Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Được mùa Nông Cống...



Ba mươi Tết, nhóm bạn đồng môn họp mặt như mọi năm, các ông các bà kháo nhau trên trời dưới bể. Ai đó tếu táo Hà nội có Lăng Bác Hồ, có Trung ương, Chính phủ, tiền đồ là đây… rồi quay ra tranh luận câu thành ngữ “Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi…”.
Ông Nhật ngồi uống trà, nghe các bạn và tự nói với mình trong lặng im.
Nặng lòng với quê, một năm có lẽ ông chỉ ở Hà nội vào mười hai kỳ phát lương hưu rồi lại cưỡi Đrem phi tuốt vào núi Nưa. Ở đấy, ông thoải mái đắm vào những sinh hoạt vô cùng dân dã của cái huyện nổi tiếng với câu “Được mùa Nông cống…”
Trong thâm tâm, ông không thừa nhận cách người ta giảng giải Nông cống là nơi khó làm ăn đến nỗi nghèo nhất nước Nam này. Không thừa nhận nhưng quê ông quả thật rất nghèo. Có bận ông chở bao quần áo con cháu ngoài phố thải ra vì lỗi mốt, về quê chẳng đứa nào chê. Không biết chúng động viên ông đường xa mang nặng hay các chị các em ông không có tiền mua đồ mới cho con mà đứa nào ướm vào cũng vuốt ve, trân trọng. Những lúc như thế ông thật xót xa. Sự nghèo khó đã bám nhẵng quê hương từ khi ông còn là đứa bé, nay đến lượt các cháu ông nhìn lên thành phố vẫn còn vời vợi.
Có lần ông đã thề từ nay không về quê nữa nhưng lĩnh lương hưu xong ông lại bồn chồn. Lạ thế, quê hương là gì mà khi muốn rời xa nó lại cuốn lôi người ta về.
Đã qua tuổi sáu mươi, bụng bảo dạ coi chừng đi xe máy đường dài. Vợ ông cũng xa xôi “Lục thập bất đáo đình trung” nhưng ông bảo tôi lánh nơi đô hội cũng là bất đáo đình trung rồi một mình một xe, lại phi một trăm tám mươi cây số.
Ở quê, các đồng chí lãnh đạo đề nghị ông viết sử xã, việc ấy đã hòm hòm. Đồng tộc giao ông làm gia phả, việc ấy cũng đã hoàn thành từ năm ngoái. Bạn cũ thích ông về vì người thủ đô có nhiều thông tin. Thì đã hẳn. Nhưng những níu kéo ấy không phải là tất cả. Chuyện chú em trai chết vì “Sác” khi đi làm cửu vạn để lại cho người em dâu hai đứa con ở một vùng thuần lúa nay lại hay bị khô hạn mới là nỗi canh cánh của ông. Ngồi bên ấm trà, ông tưởng tượng thằng cháu Sửu đang lầm lụi trong những hầm than. Cứ thế, ông tự hỏi, tự nói với mình, trong lặng im.

                                                *
                                                *    *

Được buổi tách ra khỏi những tất bật gia đình con cháu, từng nhóm quây vào chuyện trò thoải mái. Một ông đang trần tình với những lời thăm hỏi về chuyện đi xin việc cho con:  
- Chán lắm! Đi cửa nào cũng nghe quê Nông cống hả. Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi…
Thời này cực nhất là những anh về hưu đi xin việc cho con. Ông bạn đây càng thêm cơ cực vì cái tội quê ở Nông cống. Đã thế, đến cửa nào cũng “Thưa đồng chí”. Ba từ ấy vào lúc ấy đã làm ông đuối tầm trong cuộc đua vào những nơi “chỉ còn một chỉ tiêu duy nhất”!
- Cháu nó đã được phân về một trường cơ sở ở huyện Quan sơn.
Quan sơn là huyện biên giới, đèo cao suối sâu, ngút ngàn núi đá nhưng xem ra ông vẫn rất thỏa mãn. “Đi miền núi là nghĩa vụ nhưng cũng là cơ hội cho các cháu rèn luyện”.
- Tốt nghiệp loại giỏi Đại học Sư phạm I có thể chạy vào một trường cách Tháp Rùa năm trăm mét!
Đấy là lời bình luận của một ông phương phi, tóc mượt, nom qua đã thấy thừa cân. Ông ta nói tiếp với chất giọng nhẹ nhàng, tình cảm:
- Dĩ nhiên đời cha nghèo thì đời con khó nhưng sao ông không cầm miếng đất hay cái gì đó cho cháu nó thoát khỏi cái nơi mà mình đã phải dứt áo ra đi?!
Một ông khác:
- Lâu nay ông cứ không chịu hiểu. “Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi” nghĩa là nếu Nông cống mà được mùa thì mọi nơi bội thu, bội bội thu…
Gió lạnh đưa hơi nước dưới hồ lên, các bà các ông đã có men bia mà vẫn thi nhau xoa hai bàn tay vào má. Công bằng mà nói, hai chữ Nông cống vẫn boong boong trong đầu họ, tựa như tiếng chuông chiều gọi nguyện nhưng khác với con chiên nơi xứ đạo, họ đang mượn cốc bia và những chuyện tầm phào khoả lấp tiếng bước chân rổn rảng gọi về nơi vùi bánh rau thai.
Ông Nhật vẫn lặng im, bạn hữu sao nỡ buông lời chê nhau. Ông còn nhớ tết năm ngoái, sau ngày ông công ông táo lên trời, ông vẫn chưa thể về Hà nội vì thằng Sửu cháu ông đi làm than với thằng Phất vẫn chưa về. Chuyến về tết của chúng nó, từ lúc nghe kể đến bây giờ ngồi trong khách sạn ông còn ngao ngán.
Sửu và Phất vừa xuống ôtô đã bị một cái phát vào mông:
- Của tao!
Không hiểu sao mấy tay xe ôm khác cứ lặng lẽ lảng ra. Xế chiều, đường về quê chỉ còn Sửu và Phất, anh chàng xe ôm mặt quắt đã là loại ghê gớm nhưng vẫn bị thằng Phất hất cằm:
- Bao nhiêu?
Cái hất cằm được bổ sung bằng một tiếng vỗ túi mông nhưng không làm cái mặt quắt đỡ quắt đi tí nào.
- Đi riêng một trăm, đi chung trăm tám.
Sửu như chạm phải ống bô:
- Ôi trời! Hôm ra có hai chục lại được ngồi mỗi người một xe.
- Có biết hôm nay là ngày gì không? Chực toét mắt chờ chúng mày… hay để giao thừa về xông đất luôn một thể!
Vẻ bặm trợn của anh chàng xe ôm làm Sửu im tịt. Phất lại khác, cậu biết cái bọn “bẩy nghề” này là chúa hay thủ dao chọc tiết lợn trong cốp nhưng cái thói ngông nghênh không sao hãm được:
- Trăm tám thì trăm tám chứ sợ đếch bố con thằng nào!
Mặt quắt vẫn rắn đanh:
- Tiền?
- Về đến nhà rồi đưa chứ ai quỵt?
Mặt quắt tắt máy, rút chìa khoá thọc hai tay vào túi đủng đỉnh vào ngồi quán nước. Sửu đã nản, giục Phất:
- Thôi, đưa đi…
Phất vừa sờ tay móc ví mặt quắt đã tuơi như hoa:
- Hai em đưa bao đây, anh xếp. Tí nữa gặp chốt công an chỗ Trại cá cứ bám chắc cho anh xử lý nhé.
          Về đến thị trấn, Phất vào cửa hàng mua bộ bò mài và đôi dày Adiđát trắng tinh. Mặc vào, lớp bụi than ngấm sâu trong lỗ chân lông càng làm tăng thêm độ xỉn trên khuôn mặt râu ria lỉnh kỉnh. Khuềnh khoàng trên xe, nó luôn mồm chõ vào các ngõ hỏi xem đứa nọ đứa kia đã về chưa. Tiếng hỏi như quát và tiếng xe máy mọt ống bô pành pành càng trêu già lũ chó.
Hai đứa cùng ngõ xóm, cùng thi trượt, cùng đi cửu vạn đến nay là mùa thứ hai. Hai năm vừa rồi hai đứa nhập với bọn Thái bình đi hầm cho một tay cai than. Bằng những cách khác nhau, tay cai đã bán được hàng ngàn tấn nhưng vẫn nói là chưa có tiền. Vợ cai dẻo quẹo nhờ các em thay mái cái nhà ngang hộ chị với. Đang phải vêu mõm chờ tiền, nay có việc đổi lấy ngày hai bữa thì gì mà không làm. Thỉnh thoảng cô ta lại “Được mùa Nông cống sống mọi nơi” cho đến đêm hôm qua mới thả cho cả bọn xuống đường đón xe.
Ngõ nhỏ, chó xồ ra, inh ỏi. Anh chàng xe ôm đã nếm đòn gà cậy gần chuồng nên vội quay ngoắt, phóng như ma đuổi. Hai thằng xách túi về nhà mình.
Mẹ Phất úp bàn tay chùi mồm:
- Ối! Con mẹ đã về. Con có hắt hơi không, mẹ nhắc con nhiều lắm!
Không nói gì, cậu ta quẳng cái túi lên chõng rồi vào nhà lôi cái Caset ra thổi bụi phù phù. Bản nhạc xập xình xen lẫn tiếng rẹt rẹt cất lên làm chó cả ngõ lại inh ỏi một trận nữa. Bên cái mẹt lót tấm lá chuối đựng lòng lợn tiết canh, chai rượu đã vơi một phần, hai mẹ con dạng cẳng trăm phần trăm như đôi bạn nhậu.
- Mẹ đánh đụng lợn xóm.
Phất nhìn theo tay mẹ chỉ xâu thịt treo trên đầu cột, nó xì một tiếng dắt xe đạp phóng lên chợ huyện. Vòng qua hàng thịt mua mấy cân mông sấn, đến hàng cá chọn con trắm ốc treo vào ghi đông. Rồi hàng bánh chưng, hàng rau quả… tất tật dồn vào cái bao cước buộc trên đèo hàng. Gặp mấy thằng hái cà phê trong Tây nguyên mới về, nó lôi cả bọn vào quán rượu lạc. Bộ bò mài với đôi dày Adiđát lúc này đắc dụng, Phất hãnh diện vỗ túi:
- Tớ đãi!
Mãi chiều tối Phất mới về đến nhà. Nó nhào vào giường ngáy như cưa gỗ. Trong giấc ngủ nó còn mơ thấy mình chuyển sang nghề xây dựng, một mình vừa đánh vữa vừa bê gạch xây cái nhà tiêu ở góc vườn.
Bên nhà Sửu, ba mẹ con gói bánh chưng. Sửu đưa cho mẹ gói tiền:
- Mẹ cầm để đóng tiền học cho em.
 Cậu ta vẫn đợi chờ một cái gì đó mà bố cậu hay nói trước những chuyến đi làm thuê là chờ điềm trời thế đất đổi thay!? Niềm hy vọng vơi dần, vơi dần sau những lần suýt mất mạng trong hầm than thổ phỉ mà điềm trời thế đất sao chẳng có gì khác. Với cậu, tương lai mung lung lắm. Đi cửu vạn để kiếm tiền góp cho mẹ nuôi em ăn học, lúc nào xã gọi thì đi bộ đội rồi về lại đi cửu vạn. Nông dân là gì, cậu không hiểu. Nếu nông dân là người làm ruộng thì cả nhà có bốn sào chưa đủ cho một mình mẹ cậu làm. Chăn nuôi thì chỉ con gà con lợn nhì nhằng chứ trâu bò làm gì có bãi chăn. Mẹ cậu chỉ còn mỗi kế sách là ăn nhịn để dành. Làng quê xanh tươi, bát ngát mà sao bức bối, chật chội.
- Hai năm nay bác Nhật vẫn giục con ra bác kiếm việc cho vừa làm vừa học, năm năm bác nuôi năm năm, bảy năm bác nuôi bẩy năm, có rau ăn rau, có mắm ăn mắm, miễn là con chịu học. Mẹ cũng muốn con học lấy một nghề về nông nghiệp, sau này về quê dùng nghề mà sống.
Sửu nhìn mẹ. Cậu hiểu, đấy là cái cần câu bác Nhật muốn cho nhưng nếu mình đi thì ai kiếm tiền học cho em.

                                                      *
                                                   *    *

Đã có thêm mấy người mới đến. Một ông hỏi:  
- Các vị có nhớ câu “Nghệ Yên thành, Thanh Nông cống” “Nhất Đồng nai nhì hai huyện” mà thầy Văn vẫn lấy làm tiền đề giảng cái bài gì ấy nhỉ…
Ông này hơi đãng trí nhưng rất say sưa:
- Đồng Nông cống phì nhiêu, dân Nông cống cần cù, đương nhiên quê Nông cống phải lắm gạo nhiều thóc. Từ ngàn xưa, hương lý cho chí dân cày bộc trực chất phác, quan hàng tỉnh hàng huyện sức xuống bao nhiêu nộp lên bấy nhiêu. Cống nạp lúa gạo cho Hoàng thất mấy triều, nhà vua ban cho ân sủng đổi cái tên Tư nông thành Nông cống.
Ông ta cứ thao thao, đúng là mọt sách chính hãng!
Ông Nhật cũng có ý nghĩ giống với ông mọt sách. Nhà Hồ rất thực dụng. Hồ Qúy Ly là người Nga sơn đóng đô ở Thanh hóa đã đặt tên các các huyện rất nôm na như lối ta vẫn gọi thằng cu con hĩm. Ví dụ, mảnh đất xây thành đóng đô tính chuyện lâu dài đặt là Vĩnh lộc, diêm dân làm ăn khó khăn thuế má luôn chậm chạp thì đặt là Hậu lộc...
Chẳng biết có ai nghe không nhưng ông mọt sách vẫn thao thao:
- Nói là vựa thóc cũng chẳng ngoa. Tiếng xe cút kít trên đường Bốn lăm tới tận đêm vẫn còn chở thóc về lò xay giã“Cầu quan vui lắm ai ơi/ Đóng khố cho chặt mà lôi xay cùn”. Xay cùn, nghe có sướng không, nếu ít thóc đổ vào thì làm gì có những cái xay cùn với những lực điền lao động hết mình như vậy. Gạo xay rồi đóng bao, lại xe cút kít chở ra ga Yên thái chất lên tàu hỏa đưa vào miền trung gió Lào cát trắng…
Lũ học trò thế hệ ông Nhật gần hết cấp ba sắp thành cậu tú cô tú nhưng ngu ngơ lắm. Trong lớp là lời thầy giảng, những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt còn ngoài kia nước ngập trắng đồng. Một công xã viên được trả hai lạng thóc đủ bữa cho một con vịt cỏ nhưng có bạn nào không coi lời thầy là khuôn vàng thước ngọc! Có ai đó thanh minh, cũng đừng trách chi lúc chúng mình mới lớn. Cha anh mình lên thành phố còn lạy nhầm cái ma nơ canh là ông lớn bà lớn nữa là.
Một bà lè lưỡi:
- Sao bây giờ lại hạn được nhỉ? Tôi về thấy đồng điền nứt nẻ lại cứ nhớ về ngày xưa. Năm nào bắt đầu năm học cũng lụt, vừa khai giảng ngồi chưa yên chỗ đã phải đi vớt lúa lụt giúp dân. Mà sao lắm đỉa thế, buộc kín ống quần mà cái giống ấy vẫn chui vào được…
Bà bạn thoắt hai chân lên ghế cứ như dưới chân ghế là nước lụt với đỉa. Khổ thế, lớn lên vào thời gian khó, những hoài cảm buồn hằn sâu đến nỗi ngồi trong khách sạn mà còn tưởng dưới chân là đồng chiêm nước lụt năm nào!
Ông Nhật lan man về nơi đồng bãi. Ngày đó, ngập lụt là dịp các ông thi tài bắt cá. Những cánh đồng trắng nước, cỏ năn ngoi đều một lượt. Cá từ sông Lãng lên đồng đua nhau tìm nơi vật đẻ. Nơm vác ghé trên vai, cái giỏ hình con vịt kẹp hai khúc ống bương ngoằn ngoèo trôi theo sợi dây buộc ngang lưng, người đánh cá lò dò những bước chân lặng lẽ theo những ngọn năn lay cùng dợn sóng. Đôi cá say sưa giao hoan cứ quyện vào rồi lại buông ra, lờ lững vờn ngọn cỏ. Vài bước vọt lên, cái nơm vung nhẹ, một nhát úp gọn. Ai đoán chính xác đôi cá quần nhau cách bụi năn đang rung mấy vòng nơm thì người ấy úp trúng.  
Các nhóm vẫn nói cười không ngớt. Ông giáo Địa lý đáp lại bà đỉa chui rằng tiềm năng thủy lợi của huyện mình với ba con sông và hai hồ thuỷ lợi đâu phải là nhỏ. Do năng lực quản lý khai thác và điều phối của con người quá kém nên đất này mới bị hạn. Mọi người bị hút theo:
- Sao quê mình lại thiếu nước được nhỉ?
Họ ít về nên không biết chứ bạn cùng thời chưa bao giờ ra khỏi làng cũng đang phải hỏi nhau sao quê mình lại thiếu nước được nhỉ!
Ông chuyên viên Nông nghiệp thì nói rằng không biết tổ tiên mình chinh phục vùng Nam Thanh Bắc Nghệ đã mấy ngàn mấy trăm năm nhưng thâm niên nghề trồng lúa nước thì chắc chắn có từ thời tiền Hán. Không biết ông ta có nhầm lẫn không mà đã đưa ra chứng cứ là thời đó Nông cống đã có tên Di phong tức là bão sau đổi thành Cư phong tức là lốc. Người nông dân bao đời trông trời trông đất trông cây hay chọn những nét gây ấn tượng nhất của thời tiết để đặt tên quê.
Ông Nhật vẫn lặng im. Cách nay bốn, năm mươi năm có ai nói đến En Ninô hay La Nina, thậm chí còn nhầm bão với áp thấp. Không biết tầng Ôzon bị thủng ở đâu, trục trái đất bị lệch đi mấy độ nhưng nhỡn tiền vùng quê nổi tiếng vì ngập lụt nay nửa huyện lại triền miên hạn hán.
Đầu đằng kia dãy bàn, nhóm ít về quê đang bôi bác:
- Thời chiến tranh, mình đi đến đâu cũng bị người ta gọi là dân ba tỷ bảy. Còn bây giờ, xây cái nhà mà có chỗ nào bị chê là xấu thì câu cửa miệng sẽ là thợ Thanh hoá ấy mà.
- Chơi bài mỗi ván dăm ba ngàn gọi là bạc bài Thanh hoá…
- Dân rau má, khu Bốn đẩy ra, khu Ba đẩy vào…
Rồi ào ào:
- Cho Lào, Lào không nhận, đồng bào biết phận toan lập nước riêng, quốc huy là cây rau má vẽ nghiêng…
Chưa hết, chuyện bôi bác còn nhoằng đến cả địa danh:
- Vừa bằng gang tay cũng gọi cầu Bố, ba cây lố nhố cũng gọi Rừng thông…
Huyện vòng lên tỉnh, tỉnh đao xuống huyện, chuyện bôi bác cứ nở như rau má họ.
- Xe vừa lăn bánh đến đầu huyện đã phải qua cái cầu tên là cầu Vạy. Thẳng thớm còn chẳng ăn ai nữa là vạy…
- Trung tâm huyện có con sông lại đặt tên là sông Mực, mới nghe đã thấy tối ngòm…
Vô thưởng, vô phạt, ha ha cười, ha ha nói. Ông Nhật chán,  bỏ về nhưng vừa ra khỏi thang máy đã gặp ông Thanh:
- Này, nghe tớ đọc nốt câu thành ngữ nhé!
Không đợi người nghe có đồng ý hay không, ông ta vừa gật gù vừa nhấp bọt ngón tay lần giở cuốn Địa chí:
Được mùa Nông cống thì sống mọi nơi.
Mất mùa Nông cống tả tơi khắp vùng !
Hoá ra, có người sinh ra và lớn lên ở đất này cũng chỉ mới biết một nửa câu thành ngữ được mùa Nông cống..!
          Hà nội - Tháng 6/2003

Đường về

Đường về


Nhà bà Nễ với nhà tôi cách nhau mỗi rặng cúc tần. Ông Nễ mất đã lâu, người con duy nhất của bà là anh Nê đi bộ đội cùng đợt với tôi đã hy sinh ở bờ sông Sài gòn tháng Tư năm Bẩy lăm, bà được nhà nước phong Mẹ Việt nam anh hùng. Huyện xây cho bà ngôi nhà tình nghĩa, đêm nào bà cũng chong đèn, thắp hương khấn vái. Tôi lo đêm hôm một mình bà lọ mọ nhỡ trúng gió nên phải thức theo bà và được biết điều bà lo nhất là sau này không còn ai đón ông Nễ và anh Nê vào ngày giỗ.
- Giỗ là dịp hai cõi gặp nhau… 
Bà luôn nói câu ấy. Tôi không tin nhưng nghe mãi rồi cũng ảo tưởng anh Nê chưa chết. Anh chỉ dạt vào đâu đó như bao người trong cảnh loạn lạc, một ngày nào đó anh sẽ trở về. Bà lại nói rằng có một chuyện cần thưa nên đêm nào cũng thắp hương khấn mời ông về, hy vọng gặp ông. Trước bàn thờ, bà lầm rầm như ông đang ngồi trước mặt:
  - Ông ơi, tôi biết lỗi của tôi lớn lắm! 
  ... Hôm nay nhà bà có khách, khách là người Thái lan, đi tìm cha và anh trai. Anh người Thái này không sõi tiếng Việt nên bà phải ới tôi qua hàng rào cúc tần, cuộc nói chuyện của tôi với anh ta chẳng khác gì đánh vật!
          - Đã đến hai làng có tên là Tống Liễm rồi, không nhà ai có bố tên là Nễ và con tên là Nê...
          Anh nói vừa sai vừa lắp lại ngập ngà ngập ngừng, tôi cố nghe mà chắp nối lại như vậy.
Không có một chút gì gọi là hào hứng nên tôi chỉ đà đưa:
          - Thế, khác gì mò kim đáy biển!
  - Nhà này có bố Nễ con Nê không?
Anh cụt lủn câu hỏi ấy đến mấy lần nên tôi phải giải thích cặn kẽ:
          - Tống Liễm là tên ngày xưa, bây giờ chỉ gọi là làng Tống!
          - Phải có bố Nễ con Nê mới đúng nơi tôi cần tìm!
          Hoá ra anh người Thái này đi đến đâu cũng chỉ mỗi một câu hỏi xem nhà nào có bố tên là Nễ con tên là Nê người làng Tống Liễm! Thật may cho anh, nhà này có cả hai bố con anh đang đi tìm, chỉ còn cái tên làng không có chữ Liễm, tôi nói với anh người ta cắt đi không biết từ bao giờ.
          Bà Nễ đang sàng gạo, ngày nào bà cũng đem gạo ra sàng. Những hạt gạo xoay tròn đuổi nhau rào rào trên mặt sàng nhắc nhớ bà một điều không được phép quên. Thỉnh thoảng mới có hạt thóc còn sót trồi lên, bà run run hai ngón tay khô khẳng nhón nhặt bỏ vào cái cóng bơ, công việc đơn giản ấy mà bà thận trọng như đó là lời dặn dò của chồng. Nỗi thắc thỏm trong lòng vẫn chẳng nguôi ngoai, bà chống tay xuống nia nhìn trời: Ông ơi! Tôi chưa lên bản Mày…
       Ngày xưa ông cầm đầu một phường buôn trâu từ thượng nguồn sông Chu sông Mã, có chuyến qua tận Sầm nưa, Xiêng khoảng về bán khắp mười hai chợ vùng lúa Đông sơn, Nông cống xứ Thanh... Mỗi chuyến ngắn cũng vài tháng, có chuyến dài đến nửa năm, túi thuốc ký ninh lúc nào cũng thủ sẵn bên người. Trận sốt cuối cùng, ông dặn bà lên bản Mày đón anh Lê nhưng chưa hết câu thì đầu ông đã nghẹo không còn biết gì nữa. Bà kể cho tôi nghe chuyện ấy sau cái đêm bát hương bốc hỏa đùng đùng, tôi run đến cứng đơ cả lưỡi mà bà lại mừng chảy nước mắt, hai tay cứ chắp lại mà vái mà gọi ông ơi, ông ơi. 
Có lần tôi hỏi chắc lúc còn trẻ bà hay ghen lắm phải không thì bà đáp “Vôi nào mà vôi chẳng nồng” thay cho lời thú nhận. Nỗi ân hận trong lòng bà cụ chín mươi có căn nguyên là như vậy.
Tưởng bà chẳng để ý đến câu chuyện của anh người Thái nhưng bà đã cất gạo cất sàng, đi vào:
- Có một vật làm tin là hai mảnh sừng trâu!
Nhanh như chớp, anh người Thái thò tay vào trong áo nắm nắm vật gì. Nét mặt anh cứ thoáng tái xạm thoáng đỏ ửng, mắt anh không rời từng cử chỉ của bà Nễ.
- Nhờ bác lấy giúp cái ống bương trên kia. Bà bảo tôi.
Tôi lấy cái ống bương gắn nắp bằng sáp ong gác trên háng kèo(1)xuống mở ra, bên trong là những cuộn giấy đã ố vàng và mảnh sừng bằng nửa chiếc lược có hai chữ Nê và Lê. Anh người Thái lập tức lôi trong ngực áo ra một mảnh sừng mòn bóng cũng có hai chữ như vậy rồi ghép với mảnh trong ống bương của bà Nễ. Rất khó tả vẻ mặt của anh, hai mảnh sừng khít rịm, nước mắt anh lặng lẽ chảy ướt cả hàm râu lởm chởm sợi đen sợi bạc. Tôi hiểu anh xúc động đến nhường nào nên cứ lặng yên cho anh khóc. Lát lâu sau, tôi se sẽ nắm tay anh:
- Hành trình tìm quê cha đất tổ của anh qua bao khắc khoải nhọc nhằn hôm nay đã tới đích.
Anh ngọng nghịu kể rằng mẹ anh tên là Bun Khăm, mẹ bảo bố đã ghép họ Lê của bố với họ mẹ là Bun Khăm thành tên anh với nghĩa là họ Lê có một bông hoa.
- Thế thì xin gọi anh là anh Lê.
Tôi chưa nói hết bà Nễ đã xua tay, bảo rằng anh Lê là em anh Nê, tôi nên coi như một chú em. Còn anh Lê bây giờ đã hết ngập ngừng, câu chuyện của anh dễ hiểu hơn. Vừa nghe anh kể tôi vừa lấy nốt những cuộn giấy trong ống bương và tẩn mẩn giở cuộn cuối cùng. Đấy là những ghi chép của ông Nễ từ ngày còn làm ăn, những tính toán tiền nong, những trang nhật ký…
Bà Nễ chỉ lầm bầm nên tôi phải nói lại cho anh Lê hiểu những lời dặn dò của ông Nễ trước khi nhắm mắt.
- Ông dặn tôi đi tìm thằng Lê về để hai anh em chúng nó khỏi mỗi đứa một nơi nhưng lên bản Mày tận biên giới thì tôi chẳng biết đường. Với lại lúc còn ít tuổi…
Bà không muốn nói về cái điều bà cho là có lỗi nhất: vì ghen mà để tuột mất hạnh phúc đoàn tụ của bốn con người. Thấy anh Lê đang chờ nghe, bà nói tiếp:
- Chỉ mong anh Nê mau lớn đưa mẹ đi đón dì và con nhưng mới cầm chắc cái cày, anh con đã phải đi bộ đội. Mẹ khuyên anh con đem theo mảnh sừng, biết đâu anh em lại gặp nhau ngoài mặt trận… may mà các anh chính sách còn mang về.
Bà nghẹn ngào nhắc lại “May mà các canh chính sách còn mang về” rồi kể tiếp, mỗi bận nhớ con bà lại đem các thứ ra vuốt ve, lần nào cầm đến mảnh sừng bà cũng giật mình. Nỗi canh cánh cứ lớn theo mỗi năm mỗi tật, bà đành cất vào cái ống bương gắn sáp ong mà cam lòng khất lỗi với chồng qua từng đêm trong ngôi nhà tình nghĩa.
Anh Lê ngửa mặt lên trời, ngọng nghịu một câu tiếng Việt:
- Mé(2)Bun Khăm ơi, con đã tìm được quê cha đất tổ!
Bà Nễ mở cửa ngôi nhà tình nghĩa, chỉ dẫn anh Lê thắp hương rồi khấn:
- Tôi là Trần thị Tuất vợ ông Lê văn Nễ, xin cẩn cáo cùng ông và con trai Lê văn Nê, hôm nay ngày Nhâm Tuất tháng Quý Ngọ năm Mậu Tý, con trai thứ của ông là Lê Bun Khăm...
Bà nghẹn ngào:
- Tôi chỉ lo khi về bên kia rồi không ai nhang khói cho bố con ông, càng lo càng thấy không lên biên giới đưa thằng Lê về như lời ông dặn là lỗi lớn lắm. Chả biết ông có hiểu cho tôi... Từ nay, việc thờ tự đã có thằng Lê, tôi mừng lắm ông ạ.
 Bà Nễ mở cái rương cũ lấy ra hai chiếc xuyến sành, trong xuyến đựng những khoen vàng, giọng bà càng nghẹn:
- Của bố dành cho hai đứa, anh Nê không về tôi giao cả cho anh.
 Anh Lê luống cuống:
- Con tìm được mé tìm được quê quán, tổ tông là phúc lớn rồi, những thứ này con mà nhận thì Phà(3) phạt vì chưa báo hiếu được gì...
Bà Nễ héo hắt:
- Xưa nay cha mẹ nào chả chắt chiu cho con!
Đôi mắt màu cùi nhãn của bà nhìn về đâu xa lắm:
- Để anh phải lưu lạc là lỗi của tôi, trời thương mới bỏ quá cho cái lỗi của tôi mà run rủi để hai mẹ con gặp nhau.
Bà đã mệt lắm rồi nhưng còn cố nói thêm một câu:
- Đây là lộc của bố các anh buôn bán, con nhận cho mẹ trọn bổn phận mẹ già của con.
Run run thắp tiếp tuần nhang, bà khấn:
- Ông ơi, việc cuối cùng ông giao hôm nay tôi đã hoàn thành. Vàng của hai đứa tôi đưa cả cho thằng Lê. Nó lặn lội đi tìm ông nên tôi thương nó như thương thằng Nê, ông ạ!

***                                              
Sắp vào mùa gặt, anh Lê xin bà Nễ cho về. Tôi rất muốn giữ anh lại thêm ít lâu nhưng không nỡ, chuyện gạo thóc xứ anh nổi tiếng được là nhờ ở sự làm ăn nghiêm túc của người nông dân. Với lại, phải xa đồng ruộng chắc anh sốt ruột lắm, nhất là lúc lúa đang đỏ đuôi ngoài ruộng đợi anh về.
 Tôi vẫn phụ trông coi ngôi nhà tình nghĩa, vợ tôi vẫn qua lại ngôi nhà gỗ xoan đun nước hương nhu cho bà gội đầu nhưng bây giờ chúng tôi đã có thêm lời nhờ rất trịnh trọng của anh Lê. Giỗ ông Nễ và giỗ anh Nê năm ấy anh Lê không về được, tôi nhớ câu giỗ là dịp trùng phùng của bà Nễ mà tiếc: nếu ông Nễ và anh Nê về thật thì thiệt thòi cho anh Lê quá.
       Vài tháng đổ lại đây tôi không dám rời bà cụ. Cũng may là mỗi bận cụ còn cố được lưng cơm và ngủ được một giấc ngắn. Những lúc ấy tôi đã đọc không sót một tờ giấy nào trong cái ống bương gắn sáp ong và hiểu thêm một quãng đời ông Nễ.
Phường buôn của ông chỉ kinh doanh một mặt hàng duy nhất là trâu cày. Một nhà đặt cọc mua những hai chục con, ông đổi tiền Đông Dương thành bạc hoa xoè rồi lên đường. Chuyến ấy phường đi Sầm nưa, đến bản  Sập Sùi, chọn những con trâu ức nở mông tròn, không có khoáy đầu xương(4), bốn móng khít khao tròn như bát úp. Đàn trâu được xâu mũi đóng ú(5) mỗi người cầm thừng dong con trước con sau một hàng dọc thúc thắc về xuôi. Khi qua bản Sầm Tớ họ mới biết con gái Nai(6) bản Sập Sùi là cô Bun Khăm đã đi theo.
 Những ngày ở bản Sập Sùi, Bun Khăm đã đưa Nễ đi tìm trâu qua nhiều cánh rừng qua nhiều con suối. Cô hồn nhiên mở mấn(7) cuộn lên đầu lội suối phăng phăng. Có một bận trượt chân, cô chới với bị dòng nước cuốn đi. Khi Nễ ào tới kéo vào cô cứ nhoài ra, giằng co mãi mới đưa được lên bờ. Không ngờ Bun Khăm lăn ra bãi cỏ, bắt đền:
- Ma mày sang người tao rồi, hai ma đang đánh nhau, tao chết mất!
Tín ngưỡng của bản cô đoan rằng mỗi người có một ma riêng, ma ai canh sức khoẻ, tâm hồn và tài năng cho người ấy nên rất kỵ ma người khác xâm phạm! Nễ không biết rằng xoa đầu con trai, cầm tay con gái là hai điều tối kỵ, anh đã cầm cổ tay Bun Khăm, đã chạm vào ngực vào đùi khi dìu cô qua cả một đoạn suối dài, nói như Bun Khăm là lâu bằng cả một lễ thành vợ chồng của thầy cúng. Bây giờ ma của Nễ đã sang Bun Khăm, hai má cô phừng phừng như lửa, đôi mắt cô ngầu lên như dòng nước cuộn dưới kia, cô nhất định bắt Nễ làm vợ chồng với mình.
- Nhưng anh đã có vợ rồi!
- Mày lấy hai cái vợ cũng được mà, tao khó thở lắm rồi, mày không làm vợ chồng tao chết mất...
Rồi Bun Khăm đổ ụp vào Nễ như một khối lửa.
Nếu là cô gái khác, chuyện hai người sẽ được đem khoe khắp mấy bản dưới rặng Pha Kúc. Rồi chàng trai đến dựng bàn tay trước ngực xam bai pó mé(8), cởi con dao lá lúa và khẩu súng kíp treo trước cửa trước khi vào buồng ăn ngủ với cô gái suốt ba ngày ba đêm. Chạm cheo được miễn, tiệc cưới tổ chức sau đó cho đến ngày sinh con mới bàn chuyện tách nóc. Bun Khăm không đi khoe vì cô chờ Nễ về Việt nam lấy bạc hoa xoè sang làm đám cưới. Nhưng khi phường buôn xuôi rồi cô lại khó thở. Cô nói với pó(1)chuyện bên suối, pó của cô xử sự như tập tục ngàn đời của những người cha bản Sập Sùi:
- Mày đã bắt được cái chồng tốt. Hãy đi tìm nó về!
Nỗi nhớ như rừng động, Bun Khăm nhận con dao lá lúa cha trao rồi phăm phăm đuổi theo phường buôn trâu.

***

 Phường buôn của ông Nễ về đến bản Mạy thì dừng lại. Từ đây phải cho trâu lên bè xuôi theo đường sông do phường bè chuyên chở. Những chiếc bè luồng cao hơn một thước trên mặt lát ván và lợp mái lá cọ làm chuồng. Trâu hàng ngày được tắm rửa, ăn cỏ nhai rơm, những con gầy yếu nhốt riêng cho ăn thêm cháo cám. Nếu thông dòng sẽ mất hơn một tháng, lúc ấy con nào con nấy nom trùng trục như quả sim chín, khách mua khó tính mấy cũng phải hài lòng.
Bản Mạy chỉ có hai nhà, họ Quách dân tộc Mường, họ Lò dân tộc Thái, khác dòng khác giống nhưng họ vẫn phải ở chung với nhau vì đã nhận lời làm trạm trung chuyển cho ông Nễ. Nhà nào cũng thênh thang hơn chục gian nhà sàn, hàng ông Nễ đặt là trữ cỏ, trữ rơm, trữ gạo muối cá khô. Phường trâu, phường bè gặp nhau chưa hết mừng rỡ thì chiều hôm ấy, mấy tay phường bè chọc ghẹo Bun Khăm bị mấy tay phường trâu chửi cho là đồ "buôn bùn". Ai chả biết cái câu rẻ như bùn, mấy anh buôn bè phải bán mạng cho rừng thiêng nước độc mà vẫn nghèo rớt mồng tơi, bây giờ bị móc độc địa đến thế thì chỉ còn nước đem củ thụi ra nói chuyện với nhau.
Chuyện có nguồn gốc tự bao giờ. Miền quê ông Nễ có tục người mua gỗ cứ ra bến ưng cây nào thì kéo về làm nhà xong mới trả tiền, cánh buôn bè phải đi đòi nợ rã cẳng. Có cây gỗ rỗng ruột lúc kéo dưới sông lên bùn đất xục vào chẳng ai để ý, về nhà qua đục qua bào mới thấy ruột nó thông thống như cái bọng ong. Nỗi khổ của anh em sơn tràng kể sao cho xiết: gỗ thì đã phải kéo cây khác đến đền cho người ta nhưng hai tiếng buôn bùn đã loang ra hai ngạn sông chẳng bao giờ gột sạch.
Phường buôn bè bị phường buôn trâu móc mỉa tức quá nên móc lại là đồ “lái trâu”. “Lái trâu” cũng xóc óc chẳng kém gì “buôn bùn”. Quân ông Nễ đã chặt cổ gà pha rượu máu uống thề, nếu chẳng may sa cơ lỡ vận, gặp cảnh nghèo đói thì vác nhị ra ngồi gốc đa nơi bến đò hát xẩm chứ nhất định không bao giờ dây với cái lũ lái trâu ấy. Thế mà…
Lâu nay tôi cứ tưởng lái trâu là chỉ chung những người làm nghề buôn bán con trâu, bây giờ mới biết mình nhầm. Họ giống như cò hay chân gỗ bây giờ, lảng vảng ở đâu đó, thấy ai dắt trâu đến thì nhảy ra giật lấy dây thừng, mồm leo lẻo xin bán hộ. Trâu đóng khoáy ách khoáy đầu xương thì lấy phân trát vào, hôi thối thế ai mà bịt mũi mãi được nên lắm người cũng đành mua phứa đi cho xong. Gặp con nái tơ, chúng xì mũi dính vào đít, nói là đang cấn chửa không tin cứ vạch đuôi ra mà nhìn, chỉ đợi người mua có một động tác gì giống như là chìa tay ra hay là chạm vào dây thừng là ấn vào, dây thừng rơi xuống đất thì chúng sừng sộ nhặt lên tròng vào cổ người ta. Đã có bận hai bên đánh nhau nhưng cái anh bị đánh thâm tím mặt mày mới phiên trước dắt con trâu về phiên sau lại phải dắt ra nhờ chính cái thằng đấm mình bán hộ.
Tưởng hai bên “móc” nhau như vậy coi là huề nhưng lúc ăn cơm, cái cậu trêu Bun Khăm bị anh em phường bè chửi cho thậm tệ đâm ra nghĩ quẩn. Hôm ấy, con đực tơ cứ hung hăng hít mấy con trâu cái nên phải dắt lên bờ cột vào gầm sâm(8), đến đêm cậu ta mò vào quấn mấy vòng dây thừng loằng ngoằng chân trước với chân sau rồi buộc mối lên cao. Con đực tơ thấy vướng đưa chân sau lên gỡ lại bị quấn thêm mấy vòng dây thừng nữa. Nó sợ quá toan nhảy tránh nhưng mối thừng giật ngược làm nó ngã huỵch. Mõm và bốn chân túm vào một rò, con đực nằm ngửa thở hắt ra. Điểm yếu chí mạng của loài trâu là ở cái thế nằm này, dạ cỏ quá to, trên thì ép tim ép phổi dưới ép ruột non ruột già, chỉ một lúc máu lẫn bọt phì phì qua lỗ mũi, đường tiểu đường phân bê bết, tanh ngòm.
Tiếng huỵch ngã của con vật khiến mọi người giật mình. Họ vội xuống sâm lật sấp con trâu, kê ống nứa vào mồm đổ cả thùng nước ấm vào bụng nó rồi ngoáy cọng cỏ vào mũi bắt con vật hắt hơi. Màu sương trong mắt con trâu phai dần, nhịp thở đều lại, dưới bụng tè tè dòng nước khai mò. Đến khi nó thè lưỡi vơ nắm cỏ trên tay Bun Khăm thì mọi người mới thở phào số mình chưa mất của.
Hai phường lại chung lưng đánh vật với dòng sông, công việc nặng nhọc với những hy vọng lãi lời đã xoá đi mọi hiềm khích. Chỉ mình Bun Khăm là buồn vì phải ở lại chăm con đực tơ. Mấy năm ấy vùng lúa được mùa nên nhiều người đặt mua trâu cày kéo, ông Nễ rải quân đi các nẻo Mường, bè xuôi vẫn đều đặn nhưng họ đã phải tính với nhau chuyến buôn cuối cùng.
Tình hình chiến sự trở nên ác liệt, mạn Hoà bình tiếng súng nổ liên hồi, con đường phường đi nay đã nghìn nghịt bộ đội, dân công. Cả một vùng tự do đang đấu tranh giảm tô giảm tức, ánh mắt nhìn người đi buôn đã thiếu đi thiện cảm. Còn bao nhiêu tiền ông Nễ bảo bà Nễ mua vàng đóng vào xuyến gắn sáp ong, căn nhà vẫn để gỗ xoan lợp lá cọ giữ nếp bần hàn, tránh những cái nhìn như vậy. Ông cũng không dám đưa Bun Khăm về, đa thê là hủ tục của chế độ cũ, ông đành con thoi làng Tống bản Mày nhưng một cơn sốt rét đã không cho ông ngược lên với cu Lê ngày nó tròn một tuổi. Nhận được tin dữ, Bun Khăm vội địu con về chịu tang nhưng phần sợ bà Nễ phần nhớ lời pó hẹn, xuôi được nửa đường cô lại theo đoàn dân công ngược về quê hương nơi bản Sập Sùi.

***
Chỉ có một năm không về được rồi từ sau đó đến nay anh Lê về làm giỗ bố và giỗ anh trai đều đặn. Tôi vẫn thức với bà Nễ trong ngôi nhà tình nghĩa mà nghe những “tuyên ngôn” của bà về đám giỗ. Bà nói đội giỗ là đội núi Thái, chỉ có tâm linh ràng buộc mà nhà nhà con noi theo cha cháu noi theo ông, cử giỗ gánh giỗ cành dưới cành trên đều răm rắp. Tôi hình dung quê hương là mẫu số chung và đám giỗ là một ước số, nhờ cái ước số bất di bất dịch ấy mà con cháu mười phương nhớ ngày đoàn tụ.
Câu chuyện của bà đã có vĩ thanh, ít nhất là trong một tương lai nào đó anh Lê được hồi hương, vợ chồng con cái trở thành cư dân làng Tống cho nhà dưới nhà trên om sòm tiếng trẻ. Riêng tôi lại mong anh sẽ nói trôi chảy tiếng Việt để được biết thêm năm ấy bà Bun Khăm về bản Sập Sùi rồi vào Xiêng khoảng sau đó dạt sang Uđom Xay thế nào.
Bà Nễ đổ bệnh xem chừng khó qua, tôi y theo lời dặn báo cho anh. Mấy hôm sau anh đưa cả mẹ Bun Khăm và vợ con anh cùng về.
Làng Tống chứng kiến một sự thần kỳ: bà Nễ liệt giường đã mấy tuần lại nhờ người vực dậy. Bà muốn ôm bà Bun Khăm nhưng không nhấc được tay, lời dặn dò của ông Nễ bà cũng chỉ nói được đến nửa chừng nhưng câu “Dì đừng ngại ngùng gì cả. Xa sông xa núi chứ trong lòng tôi vẫn có mẹ con dì” thì bà lại nói rất rõ ràng. Năm ấy bà Nễ chín mươi tư, tất cả sức lực còn lại dồn vào cử chỉ cuối cùng và cũng chỉ kéo dài được chừng vài phút.
Vợ chồng anh Lê và mấy đứa con ôm quan tài khóc thống thiết. Chẳng ai biết tiếng Thái nhưng cả làng Tống ai cũng nghĩ than khóc ông bà cha mẹ nước nào chẳng giống nước nào.
                                                                       Xứ Thanh - 2008
--------------
      (1) Háng kèo: nơi tiếp giáp của đòn tay và những lỉa kèo của loại nhà tre gỗ
(2)Mé: mẹ; Pó: bố
(3)Phà: Trời.
(4)Khoáy đóng đầu xương: Cái khoáy ở vị trí đầu xương vai con trâu.
(5)Ú: vật bằng tre hoặc mây, xuyên qua vách ngăn lỗ mũi để buộc thừng trâu.
(6)Nai bản: Trưởng bản.
(7)Mấn: cái váy.
(8)Xam bai pó mé: Bố mẹ mạnh khỏe (Lời chào kính trọng).
(9)Sâm: Gầm nhà sàn.

Làng Nhởn




Làng Nhởn có tục làm cỗ đãi ăn mày! Xưa nay người ta chỉ bố thí cho những người không may phải đi ăn mày chứ có ai đãi ăn mày bao giờ?
Không kìm được tò mò, tôi tìm về hỏi cụ Chỉnh là người cao tuổi nhất làng nhưng một chuyện cười héo ruột lại cuốn vào tôi. Số là, đường vào nhà cụ phải qua sân nhà ông Khắc, ở góc sân nhà ông Khắc có một chiếc Minxk treo ga vào cành mít, tiếng máy cứ hộc lên rồi lịm xuống theo làn gió la đà.
Ông Khắc bảo cụ Chỉnh đang có việc qua làng bên và chỉ cái xe:
- Của thằng Rô bên Đa phúc.
Chẳng đợi đến lời mời thứ hai, tôi sà vào giỏ tích chè xanh và cái điếu bát nơi bậc tam cấp. Ngó vào trong thấy một cậu chàng quần áo lôi thôi đang loay hoay với cái bút bi ở bộ kỷ, dáng điệu rất buồn cười. Tôi lé nhìn vào, hoá ra cu cậu viết đơn xin bán ruộng.
- Bìa đỏ gửi trên bàn thờ tổ mà bây giờ lại có người làm đơn xin bán ruộng cơ đấy!
Đang đánh vật với cái đơn nên cậu chàng chẳng để ý lời châm chọc của tôi. Ông Khắc nheo mắt:
- Từ ngày sang ở rể bên Đa phúc, nó khoán lại cho tôi hai sào khoán Mười với thoả thuận nộp xong các khoản, cưa đôi.
Mỗi lần về chở phần lúa “cưa đôi” của mình, cậu chàng đều gạ bán nhưng ông Khắc chối. Chỉ được "chứng nhận quyền sử dụng" thì bán với mua cái nỗi gì! Thế mà, sau hai năm bốn vụ cấy rẽ, hôm qua ông Khắc nhắn nó sang.
Cái lưỡi lo ló cùng cái đầu bù xù hết nghẹo bên này lại nghẹo bên kia, nom cậu chàng hệt bức tranh anh nông dân hớt hơ thời cửa mới mở he hé. Mồ hôi rịn từ chân tóc nhễu xuống cằm, rớt cả xuống tờ giấy lem nhem. Đến dòng cuối cùng, cậu chàng hà hơi bóp ngón tay mời ông Khắc nghe:
- Con là Cấn văn Rô, sinh năm 1988 trú quán tại làng Đa phúc, có thửa ruộng hai sào tại cánh đồng L. bà Nữ Oa thuộc địa phận làng Nhởn, nay bán cho ông Nguyễn Khắc...  
Nhát gừng nhát tỏi rồi cũng đến ngày tháng năm bên bán bên mua, Rô rút trên gáy tờ bìa đỏ cuộn ống sáo, toè loe nụ cười phô gần hết hai hàm răng ám màu cá kho:
- Ông con mình cứ thế, ông nhỉ!
Đến lượt ông Khắc ngồi xoay bút. Con Minxk vẫn hộc lên lịm xuống làm lũ chó trong làng cứ tru theo mỗi làn gió thoảng qua. Rô hấp tấp dí ngón tay vào góc tờ giấy nơi có ghi hai chữ "người bán":
- Con mời ông!
Lại thêm một vết cặn dầu từ kẽ móng bôi vào tờ đơn xin bán ruộng.
Tiếng hừ của ông Khắc làm tim cậu chàng nhảy thót lên cổ. Nãy giờ nó chỉ chực vơ cục tiền trên mặt bàn rồi tót ra xớt bậc tam cấp. Những nền gạch Bát tràng rồi sập gụ, tủ chè và bộ kỷ Quết Đào màu cánh dán trong phòng khách làm nó ngại nhưng mơ ước lên đời con Wave Anpha như lửa đốt trong lòng, nó liều đặt cái mông quần tám tầng dầu mỡ lên mặt ghế. Cu cậu thì thầm với tôi:
- Mỗi khi nhìn những bà khách vắt vẻo sau lưng cái thằng cha mới mua con "Uây" mới coóng, cháu điên ơi là điên.
Nhìn vẻ mặt nó, tôi đoán khi người ta đi rồi chắc cu cậu phải giáng cho cái yên độn chăn chiên kia một cú mà thề kiểu gì cũng phải lên đời con “Uây”!
Thế mà lúc này ông Khắc cứ xoay mãi cái bút...
                                                                                                                                                            *
                                             *    *

Nhận được lời nhắn của ông Khắc, Rô phấp phỏng còn hơn hôm sửa soạn sang Đa phúc ở rể. Chưa sáng rõ, nó dậy tháo bu di quấn dẻ tẩm dầu đốt rồi lắp vào động cơ chổng đít đạp mấy chục nhát. Khi máy nổ, nó gạt đống cờ lê mỏ lết tọt vào gậm giường để tót thật nhanh cái mông bết dầu mỡ lên cái yên gia cố. Nhưng, hên buổi sáng chỉ theo nó đến nửa đường. Tay ga bị trượt, vỏ nhựa lâu ngày bở như vỏ bưởi không giữ nổi núm chì, nó rút dải rút quần nối vào nhấp như câu lươn để chạy cho kịp cái hẹn hai năm đợi chờ. Giờ để chắc ăn, nó treo ga lên cành mít mặc cho gió đưa gió đẩy.
Ông Khắc đặt lại tờ giấy và cái bút xuống bàn, thằng Rô hoảng:
- Ông giúp con lên đời con “Uây”...
 Mặc lời van vỉ của thằng Rô, ông Khắc ra bậc tam cấp nhẩn nha vê thuốc lào. Mấy nhịp tóc tóc mào đầu cho hơi rít lõm má rồi một giọng khàn quánh chui qua vòm khói đang ưỡn ưỡn cụp cụp:
- Cái tên cánh đồng… khó ký...
Đấy là ông chê cách ghi tên cánh đồng của thằng Rô và lo việc xin chữ ký xác nhận mua bán ruộng sẽ khó khăn. Hai chuyện khác nhau hoàn toàn nhưng thằng Rô không hiểu, nó cứ tự hỏi vì sao việc ký lại khó ở cái tên cánh đồng? Từ ngày lên bảy lên tám nó đã thấy người làng gọi cánh đồng ấy là đồng L…bà Nữ Oa, chỉ riêng cụ Chỉnh gọi là đồng Nồn và mấy bà mấy chị gọi là đồng Xẹo. Những năm trước nữa, loa hợp tác vẫn kêu bà con chặt chuối đóng bè vớt lúa trên cánh đồng cũng bằng cái tên ấy. Sao thế nhỉ? Ừ thì đồng Xẹo này! Nó đè tờ giấy viết thêm một chữ Xẹo thật to. Không dám tẩy xoá giấy tờ quan trọng, Rô ta mở ngoặc đóng ngoặc bốn chữ đã viết!
Làn khói thuốc lào còn chưa hết ưỡn ẹo thì bà Khắc không biết từ đâu hiện ra chộp tệp tiền trên mặt bàn cất vào tủ. Nghe chồng nói khó ký, bà lo. Xưa nay bà có một tâm niệm giữ tận đáy lòng, công quyền và tiền bạc là hai chuyện không thể lơ mơ. Bà lầm bầm mua với chả bán rồi nhét chùm chìa khoá vào cạp quần, cun cút đôi quang gánh ra ngõ. Ông Khắc chỉ kịp ớ được có một tiếng còn thằng Rô thì nghệt mặt từ lúc cái càng khoá nguặp vào ổ khoá đánh xoạch.
Ông Khắc dặn đừng nói với ai nhưng thằng Rô mắc chứng mau mồm. Đã mau mồm lại thẳng ruột ngựa nhưng lỗi lớn là tại cái con Minxk cứ phành phành. Người làng hỏi về làm gì đấy, cu cậu sợ thất lễ với người ta nên đáp rõ to:
- Viết giấy bán ruộng cho ông Khắc!  
Thế là người ta kéo nhau đến nài nỉ ông Khắc làm ơn làm phúc mua hộ đám nọ đám kia. Mấy hôm sau, anh đại lý đã vào đề nghị ông Khắc ký hợp đồng phân vi sinh, chị hàng xay xát xin đặt cọc để mùa tới độc quyền bao tiêu sản phẩm. Mấy cậu thuỷ nông cũng ghé vào xin hút nhờ điếu thuốc để xa gần kênh mương nội đồng không thuộc diện miễn thuỷ lợi phí, nếu thích đánh quả đánh trái anh em sẽ…
Chuyện đã đâu vào đâu mà làng Nhởn cứ rối tung làm bà Khắc ham lo lại càng thêm lo. Đồng Xẹo lầy nửa bụng trâu ngày xưa đã phải thuê người, rồi ra biết sẽ thế nào? Hoang mang, bà đay ông uống phải thuốc lú, mới từ năm Ngọ năm Mùi mà đã... Thế là hai ông bà giận nhau, cái cớ tận đẩu đâu nên nỗi giận của bà khó trút ra thành lời. Bà cứ vậm vụt cắt cỏ, băm bèo, phần việc mà ông bà phân chia một cách tương đối. Còn ông, tưởng vợ giận tí rồi thôi ai ngờ gần nửa tháng trời bao nhiêu người đến chào bán ruộng mà bà cứ im như hạt thóc trân. Khách vẫn đến nhưng ông giảm hẳn sự mặn mà, chùm chìa khoá kia mà không được lôi ra thì ông còn dám mặn mà với ai.
- Từ ngày có khoán Mười rồi đến bây giờ vào đápliutiô - ông phát âm theo cô MC trên tivi - thời buổi đã khác lắm. Ví như chuyện thuê nhân công, ngày xưa gọi là bóc lột nhưng bây giờ được tuyên dương tạo việc làm…
Thấy bà tươi nét mặt, ông cao hứng:
- Hạt gạo làng ta muốn ra thế giới thì đồng điền phải xoá đi những đám toen hoẻn như cái bàn tay ếch.
Ông ước ao nếu có quyền sẽ đôn chỗ cao phụ chỗ thấp, cấu trúc mương máng tưới tiêu, đường ôtô vào ra thoải mái. Chỗ úng tạo mặt nước nuôi cá nuôi tôm, chân rẻo vàn cấy lúa, trồng màu… Những điều ông nói chẳng khác gì cái tivi mà bà dừng tay băm bèo từ lúc nào.
- Sắt thép xi măng đều có thể đổi từ gạch đỏ mà đất làm gạch đỏ thì lấy từ những cồn những hộc...
Vẫn đang còn giận ông nhưng bà đã không còn giữ nổi sự lạnh lùng. Những cực nhọc nửa đời đã trải hiện về, cái máu làm giàu lại trỗi dậy mà về khoản này thì bà chẳng kém ông nên suốt mấy tuần liền, cứ ngơi tay cám bã là hai ông bà ngồi tính toán rồi cùng ký vào đơn xin vay tiền.
Đơn của vợ chồng ông không được duyệt. Có đến mồng thất ngân hàng mới cho vợ chồng ông Khắc vay tiền mua gần chục mẫu ruộng Khoán Mười. Thế chấp nhà cửa ao vườn, ruộng mua đến đâu thế chấp đến đó, cam đoan trả lãi trả gốc đúng kỳ… nhưng những cửa ông đến đều một giọng đùa đùa:
- Bác chỉ cho ở đâu có chợ bán hùm để các cháu đi mua một con về mổ lấy tí gan!
Bà Khắc ngán ngẩm:
- Chẳng đáp liu đám liếc gì nữa sất!
- Cái bà!
Cả đời ông Khắc chết mê chết mệt với cây lúa. Từ gót chân lên đến đỉnh đầu, chỗ nào người ông cũng dính bùn. Được vật vã với mạ rài, được xọc hai bàn tay vào rổ phân trâu phân lợn mà vung rải trên ruộng lúa đương thì rờn rỡn trong nắng mai là niềm hoan lạc vô bờ của ông. Rồi khuya sớm theo nước, lúc lưng lúc se, chiều cây lúa như chiều con mẹ đàn bà sắp cữ, đôi bắp chân ngày ngâm bùn mấy bận, người ông sảng khoái, sâm nhung hổ cốt còn thua.
Nhưng ông Khắc cũng chỉ dám ớ lên khe khẽ rồi lẳng lặng tìm cách xoay.                                                   
                                                 
                                                   *
                                                *    *

Cánh đồng có những ba cái tên mà cái tên nào cũng chết cười làm tôi không kìm được. Bao đời nay người làng Nhởn vẫn dùng mấy cái tên oái oăm ấy để giao dịch với nhau ư? Rồi giấy trắng mực đen sổ điền sổ bạ, người ta ghi chép thế nào nhỉ?
Cụ Chỉnh sang nhà người cháu ở làng bên vẫn chưa về, đằng nào cũng phải chờ nên tôi lần mò tìm hiểu. Sách Địa chí ghi đất này đời Hán thuộc có tên là Cư phong, khi nhà Đường đô hộ đặt lại là Di phong, lúc thuộc châu Hoan khi về châu Ái. Cư phong là gió ở nghĩa là lốc, Di phong là gió chạy nghĩa là bão, nếu cứ suy từ cách đặt tên thì người làng Nhởn đã bao đời cam chịu bão gió. Nhưng xem ra người ta đã tìm được cách thích nghi. Tầm non trưa cuối chiều, đi làm đồng về các ông các bà ghé vào uống chè xanh và hút thuốc lào dưới vòm hai cây duối dại giao uốn thành hình mái nhà mà tào lao đủ thứ chuyện.
          - Sẻn so mấy trăm tiền thuốc diệt cỏ mà úp mặt vào bươi với móc để lá lúa nó cứa cho sần kết lên kìa. Nom chẳng khác cái bánh đa kê!
          - Lúa sắp cấn đòng mà chưa trả tiền cày cho người ta à? Hay là để gặt xong!
          - Con Mơ nhà tôi tiết dịch mấy hôm nay, chiều tôi dắt sang nhờ con Đực u nhà bác vài bận kiếm con bê u nhé!
          Trưa nay, cái ống điếu đang chuyền tay thì trong làng vọng ra một giọng đàn bà ngân nga:
- Choa bới năm đời mười đời cái đứa tháo nác cánh Nồn nhà choa. Lọ nhà choa đang lên như kỳ gặp gió mà bay đào rãnh bay cạy bờ, ruộng mất nác có khác chi…
Âm sắc dập dìu như sóng lượn nhưng thật tiếc tôi không hiểu hết thổ âm. Đám chè xanh thuốc lào thấy tôi ngơ ngác đã dịch “Tao chửi năm đời mười đời cái đứa tháo nước cánh Nồn nhà tao. Lúa nhà tao đang lên như cờ gặp gió mà chúng mày đào rãnh, chúng mày cạy bờ, ruộng mất nước có khác gì…”
Một ông bật tách que đóm đang châm:
- Thôi chết! Không khéo thằng cò nhà này…
Lúc sau đã nghe tiếng ông bắt thằng con trót dại sang xin lỗi hàng xóm và răn một câu như chém đá: Tao cấm cái trò đào củ không ủ gốc ấy, nghe chưa!
Chửi mắng như hát mà lại toàn dùng lời ông bà xưa... Chưa nghe hết lời nhận xét của tôi thì một bà đã chặn ngang:
- Cần răn ai người ta mới phải chửi chứ! Mà chửi không ra bài thì chửi làm gì?
Cái ông ngồi cạnh ý chừng thông cảm với tôi:
- Chửi mà không cãi, ông ạ. Nhờ chửi mà nếp làng không mất!
Nếp làng không mất nhờ chửi thì dưới gầm trời này có lẽ chỉ duy làng Nhởn! Tôi thật sự kinh ngạc. Suốt chiều dài dãy núi có bao nhiêu ngôi làng thì có ngần ấy dị biệt nhưng cái sự dị biệt của làng Nhởn quả là trời so với vực. Câu nói “Nước có thể mất nhưng làng không mất” có lẽ đã thấm ra từ những mạch nguồn này chăng?
Khi cụ Chỉnh về, tôi đến ngay. Thật bất ngờ, ông già nửa Nho nửa Quốc ngữ ấy lại dễ dãi đến thế. Đáp lại câu hỏi về ba cái tên cánh đồng là tràng cười kha kha thật dễ lây nhưng khi nghe cụ giới thiệu về dòng tộc nhà cụ với những cái tên anh Chấn, em Chỉnh, con Nghiêm, cháu Khắc… thì nụ cười của tôi tắt hẳn.
  Khởi thuỷ làng Nhởn là một ông quan họ Nguyễn thất sủng cuối thời Lê đã đem ba đứa con trai vào dãy Na sơn dựng túp lều nơi lũng Chân Chim. Qua bao thăng trầm dâu bể, cái lũng Chân Chim lại có duyên với bao quan lại mạt triều thời Nguyễn… Mảnh đất được tạo thành bởi hai dải núi giống kẽ chân một loài chim, từ một nhà đã thành chòm rồi lớn thành xóm, đến nay là làng Nhởn. Nhởn, theo tiếng Việt cổ nghĩa là chơi, cụ Chỉnh bảo thế, chả trách tôi tra những cuốn từ điển thời hiện đại mấy ngày mà chẳng thấy!
Vây ba phía cánh đồng là đầm lầy. Đó là dải đất thấp trũng một bề liền vào núi còn hai bề kia thót dần bởi hai con hói có tên hói Bà và hói Ông. Hai con hói gặp nhau trước cái cống Chấn Thủy thông ra sông Cơn đầy vơi theo con nước sáng chiều. Đất bồi lắng rất phì nhiêu nhưng chỉ có lau sậy và dứa dại nên đã rậm ngày càng thêm rậm. Với lại, đi thêm thôi đường, tre gỗ Ngàn Na đầy ra đấy ai cần những thứ đó làm gì. Bọn trai làng trêu nhau đứa nào chặt lau sậy ở đấy về đun là đút lông lá lồm xồm của bà Nữ Oa vào mồm ông Táo.
Sông Cơn chín tháng lờ đờ, đến giêng hai nước xuống ròng kiệt chỉ mấy sải bơi đã dẫm phải bùn của bờ bên kia. Nhưng đến tháng bảy tháng tám, mưa thượng nguồn đổ về tuôn ồ ồ qua miệng cái cống sứt sẹo ngược vào đồng. Người làng Nhởn bảo ông Tu Tượng với bà Nữ Oa lại “nứ” rồi vác nơm vác dậm ra đồng.
Cuộc sống còn nhiều hoang dã nhưng dòng dõi vẫn nhắc nhớ trai làng không quên đèn sách. Anh trai cụ Chỉnh là cụ Chấn, tức là ông nội ông Khắc, mở lớp dạy chữ Nho đến thời quốc ngữ thì hết học trò. Các cụ xoay ra chặt lau sậy và dứa dại, khai vỡ đầm hoang. Mỗi năm một ít, gần chục mẫu ruộng hình thành. Tiếng là bỏ tiền thuê người nhưng các cụ tất tưởi mắt nhìn trời, tai nghe đất, đời cây lúa nước ba tháng mười ngày đồng nghĩa với hơn một trăm nỗi lo đè trĩu. Được cái, rốn bão giữ cho các cụ vóc vạc lực điền, thầy đồ vùng Hoan Ái chẳng thua kém lão nông lại biết tính toán căn cơ nhờ đọc sách. Cụ Chỉnh kể rằng, tháng giáp hạt ngoài đồng lúa đã tốt bời bời mà trong nhà cót đại cót tiểu còn chất thóc phì hông.
Cái sự cơ cực là bởi mưa gió thất thường chứ thổ nhưỡng đồng này không chê vào đâu được. Lá cây Ngàn Na trộn cùng phù sa sông Cơn bồi đắp màu mỡ đến cánh bèo còi sau lụt còn vương lại cũng lên xanh. Cây mạ đặt hôm trước hôm sau đã bén rễ. Nếu không biết cách điều chỉnh phân gio thì chỉ tốt lá mà chẳng cấn đòng, bệnh ấy làng Nhởn gọi là bệnh lúa lốp. Đã mấy vụ hỏng ăn vì lúa lốp nên người ta gọi cánh đồng này là đồng Nồn. Nồn cũng là một từ Việt cổ, nghĩa là quá béo nên không sinh sản được, ví dụ con trâu béo mà không chửa đẻ thì gọi là con trâu nồn. Cái tên thứ nhất của cánh đồng được sinh ra tự nhiên là vậy, sau này thấy đám thầy cô không chữa nổi bệnh ngọng của trẻ con nên các bà bảo nhau gọi sang cái tên thứ hai là đồng Xẹo.
Cụ Chỉnh lại cười kha khả:
- Anh có biết hai câu L. bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng/ C. ông Tu Tượng mười tám đòn khiêng…
Ngớ cả người vì cụ chẳng đọc tắt đọc tiếc gì, mặc dù tôi không lạ hai câu này. Cụ dẫn tôi vào gian sau, đôi câu đối sơn son thiếp vàng khắc chạm hai câu cụ vừa đọc bằng chữ quốc ngữ dựng bên tường. Từng chữ gò lại như những cái triện, hai chữ L. C. trên nền sơn đen nhánh chằn chặn nét vàng. Theo lời cụ, hai câu này dịch ra từ chữ Nho của cụ Hoàng Giáp người làng Nhởn thời Lê Trung hưng. Tôi lặng cả người. Sự trào lộng của một bậc đại khoa quen gió mây trăng tuyết đã đáng cúi đầu mà người nghệ sĩ thời quốc ngữ gieo tài lên gỗ mít như rồng bay phượng múa thế kia lại càng đáng cúi đầu mấy lần hơn. Có lẽ linh khí Na sơn tụ vào cái làng ham đùa này, cụ Hoàng giáp là người mẫn cảm nhất nên bị vật mà bật ra chữ nghĩa như bùn đất tre pheo, như núi như sông ngổn ngang sim mua lau sậy. Và tôi cảm được cái vẻ phóng đãng như ngọn gió qua đồng, cái sự cân chỉnh như đôi vai lực điền của đôi vế đối.
Theo lời cụ Chỉnh, đôi câu đối này cũng mang thân phận nổi chìm. Ngày phá nghè Hoàng Giáp lấy đất lập trại chăn nuôi, mấy bà xã viên đem đôi câu đối ra chắn chuồng lợn. Có ông hàng cá từ mạn biển lên, không biết vì sao lại đổi niêu cá trích. Khi đất nước yên hàn, cụ Chỉnh lần tìm, đôi câu đối đã về đến tận bảo tàng tỉnh. Cảm cái tâm cái tình của cụ, người ta cho cụ mang về nhưng nhà không có chỗ treo đành phải dựng cùng bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh. Đến ngày Khoán Mười thóc lúa dư dả cụ tìm thợ về cắt vá sơn sửa, đám đàn ông làng Nhởn lại được một phen bông phèng. Cứ động đến chuyện cày bừa cấy gặt ở cánh đồng Xẹo là đem mấy chữ ở đầu vế xướng L. bà Nữ Oa ra mà tán. Xuất xứ của cái tên thằng Rô đóng mở ngoặc mà tôi chờ non tuần giời để hỏi cụ hóa ra là từ những trận cười như vậy.
                                                          
                                                            *
                                                         *    *
                                                
Phải đến Mồng Tám tháng Tư năm nay tôi mới có cơ hội được chứng kiến bữa cỗ đãi ăn mày. Cả làng Nhởn, từ lứa tuổi Teen rồi 8X, 9X cho đến 0X như cụ Chỉnh… ai cũng tất bật. Chuẩn bị xuống đồng gặt chiêm, làng cử một đoàn lên đền Na tạ ơn các vị linh thần và nhân thần. Thằng Rô đã trở về làng Nhởn, không biết đã bán được ruộng chưa nhưng hôm nay nó cưỡi con Wave Anphal màu xanh dương mới toanh, chở cụ Chỉnh đi làm chủ lễ. Theo sau Rô là một đoàn xe máy do các thanh niên cầm lái chở nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và các em thiếu nhi ra đi từ đầu giờ Thìn. Cờ phật cờ lá chuối cắm dài từ đường lộ đến tận đình làng. Đãi ăn mày mà có cả hát chèo, đấu vật, đánh khăng, đánh cù… từ sáng tới khuya rôm rả lắm.
Bên cầu ao còn hai bộ da trâu gấp vuông vức buộc lạt tre, mùi tanh nồng kéo lũ nhặng đến vù vù. Người ta bảo những năm trước ăn mày khắp nơi tụ về giờ này đã chật sân đình rồi nhưng hôm nay tôi chỉ thấy những người ăn mặc sạch sẽ, con cái bìu rệch nhưng không lếch thếch lôi thôi.
- Ngày xưa mới đông chứ bây giờ làm gì còn ăn mày!
- Thế mà vẫn giết hai con trâu và mấy con lợn?
- Làng mổ làng ăn ấy mà
Đàn bà trẻ con ngồi vòng tròn quanh mâm cỗ là cái nong to. Thịt trâu, thịt lợn luộc thái miếng cùng với xôi trắng chấm muối ớt rắc mì chính, món nào cũng đựng trên tấm lá vả hái trong ngàn Nưa, nong nào cũng đầy ngồn ngộn mà các bà các chị nhà bếp còn liên tiếp bổ sung thêm. Ai no nê rồi ra cái bàn ngoài tam quan nhận nắm xôi và miếng đảnh lợn luộc gói lá chuối đã hơ qua lửa, đem về nhà lúc nào thích lại ăn.
Khổ nhất là đám nam giới, uống rượu mà không được hò hét nên nom thật khác thường ngày. Toàn những anh em quen vật đất đấu, nồi bẩy quăng ra nồi ba bê vào mà hôm nay cứ phải nhắc nhau be bé cái mồm, mắt còn len lét vào ba gian đình trung thì quả là khác với thường ngày lăm lắm.
Ngoài sân nhốn nháo nhưng tuyệt nhiên không một ai héo lánh vào ba gian đình trung cụ Chỉnh đang lễ yên lộ cầu mưa thuận gió hoà. Tôi chợt hiểu: đây là ngày dành cho mỗi con người làng Nhởn. Bao nỗi niềm truyền đời trĩu nặng từ ba trăm năm trước, ông bà tổ tiên họ đã được thiên hạ bố thí mà lê lết đến đây. Ăn mày là thân phận đầu tiên, rồi bão lụt, giặc giã, dịch bệnh... ba trăm năm đâu có ngắn ngủi gì. Tất cả, tất cả đã hun lại một nhu cầu tâm linh, nhu cầu ấy đã nhắc nhớ muôn đời con cháu cày cấy chăn nuôi làm ra thật nhiều gạo thịt để đãi ăn mày thiên hạ lấy một bữa!
Tôi tìm ông Khắc vì cái xe mới của thằng Rô. Gạn gùng mãi ông mới kể chuyện ra phố tìm người em trai tên là Chế, giọt máu trên giọt máu dưới mà ông em lạnh hơn cục nước đá khi nghe ông anh nói chuyện mua ruộng. Không phải ông em ngại anh trai vay tiền mà sự lạnh lùng có nguồn gốc từ một ký ức còn hằn trong tim người xa xứ. Cánh đồng Xẹo rộng hơn mười mẫu do tay ông bà khai khẩn đã đưa nhà lên địa chủ, lý do ông em ly hương cũng từ đấy mà ra. Sống ở phố với tâm trạng nặng nề, chuyện mua bán liên quan đến tích tụ ruộng đất càng làm ông em nghe đã thấy ghê. Cho nên em ông đã bán căn hộ tám mét mặt phố để mua căn hộ chung cư, lại chọn tầng áp mái cho xa thêm mặt đất. Rồi đến cái đận nhà thông gia vào nam cho vợ chồng con gái ngôi nhà, chúng nó đang ở nước ngoài không về được nên ông em bỏ tiền khoán công chứng chui để được ghi hẳn hòi tên chúng nó...
Phản đối việc mua ruộng nhưng ông Chế không thể không cho ông Khắc số điện thoại của con. Ông ngạc nhiên vô cùng khi con ông mới nghe qua kế hoạch của bác đã ô kê cho vay cả đất cả nhà.
Nhìn ông Khắc nhô cái đầu gối như cái mấu tre kẹp chiếc rađiô to bằng bánh thuốc lào vào tai để nghe bản tin thời sự, tôi không nhịn được cười. Hỏi ông đã mua được bao nhiêu ruộng, ông cứ hấp háy nhìn qua ô cửa hình mặt nguyệt của gian tả vu đình làng Nhởn…
                                                                  Xứ Thanh - 3/2010

Ngọn gió xanh đẫm bụi



Thôn Thượng bầu Trưởng thôn. 
Hai ứng viên là ông Lê Biểu nguyên Trưởng thôn và anh Dũng thiếu tá bộ đội phục viên đã được đại diện các đoàn thể nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh nhất trí hoàn toàn. Chỉ có chị Nụ, khi mới được giới thiệu đã xin rút nhưng vẫn phải đứng tên trong danh sách. Trưởng Ban công tác mặt trận xoa tay: đúng yêu cầu chỉ đạo, ba chọn một, có nhân tố mới, có kế thừa và ra sức tuyên truyền vận động sáng suốt lựa chọn…
                    
                          
                                                   
Họ Lê làm ồn ĩ cả thôn. Trưởng tộc Lê Nhiễu triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ngồi trên cỗ sập lim tại nhà ông Biểu, lão phán xuống:
- Chú Biểu hai mươi năm thụ chức đã đưa thôn Thượng từ nhà tranh vách đất leo lét đèn dầu nay có điện, có đường bê tông, có nhà ba tầng. Cả họ phải trên dưới một lòng quyết không để họ khác tranh mất chức Trưởng thôn!
Đúng. Thôn Thượng giờ không còn ngôi nhà nào lợp tranh, nhà nào cũng có đèn điện, đa số dùng bóng mười von nhưng vẫn là đèn điện, mấy trăm mét đường bê tông do một công ty được tỉnh giao cho làm nghĩa vụ rải trước hai cái nhà ba tầng là nhà lão Nhiễu và nhà ông Biểu.
Đấy là thành tích vẫn được nhắc đến khi họp thôn họp xã. Còn quyền lợi của các nóc trong họ ư, làm sao thiếu mục quan trọng bậc nhất này được. Chuyện vô cùng tế nhị nên lão Nhiễu cấm mọi người không được hở ra với ai. Phí thuỷ lợi, phí lao động công ích và hàng chục loại phí khác rồi một hai thước điền dôi ra của mảnh ruộng khoán… nhà nào cũng được cấu véo chỗ nọ đắp vào chỗ kia. Họ Lê ghi nhớ cái câu rất cũ nhưng luôn luôn thời sự “Một người làm quan cả họ được nhờ”! Riêng khoản chạp họ hàng năm, vợ chồng ông Biểu chấp hành vô điều kiện lệnh của Trưởng tộc, chi tất. Đánh chén lu bù lại không phải đóng góp gì, ai cũng lâng châng tự hào về Trưởng tộc và Trưởng thôn nhà mình.
Lão quay cái nhìn khắp lượt trước khi xuống khỏi sập. Họ Lê cụp mắt bấm nhau ra về. Họ đã hiểu, kể từ hôm nay, đi đâu, làm gì cũng phải thường xuyên có mặt trong thôn kịp khi Trưởng tộc gọi đến!
Còn lại hai anh em, lão hỏi ông Biểu:
- Giả dụ, là nói giả dụ nhá, nếu chú không làm Trưởng thôn nữa thì sẽ thế nào nhỉ?!

                                                       *
                                                     *   *

 Đã là tranh ắt phải đoạt, thuật của lão là kích bên này cho nổ bên kia. Bây giờ lão đang kích người em họ của mình.
Còn ông Biểu. Phải nói thật lòng, nỗi lo họ Lê mất cái thế đứng đầu các họ cũng có ít nhiều nhưng trong lòng ông rất khó chịu vì lão Nhiễu chỉ là anh con bác mà cha bố quá, bà vợ lão tham lam quá. Ông vốn là người không có lập trường vững vàng, lúc còn bé thì dựa dẫm vào bố, đi bộ đội về lại dựa dẫm vào anh họ, chẳng bao giờ chịu độc lập suy nghĩ việc gì. Vợ chồng lão Nhiễu và cả vợ ông từ lâu đã biến ông thành con lật đật nên lúc này ông chẳng biết trả lời thế nào với câu hỏi vừa xiên vừa xẹo của Trưởng tộc.
- Khi nào bốn bề chỉ có tiếng cóc nhái nghiến răng, tiếng dế kêu ti ti, chú nằm gác tay lên trán mà hình dung mới thấm cái sự mất chức mất quyền nghĩa là mất ăn mất nói, nó điếng nó đau nơi tim nơi tuỷ chứ chả phải chuyện đùa!
Lão cứ như đang đau tim đau tủy làm ông Biểu càng cắm cúi hơn vào cái bếp ga du lịch. Nồi nước dùng nẩy vung cành cạch, ông cẩn thận gắp muôi sách bò, chao qua chao lại rồi sẻ vào bát ông anh.
- Mất! Mà mất nhiều. Mấy sào để ngoài sổ của nhà bác này. Hơn tấn thóc dạo bác gái vay quỹ thôn cưới vợ cho thằng cả đang còn phải treo trong sổ này… Vâng. Chưa tìm được chỗ nào mà cài vào thì phải treo chứ sao. Còn nhà em ấy à, cái gì chứ bẩy tạ đến một tấn người ta biếu ngầm hàng vụ cũng sẽ mất. Rồi chè nước tiếp khách, xăng xe đi lại… nghỉ rồi chẳng còn cớ mà chi vào quỹ nữa.
Ông Biểu đã dừng nhưng nghĩ sao ông lại nói thêm:
- Mà tay Dũng là sỹ quan pháo binh rất giỏi quan trắc, nhìn qua đám ruộng là nhẩm ngay ra mấy sào mấy thước, những mảnh lâu nay để dôi cho bên bác, nó sẽ phanh ra hết…
Lão Nhiễu rất khó chịu với cái kiểu nói của ông Biểu nhưng phải cố nhịn. Lúc này mà hai anh em nghiêng ngả, cả họ sẽ bục ra. Ruộng để ngoài sổ sách thì nhiều chứ đâu chỉ mấy sào nhà lão và anh em trong họ? Cán bộ xã, cán bộ các thôn kia, ngoại giao một chút chứ có gì mà phải to tát. Và lão hạ tiếp một đòn cân não:
- Còn mấy năm nữa thì chú được nhận huy hiệu ba mươi năm tuổi Đảng nhỉ?
Ngón đòn tác dụng tức thì. Ông Biểu ngồi lặng lẽ gắp sách bò chao nước dùng và rót rượu vào chén của ông anh.  Kể từ lúc ấy, ông Biểu cũng như cả họ nhóng cổ chờ lệnh lão Nhiễu.

                                          *
                                       *    *                                           

Lão Nhiễu chịu thiệt thòi từ bé, lão nghĩ thế. Đôi mắt sinh ra bên phải to trố ngưỡng lên trời, bên trái híp tịt cắm xuống đất, cái tên Nhiễu bị gắn với bốn chữ “ngưỡng thiên cắm địa” và bài vè “đã muốn chăn vịt còn ham thả diều” ám lão suốt một thời thanh niên. Kiểu nhìn thượng hạ vô nhân ngấm vào lối nghĩ, ngấm cả vào lời nói việc làm song hành cùng nỗi hận ngày một lớn. Trai tráng ra trận vãn cả làng, lão vớ được cô vợ xinh nhất thôn, nỗi hận có dịu đi một tẹo nhưng việc không vào được ban lãnh đạo thì đêm ngày vẫn đốt tâm can lão. Lão chỉ đọc thông viết thạo thì làm sao làm được lãnh đạo, đơn giản thế nhưng lão đâu có nghĩ thế. Cho đến khi người em con chú là ông Biểu đây từ biên giới về, lão luồn lão lái, em lão được bầu làm Đội trưởng Đội sản xuất. Thời cơ ngoi lên làm một thứ thái thượng làng hay quốc phụ thôn đã đến, lão ra sức vun theo kiểu của lão.
Hai mươi năm em lão làm việc là những năm cả nước mày mò cách thức làm ăn mới. Lão nhận ra những ấu trĩ kéo đi giằng lại trong luỹ tre làng. Những giằng kéo ấy là mảnh đất màu mỡ cho lão với những tính toán xoay quanh bồ thóc nhà mình. Nhưng chức Đội trưởng sau này đổi thành Trưởng thôn chỉ là viên gạch đặt dưới chân cây thang trong bài tính muôn đời đứng trên đầu các họ. Nguyên tắc của lão là đoạt danh tranh thực, nghĩa là có quyền có chức để có ăn. Nói gì làm gì cũng phải có “vũ khí hạt nhân”, hạt nhân của lão là thóc và tiền. Cái lý của lão là vậy.
Một mắt ngó trời một mắt cắm đất nhưng bao nhiêu tinh lực lão lom lom vào đám ruộng. Đợt giao ruộng khoán đến hộ ai cũng nhẩy cẫng lên mà lão cứ trơ như cục đá. Lão quan sát và nghiệm ra rằng người ta sơ hở nhất là lúc hân hoan! Có khối kiểu vắt đất ra tiền ra của nhưng phải biết túm lấy những đầu mối loằng nhoằng lúc tranh tối tranh sáng. Làng chia thành bốn thôn do bốn anh Trưởng thôn đứng đầu. Sáu cánh đồng làng cũng xé ra chia về bốn thôn, mảnh nọ mảnh kia xen nhau tùm lum đã gợi ý cho lão rủ ba anh Trưởng thôn kia đến nhà em họ uống rượu. Chén chú chén anh, lão ngầy ngà “Thời này phải biết đi xiên. Anh em cùng cảnh vất vả gửi nhau dăm bảy sào, thu hoạch xong báo cáo với xã, xã báo lên huyện, mấy tầng sổ sách thiếu gì cách phù phép cho những con số thăng bằng”. Ba Trưởng thôn nhanh ý móc với nhau, tất nhiên phải móc với cả quân sư Lê Nhiễu. Cái sự móc nối trong đám đầu binh cuối cán ở nông thôn như rễ cỏ năn ăn ngầm dưới bùn nước đồng chiêm trũng, xã huyện có mọc thêm con mắt trên gáy cũng đừng hòng nhìn thấu.
Lão Nhiễu cứ ẩn mặt sau ông em Trưởng thôn mà toan tính. Nhà lão sát đồng, gà lợn nhà lão xuống phá thửa ruộng của thôn Hạ, trưởng thôn Hạ vụ nào cũng gọi bà Nhiễu lên phạt. Tư duy của vợ lão khởi nguồn từ cái dạ dày nên mấy yến thóc gánh đi nộp phạt là mấy yến muối xát vào lục phủ ngũ tạng. Lão cũng cay lắm nhưng tính lão càng cay cú càng sinh lắm mưu. Lão an ủi vợ coi như mình xúc bồ đổ thóc chăn nuôi rồi bắt ông Biểu đổi mảnh ấy về thôn mình để lão xin nhận khoán với mức cao. Hầu hết người thôn Thượng đều tưởng lão Nhiễu hồi tâm chuộc lỗi chứ mấy ai hiểu lão đang đi nước đầu tiên của một ván cờ. Cấy một vụ lúa lấy lệ, lão xin cải tạo mảnh ruộng ấy thành ao nuôi cá. Đất đào ao vược lên đắp bờ trồng cây lưu niên, tôn nền làm cái chòi rồi cưới vợ cho thằng lớn bắt chúng ra ở đấy. Cưới đến đứa thứ hai, chỉ năm trước năm sau thôi, lão làm thêm cái chòi nữa. Thế là đã thêm hai hộ đủ tiêu chuẩn cắt đất. Đất lúa được chuyển mục đích sử dụng thành đất thổ cư, lão chỉ còn việc cậy cục cho ra cái bìa đỏ. Khi đã có bìa đỏ thì thôi rồi, lão xoay chuyển tiện lợi đủ đằng.
Lão Nhiễu cứ đều đều tính toán hết món này đến món khác nhưng rất khó chịu vì ông Biểu lắm lúc chẳng khác gì con trâu phá ách. Thuyết phục dài dòng sốt cả ruột, lão quay sang người em dâu:
- Này, thím ghé vào khen cá giống nhà hĩm Thặng một câu!
Vợ ông Biểu được cái sáng ý nên chả phải đợi đến lời thứ hai:
- Trắm giống năm nay khá quá. Con nào con nấy cứ béo mum múp mà cái thủ bé tẹo. Được bao nhiêu ngày rồi mà dài có dễ đến hơn chục phân ấy nhỉ!
Thế là vợ Thặng tong tả gánh hai thùng cá giống sang:
- Bác ơi, cho em thả mấy trăm xem nước ao nhà bác có giống nước bên ao nhà em không!
Nhà quê mà, cái sự quan hệ với nhà ông đội cứ là phải chăm lo hàng đầu. Chỉ khổ thân ông Biểu lại phải tìm cách hạ mức khoán cho nhà Thặng!
Thì đã nói vợ ông Biểu là người sáng ý mà lỵ. Không biết mụ cầm tinh con gì mà cứ lồng lên trong vụ nâng cấp nhà trẻ mẫu giáo và trụ sở thôn. Chả là, dân đã có bát ăn bát để, trên yêu cầu nhà nước và nhân dân chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng. Mưu chước do ông anh Trưởng tộc chỉ vẽ, cứ bỏ tiền ra cho vay mua cát đá xi măng sắt thép, đến mùa tính lãi ra lãi vẫn được tiếng nhiệt tình với phong trào. Ấy vậy mà khi công trình đã hòm hòm, mụ còn tiếc đứt ruột vì dân nhất quyết tự làm chứ nếu thuê người ngoài còn siết được mấy giá tiền nhân công.
Nông thôn đang quẫy mình hướng tới những cách làm mới, mô hình mới. Tham quan học tập tỉnh xa tỉnh gần mỗi năm mấy đoàn, vợ Biểu sẵn sàng xuất tiền cho vay. Trước khi xuống đồng gặt, đội trưởng cứ gộp các khoản đã chi mà bổ lên từng sào canh tác. Cán bộ dưới làng trên xã đã vi vu xe máy lạnh, ngủ nhà điều hoà, ăn uống chơi bời tất tần tật bằng những khoản tiền vay đành tặc lưỡi giơ tay nhất trí. Con mọc răng còn nói năng chi nữa!
Qua mỗi phi vụ, ông Biểu ít nhiều lăn tăn nhưng lão Nhiễu chặn ngay:
- Trưởng thôn nhất nguyên chế, cứ quyết!
Và thế là ông cứ vác tù và hàng tổng cho vợ và anh họ vác của về nhà. Hai anh em nghễu nghện hai ngôi nhà ba tầng, kéo thêm mấy trăm mét dự án đường bê tông tỉnh cho qua trước cổng, xe máy xe đạp từ ngõ ra tận đường cái quan không dính tí bụi.
Ý của lão Nhiễu qua lời ông Biểu lên loa phóng thanh nhất thiết phải như đẽo khuôn mà đúc. Giả dụ, lại nói giả dụ, lúc này nếu súng kề tai bắt lão chọn, lão sẽ bỏ rượu bỏ sách bò để giữ cái quyền được nói. Đấy là cái quyền phán bảo đã thấm vào máu, lúc nào cũng rân rân trong gân mạch như người hút thuốc phiện. Mỗi khi nghe ông em mạc nguyên lại lời mình trên loa, lão cồn cào, ngây ngất. Không được phán bảo, lão thấy nghèo khó đi bao nhiêu, mỗi khi phải nhịn nói xương tủy lão như có bầy dòi rúc.
Chức Trưởng thôn là cái đệm lão đương ngự êm ái, nếu bị mất thì có mà đứt ruột. Lão Nhiễu hỏi ông Biểu:
- Ý chú Giang thế nào?
 Giang là Bí thư đảng uỷ. Lấy em gái ông Biểu tất nhiên cũng là em rể lão Nhiễu nhưng vì dạo còn bé đã trót đầu têu dạy bọn trẻ trâu “Lêu lểu lều lêu, hắn Nhiễu canh diều, hắn Nhiễu thả vịt…” nên bây giờ hễ nhìn thấy ông anh họ bên vợ là Giang lại lỉnh như ma trơi. Điều lão Nhiễu vừa hỏi, ông Biểu cũng đã trao đổi với Giang. Giang nói đúng từng chữ nghị quyết “Trưởng thôn là cầu nối quan trọng giữa các cấp lãnh đạo với nhân dân trong công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn nên phải chọn người có năng lực. Cần ưu tiên nhân tố mới. Bầu cử phải được tiến hành nghiêm túc, phải thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”.
Đánh hơi thấy sự bất lợi từ những lời ông Biểu đang nói, lão Nhiễu chặn lại:
- Ấy! Dân không mấy ai biết nội dung nghị quyết, chú đừng có chỗ nào cũng đem nguyên xi ra mà quán triệt. Phải nhấn mạnh nông thôn rất cần những người có kinh nghiệm, nhất là những người đã trải qua những năm đầu đổi mới để tiếp tục phát huy đà thắng lợi…
Rượu đã nhiều mà lão Nhiễu vẫn tỉnh như không:
- Chú lo tranh thủ các vị ngoài xã, tăm xem ông nào đặc trách thôn Thượng. Phải chịu tốn kém, đồng tiền có chân nó đi rồi nó lại về!
Dao sắc không bằng chắc kê, chuẩn bị mười thắng lợi một… lão vẫn  mượn lời ông bà để thực hiện những ý đồ của mình. Rồi lão cùng ông Biểu rà soát bẩy mươi mấy hộ dân thôn Thượng. Từng hộ, từng hộ, lão gõ trán xem ai sẽ là người đi bầu, nếu cảm thấy có vấn đề là phải đến tận nhà làm việc trước.
Ông Biểu nói rằng bà con bây giờ ỉ vào cái loa, nằm nhà xem ti vi chờ thông báo trên loa, chả có mấy người đi họp. Lão bật lên:
- Thế thì phải đến tận nhà, mua!
Chém tay vào ánh đèn, lão tiếp:
- Phải rót mật vào tai nam phụ lão ấu không trừ một ai và phải kiên trì chiến thuật “Quạ truyền hơi”, người nọ bảo người kia mà điều khiển lá phiếu cho đến khi nó vào hòm. Chú hiểu không?
 Lão gằn ba tiếng “Chú hiểu không”. Hai tay lão chụp lên cái đĩa như dân thôn Thượng là những miếng sách bò. Trong cái đầu căng cứng những tham vọng cưỡi cổ thiên hạ, lão chỉ muốn thộp ngực cả cái thôn Thượng mà chỉ vào mặt từng người bắt gạch tên hai người kia chỉ để tên ông Biểu.
Ông Biểu cũng có những ý nghĩ rất lung bung. Người ta thích ai, tin ai người ta bầu chứ hay ho gì cái trò bỏ tiền đi mua từng lá phiếu. Anh ông cứ chủ trương mọi thứ đều phải tranh đoạt, lúc nào cũng sợ mất cái nọ mất cái kia mà không nhớ cái đáng mất có cố giữ cũng chẳng còn? Ông cũng muốn dịp này nghỉ cái chức mà vì nó ông đã như cái bung xung suốt hai chục năm nay. Nghĩ thế nhưng chưa một lần ông Biểu dám nói. Vẫn chăm cho anh từng muôi sách bò, miệng luôn ạ dạ thưa vâng, trong bụng ông lan man giá ngày mới về đừng nhận chức Đội trưởng thì bây giờ thoát được cuộc bầu cử đầy ngoắt nghéo của ông anh.
Đôi mắt ngưỡng thiên cắm địa của lão Nhiễu thôi miên ông Biểu, những tầng bát hương trên bàn thờ họ Lê mê hoặc ông Biểu, lời ông Biểu cứ định cất lên nhưng chưa đến đầu lưỡi đã quay vào ngọ nguậy trong lòng.

                                                 *
                                              *    *
                                                 
Họ Lê đã quen nếp nghe và chờ lão Nhiễu bảo gì làm nấy nhưng trong bụng thầm mong Trưởng tộc quên tên mình, quên nhà mình. Đợt này lão chẳng quên một ai, ai cũng được giao việc rất cụ thể, còn bị kiểm tra đi kiểm tra lại, gắt gỏng, chửi mắng, có đứa còn suýt bị ăn ba toong. Con cháu họ Lê chỉ còn thiếu bị sai đi bỏ thuốc sâu xuống ao cá hay bỏ thuốc chuột vào chuồng lợn nhà người ta. Đích thân lão, miệng nói tay làm, bắt đầu chiến dịch mua phiếu từ nhà Quảng Khoét.
“Thằng cha này mà được mấy chén thì bảo đảm đầu thôn cuối thôn sẽ đẫy tai”. Lão đút vào bọc chai rượu, vào nhà Quảng Khoét lão chìa ra thay lời chào. Ực đến chén thứ ba, Quảng Khoét bắt đầu nổ: “Sổ toẹt cái nhà anh Dũng hay phê phán uống rượu làm hại giống nòi nhá. Mẹ kiếp! Nhà này một loạt bảy đứa có đứa nào không như cái cối đá lỗ”. Ực chén nữa, Quảng Khoét lại chửi “Tủ mủ tù mù như cái hũ nút có cái chó gì mà chả phải tìm chén rượu”. Lão Nhiễu theo đà. “Đúng! Chén rượu mà cũng cấm thì khó sống quá. Này, cầm mấy chục mà uống cho đỡ sầu”. Trước khi rời nhà Quảng Khoét, lão nhắc lại “Nhớ gạch tên Dũng đấy”.
Vào nhà bà Khoa mù: “Cơm nước gì chưa mà lạnh tanh thế này”, “Anh sang đấy ạ, mỗi một mình ăn loáng cái xong ấy mà”. Mất hai con mắt, bà Khoa mất luôn cảm giác thời gian nên vẫn xưng hô như hồi còn sáng. “Có nghe gì không”, câu hỏi trống không mà bà Khoa nhanh nhảu “Vẫn anh Biểu chứ ạ”. “Không có gì thay đổi đâu đấy nhé, này cầm mấy chục thích mua cái gì thì mua. Nhớ đấy”. “Vâng, em nhớ. Anh Biểu”.
Cứ thế, ai cũng nhận tiền cũng hứa bầu cho ông Biểu. Đám thanh niên uống bia thả dàn. Quen tu rượu nút lá chuối giờ uống bia Con hổ nhạt phèo nhưng sợ không sành điệu nên cậu nào cậu nấy cứ nốc cho đẫy rồi ra góc bờ tường mà xả. Sau những lần trăm phần trăm, cậu nào cậu nấy lại ậm oạc “Yên chí…bầu cho… ợ…”. Bữa ấy, thằng con ông Biểu say khướt cò bợ, vừa đếm triệu mấy trả nhà hàng vừa ngọng nghịu đồng tiền có chân.
Đám các bà các chị thật đúng là cầm tinh con quạ. Chẳng có gì cũng đã nhao nhao, huống chi đây là việc bầu chọn Trưởng thôn. Biết đâu sau này rồi có lúc phải sang vay mụ Biểu nên họ cứ hứa trước. Không vung tiền bừa phứa như ông anh họ hay thằng con trai mà mụ Biểu cũng được khối lời hứa.
Gai góc nhất là cụ Luật. Lão Nhiễu tính đi tính lại không thể cử ai được nên phải thân hành:
- Cụ Luật có nhà không đới?
- Không có nhà thì đi đâu?
Không cho lão Nhiễu mở lời, cụ Luật phũ ngay:
- Bầu cho ông Biểu chứ gì? Anh em nhà cậu ôm cái ghế ấy từ ngày nhà còn lợp gianh nay đã ba tầng mà không sớt cho ai lấy một tý à? Đồ húp cả cặn!
Cụ cứ đọc đi đọc lại câu vè từ đời tám hoánh “Xã viên làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” làm lão Nhiễu đa mưu là thế mà cũng không kìm được. Lão văng “ghẻ như chày mẻ” rồi nguẩy đít đi ra. Khỏi ngõ, lão lẩm bẩm thế là mất một phiếu.
Những người đến họp mỗi người một vẻ. Nghiêm trang, quan trọng, đăm chiêu, nhăn nhó, nhếch mép cười khỉnh, nói năng văng mạng… nhưng không thiếu hộ nào. Có người còn mang cả cái chiếu sẵn sàng đánh giấc. Trụ sở Thôn kín chỗ. Đám thanh niên nhắng lên chạy ra chạy vào nhưng không bỏ sót đề tài nào. Ông Biểu và anh Dũng chưa tới, chị Nụ ngồi tận trong góc đang nơm nớp lo người ta bầu mình.
Ngồi trên băng ghế dành cho đại biểu xã về chỉ đạo, lão Nhiễu rung đùi ngưỡng thiên cắm địa. Lão có “vở” của lão:
- Chú Biểu nhà tôi đi vận động tài trợ, chắc trục trặc xe máy gì đấy…
Chưởng này thế mà hiểm. Cả phòng họp xôn xao tràn trề hy vọng, có tài trợ là sẽ đỡ phần đóng góp. Lão đắc ý lia cặp mắt xuống dò xét từng người nhưng đố ai biết lão nhìn mình hay nhìn trần nhà nền gạch. Một cậu thanh niên oang oang:
 - Cần người trẻ khoẻ có kiến thức chăn nuôi trồng trọt để chuyển thuần lúa sang canh tác đa ngành nghề…
Lão Nhiễu cắt ngang:
- Trưởng thôn thay mặt mấy họ ăn nói với xã với huyện chứ có phải vác đất đấu vược nền nhà đâu mà chỉ cần trẻ với khoẻ?
Bí thư chi đoàn Vĩnh đọc cả một bài báo:
- Tiếp thu công nghệ mới một cách khoa học với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến bắt mảnh đất cho giá trị cao hơn… Đấy mới là điều chúng tôi cần chứ cần ai nói hộ, ăn hộ?
Một chị bế con ngồi tận trong góc, với ra:
- Chán kiểu alô nhai lại qua cái loa treo ở cây dừa nhà ông Biểu lắm rồi. Đang cần gì ấy à? Cần làm thế nào để trị vàng lùn lùn xoắn lá ngoài đồng kia kìa!
Lão Nhiễu thấy cần phải nhắc để mọi người nhớ rằng họ nhà lão đã có công lại có người làm to trên xã:
- Ông Biểu đã kinh qua hai mươi năm làm Trưởng thôn rất phù hợp với chỉ đạo của đồng chí Giang bí thư là phát huy kinh nghiệm trong thời kỳ đổi mới…
Phòng họp như nghiêng ngả. Trời nóng hầm hập mà mấy cái quạt cứ uể oải như cá gặp mã tiền. Chẳng có ai hô mà hai phe hình thành rõ rệt, bên quyết tìm nhân tố mới ngồi sang trái và bên phát huy kinh nghiệm ngồi sang phải. Lão Nhiễu rời băng ghế chỉ đạo xuống bên “phát huy kinh nghiệm”, đưa mắt đếm anh em con cháu họ Lê. Cảm giác tủi hờn lại nhen nhén trong lòng, họ nhà lão mỏng quá, xúm xít nhau một nhúm ở góc phòng. Những lúc thế này mấy con mẹ nái sề kia có thấm thía cái câu một con một của hay không! Lão những muốn mắng cho chúng nó một trận nhưng phòng họp lại rộ lên tiếng cười. Gì mà đám phụ nữ với thanh niên bên kia rững mỡ thế không biết. Lão cảnh giác nhướng mắt sang nhưng bên ấy nhưng vẫn chẳng ai thèm để ý đến cái nhìn của lão.
Họ đang nhắc lại lời cậu Doanh con chị Nụ nói về sự cũ kỹ lạc hậu của cách chọn giống và lối sính phân hoá học làm đất đai chai cằn nên mới bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Mấy bà mấy cô nhắc lại buổi liên hoan tiễn Doanh đi Đại học Nông nghiệp làm chị lại nhớ lời hứa của Doanh “Học xong cháu sẽ về với bà con”. Có mỗi một đứa con, chị đếm từng ngày chờ ngày tốt nghiệp nhưng vừa thi xong nó lại đi Mùa hè xanh với các bạn lên giúp đồng bào miền núi Thanh lâm.
          Lão Nhiễu có chút không yên về cái cậu chàng mới lớn này. Kỳ nghỉ hè nào nó cũng bày cho bà con cách chọn giống, bón phân. Mấy hôm nay lão vẫn nghe đầu thôn cuối thôn hỏi nhau sao Doanh đi Mùa hè xanh lâu thế nhỉ. Cũng chỉ là sự thân vân áy náy một chút thôi chứ dưới mắt lão cái đồ vắt mũi chưa sạch ấy thì hề hấn gì đến chức Trưởng thôn của ông Biểu. Đôi mắt ngưỡng thiên cắm địạ rực lên tia nhìn miệt thị. Cứ đợi đấy. Chỉ cần ông Biểu bước vào nói rằng đi vận động tài trợ được mấy trăm triệu, đang tiếp tục theo đuổi để tiền về thôn thì cái đám kia sẽ gục tất. Yên vị rồi cứ đổ cho bế tắc từ các cửa, thủ tục hành chính như mớ bòng bong, dân đen thôn Thượng có mà lần đến ngày sang tiểu. Có chăng lão chỉ bận tâm đến sự vắng mặt một cách bí hiểm của tay Dũng. Nhà binh đóng đến lon thiếu tá lại là con nhà pháo, mọi hành động được tính toán đến ly đến tấc không lẽ lại chậm một cuộc họp quan trọng như cuộc bầu Trưởng thôn! Câu hỏi đến không chỉ một lần mà lão chịu không tìm được câu trả lời. Rồi lão tự trấn an, đối thủ không đủ sức đương đầu với trận quyết chiến nên đã dụng kế tẩu vi thượng sách. Lão vẫn đinh ninh với cái lý đồng tiền có chân thì vẻ vang của họ nhà lão đâu còn xa ngái.
Quá mười giờ đêm. Một nửa yêu cầu cứ bầu vì hướng dẫn của trên không cấm ứng viên vắng mặt. Nửa kia cương quyết chống lại với lý do nhỡ ứng viên trúng cử không tự nguyện nhận chức thì sao?
                                                  

                                                   *
                                                *    *  
                                                      
Lão Nhiễu đang rung đùi thì ba chiếc xe máy ùa vào sân. Ông Biểu, anh Dũng và cậu Doanh dựng xe để phủi bụi. Người nào người ấy phủ một lớp bụi chẳng khác khúc kẹo nhồi mới lấy từ lọ bột ra. Sau tiếng dặng hắng thật trịnh trọng, lão Nhiễu quên người chủ trì cuộc họp là ông Trưởng Ban công tác mặt trận, thong thả đứng dậy trước băng ghế dành cho đại biểu, bảnh chọe giơ hai bàn tay úp xuống phòng họp. Tiếng lão oang oang:
- Thế là chúng ta đã có nguồn tài trợ! Đường bê tông mới được một đoạn, rải tiếp. Lớp mẫu giáo chưa lên tầng, sẽ xây tiếp tầng hai tầng ba…
Sáng nay ông Biểu đi sớm lắm, vợ ông ra khoá cổng vào còn ngủ thêm một giấc. Đến nửa buổi, lão Nhiễu sang hỏi chú ấy đã đi như kế hoạch chưa, mụ cũng cứ sự vậy mà thưa. Lúc nẫy thấy lão Nhiễu sốt ruột, mụ ghé tai “Có lẽ gặp được nhiều cơ quan tài trợ nên nhà em về muộn”. Bây giờ thấy chồng cứ mải phủi quần áo, mụ phăm phăm rẽ đám thanh niên, lôi ông Biểu ra một góc:
- Vào bầu ù đi rồi về mà uống rượu, đã làm một mâm cho hai anh em.
Ông Biểu khẽ hừ rồi kéo anh Dũng và cậu Doanh vào phòng họp:
- Xin lỗi để bà con phải chờ lâu. Tôi và anh Dũng lên Thanh lâm đón cậu Doanh. Gớm, toàn đường sống trâu…
Lão Nhiễu biết em họ lão đã không nghe lời lão nữa rồi. Mặt lão sầm xuống nhưng chẳng có ai nhận biết được sự thất vọng trong đôi mắt ngưỡng thiên cắm địa.
                                                                                             Xứ Thanh - 2008