Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

RÙA MỐC

Rùa mốc
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh.   



Lão bì bõm trong con Bàu Huyết kỳ bí với những câu chuyện ngày xửa ngày xưa. Đất này, thung lũng này và con Bàu Huyết thẫm màu hoa mẫu đơn tím ngăn ngắt này, bao nhiêu năm không ai dám đặt chân tới để bây giờ, hoang sơ đãi lão đánh dậm nào tép nào tôm... 
Hoàn cảnh của lão mười phần bi đát. Không chạy được cái sổ hộ nghèo nên lão không được vay tiền ngân hàng cho thằng con đại học. Nguy cơ gẫy gánh giữa đường đè cha con lão. 
Bí phải liều. Lão vào núi sau làng dụng lại cái nghề hèn đến nỗi không ai thèm xếp hạng, nghề đánh dặm.

***
Lão đang ngụp lặn trong Bàu Huyết thì làng xảy chuyện. Thằng Cò cửu vạn trong nam đem về một con rùa có vệt đỏ hai bên tai. Suốt ngày nó lọ mọ dưới gầm bàn gầm ghế, thức gì nó cũng ăn, con giun con dế hay cọng rau muống, vớ được là cu cậu chén trông rất ngộ. Chẳng mất tiền thuê người mà nhà cửa cứ như có ô sin, ai chả thích.
Nhưng chuyện ấy cũng chưa đáng lên cơn sốt. Hôm đem con rùa tai đỏ về, thằng Cò đã trúng liền hai chục mũ đề. Chỉ mất hai chục mà trúng hẳn mười bốn triệu, làng không sốt mới lạ! Cò ta ghé miệng thổi phù phù vào cái tai đỏ của con rùa, vẻ sung sướng ngất ngây.
Đám bợm đề đang nhao nhác thì có người tán, rùa có tên là quy mà quy cũng có nghĩa là quay về, có rùa trong nhà thì tiền về như nước Hồng Hà, tiền ra nhỏ giọt như cà phê phin! Thế là con rùa lập tức được tôn lên bậc thần, đám bợm đề rủ nhau đi kiếm rùa đem về nhà nuôi làm thần may mắn!
Rùa Châu thổ sông Hồng, rùa đồng bằng sông Cửu Long, cứ ra ngã ba chỗ Quán rùa đặc sản, đón xe bắc nam, đàm phán với chủ quán, ắt có. Đám bợm đã phải chịu cái giá cắt cổ nhưng đem rùa về cho ăn tôm ăn tép, tắm rửa vuốt ve cực kỳ chiều chuộng mà chả thằng nào trúng mũ đề nào. Đám bợm lại tán, loài rùa đồng bằng và rùa châu thổ chỉ biết đưa cay, chăm thế chứ có chăm nữa cũng chẳng nước mẹ gì. Tốt hơn hết góp lại om nồi chuối gùi mấy chai sáu lăm cho vuông chuyện. Ngẫu nhiên, hôm đó con tai đỏ lại cho thằng Cò trúng luôn mấy mũ nên con vật được phong đệ nhất thần đề. Những thằng chưa trúng cứ hy vọng sẽ trúng nên rủ nhau vào Nam, tìm rùa tai đỏ về nuôi. 
Chủ đề vẫn không ngừng tung chiêu, lúc sổi nổi công khai lúc lặng lẽ bí mật khiến cho nhiều người hoàn cảnh không đi được cũng nằn nì xin gửi. Không khí của làng hối hả như buổi chợ chiều, ai cũng sợ không nhanh tay mua lấy con rùa tai đỏ thì tia sáng soi con đường đề đóm sẽ lụi. Thế là cái giống rùa nho nhỏ xinh xinh mới được mua về cộng với con của thằng Cò, lên đến hàng trăm. Cả làng, cho đến lúc này, tịnh không một ai nghĩ đến việc cho rùa tai đỏ hóa thân cùng riềng mẻ.
Đận ấy cụ rùa Hồ Gươm bị ốm, Nghe đâu cụ là hậu duệ của Ngài Rùa từng nhận kiếm từ tay vua Lê Lợi lại có cả cái quỹ gì của thế giới còn cho tiền đô để chữa bệnh. Cứ mấy hôm đài lại đưa tin. Nhưng đấy là chuyện trên thủ đô, đám ba binh ba tướng ở làng ông đánh dậm kể gì trời cao hay đất dày, cứ tào lao nếu có một chú nặng hơn tạ bẩy như cụ rùa Hồ Gươm thì số lượng chai sáu lăm nút lá chuối ít cũng phải trăm hơn mới gánh nổi. Rồi đến khi các nhà sinh vật học căn cứ vào kết quả xét nghiệm ADN công bố giống rùa Hồ Gươm thuộc dòng rùa Thọ Xuân, đám bợm nhậu bợm đề đã sửa lại tích hồ Hoàn Kiếm. Họ tán rằng vua Lê Lợi nhớ quê, mà anh đếch nào xa quê chả nhớ, nên đem con rùa Thọ Xuân ra thả xuống hồ cho Thăng Long Đông Đô đượm chút hương quê. Cứ một tấc đến biệt thự Thái Thượng Lão Quân như vậy mà chẳng thằng nào bị làm sao. Chúng còn ước, giá nuôi được một con thuộc dòng rùa Thọ Xuân hẳn bọn chủ đề sẽ đứ đừ thẳng cẳng. Niềm ước ao vô lối ấy lại khuyến khích các bợm vượt qua mùi thơm nức mũi của các món nấu xào nướng hấp dãy quán nhậu ngã ba, kéo nhau lên đất tổ.
Chắc các bạn đều biết, đất tổ nhà Lê ở vùng trung tâm huyện Thọ Xuân bây giờ. Đấy là nơi cao ráo nhưng mưa gió bao năm bào mòn, mỡ màu trôi về vùng hạ lưu Đông Sơn Nông Cống. Lớp đất  màu mỡ này tạo nên những cánh đồng chiêm trũng là môi trường tuyệt vời của các loài tôm tép. Loài rùa sống bằng tôm tép nên cũng phải nương theo dòng trôi ấy mới có cái mà ăn. Các bợm tìm mờ cả mắt khắp miền Tây Giai mà có bắt được chú nào đâu. Họ suy diễn như vậy rồi kéo nhau về miền xuôi nhưng đồng điền bây giờ phun thuốc sâu nhiều quá, tìm mãi chẳng thấy con nào. 
Bẵng đi mấy tháng, khi đã chẳng còn ai ham nuôi rùa thì lão đánh dậm mang một lũ Rùa Mốc trong Bàu Huyết về. Phải nói luôn, người làng này từ ngàn xưa vốn cực ghét con Rùa Mốc. Nó  là hiện thân của sự đau thương mất mát một thời nên nếu ra ngõ gặp phải Rùa Mốc thì đứa trẻ còn để chỏm đang cưỡi lưng trâu cũng tụt xuống quay về. Vì sao ư? Chuyện dài lắm, muốn cắt nghĩa tận tường phải bắt đầu từ thời khởi nghĩa Bà Triệu vài nghìn năm trước!
Lão đánh dậm thắt cái giỏ bên hông, suốt ngày lần mò trong Bàu Huyết vì nay thêm cái việc bắt tép bắt tôm nuôi lũ Rùa Mốc. Bọn bợm đề bợm nhậu mai mỉa lão đủ điều nhưng cay nhất là câu vật xứng kỳ chủ. Đấy là họ so cái vẻ bên ngoài của lão với dáng vẻ xấu xí của loài Rùa. Phải công nhận Rùa Mốc xấu tệ xấu hại, cái cần cổ vươn ra rụt vào kéo theo lớp da bìu nhìu bủng beo xám ngoét, nom đã hãm tài lắm rồi mà còn thêm hai con mắt ti hý chẳng có chút gì gọi là tinh tướng. Kiếm ăn quanh bàu mà chúng sợ nước, không dám lội. Nước Bàu Huyết in màu hoa mẫu đơn tím rất giống màu máu đông, cứ theo những câu chuyện truyền mồm thì đã hòa rất nhiều máu của quân Ngô và các chiến binh thời khởi nghĩa Bà Triệu. Dưới làn nước là hàng trăm hàng nghìn bộ xương người, những cái đầu lâu to tướng là phần còn lại của thân xác quân Ngô. Rùa Mốc chính là kiếp sau của quân Ngô nên rất sợ đến gần những cái đầu lâu lỡ may bị nhập vào thì nguy. Chúng sợ bị hóa ngược thành kiếp lính như ngày xưa phải cưỡi truồng đánh nhau với phụ nữ, ô nhục lắm. Mu rùa vì thế dính đủ thứ đất mùn lá mục, không biết do quyền năng của thần thánh hay do quanh năm suốt tháng đào dũi kiếm dế kiếm giun mà nom bẩn tưởi quá chừng. 
Lão nhốt lũ Rùa Mốc trong những ô chuồng xây bằng gạch cốm, vứt cả cái bắp cải vài cân cũng chỉ một buổi chúng gặm hết. Lần nào trúng đề lão cũng cố kiếm vốc tôm bóc vỏ thả vào máng, món tiền lão trúng chẳng to tát gì nhưng lão không quên lộc bất tận hưởng. Những con Rùa Mốc nom bề ngoài rất xấu xí nhưng nết ăn lại sang. Tôm tươi bóc vỏ với lá bắp cải nõn nòn non, con nào con nấy lim dim chậm rải như muốn được hưởng đến tận cùng hương vị, có lúc chúng lại đứng hẳn trên bốn chân đi lại như kiểu người dự tiệc Buypphê.
Danh sách hội bợm đề kiêm bợm nhậu không thể có tên lão đánh dậm vì mắt lão bị toét. Tay lão rất không vệ sinh. Vừa quệt ngang đôi mi hem hép lại thò vào bốc đĩa thức nhắm thì bố ai còn dám chung mâm với lão. Mà thói đời, lúc rượu đã ngà ngà mấy ai còn dùng đũa. Nhón cái chân rùa cuộn cái lá mơ thục vào bát mắm tôm, tay kia cầm cái nõm củ sả gõ vào không khí, phong độ bợm tăng thêm mấy phần. Cứ vậy, cuộc nhậu nào cũng năm quân phối hợp đưa cái chất cay bất hủ, nâng hồn lên chín tầng trời.
Không ai cùng nhậu mà cũng không ai cùng chơi với lão. Đôi mắt viêm bờ mi mãn tính ấy có thể lây qua đường không khí nên người ta còn ngại cả đứng gần. Nhưng không sao, lão cứ một mình một khoảnh trời, tự nhiên tự tại, đánh dậm trồng bắp cải, nuôi thằng con đại học và bầy Rùa Mốc.
Bầy rùa của lão không được bất cứ một ai, dù chỉ là cái anh chuyên quẩy đôi thùng đi gắp phân chó về bón thuốc lào, quan tâm. Truyền thuyết ngàn đời thấm sâu bao tầng trí nhớ, ngày xửa ngày xưa, khi quân Ngô cởi truồng đánh nhau với nữ binh Bà Triệu, vị thần ngồi ghế vị tiền của Thiên cung được Thổ địa núi Nưa lên báo cáo rằng có rất nhiều hồn ma mới lìa khỏi xác. Ông thần vị tiền này vội tâu lên Ngọc Hoàng đúng lúc bầy tiên nữ đang nhảy múa hát ca nên Ngài chỉ nghiêng đầu ra một cái lệnh vắn tắt là hóa kiếp. Các quan nhà trời truyền nguyên xi cái lệnh ấy xuống nhưng khi thực thi thì thấy có rất nhiều xác nam nhân cởi truồng nằm bên xác nữ nhân. Kẻ bị giáo đâm, người bị tên bắn, có những nam nhân cầm ngược cây giáo tự đâm vào ngực mình, nom rất thương tâm. Động lòng, các ngài cho đàn bà con gái chết trẻ hóa thành tiên nữ còn bọn nam nhân dù đã đâm giáo tự sát nhưng trần truồng thô bỉ phải biến thành giống rùa rụt cổ. Đưa đón phần hồn xong đến táng cất phần xác, các ngài nhờ thần mưa phun nước tắm rửa một hồi rồi lại nhờ thần sét một nhát xong ngay cái huyệt. Nước mưa đẩy tất cả xác chết xuống cái huyệt ấy, thủy táng. Có điều, Thổ địa núi Nưa quá ưa sự công bằng nên rất không đồng tình với cái tội lính Ngô chưa được nhà trời lượng hình về cái thói cướp nước nên lại lập cập lên trời. Các tiên nữ đang quấn quýt cao trào, ông trời lại ra một cái lệnh rất chi là thoáng. Theo lệnh ấy, Thổ địa núi Nưa được toàn quyền xử lý nhưng quyền năng của ngài chỉ có thể bắt những con rùa chịu thêm cái mu mốc meo xấu xí chứ có muốn hóa chúng thành con bọ hung hay một loài gì suốt đời phải chui rúc đống phân cũng chẳng được. Sau này, huyệt thiêng được mưa gió lấp đầy biến thành Bàu Huyết mênh mang kỳ bí, đám bợm mấy đời không ai dám tới gần hồn cốt chiến binh. Chỉ có lão đánh dậm bí tiền nuôi con đại học đã liều mạng vào đây.
Chuyện còn kể rằng lũ rùa mốc đã nhiều lần tìm ra sông ra biển mong lần về phương bắc nhưng không thành. Núi cao vực sâu làm chúng chết khá nhiều, số còn lại bị vua Thủy Tề sai Hà Bá chặn đánh tơi bời. Năm nào cũng có trận chiến đẫm máu xảy ra, máu rùa màu đen, máu Hà Bá màu đỏ, hai màu thấm xuống nhuộm đen nhuộm đỏ đất Nưa Sơn. Chả biết chuyện truyện truyền mồm sai đúng đến đâu nhưng ngày nay, ai đến nơi này đều thấy đất núi Nưa có hai màu đen đỏ. 
Còn đám bợm thì sao? Cứ tưởng lão mang cái lũ vẫn bị người đời coi là kiếp sau của bọn lính Ngô về làng thì hội của chúng sẽ bị vỡ. Thực ra họ có bị nhưng chỉ vỡ ra làm đôi. Một nửa luôn khẳng định bốn cái chân Rùa Mốc lêu đêu với cái mai sùm sụp nom dị chủng dị loài thế kia đích thị mang hồn ma ăn cướp, bọn ấy thì chẳng bao giờ sớt cho anh em mình một mũ nào đâu. Nửa kia nguýt dài, đã qua thế kỷ hai mươi mốt mà đầu óc u mê như thế thì chỉ có nước… ăn cơm chấm muối vừng.
Riêng thằng con ông đánh dậm học nhiều biết rộng nên động viên bố cứ chịu khó quơ dặm trồng bắp cải. Sẽ có nơi cần đến những con Rùa Mốc bố đang nuôi. Nó còn mở những cái đĩa cho lão đánh dậm xem rất nhiều công viên nuôi Rùa Mốc mà toàn là những công viên hạng sang, người lớn dắt trẻ con tóc xoăn mũi dọc dừa ríu rít như thiên thần dạo chơi trên mặt đất. Lão đánh dậm sướng tít mù khơi, bao năm bì bõm kiếm tiền nuôi con ăn học nay nó biết chỉ đường vạch lối, lão cứ thế mà theo.
Thực ra, chưa bao giờ lão đánh đồng cá mè một lứa đám lính Ngô chết trận. Trong ý nghĩ, lão vẫn trân trọng những kẻ tự trở giáo đâm vào mình. Nam nhi đại trượng phu. Đã từng oai hùng trên lưng ngựa chinh đông chinh tây, mà nay phải cởi truồng hòng dành ưu thế trước những cô gái chỉ quen canh cửi thì cái cách trở giáo tự đâm vào ngực đáng ghi nhận lắm chứ. Họ cũng biết bắt chước các võ sĩ Samurai bên xứ Anh Đào tự mổ bụng bảo toàn sỹ khí đó thôi. Dù ông trời đã biến tất cả bọn họ thành lũ rùa rụt cổ nhưng công minh mà xét, trong đám rùa ấy cũng có những con kiếp trước chẳng đến nỗi nào!

***
Lái buôn Trung quốc đã lần đến đặt vấn đề mua Rùa Mốc của lão đánh dậm. Đỉa họ còn mua nữa là con Rùa Mốc cùng giống cùng nòi với thần Kim Quy. Đợt ấy lão đánh dậm đếm tiền mệt nghỉ còn đám bợm đề bợm nhậu lại được dịp oang oang kể về ngày xửa ngày xưa An Dương Vương xin Kim Quy được mỗi cái móng chân làm lẩy nỏ mà giữ thành Cổ Loa được bao nhiêu năm.
Trên trời dưới bể, chuyện cứ ran ran trên chiếu rượu. Có điều, quá lu bu nhậu nhẹt các bợm đã để bầy rùa tai đỏ lần ra đồng lúa đồng ngô đua thói phàm ăn với lũ ốc bưu vàng.
                                                                   Hà Nội - 21/12/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét