Chị Hoa- chị cả tôi lấy chồng từ năm mười bảy. Anh rể gần gấp đôi tuổi chị,
tôi can nhưng chị bảo chị rất yêu anh, cứ lấy! Ngày ấy, trong số chúng bạn cùng
lứa với chị, người dám nói lấy chồng vì tình yêu có lẽ chỉ có chị tôi.
Chị
không thuộc lớp mặc váy nhuộm răng đen như mẹ nhưng quanh năm chỉ quần phin, áo
nâu non với chiếc khăn mỏ quạ. Chiếc khăn ấy là một vuông vải chéo go
màu đen, mạng riềm cũng màu đen, ngày bố đi dân công Thượng Lào về làm quà cho chị. Đó là vật bất ly thân, trời nắng
trời rét chị đều trùm khăn kín đầu kín mặt, lúc thảnh thơi chị thả trên
vai. Còn cái áo bông chần hình quả trám, ngày đại hàn chị mới khoác, những
chỗ sờn rách ở vạt chị mạng lại bằng chỉ đen, không nhìn kỹ không nhận ra miếng
vá.
Năm
giải phóng Điện Biên, bọn con trai chúng tôi bơi qua sông chạy ra quốc lộ để được
ngửi mùi ôtô bộ đội chạy qua. Chị không biết bơi nên chỉ mong cơm tối xong mọi
người tập trung ở sân đình múa hát. Tối nào dân làng cũng tập trung văn nghệ, rập
rình từng đôi nam nữ không kể trẻ già đứng đối diện nhau quây vòng nhẩy múa:
Yêu hoà bình tổ quốc chúng ta
Yêu ruộng đồng quê hương
ngàn đời
Toàn dân đoàn kết bước
hiên ngang rộn vang câu ca...
Thi múa sạp, chi
đội thiếu nhi xóm Bắc của chị dám thách thức với những xóm toàn bọn con trai làm
đội trưởng xem ai giành giải nhất. Anh rể chiều chị bằng cách lựa những cây tre
thật thẳng làm sào rồi vê đàn Mandôlin rất giòn. Bọn lau nhau chúng tôi cũng được
anh dạy thổi sáo sòn sòn sòn đô sòn...
Tiếng đàn tiếng sáo cùng tiếng hát quyện trong làn gió lanh tanh trên những ngọn
dừa.
Thời gian cứ
trôi, tôi lên cấp hai rồi cấp Ba học trường huyện được cả anh và chị chăm lo
rất đầy đủ. Cho đến trước chiến tranh phá hoại, anh chị tôi đã có hai cậu con
trai. Ngày tôi nhập ngũ, anh rể đi trực chiến máy bay, chị phàn nàn anh lớn
tuổi chả ai cho đi bộ đội. Xem ra, chị có vẻ tủi thân trước cảnh cả nước nhộn
nhịp ra trận mà chồng mình cứ phải luẩn quẩn với trận địa mười hai ly bẩy trên núi
sau nhà.
*
*
*
Tôi vào bộ đội có
văn hoá cấp Ba lại viết chữ đẹp nên được điều lên làm ở Tiểu ban Quân lực. Dạo ấy
Trung đoàn hoạt động tại vùng Sầm Nưa, công việc của tôi là thực hiện chính sách
nên thường về nước. Khi thì báo tử liệt sỹ, lúc nhận mấy ông đào ngũ, cũng có lần
về lấy thêm quân bổ sung cho số quân chuyển chiến trường. Cuối năm Sáu Bẩy tôi được
về tranh thủ. Lần ấy tôi cuốc bộ hai mươi cây số trong đêm từ trạm giao liên, tảng
sáng về đến nhà. Thầy mẹ tôi mừng không kể xiết, cậu em trai tôi chạy ngay xuống
chị báo tin. Một lúc sau chị tôi khệ nệ bụng chửa, tay bế thằng lên ba, tay dắt
thằng lên năm, đến đầu ngõ đã ơi ới:
- Cậu ơi! Cậu có
gặp bố các cháu không?
Tôi nói với chị
chiến trường mênh mông gặp được người làng khó lắm:
- Với lại em chưa
được vào Nam,
chị ạ
Chị tôi khóc, chị
tôi cười, chị tôi quát hai thằng con đang tranh nhau phần hơn mấy cái kẹo. Trông
cảnh chị hai đứa con thơ, bụng chửa vượt mặt, tôi ái ngại nhưng chị bảo cậu đừng
lo. Ở nhà đã có ông bà với các dì các cậu và cả một phong trào “Ba đảm đang”, cậu
cứ hoàn thành tốt nhiệm vụ ngoài mặt trận là chị khoẻ.
Tôi biết có nói
những lời an ủi cũng vô ích, không khéo còn làm chị phật lòng. Chưa hết tuổi
thiếu nhi chị đã kín đáo hẹn hò, anh rể mới là người chờ đợi. Đến khi thưa
chuyện lại bị thầy mẹ ngần ngừ, chị năn nỉ tôi:
- Cậu đã không
cản ngăn chị nữa thì nhờ cậu nói đỡ một câu cho anh chị được xây dựng với nhau.
Sau này sướng khổ thế nào chị cũng không nửa lời kêu ca.
Lời hứa ấy chị đã
không quên. Chị tôi là tuýp người luôn gắng gỏi cho chồng được bằng mày bằng mặt
với người ta, âu đó cũng là đức tính chung của những người phụ nữ thời kháng
chiến chống Mỹ cứu nước. Trong sống chết khó lường, chị nào cũng mượn câu ca mà
đi suốt dọc dài đất nước tôi vẫn nghe Nhà
tan cửa nát cũng ừ, đánh quân giặc Mỹ cực chừ sướng sau để động viên nhau.
Chị tôi khoe sau
khi có lệnh động viên cục bộ, anh rể được nhập ngũ ngay. Sự lăn tăn vì chồng
mình không được xông pha nơi tuyến đầu và sự mặc cảm với câu nói của ông Đội
trưởng “Hậu phương phải gắng để bọn trẻ ngoài mặt trận yên tâm đánh thắng”, nay
đã được gỡ bỏ.
Ba hồi kẻng gióng
lên, thày tôi bảo:
- Con mẹ cò để
hai cháu đấy tí nữa ông gửi trẻ cho, vào ăn với cậu nó củ khoai rồi đi làm.
Mọi người tập
trung nghe Đội trưởng giao việc. Chị tôi tưng tửng:
- Cậu Trưởng được
về tranh thủ, chiều đã phải đi rồi. Ông Đội không cho tôi cũng cứ ở nhà chơi, rồi
ông muốn phạt mấy công thì phạt.
Thế mà chị được
nghỉ cả ngày hôm đó không bị phạt, chỉ bị thày tôi mắng sắp ba mặt con rồi mà
không chịu sửa cái thói táo tợn.
Chiều tối, chị tôi
nhờ một bác trong làng có cái xe Vĩnh cửu lai tôi đi. Trông cái xe trần trụi,
tôi ngại nhưng bác ấy bảo ăn nhau ở đôi bánh với ba cái ổ chứ chuông phanh cần
gì! Chị chả để ý cứ luôn mồm dặn tôi đến nơi phải viết thư về ngay, nếu gặp anh
rể thì nói ở nhà ai cũng khoẻ, các cháu đi nhà trẻ rất ngoan. Chị vừa nói với bác
xe lai “Có khi bác ngồi sau ôm ba lô cho cậu ấy lai” thì đã quay sang tôi “Bác
ấy mắt kém, nếu muộn quá phải cho bác ấy về rồi cậu chịu khó đi bộ tiếp”... Tôi
cứ nghĩ nếu chị tôi đi bộ đội làm Trưởng Tiểu ban Quân lực chắc chẳng thua gì
anh Trưởng Tiểu ban tôi vẫn gọi là thủ trưởng.
Năm Sáu tám tôi
lại được về tranh thủ, lần này được nhiều ngày hơn vì trung đoàn sẽ hành quân vào
chiến trường B nhận nhiệm vụ mới. Tôi thấy chị gầy rộc vì xã mới báo tử một người
đi cùng đợt với anh rể và phong thanh có tin anh rể cũng đã hy sinh. Chẳng biết
thật giả thế nào nhưng chị không ăn không ngủ được. Sau khi anh đi được mấy tháng
thì chị tôi sinh cháu gái, niềm vui có nếp có tẻ chỉ được bảy ngày. Mất cháu,
chị lo ngày anh về không biết nói với anh thế nào nên người cứ rạc ra. Tôi biếu
hộp sữa Liên xô và cân đường hoa dâu nhưng chị đem lên nhà bảo chia phần. Thày
tôi gắt, chị vẫn khăng khăng “Quà của cậu phải có phần cho thầy mẹ”.
Thày tôi đục hộp
sữa pha cho mỗi người một bát. Hai thằng con chị chỉ mấy cái ực đã hết, sữa dính
trắng quanh mồm dính cả vào chóp mũi cứ thè lưỡi lên liếm. Chị đang sì soạp
liền sẻ nốt bát mình cho hai đứa rồi ôm chúng nó, nựng:
- Khổ thân con tôi,
từ ngày lọt lòng có biết sữa bò là cái gì. Bao giờ hoà bình bố vể mua cho đầy...
Đang nói đang cười,
chị tôi bỗng lặng đi. Cả nhà tôi ai cũng biết vì sao chị buồn nhưng chẳng biết
an ủi thế nào.
Chị xin thầy mẹ
cho tôi ăn cơm với các cháu rồi mẹ con líu ríu ra về. Tôi vừa bảo “Hai đứa đi đây
cậu cõng nào” thằng anh đã tót lên lưng còn thằng em đánh đu trước ngực.
- Hai đứa không được
bắt mẹ cõng như thế này, nghe chưa? Phải thật ngoan để mẹ vui nhé!
Hai anh em,
thằng anh chưa nói sõi còn thằng em đang ngọng líu, tranh nhau khoe:
- Cô giáo bảo
ngoan sẽ được lên núi bắn máy bay cơ!
- Bố cháu dặn đứa
nào ngoan sẽ được thưởng khẩu súng làm bằng ống pháo sáng cơ!
Tôi hỏi, chị bảo
có lá thư viết đã sáu tháng rồi mới đến nhà, trong thư đề là Bình dương.
- Bình Dương ở đâu
hở cậu?
- Em chưa được vào
nên không rõ lắm nhưng nhìn trên bản đồ thì Bình Dương còn ở phía trong Tây
nguyên. Thế là anh đã vào gần đến Sài gòn rồi!
- Thế cơ à, thảo
nào thư đi mất những sáu tháng. Người ta đồn anh hy sinh, chị lo lắm. Ngoài này
chỉ có máy bay mà đã gớm, trong ấy thì đủ loại giặc trên trời dưới đất. Mà càng
gần nơi đầu sỏ chúng càng ác độc phải không cậu?
Tôi đã được chị
cho bài học về dã tâm của quân thù chứ đi bộ đội ba năm chỉ mới được bắn bia rồi
toàn là “phóng văn lình”. Nếu có ai hỏi rằng anh giỏi cái gì nhất thì tôi đành
phải trả lời là giỏi cuốc bộ về tranh thủ. Vì thế nên tôi rất ngượng. Anh rể đi
sau đã vào đến Bình dương, còn tôi, theo các tham mưu con ở Trung đoàn bộ, bây
giờ mới chuẩn bị vào B3.
- Tranh thủ đợt
này rồi chưa biết đến bao giờ em mới được về. Chúng em chuẩn bị đi B...
- Thế chị tưởng cậu cũng đã đi... cái gì rồi cơ
mà?
- Đi C, tức là chiến trường Lào...
Lộ bí mật quân sự là kỷ luật nặng của quân đội
nhưng vì quá thương chị, tôi đã lỡ mồm.
- Anh đã vào gần đến Sài gòn rồi, em mà chậm chỉ
còn mỗi việc đi giải tù binh!
Chị tôi cười.
Trời đã nhá nhem. Chị sai tôi ra vườn hái rau chua
me và mấy quả khế còn chị kỳ cạch giã cua nấu riêu là món từ ngày đi bộ đội tôi
chưa được ăn. Mới qua tuổi hai mươi, thấy chị ốm thì thương, thấy chị lọ mọ làm
món ăn mình ưa thích thì cảm động chứ tôi chưa biết làm công tác tư tưởng thế
nào với người chị gái hậu phương trong những ngày khốc liệt ấy.
*
* *
Tôi không đi B mà tập trung ôn văn hoá để thi vào
Trường Đại học Kỹ thuật quân sự. Những anh em được tựu trường mừng lắm. Về thủ
đô học đại học thì thời nào chả là mong ước của tuổi trẻ. Riêng tôi lại có cảm
giác rất khó tả, sung sướng đến nghẹn ngào vì chưa bao giờ được đến Hà nội
nhưng vẫn ngường ngượng vì sức dài vai rộng lại lủi vào hậu phương. Năm ấy anh
rể đã ngoài bốn mươi tuổi.
Học ôn đối với tôi là công việc nhẹ nhàng. Đang gian
khổ ác liệt bây giờ về vùng núi Sơn Tây yên tĩnh học lại những bài toán lý hoá
cấp ba, tôi có thừa thời gian xem trước tài liệu, lên lớp nghe giáo viên giảng
chỉ là bước củng cố kiến thức. Trong số chúng tôi có những người học khá vất
vả, tôi được giao kèm một nhóm mà cứ cố coi đấy như tổ chiến đấu ngoài chiến
trường. Tuổi trẻ hay đua, chúng tôi lấy điểm học tập để tính chiến công, cao
nhất điểm năm là diệt gọn, điểm bốn là bắn bị thương... bây giờ nghĩ lại còn
thấy buồn cười nhưng ngày ấy tôi thi đua bằng tình cảm thật sự với người anh rể
mà mỗi khi nhớ đến, hình ảnh anh chỉ lướt qua còn hình ảnh của chị lại không
rời tâm trí tôi được.
Thi đỗ rồi tôi được nghỉ phép hai tuần. Thế là dự
định lợp lại mái nhà cho chị đã có cơ thực hiện.
Thời kỳ này Ních xơn ngừng ném bom từ vĩ tuyến hai
mươi trở ra nên tàu hoả chỉ về đến Bắc Hàm rồng. Tôi cuốc bộ gần bốn chục cây
số, định bụng chỉ ghé dặn chị một câu nhưng vừa khoác ba lô vào đến sân chị tôi
đã oà khóc. Trông chị nhếch nhác, xanh xao nhưng hỏi vì sao chị không nói. Mãi
lúc sau hai thằng cháu chạy về tranh nhau khoe:
- Bố cháu hy sinh rồi, hôm làm lễ báo tử đông lắm!
Ôi! Những đứa cháu ngây thơ của cậu. Chắc các cháu
chưa biết hy sinh và báo tử là từ ngữ chỉ dành riêng cho người đã chết. Tôi ngẩn
cả người, mãi đến lúc nghe tiếng chị lào thào "Cậu cứ bảo hai cháu hy sinh
là lập công rất lớn" tôi mới bừng tỉnh và ôm chầm lấy người chị gái kính yêu.
Dòng nước mắt không thể nén ghìm cùng hai tiếng con ơi của chị làm hai đứa cháu
tôi tròn xoe ngơ ngác. Tội nghiệp, các cháu vẫn đợi ngày bố về sẽ được thưởng
khẩu súng làm bằng ống pháo sáng!
Buổi tối nhà tôi rất đông. Mẹ giải chiếu ra sân,
dưới ánh trăng mọi người thăm hỏi tôi như một người lính ngoài mặt trận trở về.
Tôi thật thà kể vừa thi vào Trường Đại học nhưng không ai để ý. Với họ, đã là
anh bộ đội thì làm nhiệm vụ nào cũng nhằm mục tiêu giải phóng miền Nam thống
nhất đất nước. Ông Đội trưởng chỉ căn hầm và yêu cầu ai hút thuốc phải vào đấy để
đề phòng máy bay. Mỹ ngừng ném bom nhưng vẫn do thám, thỉnh thoảng lại có chiếc
phản lực ào qua bắn hàng loạt đèn manhê chụp ảnh, tiếng nổ chát chúa để lại
tiếng rền rất khó chịu.
- Cứ phải cảnh giác. Ních xơn xảo quyệt lắm, mình
chủ quan chúng đến bất ngờ trở tay không kịp. Mai ta làm buổi tối. Trăng sáng
thế này, rỡ ra lợp lại vài tiếng là xong. Cần độ chục người lên mái mà mới có
ba ông, ai xung phong...
- Chị em tôi lên tuốt!
Lại là tiếng chị tôi. Ông Đội trưởng chẳng lạ, có
việc gì của nam giới mà chị em không làm được.
- Nhưng mà cô phải ở dưới để ai cần gì còn hỏi
chứ. Trên mái gọi ới gọi ời/ Cái mè cái
lạt dưới thời có ngay... Ông già vui tính đọc vè.
- Mai có được thắp đèn không ông Đội?
- Không, tuyệt đối không...
- Nhưng có tí trăng các ông các bà dạng ra che hết
rồi dưới mò thế nào?
- Mặc kệ các bà, trên thông báo không được để lọt
ánh sáng lên trời, các bà muốn làm sao thì làm!
- Mai ta đến sớm xếp mỗi thứ một chỗ đến lúc lợp cứ
nhớ chỗ là được.
Mấy bà thôi
cười, bàn nhau. Ông Đội trưởng nhắc lại:
- Mai các ông các bà nghe kẻng thì thì tập trung
tại nhà cô Hoa, ai đến muộn trừ công gấp đôi đấy. Chúng ta ở nhà không lo trước
để đồng chí bộ đội về nhắc nhở, khuyết điểm quá...
Tôi đỏ chín cả mặt. Cả làng chỉ có mình tôi hay về
tranh thủ, lần này lại còn trình giấy xin ký tên đóng dấu. Cảm giác làm điều
chưa phải cứ luẩn quẩn trong đầu.
*
* *
Chị tâm sự, giá chưa vướng bận hai cháu chị sẽ xin
đi bộ đội hoặc thanh niên xung phong, nhưng đợt này chị sẽ gửi cháu cho ông bà
lên núi vào trung đội mười hai ly bảy, trực chiến chuyên nghiệp. Tôi đọc lá thư
mới nhận và tin chị sẽ làm như vậy. Tính cách chị tôi, tôi quá rõ. Thù chồng
phải trả bằng những làn đạn thẳng căng vào đầu bọn giặc nhà trời. Năm ấy chị
tôi hai mươi lăm tuổi. Hai mươi lăm tuổi phơi phới sức xuân đã mang tang chồng
và mối thù chung của đất nước. Chị nguyền, đời chị trả không xong sẽ có đời hai
con chị nối tiếp. Viết cho tôi, lời nguyền ấy chị nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Năm Bẩy mươi chị tôi đi dân công hoả tuyến phục vụ
chiến đấu ở Quảng bình, gần hết hạn chị chuyển qua thanh niên xung phong vào
đến Quảng Đà rồi cậy cục thế nào được vào bộ đội. Nhưng cuộc phiêu liêu của chị
cũng chỉ đến được vùng đất ấy. Sau ngày giải phóng, chị về nhà còn tiếc không
vào được Bình dương.
Biên giới Tây Nam bị bọn Pôn Pốt đánh phá rất dã
man. Tôi là sĩ quan trẻ lại có trình độ kỹ thuật phù hợp với một nhiệm vụ mà
cấp trên yêu cầu phải làm đơn tình nguyện. Trước khi đi, tôi được tranh thủ về
thăm gia đình. Đấy là tháng hòa bình đầu tiên, tôi không gặp chị vì chị chưa
được về. Suốt mấy năm ở biên giới, tôi luôn mong được gặp chị. Trong một đợt
trinh sát chúng tôi bị phục kích...
Ngày chị lên đón tôi ở trại thương binh, chị ôm
tôi mà khóc như ngày còn bé. Thày mẹ đã về với tổ tiên, các em tôi đứa nào cũng
đã có phận riêng đứa ấy, chị xin nhà nước được làm người phục vụ đứa em trai
bốn chi nay còn một. Tôi sống cùng ba mẹ con chị nhưng hai cháu lần lượt lớn
lên đi học rồi thoát ly đi công tác xa. Chỉ còn tôi với chị, nhà vắng hoe vắng
hoắt, chị đẩy xe lăn đưa tôi đến nhà các em cho tôi khuây khỏa. Cô em út thắp
hương vừa khóc vừa khấn:
- Xin thày mẹ phù hộ cho chị Cả luôn được mạnh
khoẻ để nuôi anh Trưởng.
Đến khi thằng con lớn của chị có gia đình, nhà
thêm đứa cháu dâu rồi thêm đứa cháu nội, tôi quyết định quay về trại. Chị đã
hết phải sống một mình và tôi cũng muốn tránh những câu hỏi ngây thơ của đứa
cháu nhỏ.
Tất cả các em tôi nghe theo lời chị cất ngôi nhà
trên thổ đất của thày mẹ để chị lên trại lần thứ hai xin đón tôi về:
- Để cậu cho ai chị cũng không yên tâm!
Chị tâm sự với tôi như vậy.
Phận goá còn trẻ mấy ai được yên, chị tôi cũng
vậy. Nhưng ai đến với chị, chị cũng trả
lời con tôi còn nhỏ dại, khi các cháu đã thoát ly chị lại nói không nỡ để cậu
Trưởng chịu khổ một mình. Hình như chị quên và tôi cũng không nhớ, tôi với chị
là hai chị em liền kề ngày xưa mẹ sinh năm một. Hay chị vẫn nhầm tôi với thằng
bé ngày máy bay Pháp ném bom, chị sợ qúa đã nằm đè lên che chắn. Mà tôi lọt
thỏm trong chiếc xe lăn cũng có khác gì đứa bé, một đứa bé thiếu hai chân và
một tay có râu tóc màu bạch kim.
Khi các cháu tổ chức mừng thọ chị sáu mươi, anh
cháu lớn "quán triệt" cho vợ cậu em trai trong Nam mới về “Muốn mẹ
vui lòng thì cứ hỏi ý cậu. Mẹ kính trọng cậu như kính trọng ông bà ngoại, thím chú
ý kẻo mẹ phật ý”. Con cháu dâu này sinh trưởng trong một gia đình khuôn phép
nên cứ y chang lời anh chồng. Tôi tưởng nó lạ nước lạ cái nên cái gì cũng hỏi nhưng
không, tất cả các em các cháu tôi đều làm như vậy. Được coi trọng mà lòng tôi
đầy vị đắng. Nếu anh rể còn sống và tôi không thương tật nặng thế này, các em
các cháu tôi đâu phải gò gẫm đến vậy. Hy sinh, mất mát vì nghĩa lớn được cả dân
tộc đáp đền nhưng sao trong lòng tôi cứ nê nể, đau đau, âm i, buồn bực.
Đêm ấy, tôi thức trắng với trang giấy. Tôi nợ chị
tôi nhiều quá. Tôi còn tai còn mắt còn một cánh tay và trái tim còn đập, tôi còn
được hạnh phúc hơn anh rể rất nhiều. Lòng tôi xao xác, mưng mưng, tôi chỉ muốn
bật lên thành tiếng liệu có còn thương hay chỉ phế, hở trời.
*
* *
Năm sáu mươi hai tuổi, chị tôi và hai anh con trai
vào Bình dương tìm hài cốt anh rể. Không dám để tôi ở nhà, chị quyết định đem
theo. Được thăm lại chiến trường xưa là ao ước bấy nay nên tôi vui vẻ lên đường.
Nhưng, lúc đi đã không xe nào muốn chở người ngồi
xe lăn, lúc về thêm va li hài cốt, đón được một cái xe khách sao mà khó thế.
Mấy lần lơ xe nhảy xuống chào mời đon đả nhưng ngửi thấy mùi nước hoa lẫn mùi
hương rồi đến khi nhìn thấy cái va li, cậu nào cũng ngao ngán lắc đầu. Bốn chị
em cậu cháu lại phải mang anh rể vào bến nhưng nhà xe từ chối. “Không có xe
chuyên dụng”, câu trả lời khô như những mảnh ngói vỡ. Chị tôi cố trình bày em
trai là thương binh nặng thì được câu trả lời của người phụ trách “Bến xe không
phải cơ quan chính sách cũng không có nhu cầu làm từ thiện, người què cụt chỉ
vì tham tí thuốc nổ mà tháo bom tháo đạn dính cũng nhiều, cái thẻ thương binh
này biết thật hay giả”. Tôi chỉ muốn gầm lên. Khốn nạn, người đàn bà quê mùa một
thời mặc áo lính đã bươn bả mấy chiến trường là chị tôi đây đang bị nghi là kẻ
gian! Mảnh đất nơi anh rể tôi để lại tính mạng bây giờ san sát nhà tầng, có còn
ai mở lòng đưa anh về quê với chị tôi và các cháu?
Tại Ban Quản trang - chúng tôi phải trở lại cái
nơi tình nghĩa đã giúp mẹ con chị thoát bao thủ tục nhùng nhằng - chị tôi hết
lời xin anh em đã thương thì thương cho trót. Một anh bỗ bã “Cái khó là chỗ ông
bác đây! Nói bác bỏ quá, mình giờ như quả bí, mọi chao lắc đường dài trông cậy
một tay, lỡ có sự gì lái xe nó ngại lắm. Đã đành là tiền rồi, nhưng...”. Tôi
không nỡ trách câu phũ phàng từ miệng người đồng đội chân thật, chỉ vận tâm giữ
cho tiền đình không bị rối loạn. Chị tôi chất phác mở cái túi lấy bọc tiền:
- Trăm sự nhờ các bác, bao nhiêu tôi cũng sẵn sàng.
Chả giấu gì, tất cả tiền phụ cấp vợ liệt sĩ, phụ cấp nuôi dưỡng cậu cháu hai năm
nay tôi vẫn gói trọn đây. Sang năm tuổi sáu ba lỡ có sự gì, gặp bố các cháu tôi
biết nói thế nào...
Rồi cũng thuê được một cái xe với giá khoảng ba
năm cấy lúa của chị tôi nhưng đi chưa được trăm cây số tôi đã bị sốt. Mấy chỗ
cắt cụt tấy đỏ rỉ nước vàng nhức buốt. Chị trao chiếc va li cho con, ôm tôi vào
lòng, cố nhận hết mọi dằn xóc. Lái xe chia sẻ bằng cách chạy nhanh hơn “Cho bác
chóng về nhà”. Chị tôi van:
- Chú xem có chỗ nào cấp cứu chứ cứ chạy mãi thế
này em tôi chết mất...
Lời qua tiếng lại, cuối cùng chị phải chịu thêm
tiền nửa ca xe để đưa tôi vào một trung tâm y tế ven đường. Mấy người mặc áo bờ
lu vừa lôi băng ca vừa đay “Người ngợm thế này mà cũng học đòi tình nghĩa...”.
Đời hỡi đời, chị tôi chỉ mang tôi đi tìm hài cốt anh tôi chứ có đi làm tình
nghĩa gì đâu! Đối mặt với sự vô cảm đến thế mà chị tôi lại trần xì mấy trăm
“Gọi là để bồi dưỡng...”. Chắc chị đã khôn hơn hôm ở bến xe, chả dám nói em
mình là thương binh nặng, chỉ lúng túng không biết mua phong bì ở đâu.
*
* *
Về tới đầu làng, khi tôi đã yên vị trên xe lăn,
thằng cháu lớn đã cẩn thận ôm cái vali hài cốt bố đứng nép vào mé đường, chị
mới bới lại mái tóc bạc úa. Khuôn mặt chị giãn ra, một phút nhàn nhã của chị
gợi cho tôi nhớ ngày thưa chuyện với bố mẹ chị đã khẳng định khó khăn nào cũng
vượt qua. Cho đến lúc này chị tôi đã giữ trọn lời hứa ấy.
Các em ra đón, chúng xúm vào đẩy cái xe lăn có chiếc
va li hài cốt đặt trên hai mỏm đùi còn lại của tôi ngược con đường ngày anh rể ra
đi trong hương trầm ngào ngạt. Dòng người cứ dài thêm trên con đường bê tông, con
đường ngày xưa nhão bùn và rộn ràng trống ếch.
Chị áp má vào trán tôi, thảng thốt “Cậu lại sốt
đây này”. Nước mắt của chị lăn xuống mặt tôi, thấm theo những nếp nhăn nơi khoé
mép tôi, mặn chát. Tôi vòng cánh tay còn lại ôm lên mái đầu già nua của chị. Tim
tôi đập rất mạnh không thể cất nên lời. Chị Hoa ơi! Chưa bao giờ em thôi yêu
kính chị. Em còn một cánh tay và một trái tim, khi nào trái tim em còn đập em còn
viết những dòng thương quý người chị gái đã chở che em từ lúc tuổi thơ cho đến
tận tuổi già. Chị có biết không, đã có lúc em định buông xuôi nhưng chị là cánh
buồm là cơn gió đưa em qua những bến bờ...
Xin ngàn lần được gọi: chị Hoa ơi!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét