nhăn nhưng cả hai còn chưa biết trong tự điển tiếng Việt có từ chạy chọt nên cứ trên giao thế nào chấp hành thế ấy. Mấy năm sau, khi có chủ trương thành lập trung đoàn dự nhiệm, Hoàng là cán bộ tham mưu sư đoàn chủ lực của quân khu, được cử về huyện Bách tiền trạm. Hai người gặp nhau, khỏi phải nói về cái sự nổ trời của cuộc gặp ấy.
Hoàng:
- Không bao giờ quên được chuyến đi bè năm 1983 Bách ạ!
Khi tiếng súng lặng hẳn, các đơn vị nhận lệnh nâng cấp lều lán tạm thành doanh trại có cột kèo mái lá. Bách nhận nhiệm vụ đi khai thác vật liệu trên thượng nguồn sông Lô. Anh bắt đầu bằng việc chọn người. Mấy năm quân ngũ trải qua nhiều công tác nhưng chưa một ai được dạy cách đốn tre, đẵn gỗ, đặc biệt là cách cốn bè mà nghe đã thấy lạ. Rồi chèo lái từ ngọn nguồn sông Lô về trung du Phú thọ, phải qua sông sâu nước xiết, sự khó khăn là chuyện không cần phải nói nhiều. Bách kêu gọi tinh thần xung phong, chỉ những người có đủ dũng khí anh mới nhận vào phân đội vì nếu không may bị hy sinh có thể không tìm thấy xác. Hoàng là người xung phong cuối cùng không phải anh không có tinh thần mà là vì anh không biết bơi. Chỉ sợ phải xa thằng bạn chí thiết nên anh xung phong bừa. Ai cũng tưởng Hoàng sẽ bị gạch tên nhưng anh lại được Bách nói thầm vào tai:
- Đừng lo, mày ở trên bờ nấu cơm và học bơi, khi nào thạo thì xuống nước.
Khi chỉ có hai người, Bách nói với Hoàng:
- Ra ngoài kiếm gạo nấu cơm ăn chứ tao chịu không thấu món bo bo nữa mày ạ!
Bách chịu không thấu thì Hoàng cũng vậy. Sinh ra và lớn lên ở vùng lúa, từng giọt máu trong huyết quản các anh đậm chất gạo quê. Ngồi trước xoong bo bo anh nào cũng nghẻo cổ mà trệu trạo. Bo bo còn khá, có dạo chỉ sắn luộc chấm muối rang, ăn chưa hết một khúc cổ đã nghẹn ứ. Dạo ấy Hoàng rất thích Bách kể chuyện cơm trắng cá kho dưa cải muối. Rồi tranh luận với nhau hết nghẹn từ lúc nào, đến khi nhìn rổ sắn chỉ còn xơ với lõi, cả tiểu đội ôm nhau cười suýt sập lán.
Bách bảo đừng lo nên Hoàng cũng chả lo. Những ngày chuẩn bị và khi hành quân đến bãi khai thác, Bách bắt Hoàng tập bơi rất nhiều. Cái nghề mới tập tọng là hay ham hố. Ngay chuyến xuôi bè đầu tiên Hoàng đòi Bách cho đi theo. Bách mắc thói cả nể nên chẳng biết từ chối thế nào, thôi thì cũng phải cho Hoàng làm quen với sông sâu nước xiết. Chuyến ấy đi thử nên chỉ cốn vài trăm bó nứa vừa đi vừa dò luồng lạch. Ra đến sông Lô, Bách ngồi phía sau cầm lái, Hoàng cầm sào đứng mũi. Bè đi phăng phăng, cả hai châm thuốc phì phèo.
Dân ở thượng nguồn qua sông bằng mảng. Họ buộc một dây song cố định vào hai gốc cây cổ thụ ở hai bờ rồi móc cái vòng ở đầu mảng vào sợi dây song để nhờ sức đẩy của dòng nước kết hợp với sự níu giữ của cái vòng mà mảng trôi sang bờ bên kia. Thuyền bè xuôi ngược đều phải lách vào hai bên chui dưới dây song mà đi.
Hai người mải tán hưu tán vượn không biết cái đoạn dây lập lờ giữa sông là cái bẫy. Ngồi cầm lái, Bách điều khiển vào giữa dòng để đạt tốc độ tối đa. Vừa chạm vào dây song, bè lập tức bị chúc đầu dựng đuôi, quật úp. Bách bị hất tung lên rồi cắm đầu xuống như vận động viên nhảy cầu, may mà nổi lên được khi sắp hết hơi. Vừa cố bơi vào bờ vừa nhìn quanh tìm Hoàng nhưng không thấy Hoàng đâu.
Khi nhìn thấy hai anh bộ đội không biết tránh dây song, bà con đã lao thuyền ra nhưng không kịp. Những bó nứa ngổn ngang lao như ngư lôi trên mặt sông cuồn cuộn. Bách vừa chạy vừa gào tên Hoàng. Hoang mang quá, chả lẽ dự cảm có thể hy sinh không tìm thấy xác lại trúng vào thằng bạn chí thiết hay sao. Mãi lâu sau mới nghe văng vẳng phía thượng lưu có tiếng gọi mình, Bách chạy lên nghe tiếng Hoàng cười như con mẹ dại trên cành sy cổ thụ.
Lúc bè dựng đuôi lên Hoàng đã nhoai ra túm được một cành sy la đà. Nước cuốn, cành si cứ vấp vổng làm anh nuốt no bụng nước nhưng cũng  leo lên được bên trên. Nhìn xuống thấy Bách chạy ngược chạy xuôi, Hoàng gọi mà không ra hơi. Bây giờ, bạn đã đứng dưới gốc, Hoàng lại cười:
- Tớ đố cậu xuống cách nào hay nhất!
Bách chỉ muốn rỉa muốn móc cho chừa cái thói leo cây từ ngọn nhưng anh lại nhẹ lời bảo bạn bò lên một cành chìa ra chỗ trống có búi rễ lua tua mềm mượt. Hoàng tụt đến mặt đất rồi mà Bách còn chưa hết nín thở vì đám dây gai um tùm bao quanh gốc cứ chực hút cậu ta vào. 
Sau chuyến đi thử suýt chết Bách chia phân đội một nửa chặt vác, một nửa cốn, xuôi, dần dần rồi anh em cũng thành thạo. Đên lúc ấy thì Bách có nhiều thời gian tìm cách cải thiện. Anh tìm được chỗ nhận đổi bo bo lấy gạo, còn đổi cả lợn hơi anh em quay lên ăn như trong phim.
 Các anh thấm đến tận tim gan “Thực túc binh cường” nghĩa là thế nào nên khi Hoàng hỏi điều gì ấn tượng nhất của cái năm tám hai khó quên ấy, Bách không chút đắn đo trả lời là gạo và luật sỹ quan!
Hoàng thừa nhận:
- Luật sỹ quan là tiền đề của chế độ sỹ quan dự bị mà nhờ nó hai thằng mình còn được gặp nhau mỗi năm một lần ở trung đoàn dự nhiệm. Còn gạo thì đang hút hồn cậu phải không…
Đúng là học hành vào có khác, Bách đã nghĩ về Hoàng như thế. Còn Hoàng lại nghĩ về hạt gạo những ngày bóp bụng giữ sơn hà…

*
                                                   *     *

Điểm danh xong đã lâu mà đại đội trưởng còn giữ Bách và các trung đội trưởng ở lại. Hai cái xe máy xịch tới đỗ trước cửa, Hoàng và một chị trạc tuổi vợ Bách đi vào.
- Đây là chị Lương chủ tịch Hội Phụ nữ xã nhận đỡ đầu đơn vị chúng ta, xin mời chị trao đổi với anh em.
Hoàng nhìn khắp lượt và dừng lại Bách:
- Tớ đang nói với chị Lương về khó khăn của anh em. Ví dụ như nhà cậu, mới lấy được nước và rải phân chưa xong thì phải chia đôi lực lượng, mũi chủ lực tập trung huấn luyện quân dự nhiệm còn mũi duyên dáng dịu dàng đảm nhiệm phần bừa và cấy.
Anh văn hoa một chút để trấn an anh em rồi thông báo đã xin ý kiến đồng chí chủ tịch huyện đề nghị điện lực và thủy nông tăng số giờ bơm cho những cánh đồng phía bắc huyện.
Có điện thoại, Hoàng ra ngoài rồi quay vào đưa điện thoại cho Bách: vợ cậu. Bách còn đang không hiểu tại sao vị sư phó kiêm trung đoàn trưởng này lại biết tình trạng năm sào ruộng của nhà mình chi tiết đến vậy thì tiếng vợ anh đã reo lên trong máy.
- Anh ơi! Chiều nay bác Hoàng ra thăm mang bao nhiêu là nước mắm và cá khô. Cái Hạnh nó gửi lên cho em làm thực phẩm cấy, anh ạ. Đã thuê được người bừa người cấy rồi anh nhé, chị Lương vừa gọi cho em. Anh yên tâm không phải về đâu! 
Bách đã hiểu cái nháy mắt lúc chiều khi bạn ập cửa vội vàng cho xe phóng ra cổng. Hoàng lại phải đi, anh ghé vào tai Bách nói nhỏ: tí nữa tiễn chị Lương hộ tớ nhé!
Trung đoàn trưởng đi rồi, Đại đội trưởng cũng thay đổi cách xưng hô:
- Các cô chú cứ bàn trước đi, cháu xem còn ai có nhu cầu mời sang ta trao đổi luôn.
Bách từ chối thuê nhân công giá rẻ do chị Lương đề xuất với tinh thần kết nghĩa. Anh sợ trả công thấp người ta dễ lơ là không bảo đảm kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Hạt gạo với anh bây giờ không còn như năm tám hai nữa mà đã lên ngôi hạt thóc hạt vàng rồi.




Ngày thứ nhất của khoá huấn luyện lần thứ hai mươi sáu của Thiếu úy dự bị Nguyễn Văn Bách đã đến chế độ cuối cùng: tắt đèn nghỉ ngơi. Xin dừng kể chuyện của anh với năm sào lúa cao sản mà nghe tiếng rì rầm từ những tầng nhà. Các sỹ quan dự bị không quen ngủ lúc chín rưỡi nên càng cố im lặng, những tràng cười lại càng ran lên.
                                                                       Hà nội, tháng 9/2005

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét