Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Có mọt giọng thơ

BÙI HÔNG THÚY có một giọng điệu rất lạ. Thơ chị mới về ngôn từ, lạ về cách lập ý. Xin giới thiệu một chùm thơ của chị in trong tập Đêm ảo thực- NXB Hội nhà văn năm 2012.

Khúc giao mùa

Ta nghe tiếng thu chảy qua tim
Khúc giao mùa âm thầm ngân hoa mỹ
Đông chớm bói, đã lạnh tràn tê tái
náo nức đòi hồi sinh từ huyết quản, ngực trần.

Ta nghe tiếng reo ca từ vết bò chậm rãi của ốc sên
khắc vào đêm những vệt lân tinh hư ảo
đánh dấu con đường
trước một giấc ngủ sâu.

Rạo rực trong đêm thâu
những rạn vỡ giao mùa bóc tuổi qua tí tách.
Con dế bịt tai sửa vĩ cầm trong xó tối.
Rễ cây vươn những bước khỏng lồ…

Ta níu đông
nói những dùng dằng ngân ngấn ướt:
Ừ,
một ngày,
thu đã bước qua đây!
29/10/2010

Rẽ mùa
Dường như hạ vừa chạm hồn vào cõi lặng
bỏ nắng co ro không nón khóc bên thềm
thu bức bối, tế bào đang giãn nở
gắng lộng lẫy, ngọt ngào, hư thực để sinh tân.

Hạ ra đi không luyến tiếc thị phần
không luyến tiếc cả níu kéo xuân thì trên nhựa cành rừng rực
chùng như đêm, buông tay, chui sâu vào ổ đất
làm kén cho mình mặc thế sự nhân gian.

Cơn khát tìm kiếm mình rớm ra câu thần chú mỏng tang
Thu toạc vai gánh gồng mưa dông bão.
23/7/2012

Tiếng thở dài

Tiếng thở dài của anh
ngày xưa không có
em không biết cách chạm vào nó
nó đến từ đâu?

Lúc nào cũng bên nhau
có xa đâu mà trách ngâu bày vẽ
lúc nào cũng bên nhau
đến nỗi
ta đã thôi nhớ nhau và chăm chút nhau từng nhẽ.

Hóa ra tóc anh đã phai màu!
Hóa ra da đã mồi và xệ!
Hóa ra anh chẳng nhìn thấy gì những khi chiều nắng xế!
Hóa ra em chỉ nhận ra anh qua cái dáng xuất hiện mỗi ngày!
(dẫu bước đã ngắn, chậm hơn em cũng không hề biết!)

Tiếng thở dài tuột tay
lặn vào tường nhà mình nơi kẽ nứt
gió lùa.

Đêm
tiếng gáy vụng về ồn ào,
nghẹn tắc.
Có phải anh đang giấu che
Tiếng thở dài cho một ngày mai
Giống như ngày hôm qua, hôm kia, kìa… dằng dặc
Quay cuồng một mình củi quế, gạo châu
Đau cái nhìn- bấy lâu nay- lạnh tanh, hờ hững?
31/08/2011

Đời vơi đong đủ cho đầy

ĐỜI VƠI ĐONG ĐỦ CHO ĐẦY
 Nguyễn Ngọc Minh

"Đời vơi đong đủ cho đầy" là câu lục trong bài thơ lục bát Trả nợ- I của nhà thơ Hoàng Xuân Họa in trong Vườn năm nhà- thơ, NXB Hội nhà văn, 2015.
Bài thơ có 4 khổ, 3 khổ đầu nhà thơ trả 16 “món” nợ, “món” nào cũng sâu nặng đủ đầy, trái đất này nếu nhận hết những món nhà thơ “trả” sẽ hoàn thiện hoàn mỹ biết bao.
Cả bài thơ chỉ có 1 câu duy nhất "Tháng năm xuôi ngược đã từng" nói về thân thế, mà là thân thế của những người mang kiếp văn chương, còn lại là những cặp trả- nhận liên tiếp nối với Tôi xin…
Những câu thơ lục bát cứ lướt đi, lướt đi để gió trả cho mây, sông trả cho suối, cây trả cho rừng… Thực, ảo đan xen dẫn dụ, tư tưởng dâng hiến mỗi lúc một hiển hiện.
Nhưng đến khổ kết, không khí êm ả không còn nữa. Nối với trả cành cho lá, cánh chim trả trờitôi khờ tôi dại tôi người trắng tay. Đã vậy, câu bát này lại được chẻ làm tư: tôi khờ/ tôi dại/ tôi người/ trắng tay. Cảm giác ngỡ ngàng pha chút nghi vấn bởi đến trăng mà còn được trả bậc thềm sao nhà thơ lại tôi khờ/ tôi dạị/ tôi người trắng tay (tôi cứ muốn không tách bốn chữ tôi người trắng tay thành tôi người/trắng tay nên mạo muội không đánh dấu tách dòng để bàn ở ý sau).
Đọc lại Trót một thời yêu (NXB Hội nhà văn- 2006), Trót một thời yêu 2 (NXB Hội nhà văn- 2010) và đọc lại cả chục bài trong Bích Câu thơ(NXB Hội nhà văn- 2009) tôi đã nhận ra một cái gì đó xin góp cùng, ngõ hầu tìm ra cách hóa giải cái kết hóc búa của bài thơ. 
Xin chép trọn bài Trả nợ-I:
Tôi xin trả gió cho mây
trả sông cho suối, trả cây cho rừng
tháng năm xuôi ngược đã từng
trả muối cho mặn, trả gừng cho cay
đời vơi đong đủ cho đầy
trả tối cho sáng, trả ngày cho đêm
trả thương cho nhớ dài thêm
trả thuyền cho bến, bậc thềm trả trăng
trót vay chút tím bằng lăng
tôi trồng trả phố xanh bằng hàng lim
trả mất cho kẻ đi tìm
trả cành cho lá, cánh chim trả trời
không vay tôi vẫn trả đời
tôi khờ
tôi dại
tôi người trắng tay. 
Xin được nói ý cuối với bốn chữ "tôi người trắng tay". Xin đừng hiểu “người trắng tay” như “kẻ tay trắng”. Nhà thơ giàu có lắm. Cái tâm thánh thiện được chuyển hóa thành một bài lục bát nhuyễn như Trả nợ-I sẽ vĩnh viễn đọng lại với thời gian.
Thi sỹ vốn đa tình nhưng theo tôi, tác giả còn quá đa đoan. Phải tin vào một cái gì đó lớn lắm, cao vời xa xôi lắm anh mới nguyện "đời vơi đong đủ cho đầy".
Hay là anh noi theo người xưa "con tằm đến thác còn vương tơ lòng"!

                                                                                                NNM-27/2/2016