Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Tầng trưởng



Tầng trưởng
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh




Bây giờ thì vợ chồng ông Khiêm đã quen với cảnh lên xuống cầu thang điện, đã phân biệt được tiếng chuông cửa của nhà bên cạnh và tiếng guốc của cái cô hay về muộn nện côm cốp ngoài hành lang tầng áp mái nhà CT.16. Cuộc sống khu đô thị đã kéo hai con người miễn cưỡng tới đây vào một nếp sinh hoạt mới, vừa giống vừa khác quê nhà.
Cứ tưởng mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu nhưng với ông Khiêm, chẳng có lúc nào thư nhàn cả. Những việc vặt như thả thuốc thông toa lét hay đổi bình ga, ông cũng nhật ký thì những việc quan trọng khác... Sáng nay, khi tiếng kèn báo thức bên Học viện Phòng không vừa nổi, ông dậy. Mở cửa bước ra hành lang, ông đảo một vòng. Nhìn thấy cái chổi lau dựng trong cái xô, ông yên tâm tầng mười một của mình không bị cô lao công để sót. Bỏ cầu thang điện, ông thả bước theo bậc cầu thang bộ xuống tầng trệt, ra ngoài. Mấy tàu cau úa đêm qua rụng đè lên thảm cỏ, ông gom lại rồi kéo về hầm rác. Trao đổi vài câu với hai cô công nhân vệ sinh môi trường đang lấy rác rồi ông thả bộ ra con đường ngoại vi đón chút hương đồng hiếm hoi từ những vạt rau trên dải đất nhà đầu tư chưa đào hố móng.
Làn gió sớm vuốt ve ông. Mắt ông đỡ nhoè, tay ông vung theo động tác nhà binh, huyệt phế huyệt tâm giãn ra, thân thể ông dịu lại.
Một ngày của ông bắt đầu như vậy. Chỉ hơn một tiếng, ông đi hết bốn trục dọc và sáu trục ngang đan nhau như bàn cờ của khu đô thị. Người trên đường càng lúc càng đông, ông khoan khoái hít thật sâu, miệng nhẩm Nơi ta ở cũng chỉ là đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn...
Mãn cuộc đời giường cá nhân bếp tập thể, ông về sống với bà vợ già vui thú vườn cây ao cá. Vợ ông mừng lắm, ông cũng thỏa mãn lắm nhưng anh con đang biền biệt trên biên giới lại nhờ bà ra phố trông cháu! Không nỡ để bà vất vả, ông đi thay. Tưởng chỉ sáu tháng hoặc cùng lắm một năm, ai ngờ lần nào ông định về chị con dâu cũng ầng ậng nước mắt. Thế là ông thuyết phục bà bán nhà cửa ao vườn, mua căn hộ chung cư tầng áp mái để dễ dàng giúp con dâu.
Sau mấy vòng đi bộ, ông về vườn hoa sân sau nhà CT.16.  Đây là nơi sôi nổi chuyện trò, các cụ đi bộ về ngồi nghỉ chân, cụ mệt không đi bộ được cũng ra đây “giao ban”. Trời đang chuyển vào thu, gió uốn những ngọn cau thả gió se se, ở phố mà được hưởng cảnh vườn như ở quê, xem ra cụ nào cũng thích. Cụ ngả lưng, cụ đứng vịn thành ghế đá, khoảng cách mười phương được khoả lấp nhờ sự chừng mực trong cư xử của các các bậc cao niên. Đề tài của các cụ là… mênh mông vô tận với khí độ hào sảng, đang Trung Quốc mượn cơn bão để rút giàn khoan HD. 981 cho đẹp mặt lại đã sang chính phủ mới ở Ucraina gọi dân của mình là khủng bố, đem bom đến choảng.
Đang say sưa, một cụ đặt ra câu hỏi Đô thị mới là gì?
- Là nơi chuẩn bị cất cánh cho một chuyến đi xa!
- Không nói chuyện tiêu cực!
