Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Giữa hòa bình...

Giữa hòa bình anh hiến máu trẻ trung…

Những năm đầu 60 của thế kỷ trước, có một chuyên nói ra e buồn cười, đám học sinh cấp Ba chúng tôi nhiều người đã mang bài thơ Đáng sống… của cụ Lưu Trùng Dương vào cuộc chiến:
Những chiến sĩ chon von trên chòi cao biên giới
Chân đạp mây bay, tóc vớn gió núi
Ngày mù sương tơ tưởng một bến đò
Đêm sáng trăng khao khát những vần thơ
Nhưng anh lên đây ấm rừng vui bản
Rừng núi nâng niu bàn chân vạn dặm
Gọi tên thổ phỉ trở lại làm chồng
Giữa hòa bình anh hiến máu trẻ trung
Ghì đất nước trong vòng tay không mỏi…  
Đối tượng ngợi ca của bài thơ là anh em công an vũ trang tức bộ đội biên phòng ngày nay, thời gian của bài thơ là những năm hòa bình sau chiến thắng Điện Biên Phủ (trên miền Bắc), còn chúng tôi, mọi tư tưởng tình cảm hướng tất cả về cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1965 tôi đi bộ đội rồi vào chiến trường, đến 1975 may mắn còn sống được hưởng hòa bình, nay xót các anh em bộ đội không quân gặp nạn mà nhớ bài thơ trên.
Thiết nghĩ, hy sinh là một đòi hỏi mà người lính thời nào cũng vậy, phải chấp nhận dù quá khắt khe và tàn nhẫn, trong chiến tranh cũng như lúc hòa bình. Nhưng, những sự hy sinh tính mạng trong hòa bình bao giờ cũng tạo nên hiệu ứng rung chuyển đến tâm can. 
Tiếc nuối, cảm phục, tự hào và nhớ lại bài thơ với một cuộc dấn thân là tình cảm của tôi lúc này.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, hòa bình đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm và cả sự ăn chơi, ai cũng đang hối hả làm tiếp những dự định của mình để một thành hai, hai thành ba nhưng 10 anh em không quân tuổi trẻ đã hóa thành mãi mãi. Trong đau đớn xót thương vô hạn, 90 triệu trái tim Việt Nam chắc ai cũng rưng rưng:
Giữa hòa bình anh hiến máu trẻ trung
Ghì đất nước trong vòng tay không mỏi
Xin khắc hai câu thơ này vào lòng và trên mộ các anh trước dòng Tổ quốc ghi công.

18/6/2016- NNM