Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

CÂY ĐA BÀU HUYẾT
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh



Cuộc chích máu ăn thề của Nhụy Kiều tướng quân với ba anh em họ Lý Hậu Lộc đang bừng bừng tiếng hô Lệ Hải Bà Vương vạn tuế bỗng tắt lịm. Người lính cồng từ Đại bản doanh Vân Sơn phi ngựa đến cấp báo: chủ soái Triệu Quốc Đạt đã qua đời. Những đống lửa lụi dần, cả dải núi Bồ Điền lặng đi, Nhụy Kiều thúc voi bạch một ngà tức tốc trở về Núi Nưa.
Qua núi Yên Ngựa, một quầng đỏ hắt bóng nhuộm úa dòng sông Nhơm khiến con voi một ngà dương vòi hý vang. Lửa đang hoành hành nơi trại lính tiên cơ, khói cuộn lên ám vào những tảng mây lừ lừ trôi về phía bờ sông. Cả một vùng lau lách oằn mình kém theo những tiếng nổ bôm bốp, tranh cỏ ngún lửa chao liệng trên không rồi rớt xuống mặt sông đen ngòm.
Các tướng quất ngựa bám sát con voi bạch một ngà. Đại bản doanh Vân Sơn sáng rực ánh đuốc, Viên Tổng quản bẩm thi hài chủ soái đang quàn trong chính đường, nghĩa quân mấy vòng tuốt gươm canh giữ. Dưới thềm có hai tên lính đang bị trói gô, trước mặt chúng là một cái túi gấm chưa rõ bên trong đựng gì nhưng nhìn qua ai cũng biết đấy là cái túi đựng đồ quí của những tay nhà giàu có xuất xứ từ bên Hợp Phố!
Lệnh phát tang còn chưa kịp ban thì Triệu Phu nhân tiến ra. Bà ta nói, ở bên ngoài Nhụy Kiều là soái nhưng trong Triệu gia trang, nàng là cô cô. Với trách nhiệm của mình, Triệu phu nhân có bổn phận thay chồng sắp đặt việc gia thất của cô cô. Giọng Triệu Phu nhân trở nên trầm buồn, bà nói rằng chồng bà, huyện lệnh Cư Phong Triệu Quốc Đạt, rất buồn lòng về việc gia thất của em gái chưa thành, bao nhiêu lần than dài với câu biết thưa gửi thế nào khi gặp tổ tiên!
Người mà Triệu phu nhân định gả bán Nhụy Kiều là một tên hào trưởng quê tận Hợp Phố, lâu nay ông ta vẫn qua lại Cửu Chân với hành tung bí hiểm. Hai tên lính bị trói dưới thềm vừa nhìn thấy ông ta đã gập đầu xin cứu mạng.
Vừa lúc ấy, Tổng quản cho người xách vào mấy túi gấm, trong số túi ấy có một cái phải kỳ công lắm mới lấy được từ hậu cung của Triệu Phu nhân. Mọi chuyện thế là đã rõ. Triệu phu nhân cam tâm tròng cái ách con dâu Hợp Phố lên đầu người con gái Quân Yên đang sát cánh cùng anh trai đánh cho quân Ngô thất điên bát đảo.
Nhận được hiệu lệnh của Nhụy Kiều, người lính cồng bay tới, một tay túm bím tóc, tay kia kề chủy thủ vào cổ tên hào trưởng khiến cả bọn đi theo rút kiếm soàn soạt. Tiếng "boong bùm" vang lên, con voi tung vòi quấn một tên lính Ngô tung lên cao rồi quật cây cột, máu óc văng vãi cùng tiếng thét hãi hùng khiến cả bọn chùn lại. Kiếm trong tay các tướng trong đội tùy tòng của Nhụy Kiều vây kín bọn Triệu Phu nhân. Nhụy Kiều dõng dạc: anh trai tôi đã phải chết vì một mũi tên độc của nhà Ngô, bỏ lại sự nghiệp còn dang dở. Phận làm em, tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!
Bà ra lệnh đưa tất cả lũ Triệu phu nhân, tên hào trưởng cùng hai tên lính đốt trại tiên cơ ra trước sảnh đường chém đầu  tế vong hồn chủ soái.
Lại có thám mã về báo phòng tuyến sông Nhơm bị vỡ, quân Lục Dận đã thừa cơ sang sông đánh vu hồi các trại và một đạo quân đang tốc thẳng về đại bản doanh. Tình thế khẩn cấp, các tướng khuyên Nhụy Kiều nên rút về núi Bồ Điền dựa vào ba anh em họ Lý Hậu Lộc dựng lại thế cờ.
Không còn cách nào khác, Nhụy Kiều đành xuống lệnh rút khỏi Nưa Sơn.

***
 
Nưa Sơn bị phá, hành lang phía Tây mở toang, thống soái Lục Dận (cháu của Đại Đô đốc Lục Tốn) đưa quân vào phía Nam tạo thế vây hãm ba mặt Bồ Điền nhưng vẫn không đánh tan được cuộc khởi nghĩa. Không thắng nổi Bà Triệu, Lục Dận lại bị Thái thú Lữ Đại nhiều lần quở trách: tại sao quân đội Đông Ngô được trang bị đầy đủ lại hơn hẳn về kinh nghiệm trận mạc mà tám năm ròng không thắng nổi một đội quân chân đất, chỉ có cung tên giáo mác thô sơ lại gồm cả ông già trẻ con đàn bà con gái?
Câu hỏi nhức nhối ấy Lục Dận đã dụng tâm lý giải. Ông ta không hề coi thường đối thủ mặc dù đối thủ chỉ là một cô gái mới qua tuổi đôi mươi. Cứ nhìn vào phong độ diễm kiều ra trận cưỡi voi bạch một ngà đi guốc ngà mặc áo ngắn màu ngà mà ngay cái tên cũng là nhụy hoa ngọc ngà thì đủ biết người con gái Giao Chỉ này bản lĩnh đến đâu. Ông cũng đã vận Lục Tốn binh thư hàng trăm chước mà vô phương vẫn hoàn vô phương, quân khởi nghĩa mới tan ở núi Nưa đã lại xuất hiện ở núi Bồ Điền.
Ông ta còn để tâm tìm điểm yếu của Nhụy Kiều, một tính cách riêng hay một thói quen có thể lợi dụng, nhưng tất cả chỉ là vô hiệu. Trong quân đội của Bà, từ chủ soái đến nghĩa binh ai cũng đối xử với nhau bằng sự tương thân tương ái, ai có công được thưởng nhưng nếu ai có ý làm phản dù phải diệt thân cũng quyết không tha. Câu nói của bà trước vụ chém đầu Triệu phu nhân và bè lũ trước Vân Sơn đại sảnh cũng đủ thấy Bà là con người đanh thép nhưng rất công minh và vô cùng tinh tế, thật xứng với mỹ danh Nhụy Kiều tướng quân do quân dân Giao Chỉ mến yêu xưng tụng.
Không có điểm yếu nào có thể lợi dụng, Lục Dận chuyển sự chú ý đến cá tính. Nhụy Kiều vốn ưa sự thanh nhã và vô cùng căm ghét thói khả ố, tục tĩu. Ông ta dụng kế tạo ra một trận đánh mà quân lính hoàn toàn lõa thể, nữ binh của Bà Triệu phần nhiều là con gái mới lớn chắc chắn sẽ bị xấu hổ, chờ lúc đường gươm mũi giáo rối gượng sẽ xua quân xông lên bắt sống Nhụy Kiều.
Quân Ngô bày trận khiêu chiến tại Núi Tùng.
Nhụy Kiều tướng quân đã cưỡi con voi bạch một ngà ra trước trận nhưng không hề thấy bóng dáng Lục Dận. Lúc lâu, một đám lính cưỡi truồng láo nháo ngoác miệng gào tên Nhụy Kiều kèm những lời rất tục. Người lính cồng điên tiết trổ khinh công bay tới cho tên to mồm nhất một đao, con voi bạch một ngà cũng quấn một tên lính tung lên dùng chiếc ngà còn lại xọc cho một nhát. Bên khiêu chiến mất mấy mạng mà vẫn không thấy tướng trận xuất hiện, Nhụy Kiều còn đang phân vân thì bỗng nhiên quân Ngô dạt sang hai bên, một đội lính khác trần như nhộng đội hình chặt chẽ đầy đủ gươm khiên lừ lừ tiến bước. Nhụy Kiều không khỏi rùng mình trước sự lố bịch của những nam nhi đại trượng phu từng rạp mình trên yên ngựa khắp miền Lưỡng Quảng mà lúc này dương vật vắt vẻo lông lá loàm xoàm phơi dưới nắng trời. Hành động tiểu nhân đê hèn này của Lục Dận đã phương hại thuần phong lại phỉ báng mỹ tục, cái cốt ngạo của người con gái Giao Chỉ vốn đề cao sự khiết tịnh thanh nhã đã nhắc bà nhớ về cơ đội nữ binh đang làm nhiệm vụ chặn hậu ở Nưa Sơn. Có lẽ các em cũng khó thoát tình thế lố bịch mang nhãn hiệu Tàu Khựa này.
Con voi quỳ, bà bước xuống. Đôi guốc ngà vừa chạm đất thì thanh kiếm trên tay đã bay ngang. Lưỡi kiếm như ánh chớp lia theo hình xoáy trôn ốc, kiếm khí vun vút lóe lên trước hạ bộ của bọn lính Ngô, cái của quý tạo hóa dành cho loài người hưởng lạc khoái để gìn giữ giống nòi bay theo một vòng cung như đàn cóc chết nối nhau xâu vào mũi kiếm Nhụy Kiều.
Vẫn biết rằng binh bất yếm trá, và cũng vẫn biết rằng Trường giang sóng sau cao hơn sóng trước, mà sao Tôn Quyền còn đẩy quân lính của mình vào cảnh tiệt tử tiệt tôn. Một lính vong dương là một họa tuyệt diệt, cả dòng họ ba đời bố mẹ con cháu thành cái gì ai mà không biết. Oan nghiệt lắm! Oan nghiệt lắm!
Có một tên trong đám lính cởi truồng xin Nhụy Kiều ban cho một nhát kiếm. Nó nói rằng, mang danh thằng rụt đầu lê lết nơi phố thị thôn trang cho đàn bà con gái khinh khi thì có khác gì con rùa rụt cổ. Nó cả gan dám hỏi Nhụy Kiều có biết chiêu kiếm tuyệt tử tuyệt tôn ấy, xưa nay dẫu bất thành văn nhưng giang hồ cấm kỵ. Nhụy Kiều hạ cố: đây không phải chuyện giang hồ, đây là cuộc kháng chiến chính nghĩa của người Giao Chỉ chống lại ách xâm lược phi nghĩa của nhà Ngô các người.
Nhìn lũ phế binh ôm háng máu thất thểu xuống núi, Nhị Kiều dõng dạc: Lục Dận tướng quân hãy nghe đây! Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Đông Ngô đã gieo bao tang tóc xuống đầu dân Giao Chỉ nên hôm nay ta phải thay trời hành đạo. Chiêu kiếm này là lời nhắn, cái họa tiệt tử tiệt tôn các người tự gieo ắt tự chuốc. Truyền đời, nếu một đứa mất giống sẽ lụy bốn đời ông bà cha mẹ vợ con. Về nói với Ngô Quyền, hãy nhìn rõ họa này mà hành xử với lân bang cho phải đạo.    
Nói rồi bà quay sang lệnh cho người lính cồng lập tức trở về Nưa Sơn, truyền các nữ binh dừng tay gươm tay giáo, hãy trở về cấy lúa trồng ngô chăn tằm dệt cửi, lấy chồng sinh con nuôi giữ giống nòi. Bà ngửa mặt lên bầu trời xanh, than rằng cái họa phương Bắc e chẳng thể một sớm chiều mà cất.
Nhưng tâm huyết ấy đã không đến được với những người lính thân yêu của Nhụy Kiều tướng quân nữa rồi. Cả đội nữ binh làm nhiệm vụ cản hậu trên dãy Nưa Sơn đã bị đánh tan. Xác người ngổn ngang, giáo mác, cung tên văng vãi khắp Thung Lau. Đàn quạ hết bay lên lại sà xuống bên những đôi mắt căm hận mở trừng còn in màu hoa lau bạc úa. Nhìn những ngọn giáo trong tay các nữ binh xuyên qua ngực bạn chiến đấu của mình bên cạnh xác những tên lính Ngô trần truồng, người lính cồng đã hiểu: họ phải giúp nhau tự vận vì hành vi ti tiện bẩn thỉu của bọn lính này. 
Thung Lau như chiếc lò xo bị nén. Người lính cồng trèo lên ngọn một cây đa đưa mắt nhìn về bốn phía. Nàng gào lên những tiếng căm hờn, tay nàng điểm hồi cồng truyền lệnh nhưng lệnh của chủ soái chỉ có núi ngàn vọng lại. 
Tiếng cồng tức tưởi đã gọi về những tiếng sét xé trời. Mặt đất nứt ra một cái vực sâu, mưa ầm ập đổ, hàng trăm khe suối tấu nên âm thanh ầm ì như tiếng vọng về từ âm phủ. Nước mưa rửa sạch những thi thể rồi nhẹ đưa tất cả theo làn nước tinh khôi. Đến thi thể cuối cùng thì trời hừng nắng, hàng triệu bông mẫu đơn vốn đỏ như máu bỗng biến thành màu tím, bông nào cũng chĩa nụ lên trời như muốn hỏi điều gì!

***

Vật đổi sao dời, không biết Nưa Sơn đã qua mấy cuộc bể dâu mà nay vẫn còn đó con bàu mênh mang có tên Bàu Huyết. Cây đa trên cái gò giữa bàu cũng có tên là Cây Đa Bàu Huyết. Mặt nước vẫn cái màu tím ngắt không biết là do rừng hoa mẫu đơn soi bóng hay nước trong bàu đã hòa quá nhiều máu trinh nữ chiến đấu dưới cờ Bà Triệu.
Tương truyền, vào những đêm sương mù giăng đậm, núi rừng bỗng ầm ầm cuộn gió. Tiếng hoẵng tác hươu be, tiếng cú rúc liên hồi lẫn vào tiếng con thác dội về nghe như tiếng voi gầm ngựa hí. Giữa trời đêm xuất hiện một khối sáng màu hồng ngọc lướt đi lướt lại trên đỉnh Am Tiên. Khối sáng ấy lúc bừng lên rực rỡ, lúc lẩn khuất phiêu diêu, dân Kẻ Nưa gọi là Con Ngọc.
Con Ngọc là hồn thiêng của những người con gái mười tám đôi mươi đã hy sinh trong một trận chiến rất không công bằng với kẻ thù. Hồn của họ không nỡ bay về trời làm tiên nữ mà ở lại nơi Cây Đa Bàu Huyết chờ Nhụy Kiều kính yêu của họ quay về.
Mùa hè 2014.
Nguyễn Ngọc Minh
-------------------------- 
Lời ngoài truyện
Cây đa Bàu Huyết

Năm 226 Thứ sử Lạc Việt là Sỹ Nhiếp chết. Tôn Quyền nhập Hợp Phố với Lạc Việt thành quận Cửu Chân và bổ Lữ Đại làm Thứ Sử. Con trai của Sỹ Nhiếp là Sỹ Huy bị truất quyền nối ngôi đã khởi binh chống lại nhưng bị bắt nhốt cũi đưa về Đông Ngô trị tội. Máu thấm sâu chín tầng đất, thây chất cao chín tầng trời, ma khóc quỷ cười, dân Giao Chỉ chìm trong cuộc nam phạt vô cùng tàn khốc. Triệu Thị Trinh và người anh trai đương chức Huyện lệnh Cư Phong là Triệu Quốc Đạt đau nỗi đau trăm họ, đã dấy binh tại Quân Yên (huyện Yên Định ngày nay) rồi kéo quân sang Núi Nưa thuộc huyện Cư Phong (xưa là đất Nông Cống, nay là huyện Triệu Sơn) lập căn cứ khởi nghĩa mà sử sách vẫn ghi là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.
Đấy là thời Đông Ngô hưng thịnh trong truyện Tam quốc. Còn trên đất Nưa Sơn, cách nay trăm năm, sét đánh trúng cây đa bàu huyết, thân cây bị toác ra lộ một chiếc cồng. Người ta đồ rằng đấy là cồng của nghĩa quân Bà Triệu (theo Sách địa chí Nông cống- NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 1998). NNM