Nói chung, các cụ không thích "cái chuyện mai này" ấy trong buổi sáng chớm thu trong veo này.
- Cả thế hệ chúng mình là một lũ ngược đời. Ngày xưa anh nào cũng mong có nhà lấy chỗ chui ra chui vào nên tâm niệm an cư lạc nghiệp. Bây giờ phấn đấu hết đời mới biết mình có khả năng mua được căn nhà ở đâu, thế có phải là lạc nghiệp rồi mới an cư không, các cụ?
Đường công danh vốn mỗi cụ một nỗi gập ghềnh và cái sự sắp xếp cho con cháu cũng mỗi người một kiểu nhưng gì thì gì, bây giờ ai cũng coi đây là bến đỗ cuối cùng.
Cuộc “giao ban" rôm rả hẳn lên khi Tổ trưởng Tiêu khoe đã thuyết phục được lãnh đạo Phường cho tổ chức mỗi tầng thành một liên gia và vận động các cụ hưu làm Trưởng tầng:
- Xin các cụ nhớ cho. Lúc kháng chiến, đơn vị bé nhất của quân đội là cấp tiểu đội cũng phiên thành ba tổ tam tam làm kinh hoàng hai thằng đế quốc. Bây giờ yên bình, để tạo dựng nếp sống mới cũng cần hình thức ấy. Mỗi tầng thành lập một liên gia đứng đầu là Tầng trưởng. Dưới mặt đất người ta có Liên gia trưởng, tại sao nhà cao tầng lại không có Tầng trưởng?
Cả người hỏi lẫn người nghe không ai đợi câu trả lời, gặp nhau mỗi sáng thôi mà! Thích gì, cứ nói. Chuyện này nhảy sang chuyện kia, vẫn được. Đang nói với người này quay sang người khác, chả sao. Kinh nghiệm còn ai dầy hơn các cụ, câu hỏi của ông Tiêu tự mỗi cụ có những lý lẽ của mình.
- Chúc mừng ông Tiêu đã thoát cảnh "đầu binh cuối cán".
- Sao vậy?
- Vị trí “cuối cán” bây giờ xin bầu ông Khiêm kia kìa.
Trên bãi cỏ, ông Khiêm đã khoanh chân chuẩn bị tập khí công nhưng nghe tên mình liền lên tiếng bằng chất giọng Nghệ khê nồng:
- Đầu binh thì đã hẳn nhưng cuối cán nỏ dám nhận mô!
Đúng vậy. Làm gì có chức cán bộ Trưởng tầng. Một ông chuyên viên về hưu từ một Viện nghiên cứu, cười cười:
- Lao động tầng trưởng là loại lao động không có giá trị!
Chuyện cứ như đùa như thật, ông chuyên viên vừa lỡm giá trị và tiền vì tầng trưởng không có phụ cấp. Cứ vô thưởng vô phạt như vậy mà cuộc trò chuyện cũng kéo đến bảy giờ. Hôm nay phải nhắc bà con treo cờ tổ quốc nên ông Khiêm lên trước. Tầng áp mái mười ba căn hộ, mỗi khi cần phổ biến việc gì ông Tiêu phải đi mấy lượt. Cùng cảnh về hưu cứ để một mình người ta gánh thì đến sức voi cũng đoản, ông nghĩ đơn giản vậy mà đi đôn đốc hộ. Mãi thanh quen, bây giờ ông đón mọi người trước bảy giờ, ai đi chợ, đi làm, đi học đều phải qua cầu thang. Sảnh đầu cầu thang giống như cái ngã ba đầu làng, ông Khiêm làm một mõ làng không công.
- Mai nhớ treo cờ nhé!
- Cờ gì đấy bác? 
- Cờ Tổ quốc, 30 tháng 4 và mồng 1 tháng 5 mà!
- Vâng ạ! Tối cháu về treo trước kẻo sáng mai bấn bọn trẻ, lại quên…
Cách sinh hoạt của mười ba hộ với hơn bốn chục con người thật lắm kiểu. Vợ chồng công chức trẻ hết giờ làm ở sở hẹn nhau đến một quán cơm, ăn xong lại đi làm tiếp ở một công ty tư nhân khác, đang kiếm tiền mua ô tô mà. Hai ông bà hộ giữa tầng tưởng đã được tách ra tự lo cho nhau nhưng vẫn bị con cháu “điều động” mỗi khi chúng đi đâu đó. Hộ đầu cầu thang cũng có hai ông bà bị mỡ máu, mỗi ngày chỉ dám ăn một bữa cơm, thời gian còn lại cứ thập thững dìu nhau ngoài đường. Khó nhất là tiếp cận mấy cô cậu sinh viên. Họ ở tỉnh xa lên Hà Nội học, bố mẹ mua cho căn hộ đàng hoàng nhưng suốt ngày đóng cửa, ti vi vẫn nói vẫn hát mà bấm chuông chẳng thấy ai ra. Chỉ có đám kỹ sư lành nghề thuê những căn hộ mấy chục triệu đồng một tháng, đi về tăm tắp giờ giấc như những chiếc kim đồng hồ.
Ông Khiêm phải về ăn sáng để bà còn đi chợ. Ngồi xem gần hết bản tin 9 giờ thì có chuông cửa. Khách là một bà chừng gần sáu mươi thái độ rất bức xúc, vừa ngồi xuống ghế đã nói như súng liên thanh:
- Tôi chỉ nhắc đừng để con chó đái vào gốc cây cau, thế mà nó bảo tôi ăn phải củ ráy! Nó chửi tôi ngứa mồm, ông ạ. Tóc nâu, mắt xanh, mũi lõ… rõ là con gái từ châu Âu đến mà sao ngoa ngoắt hơn cả Việt nam thế không biết?
Cô gái mắt xanh ấy tên là Onga vợ Phí Quốc Trình đang học tiếng Việt, chắc mới lỏm được câu gì về củ ráy nên ngây ngô như vậy.
- Mời bà thưởng chén trà sáng.
- Em xin...
Ông kể:
- Sáng nay chị ta chào tôi ở sảnh bằng một câu hỏi! Bà có biết chị ta hỏi gì không? Bác có muốn gì cháu không? Đấy bà xem… 
Bà khách bật cười:
- Học tiếng thì cũng phải có lớp có lang chứ chưa chi đã mượn tục ngữ mà chửi người thì có ngày bị gang mồm ra ấy chứ!
Vừa cảm ơn bằng lời mời "khi nào rỗi sang uống trà với ông lão nhà em", thì người của công ty thuê ở cuối dãy đến báo chiếu nghỉ cầu thang thoát hiểm có một bãi. Cửa sổ căn hộ được thuê làm văn phòng của công ty này nhìn ra cái nơi mang cái tên cứu nhân độ thế ấy đã phải chịu mùi xú uế suốt mấy tiếng đồng hồ. Chuyện là, cữ tám giờ trở đi, hành lang tầng áp mái vắng như chùa Bà Đanh. Đám ô sin đưa trẻ con lên chơi rồi túm tụm buôn dưa lê, không may có đứa sai giờ bậy ra cầu thang thoát hiểm. Rồi mải chuyện quên cả hót bốc, mùi cứ theo gió mà thốc vào. Không tìm được cô lao công, ông đành tự dọn rồi tiện thể lau một mạch hết cả dãy hành lang. Bà bảo đã là tâm hồn thì cứ phải lộng lẫy từng xăng ti mét rồi đọc mấy câu ông hay ngâm nga cái gì mà đất hóa tâm hồn.
          Ông hàng xóm sang định rủ làm ván cờ nhưng thấy ông ngồi thần thờ nghĩ ngợi định quay về. May quá, ông Khiêm có việc đang định sang nhờ. Chả là sắp kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, em của một người bạn muốn nhờ ông dẫn đi tìm mộ anh.
- Họ nhờ tôi không thể chối từ. Chuyến đi này phải mất hàng tháng mà ngặt nỗi tầng nhà ta đã có kế hoạch quét sơn. Rồi mẹ cậu Hoan bên căn hộ 1114 trước khi đi Trung quốc chữa bệnh cũng nhờ thỉnh thoảng thắp hương cho ông Hoan. Bệnh bà ấy còn ít hy vọng lắm nên cả tháng nay tôi không dám sơ sót. Nếu được ông giúp cho, chiều tôi có thể đáp chuyến muộn vào quê để chuẩn bị. Người còn biết chỗ đặt anh ấy nay chỉ còn tôi, ông ạ!
- Để tôi trao đổi với bà nhà tôi đã… nhưng nói trước, tôi không làm tầng trưởng đâu đấy.
Nói thế chứ trong bụng ông hàng xóm đã thấy thương ông Khiêm, mưa rừng thác núi liệu xương cốt người bạn có còn.
Mùa mưa bão năm nay thật bất thường. Trong cầu thang máy, mấy người còn lắc đầu lè lưỡi về những con phố ngập. Sông Lừ, sông Tô lịch, sông Kim ngưu… nước dâng lên đen ngòm tràn vào các phố. Cả buồng cầu thang sực mùi khăn khẳn từ những bộ quần áo ướt sũng. Các cô cậu đang hỏi nhau cách tẩy hết cái mùi không ai ưa này thì một câu đố bất ngờ đưa ra:
- Tôi đố các vị ở nhà chung cư sướng nhất ai?
Cả nhóm nhao nhao:
- Các cụ hưu chứ còn ai! Mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu, tháng tháng làu làu nhận lương mấy triệu...
Mấy ông bà già không nhịn được cười vì các cô các cậu lại xếp những  người hết nghĩa vụ lao động là sướng nhất. Bọn trẻ cứ bẻo lẻo. Ngoài trời mưa như trút. Đã có tin người chết đuối trên những con đường trong trung tâm. Cả tầng áp mái náo động bởi tiếng gió hú rùng rợn qua miệng ống thông hơi. Khoang chống nóng trên mái thành cái hộp cộng hưởng biến tiếng mưa rơi thành ngàn vó ngựa phi nước đại. Ngày mới đến, tầng 11 hầu hết là hộ VIP, ông Khiêm không quản giá cao vì sẽ không còn ai làm phiền trên đầu mình. Hôm rồi gặp lại chủ cũ, bà ta bảo muốn đổi xuống dưới sẽ giới thiệu khách cho, tầng áp mái bây giờ hạ năm giá. Thời buổi thị trường thật rõ khéo đùa ông già bộ đội gốc trai làng.
Trời đã tạnh, gió đã hong khô khoảnh sân sau chung cư. Ông hàng xóm thay ông Khiêm đang thống kê thiệt hại để yêu cầu Xí nghiệp Quản lý tu sửa. Từng mảng gạch bong lên, xộc xệch. Cống thoát tắc, nước ứ đọng thành vũng ngập những mảng cỏ trước đây vẫn được bón chăm tỉa tót. Vườn hoa rũ rượi hiu hiu gió, những bông lài còn sót nở bung cánh đón ánh mặt trời sắp vượt qua mái nhà cao tầng.
Tại vườn hoa sáng nay các cụ hưu đã tự làm khó cho mình. Ai đó đặt ra câu hỏi: lao động trưởng tầng là loại lao động gì? Quản lý hay lao công, chỉ huy lãnh đạo hay trực tiếp thực hiện… Cái chức nhỏ nhoi chưa ai bầu mà câu hỏi đặt ra không dễ gì kiến giải. Mấy hôm không “giao ban” cụ nào cũng như lò so, mỗi người một ý. Trưởng tầng là chất keo, lao động trưởng tầng là dính kết. Trưởng tầng là nắng xuân, lao động trưởng tầng là… thúc mầm. Trưởng tầng là một thứ men, lao động trưởng tầng là gây men.
Các cụ tuy không nói ra nhưng ai cũng nhớ ông Khiêm!  
                                                         Trại viết Hạ long - 
                                                           tháng 4/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét