Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Tầng trưởng



Tầng trưởng
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh




Bây giờ thì vợ chồng ông Khiêm đã quen với cảnh lên xuống cầu thang điện, đã phân biệt được tiếng chuông cửa của nhà bên cạnh và tiếng guốc của cái cô hay về muộn nện côm cốp ngoài hành lang tầng áp mái nhà CT.16. Cuộc sống khu đô thị đã kéo hai con người miễn cưỡng tới đây vào một nếp sinh hoạt mới, vừa giống vừa khác quê nhà.
Cứ tưởng mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu nhưng với ông Khiêm, chẳng có lúc nào thư nhàn cả. Những việc vặt như thả thuốc thông toa lét hay đổi bình ga, ông cũng nhật ký thì những việc quan trọng khác... Sáng nay, khi tiếng kèn báo thức bên Học viện Phòng không vừa nổi, ông dậy. Mở cửa bước ra hành lang, ông đảo một vòng. Nhìn thấy cái chổi lau dựng trong cái xô, ông yên tâm tầng mười một của mình không bị cô lao công để sót. Bỏ cầu thang điện, ông thả bước theo bậc cầu thang bộ xuống tầng trệt, ra ngoài. Mấy tàu cau úa đêm qua rụng đè lên thảm cỏ, ông gom lại rồi kéo về hầm rác. Trao đổi vài câu với hai cô công nhân vệ sinh môi trường đang lấy rác rồi ông thả bộ ra con đường ngoại vi đón chút hương đồng hiếm hoi từ những vạt rau trên dải đất nhà đầu tư chưa đào hố móng.
Làn gió sớm vuốt ve ông. Mắt ông đỡ nhoè, tay ông vung theo động tác nhà binh, huyệt phế huyệt tâm giãn ra, thân thể ông dịu lại.
Một ngày của ông bắt đầu như vậy. Chỉ hơn một tiếng, ông đi hết bốn trục dọc và sáu trục ngang đan nhau như bàn cờ của khu đô thị. Người trên đường càng lúc càng đông, ông khoan khoái hít thật sâu, miệng nhẩm Nơi ta ở cũng chỉ là đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn...
Mãn cuộc đời giường cá nhân bếp tập thể, ông về sống với bà vợ già vui thú vườn cây ao cá. Vợ ông mừng lắm, ông cũng thỏa mãn lắm nhưng anh con đang biền biệt trên biên giới lại nhờ bà ra phố trông cháu! Không nỡ để bà vất vả, ông đi thay. Tưởng chỉ sáu tháng hoặc cùng lắm một năm, ai ngờ lần nào ông định về chị con dâu cũng ầng ậng nước mắt. Thế là ông thuyết phục bà bán nhà cửa ao vườn, mua căn hộ chung cư tầng áp mái để dễ dàng giúp con dâu.
Sau mấy vòng đi bộ, ông về vườn hoa sân sau nhà CT.16.  Đây là nơi sôi nổi chuyện trò, các cụ đi bộ về ngồi nghỉ chân, cụ mệt không đi bộ được cũng ra đây “giao ban”. Trời đang chuyển vào thu, gió uốn những ngọn cau thả gió se se, ở phố mà được hưởng cảnh vườn như ở quê, xem ra cụ nào cũng thích. Cụ ngả lưng, cụ đứng vịn thành ghế đá, khoảng cách mười phương được khoả lấp nhờ sự chừng mực trong cư xử của các các bậc cao niên. Đề tài của các cụ là… mênh mông vô tận với khí độ hào sảng, đang Trung Quốc mượn cơn bão để rút giàn khoan HD. 981 cho đẹp mặt lại đã sang chính phủ mới ở Ucraina gọi dân của mình là khủng bố, đem bom đến choảng.
Đang say sưa, một cụ đặt ra câu hỏi Đô thị mới là gì?
- Là nơi chuẩn bị cất cánh cho một chuyến đi xa!
- Không nói chuyện tiêu cực!
Nói chung, các cụ không thích "cái chuyện mai này" ấy trong buổi sáng chớm thu trong veo này.
- Cả thế hệ chúng mình là một lũ ngược đời. Ngày xưa anh nào cũng mong có nhà lấy chỗ chui ra chui vào nên tâm niệm an cư lạc nghiệp. Bây giờ phấn đấu hết đời mới biết mình có khả năng mua được căn nhà ở đâu, thế có phải là lạc nghiệp rồi mới an cư không, các cụ?
Đường công danh vốn mỗi cụ một nỗi gập ghềnh và cái sự sắp xếp cho con cháu cũng mỗi người một kiểu nhưng gì thì gì, bây giờ ai cũng coi đây là bến đỗ cuối cùng.
Cuộc “giao ban" rôm rả hẳn lên khi Tổ trưởng Tiêu khoe đã thuyết phục được lãnh đạo Phường cho tổ chức mỗi tầng thành một liên gia và vận động các cụ hưu làm Trưởng tầng:
- Xin các cụ nhớ cho. Lúc kháng chiến, đơn vị bé nhất của quân đội là cấp tiểu đội cũng phiên thành ba tổ tam tam làm kinh hoàng hai thằng đế quốc. Bây giờ yên bình, để tạo dựng nếp sống mới cũng cần hình thức ấy. Mỗi tầng thành lập một liên gia đứng đầu là Tầng trưởng. Dưới mặt đất người ta có Liên gia trưởng, tại sao nhà cao tầng lại không có Tầng trưởng?
Cả người hỏi lẫn người nghe không ai đợi câu trả lời, gặp nhau mỗi sáng thôi mà! Thích gì, cứ nói. Chuyện này nhảy sang chuyện kia, vẫn được. Đang nói với người này quay sang người khác, chả sao. Kinh nghiệm còn ai dầy hơn các cụ, câu hỏi của ông Tiêu tự mỗi cụ có những lý lẽ của mình.
- Chúc mừng ông Tiêu đã thoát cảnh "đầu binh cuối cán".
- Sao vậy?
- Vị trí “cuối cán” bây giờ xin bầu ông Khiêm kia kìa.
Trên bãi cỏ, ông Khiêm đã khoanh chân chuẩn bị tập khí công nhưng nghe tên mình liền lên tiếng bằng chất giọng Nghệ khê nồng:
- Đầu binh thì đã hẳn nhưng cuối cán nỏ dám nhận mô!
Đúng vậy. Làm gì có chức cán bộ Trưởng tầng. Một ông chuyên viên về hưu từ một Viện nghiên cứu, cười cười:
- Lao động tầng trưởng là loại lao động không có giá trị!
Chuyện cứ như đùa như thật, ông chuyên viên vừa lỡm giá trị và tiền vì tầng trưởng không có phụ cấp. Cứ vô thưởng vô phạt như vậy mà cuộc trò chuyện cũng kéo đến bảy giờ. Hôm nay phải nhắc bà con treo cờ tổ quốc nên ông Khiêm lên trước. Tầng áp mái mười ba căn hộ, mỗi khi cần phổ biến việc gì ông Tiêu phải đi mấy lượt. Cùng cảnh về hưu cứ để một mình người ta gánh thì đến sức voi cũng đoản, ông nghĩ đơn giản vậy mà đi đôn đốc hộ. Mãi thanh quen, bây giờ ông đón mọi người trước bảy giờ, ai đi chợ, đi làm, đi học đều phải qua cầu thang. Sảnh đầu cầu thang giống như cái ngã ba đầu làng, ông Khiêm làm một mõ làng không công.
- Mai nhớ treo cờ nhé!
- Cờ gì đấy bác? 
- Cờ Tổ quốc, 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5 mà!
- Vâng ạ! Tối cháu về treo trước kẻo sáng mai bấn bọn trẻ, lại quên…
Cách sinh hoạt của mười ba hộ với hơn bốn chục con người thật lắm kiểu. Vợ chồng công chức trẻ hết giờ làm ở sở hẹn nhau đến một quán cơm, ăn xong lại đi làm tiếp ở một công ty tư nhân khác, đang kiếm tiền mua ô tô mà. Hai ông bà hộ giữa tầng tưởng đã được tách ra tự lo cho nhau nhưng vẫn bị con cháu “điều động” mỗi khi chúng đi đâu đó. Hộ đầu cầu thang cũng có hai ông bà bị mỡ máu, mỗi ngày chỉ dám ăn một bữa cơm, thời gian còn lại cứ thập thững dìu nhau ngoài đường. Khó nhất là tiếp cận mấy cô cậu sinh viên. Họ ở tỉnh xa lên Hà Nội học, bố mẹ mua cho căn hộ đàng hoàng nhưng suốt ngày đóng cửa, ti vi vẫn nói vẫn hát mà bấm chuông chẳng thấy ai ra. Chỉ có đám kỹ sư lành nghề thuê những căn hộ mấy chục triệu đồng một tháng, đi về tăm tắp giờ giấc như những chiếc kim đồng hồ.
Ông Khiêm phải về ăn sáng để bà còn đi chợ. Ngồi xem gần hết bản tin 9 giờ thì có chuông cửa. Khách là một bà chừng gần sáu mươi thái độ rất bức xúc, vừa ngồi xuống ghế đã nói như súng liên thanh:
- Tôi chỉ nhắc đừng để con chó đái vào gốc cây cau, thế mà nó bảo tôi ăn phải củ ráy! Nó chửi tôi ngứa mồm, ông ạ. Tóc nâu, mắt xanh, mũi lõ… rõ là con gái từ châu Âu đến mà sao ngoa ngoắt hơn cả Việt nam thế không biết?
Cô gái mắt xanh ấy tên là Onga vợ Phí Quốc Trình đang học tiếng Việt, chắc mới lỏm được câu gì về củ ráy nên ngây ngô như vậy.
- Mời bà thưởng chén trà sáng.
- Em xin...
Ông kể:
- Sáng nay chị ta chào tôi ở sảnh bằng một câu hỏi! Bà có biết chị ta hỏi gì không? Bác có muốn gì cháu không? Đấy bà xem… 
Bà khách bật cười:
- Học tiếng thì cũng phải có lớp có lang chứ chưa chi đã mượn tục ngữ mà chửi người thì có ngày bị gang mồm ra ấy chứ!
Vừa cảm ơn bằng lời mời "khi nào rỗi sang uống trà với ông lão nhà em", thì người của công ty thuê ở cuối dãy đến báo chiếu nghỉ cầu thang thoát hiểm có một bãi. Cửa sổ căn hộ được thuê làm văn phòng của công ty này nhìn ra cái nơi mang cái tên cứu nhân độ thế ấy đã phải chịu mùi xú uế suốt mấy tiếng đồng hồ. Chuyện là, cữ tám giờ trở đi, hành lang tầng áp mái vắng như chùa Bà Đanh. Đám ô sin đưa trẻ con lên chơi rồi túm tụm buôn dưa lê, không may có đứa sai giờ bậy ra cầu thang thoát hiểm. Rồi mải chuyện quên cả hót bốc, mùi cứ theo gió mà thốc vào. Không tìm được cô lao công, ông đành tự dọn rồi tiện thể lau một mạch hết cả dãy hành lang. Bà bảo đã là tâm hồn thì cứ phải lộng lẫy từng xăng ti mét rồi đọc mấy câu ông hay ngâm nga cái gì mà đất hóa tâm hồn.
          Ông hàng xóm sang định rủ làm ván cờ nhưng thấy ông ngồi thần thờ nghĩ ngợi định quay về. May quá, ông Khiêm có việc đang định sang nhờ. Chả là sắp kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, em của một người bạn muốn nhờ ông dẫn đi tìm mộ anh.
- Họ nhờ tôi không thể chối từ. Chuyến đi này phải mất hàng tháng mà ngặt nỗi tầng nhà ta đã có kế hoạch quét sơn. Rồi mẹ cậu Hoan bên căn hộ 1114 trước khi đi Trung quốc chữa bệnh cũng nhờ thỉnh thoảng thắp hương cho ông Hoan. Bệnh bà ấy còn ít hy vọng lắm nên cả tháng nay tôi không dám sơ sót. Nếu được ông giúp cho, chiều tôi có thể đáp chuyến muộn vào quê để chuẩn bị. Người còn biết chỗ đặt anh ấy nay chỉ còn tôi, ông ạ!
- Để tôi trao đổi với bà nhà tôi đã… nhưng nói trước, tôi không làm tầng trưởng đâu đấy.
Nói thế chứ trong bụng ông hàng xóm đã thấy thương ông Khiêm, mưa rừng thác núi liệu xương cốt người bạn có còn.
Mùa mưa bão năm nay thật bất thường. Trong cầu thang máy, mấy người còn lắc đầu lè lưỡi về những con phố ngập. Sông Lừ, sông Tô lịch, sông Kim ngưu… nước dâng lên đen ngòm tràn vào các phố. Cả buồng cầu thang sực mùi khăn khẳn từ những bộ quần áo ướt sũng. Các cô cậu đang hỏi nhau cách tẩy hết cái mùi không ai ưa này thì một câu đố bất ngờ đưa ra:
- Tôi đố các vị ở nhà chung cư sướng nhất ai?
Cả nhóm nhao nhao:
- Các cụ hưu chứ còn ai! Mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu, tháng tháng làu làu nhận lương mấy triệu...
Mấy ông bà già không nhịn được cười vì các cô các cậu lại xếp những  người hết nghĩa vụ lao động là sướng nhất. Bọn trẻ cứ bẻo lẻo. Ngoài trời mưa như trút. Đã có tin người chết đuối trên những con đường trong trung tâm. Cả tầng áp mái náo động bởi tiếng gió hú rùng rợn qua miệng ống thông hơi. Khoang chống nóng trên mái thành cái hộp cộng hưởng biến tiếng mưa rơi thành ngàn vó ngựa phi nước đại. Ngày mới đến, tầng 11 hầu hết là hộ VIP, ông Khiêm không quản giá cao vì sẽ không còn ai làm phiền trên đầu mình. Hôm rồi gặp lại chủ cũ, bà ta bảo muốn đổi xuống dưới sẽ giới thiệu khách cho, tầng áp mái bây giờ hạ năm giá. Thời buổi thị trường thật rõ khéo đùa ông già bộ đội gốc trai làng.
Trời đã tạnh, gió đã hong khô khoảnh sân sau chung cư. Ông hàng xóm thay ông Khiêm đang thống kê thiệt hại để yêu cầu Xí nghiệp Quản lý tu sửa. Từng mảng gạch bong lên, xộc xệch. Cống thoát tắc, nước ứ đọng thành vũng ngập những mảng cỏ trước đây vẫn được bón chăm tỉa tót. Vườn hoa rũ rượi hiu hiu gió, những bông lài còn sót nở bung cánh đón ánh mặt trời sắp vượt qua mái nhà cao tầng.
Tại vườn hoa sáng nay các cụ hưu đã tự làm khó cho mình. Ai đó đặt ra câu hỏi: lao động trưởng tầng là loại lao động gì? Quản lý hay lao công, chỉ huy lãnh đạo hay trực tiếp thực hiện… Cái chức nhỏ nhoi chưa ai bầu mà câu hỏi đặt ra không dễ gì kiến giải. Mấy hôm không “giao ban” cụ nào cũng như lò so, mỗi người một ý. Trưởng tầng là chất keo, lao động trưởng tầng là dính kết. Trưởng tầng là nắng xuân, lao động trưởng tầng là… thúc mầm. Trưởng tầng là một thứ men, lao động trưởng tầng là gây men.
Các cụ tuy không nói ra nhưng ai cũng nhớ ông Khiêm!  
                                                         Trại viết Hạ long - 
                                                           tháng 4/2009

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Thời hoa lửa



Thời hoa lửa




Tôi được phiên chế vào tiểu đội nuôi quân, chức danh tiếp phẩm, ngày nào cũng đạp chiếc xe Vĩnh Cửu có hai cái sọt ra cửa hàng xếp sổ, ngồi chờ, khi nào có thì nhận thịt cá hoặc rau quả thì chở về bếp ăn đại đội.
Tôi tên Thắng nên lính đại đội gọi là Thắng Sọt. Số ít gọi là Thắng Mù. Cái tên thứ nhất thì chẳng làm sao, hai cái sọt gắn cố định vào phooc ba ga đi đâu cũng dính sau lưng, anh em gọi thế có gì lạ. Còn cái tên thứ hai, phiền vô cùng nhưng tôi vẫn không biết vì sao bị gán chữ mù? Như đã nói, tôi vừa mới nhập ngũ, cuộc đời đang háo hức ở ngưỡng thời hoa lửa, lúc gọt bí thái cà ở bếp, lúc đạp xe ra phố… cứ phơi phới mà có bận, ai đó giật giọng Tháng Mù chết điếng với mấy cô gái.
Phía ngoài bức tường rào của cửa hàng thực phẩm có một quán chè chén. Chủ quán là một bà cụ, một hôm bà cụ hỏi tôi với vẻ mặt cực kỳ thông cảm:
- Em hỏi khí không phải, có gì bác bỏ quá cho nhé?
Lần đầu tiên trong đời có một người gọi tôi là bác mà người ấy lại là một bà cụ nhiều tuổi hơn cả mẹ tôi nên tôi rất ngại:
- Dạ, xin cụ cứ tự nhiên!
- Người như bác mà lại không biết chữ ư?
Cái gì mà biết với chả không biết, tôi định hỏi lại nhưng môi miệng cứ đơ ra. May quá, đúng lúc ấy, có tiếng chị mậu dịch viên:
- Cậu Thắng Sọt vào nhận thịt lợn này!


   ***

A trưởng của tôi là lính nghĩa vụ được huấn luyện chính quy hiện đại từ năm 1962. Đấy là những năm hòa bình, bộ đội được tập tành kỹ càng nên đi đứng nói năng, quân phong quân kỷ thật là mẫu mực. Lớp lính sáu lăm chúng tôi rất ngưỡng mộ những bộ quân phục may theo kiểu blu dông chần gối chần mông chần khuỷu tay, nom qua cũng biết là để tăng độ bền khi lăn lê bò toài thế mà các anh giặt giũ thế nào mà khi mặc trông cứ trắng tinh. Quân hàm của A trưởng là hạ sĩ nhưng anh không thích gọi “đồng chí hạ sĩ tiểu đội trưởng”. Tôi để ý, gọi anh bằng chú anh thích hơn. Một hôm anh bảo lúc nào vòng ra hàng xén mua một thếp giấy năm hào tư. Không hiểu mua làm gì, rồi công việc huấn luyện đi B dồn dập nên tôi quên lúc nào không biết.
Hai vợ chồng A trưởng mới được mỗi cô con gái đã lớn gần bằng tôi nên chị vợ rất hay lên thăm. Mỗi lần chị lên, tôi vẫn nhường gian kho làm buồng hạnh phúc. Lần này chị lên cùng cô con gái. Hôm ấy tôi khệ nệ xe bí xanh, xuống dốc bóp mạnh quá đứt dây phanh nên húc phải hai mẹ con. Ba người bị văng ra ba nơi, hai cái xe đạp nằm chỏng chơ giữa đường cùng với những quả bí như lợn con. Chị thì cứ suýt soa cho chàng tiếp phẩm của chồng còn tôi lại mải để ý đến cái áo sơ mi Hồng Công màu cỏ úa đã bị rách toạc một đường từ gấu lên đến thắt lưng cô gái.
- Cháu không lao xuống mương nước là may lắm rồi.
Tôi chẳng thể chia sẻ niềm vui ấy cùng chị vì nét mày cau của cô con gái vẫn đang chĩa thẳng vào mặt mình. Còn chưa kịp đỡ, tôi đã bị cáu:
- Làm chết đôi gà đem lên cho bố rồi đây này!
Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi lại:
- Thế bây giờ phải làm thế nào?
Chắc lúc đó trông tôi mặt ngẩn ngợ lắm nên cô ta cười như phá:
- Chết gà thì phải đền… vịt chứ sao! 
          Tôi đỏ bừng mặt vì cái từ vịt, chỉ còn biết cởi cái áo bộ đội đưa cho cô khoác tạm. Cô lại trêu:
          - Hoa Thanh Quế sớm vợ sướng đần cả người ra!
Cái này thì tôi bị oan. Học chưa xong cấp ba tôi đã phải đi bộ đội làm gì có thời gian mà yêu ai mà lấy vợ. Chẳng dám thanh minh vì “mọi sự thanh minh đều là thú nhận”, ngày ấy chúng tôi thuộc làu câu châm ngôn ấy. Biết thế nên tôi cứ cắm cúi nhặt bí xếp vào sọt, coi như không nghe thấy gì.
Mà hay thật. Có đến Phật cũng phải chịu cái sức sống dẻo dai của chuyện làng lính. Từ ngày còn kháng chiến chống Pháp thực dân đã có chuyện Hoa Thanh Quế mà đến năm nay, Mỹ đã đổ quân vào Đà Nẵng, quân dân hai miền đã thắng giòn giã mấy trận trong cuộc giải phóng nửa nước còn lại… mà chuyện lấy vợ sớm vẫn chưa dứt.  
Về đến đơn vị, cô con gái A trưởng cười rõ tươi:
- Bố bầm bảo vào nhổ lông kìa!
Nếu A trưởng không xách hai con gà đã nghẻo cổ đi lấy nước sôi để làm lông thì không biết đến lúc nào tôi mới hiểu được cái câu cô vừa nói.
Tối hôm ấy, khi vợ chồng A trưởng đã về gian cuối dãy nhà kho, con gái A trưởng bảo tôi đưa ra sông Mã tắm. Tôi ngại nhưng vẫn phải làm theo.
Mùa này sông cạn nên dòng chảy tít tận ngoài xa. Từ làng, leo qua đê lớn còn phải đi hết cánh bãi, rồi lại leo qua đê bối để xuống một trảng cát sát mép nước. Cô cứ đu vào vai tôi, có lúc ép ngực vào người tôi như người không có xương, bắt tôi dìu. Tôi sốt ruột định lên tắm ở phía trên nhưng cô bắt phải xuống phía dưới, bảo để nước tôi tắm ra không trôi vào chỗ cô. Được một lúc thì cô kêu là sợ ma, bắt tôi lại gần. Trăng rười rượi, tôi nhìn đi chỗ khác lại bị phê bình nói chuyện không nhìn vào nhau là bất lịch sự. Tắm xong, tôi lên bãi cát, nằm ngửa trên tấm vải nhựa tìm những ngôi sao quen thuộc trước đây tôi vẫn nhìn qua khoảng sân. Cô lấp lửng:
- Có nhìn thấy gì không?
- Thấy hết. Vệ nữ này, Cán gáo này… Cả Đùi trống vừa bị mây che khuất, tí nữa sẽ ra thôi!
Tôi say sưa chỉ lên trời, thao thao. Cô vóng lên:
- Thế mà bảo là mù…
Cô kêu lạnh rồi ngồi sát vào tôi. Trăng tắm sữa cho đôi má cô rồi tràn xuống đôi vai tròn lẳn mà chiếc áo cộc trễ nải chừa lại hơi nhiều. Dưới trăng, hình như làn da của cô cũng ngọc ngà lắm mà cảm hứng của tôi cũng rạo rực lắm. Nhưng cái chữ mù cô nói lúc nẫy đã chạm lung tung vào tôi, chạm cả vào câu “khí không phải” của bà cụ bán chè chén nên bàn tay tôi tự nhiên rơi thõng xuống bụng mình.
Sáng hôm sau, khi bầm đang tranh thủ phụ anh em nhặt rau trước khi về, cô rủ tôi vào gian nhà cuối dãy kho:
- Đi đâu cũng nhớ thư về cho người ta đấy!
Máy bay Mỹ đang đánh phá ác liệt khắp miền Bắc, tôi chỉ lo cô là người hay chuyện, đi đường mà mải chuyện không nghe được kẻng phòng không rất nguy hiểm:
- Lai bầm phải chú ý nghe báo động đấy!

***

Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân vượt Trường Sơn. A trưởng phân công tôi đeo cái nồi nhôm quân dụng 40 lít:
- Cồng kềnh một chút nhưng nó như cái mộc che, cháu là đứa đã phải chịu nhiều thiệt thòi, ưu tiên!
Tôi không hiểu đã phải chịu thiệt thòi như thế nào nhưng cứ muốn gọi A trưởng là bố và nỗi nhớ cô con gái của A trưởng thì cứ cuồn cuộn trong lòng. Hôm ấy và những ngày sau nữa, tôi cứ tiếc ngơ tiếc ngẩn đêm trăng sông Mã.
Từ hôm hành quân, một chiếc L19 cứ rì rì trên đầu đội hình nhưng chưa thấy có AD6 hay phản lực ném bom. Chặng đêm nay, chúng tôi sẽ vượt đèo Phu Sộp. Đây là túi bom, rất ác liệt nhưng độc đạo buộc phải qua, giống như xe ô tô muốn vào Nam thì phải vượt qua tọa độ lửa Hàm Rồng. Vừa nghe cấp trên hạ đạt mệnh lệnh hành quân xong thì một chiếc C130 đã chui ra khỏi đám mây lượn trên đầu. Khi đến chân đèo, đèn dù soi rõ cả bóng tôi với chiếc nồi quân dụng lù lù như con rùa cõng cái mu của mình.
Chúng tôi được lệnh thắt buộc các thứ đang mang vác trên người rồi chạy thật cao chân tại chỗ kiểm tra xem có cái gì có thể bị rơi hoặc va đập vào nhau. A trưởng buộc lại cái nồi quân dụng, chỉnh cho hai cái quai không đập vào gáy và vào xương cụt tôi nữa. Anh còn thít bớt dây khẩu AK, bảo tôi khi vượt đèo một tay chống gậy một tay đè lên ốp súng cho trọng lượng nghiêng về phía trước thì giữ thăng bằng dễ hơn. Hình như anh còn muốn nói thêm điều gì nhưng lệnh vượt trọng điểm đã truyền tới.
Pháo sáng như ban ngày. Leo đèo mà phải tăng tốc để nhanh chóng vượt tọa độ lửa nên anh nào anh nấy mồm mũi tranh nhau thở cố bám nhau giữ được đội hình. Chưa đến đỉnh đèo, bất thình lình súng hai mươi li trên chiếc C130 xả những vạch đạn đỏ lừ, mấy tốp phản lực ào tới, bom và rốc két cứ theo đạn chỉ đường của C130 mà bổ, không khí bị dồn ép con đèo chao như đưa võng. Tôi bị hất bay xuống một cái hố, nồi quân dụng đập vào gốc cây khiến tai tôi ù đặc. Chiếc C130 lại bắn thêm pháo sáng, ánh sáng xuyên qua tán lá soi rõ đít cái nồi bẹp dúm. A trưởng nhào lại, anh sờ nắn khắp người tôi rồi mân mê cái đít nồi móp:
- Không sao đâu, chặt khúc cây gọt tròn đi như cái chầy, gò lại vẫn nấu tốt!
Cũng may, hầu hết bom, đạn, rốc két và đạn 20 li xả xuống đều trượt sang bên kia con đèo nên thiệt hại của quân ta chỉ có tôi nghễnh ngãng và đít cái nồi quân dụng bị móp.
Đợt hành quân vào chiến trường nhiều chuyện lắm nhưng buồn cười nhất là hôm anh quân lực tiểu đoàn xuống trao quyết định điều động tôi lên ban của anh và A trưởng đi làm B phó ở một đại đội khác. Phải xa A trưởng, tiều đội nuôi quân có đứa đã khóc, riêng tôi cũng không muốn rời anh nhưng nhà binh là vậy, nay tan mai hợp, chuyện ấy đành phải xếp vào loại bình thường. A trưởng nhắc lại việc mua giấy nhưng chưa kịp dạy tôi tập viết làm anh quân lực cười phá lên:
- Thế ông cũng nhầm như tôi à?
Lâu nay A trưởng vẫn thân vân vì sao chữ ký của tôi trong cuốn sổ nhận hàng lại hẳn hoi thế, đẹp nữa là khác. Giờ nghe bảo mình bị nhầm, anh càng ngờ ngợ. Anh quân lực tiếp:
- Tôi nhầm ông ạ. Sau hôm điều Thắng về cho ông, tôi mới nghe cậu văn thư tiểu đoàn kể nó với Thắng Sọt cùng học lớp Mười. Lần đi ứng cứu trận địa pháo, hai đứa đào quả bom chưa nổ lại báo cáo là bom nổ chậm làm mấy ông công binh quân khu xử lý toát mồ hôi. Trận ấy, quân dân Hàm Rồng thắng to. Được Tỉnh đoàn tặng bằng khen, hai thằng phải đi báo cáo điển hình còn mệt hơn lúc đào bom.
Hóa ra Thắng Sọt đã học lớp 10. Giở lại hồ sơ của Thắng, anh quân lực tiểu đoàn thấy bên cạnh con số 1 có một lỗ thủng. Anh đoán mẫu sơ yếu lý lịch in trên giấy dang còn đầy những hạt nứa nghiền seo chưa kỹ, chắc một cái mắt nứa đã rụng mang theo con số không nên lớp 10 thành lớp 1…   
Chuyện của hai anh làm tôi nhớ bà cụ “khí không phảỉ” bên tường rào cửa hàng thực phẩm. Buồn cười thật. Chắc bà cụ nhìn bộ dạng tôi chẳng ăn nhập gì với cái xe Vĩnh cửu và nhất là đôi sọt thồ tổ bố nên mới rào trước đón sau.
Những ngày lơ ngơ ấy cứ liên tiếp hiện về. Ngọt ngào thanh khiết quá nhưng tôi không cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Trên cánh võng treo giữa đại ngàn, cô con gái A trưởng dưới trăng đêm sông Mã rất hay về trong mơ.
                                                                                        30/4/2014