Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Bên hàng rào địa bi

Bên hàng rào
địa bi
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh

Đận Mười chín tháng Hai năm Bẩy chín, bố mẹ Túc và bố mẹ Thủ chạy từ Hà Giang về xóm Miếu. Lúc ấy, xóm Miếu còn là doi đất hoang có cái miếu đổ nát, mọc thoi loi ra khu đầm lầy. Dưới đất, rắn hổ vẫn thoắt ẩn thoắt hiện. Trên cây, cò trắng cắn nhau tranh chỗ đậu, ỉa trắng những cành sung trĩu gục bên vũng nước thâm đen. Nhìn đâu cũng thấy vỏ ốc sên, gộp cua, xác rắn, chốc chốc lại có tiếng kêu thảm thiết của con nhái bị rắn đớp, nghe rợn cả người.
Bố Túc và bố Thủ quần quật cạy đống gạch vụn, hai bà mẹ địu hai đứa con trên lưng, ì ạch nhặt từng mảnh sành mảnh chai, bê ra đổ xuống vũng lầy. Đào bươi san lấp mãi rồi doi đất cũng rộng thêm, đủ chỗ dựng hai căn nhà. Cu Túc và cu Thủ lớn lên cùng với tiếng nhái bị rắn đớp và tiếng cò chiều choang choác tranh chỗ đậu.  
Chờ tiếng súng im hẳn, bố Túc và bố Thủ mới lên cơ quan xin thôi việc, chuyển khẩu về quê. Hai cặp vợ chồng gồm bốn thầy cô giáo ấy, đã phải dứt nghiệp gieo con chữ trên vùng cao để nhận về nỗi nghi hoặc triền miên về ông bạn láng giềng bụng dạ như con dao hai lưỡi.
Chia sẻ với nạn nhân chiến tranh biên giới, làng đắp một con đường băng qua đầm lầy, động viên chục hộ ra làm nhà dựng xóm mới. Cuộc sống đang trôi đi trong gió rì rào thì hai cậu con trai bỗng nhiên đốc chứng. Nguyên nhân tại con bé cái Mến có khuôn ngực nhu nhú và đôi má lúm đồng tiền cứ hay cười mỗi khi qua ngõ. Có lần xe Mến bị hỏng, hai chàng hì hục sửa chẳng được liền tình nguyện làm xe ôm nhưng khi Túc tập tễnh dắt xe ra thì Mến đã ngồi sau Thủ phóng đi mất rồi. Từ đấy, không bao giờ còn thấy Túc bá vai Thủ như bao lần hai chàng vẫn bá vai nhau đến những đám tụ năm tụ bảy tán hươu tán vượn.   
Túc bám vai Thủ để che bớt cái dáng tập tểnh do bàn chân bên phải bị khoèo. Dạo còn bé, một con hổ mang chúa đã mổ Túc, bố mẹ Túc và cả bố mẹ Thủ đem Túc đi chữa nhiều nơi nhưng bàn chân vẫn không hết tật. Càng lớn, Túc càng mơ được lành lặn như Thủ nhưng điều mơ ước ấy chẳng bao giờ có được. Đến tuổi trổ mã, cả hai đều ngực nở vai rộng nhưng Túc thua đứt đôi giò cầu thủ. Đã buồn Túc lại buồn thêm, đội bóng xóm Miếu ra sân thiếu người mà Túc chỉ có thể đứng ngoài làm cổ động viên thì làm sao vui được.
Bi quan, Túc gọi Thủ bằng anh lúc nào không biết. Bố mẹ Thủ và cả bố mẹ Túc bảo đừng xưng hô như thế nhưng mặc cảm tật nguyền thấp bé nhẹ cân, Túc không sửa được. Chuyện thích Mến, Túc cũng đã tâm sự với Thủ nhưng chỉ nhận được một cái bĩu môi với con mắt liếc xéo xuống bàn chân bị tật. Sự bẽ bàng đã lấy nốt chút tự tin của Túc, mỗi khi đi đâu Túc cứ phải ngó qua hàng rào địa bi, dè chừng. Có việc mà gặp phải cái nhìn bằng nửa con mắt thì thà đừng làm nữa, còn hơn! 
Thủ thì khác. Đẹp trai khỏe mạnh tốt nghiệp lớp mười hai, Thủ không chịu bó chân nơi xóm Miếu. Mon men lên vùng biên giới Hà Giang, Thủ đem về điện thoại di động, quần áo ka ki và những cây pháo thăng thiên bắn xòe hoa ngũ sắc. Bố mẹ Thủ và bố mẹ Túc, vốn nặng nghi ngờ nên thứ gì Thủ mang về có nhãn chây- nồ cũng nhắc: khéo không lại dính tà tâm.
Chứng kiến hai thằng cu cùng được bố mẹ địu trên lưng chạy giặc, lớn lên nơi doi đất thoi loi ra cánh đầm lầy mà một thằng luôn tươi rói trong những bộ cánh Tàu tay cầm điện thoại Tàu nhắn tin choen choét, còn một thằng lầm lũi chấm phẩy chăm bầy lợn dưới những cành sung, ai cũng phải lắc đầu. Sao số phận con người quá chông chênh mà đấng cao minh cứ ngoảnh mặt đi đâu thế nhỉ?
Túc làm đơn xin làng cho khai hoang khu đầm lầy sau nhà. Các chú các bác trong Hội đồng chắc áy náy chuyện ngày xưa để hai nhà chạy giặc về phải cắm lều nơi heo hút, nên thông qua rất nhanh. Túc mừng lắm. Không biết có sức người sỏi đá cũng thành cơm được tâm niệm thế nào mà ngày đêm anh phát cỏ vạc bờ, trong đầu luôn nung nấu ý chí cải tạo kỳ được khu đầm cỏ mọc um tùm thành hồ nuôi cá, trả nghĩa cho quê. 
Còn Thủ, chút vốn còm chỉ có thể mua lại những mặt hàng dân đi chợ biên mậu, lời lãi chẳng được là bao. Làm ăn cò con lại bị đầu nậu ép giá, Thủ tức chí xoay tiền vượt biên sang bên kia tìm mua tận gốc. Mấy năm đánh liều, đồng tiền và kinh nghiệm buôn bán đã khá, Thủ thuê “toọc” gùi hàng qua những lối rừng mà chỉ họ biết. Công việc trôi chảy, Thủ mua nhà làm kho, mua xe ô tô chuyển sâu vào nội địa. Nhìn dáng vẻ phởn phơ của Thủ, khối người nghĩ tay này ít cũng có hàng chục tỉ nên đã bảo nhau ứng tiền, giữ mối. Vốn người lãi mình, cái triết lý đi buôn ấy Thủ thuộc làu nhưng anh ta chỉ nhắm vào một bà hiền hiền ở trong một khu nhà có đồi cây rậm rạp và đội xe bịt bạt đưa hàng. Mối bên kia, sau bữa chén chú chén anh hảo lớ, đã cho Thủ đặt cọc, chuyển hàng.
Năm ấy cứ như có quý nhân phù trợ, đi chuyến nào cũng lọt, bên giao hào phóng mà bên nhận cũng xông xênh,vẻ phởn phơ nơi Thủ càng tăng lên gấp bội. Nhưng khi về đổ sổ kết toán, Thủ đã té ngửa. Người chủ đích thực của khu nhà đồi cho biết, cái bà vẫn nhận hàng nay chuyển đi đâu không rõ. Thủ đôn đáo chạy tìm mới biết bà ta chỉ là người được cử sang bên này làm trung chuyển, nay hết đợt đã về với ông chủ bên kia. Cay đắng quá! Cha mẹ phải chạy trối chết mới thoát khỏi họng súng bành trướng nay con lại sập bẫy Tàu Mại hết đường cựa quậy. Còn chưa biết tính sao thì chủ hàng cho đầu gấu xách kiếm xuyên rừng tìm Thủ, đòi nợ. Không thể lên trời, Thủ đành gán hết nhà với xe, chỉ xin bảo toàn mạng sống.
Còn biết đi đâu nếu không trở về xóm Miếu. Nỗi đau bị lừa đến trắng tay cứ anh ách trong lòng, Thủ thấy cái gì cũng sẫm màu đen. Nhìn Túc chèo thuyền trên đầm cá mà gan ruột Thủ như có gai đâm. Cứ tưởng thằng khoèo mãn kiếp chẳng thể ngóc cổ mà mấy hôm nay khu đầm vang tiếng hò dô, dưới đầm chục người kéo lưới, trên bờ chục người chuyển cá lên ô tô, lòng Thủ càng ứ đầy ganh ghét.  
Ngày còn đi học, Thủ đã từng văn hoa Mến là vưu vật của đất trời, thằng nào có diễm phúc mới chiếm được nàng và tuyên bố dù có phải lên rừng xuống biển cũng quyết thu phục trái tim. Túc vô tư nên không hiểu đấy chỉ là một cách ngăn Túc đến với Mến. Hơn nữa, với bản tính chân thật, Túc nén lại tình cảm của mình mà vun vén cho bạn. Tình yêu Thủ Mến kéo dài gần chục năm, cô gái mười tám đã trôi đến mép vực chênh vênh của lứa muộn chồng mà vẫn khăng khăng đợi chờ người yêu lặng lờ nơi phương trời xa tít.
Gần đây, Túc đã nhận thấy những tín hiệu không lành khi nghe trong máy Thủ có tiếng con gái đả đớt. Anh chỉ trêu Thủ cẩn thận không tớ mách Mến đấy mà Thủ đã quát om sòm nhưng khó chịu nhất là câu gái đây thiếu gì. Còn Mến, đã quá mệt mỏi với cái thói lập lờ, yêu nhau mười năm mà mỗi khi chạm đến chuyện cưới xin, Thủ lại múa môi lang lảng chuyện khác. Sinh ra và lớn lên ở xóm Miếu, cô chỉ ưa tốt gỗ chứ màng gì đến cái tốt của nước sơn nên cái kiểu người yêu lo tô vẽ mẽ ngoài làm cô ngán ngẩm. Không ít lần cô phải căng lên đối phó với con người thô lỗ, tình yêu chân chính gì mà xàm xỡ, lăng nhăng, vừa ngồi với nhau đã đòi sờ bóp linh tinh lại còn đòi chiều. Mến đạp Thủ một cú lăn lông lốc, hai người cãi nhau, Mến yêu cầu Thủ báo cáo chính thức với hai gia đình nhưng anh ta cười khẩy, vấn đề ấy có gì quan trọng. Mến tuyên bố cắt đứt, Thủ nhơn nhơn, mối tình mười năm tan vỡ trong nước mắt cô gái xóm Miếu dày công đợi chờ. Cô thương thân mình, thương bố mẹ hai bên, thương cả anh Túc có tình mà cố nén để vun cho con người bạc nghĩa bạc tình.
Túc rất muốn cư xử như những người đàn ông nhưng Thủ lại mượn chuyện con gà con chó sang sân sang vườn canh bươi ỉa bậy mà chửi đổng. Nể hai bác bên nhà, anh cố nhịn nhưng đến hôm Thủ đổ thuốc sâu xuống đầm cá nhà mình thì anh không thể nhịn được nữa. Túc quai một đấm vào giữa mặt, cú đấm quá mạnh hất bay Thủ xuống đầm. Vừa lóp ngóp bò lên, Thủ đã tru tréo chửi Túc là đồ sấp mặt, con đầm liền đất hai nhà mà mày không dành cho người ta lấy một miếng!
Túc và Mến sắp cưới nhau nên bố mẹ Túc và cả bố mẹ Thủ đã nhịn như nhịn cơm sống. Cả Mến cũng vậy, cô đã nghe lời người lớn sang có lời với Thủ trước khi đi lấy chồng. Thế mà hôm hai người làm đám cưới, Thủ nhảy qua hàng rào địa bi, trợn mắt nghiến răng bổ thanh kiếm xuống đầu Túc. Túc nhanh tay vơ cái đòn gánh lên đỡ, nhát chém mạnh đến nỗi thanh kiếm bị gẫy làm đôi, mũi kiếm bay cắm phập vào ngực bố Thủ. Mọi người còn chưa hiểu chuyện gì thì bố Thủ đã ôm ngực gục xuống, máu trào theo mũi kiếm phun ra thành vũng quanh chỗ ông nằm. Vợ ông rú thất thanh rồi ngất lịm, mọi người xúm vào nhưng ông ra hiệu vời bố Túc lại gần mà thều thào trước khi dừng cái nhìn cứng đờ vào mặt Thủ.
Hàng rào địa bi dính máu người tỏa ra mùi hăng xít.
Thủ không kịp tắm rửa thay bộ quần áo sạch cho bố đã bị còng tay dẫn đi.
Những người trẻ bảo phá bỏ nền miếu mà không có cỗ xôi con gà thắp nén hương thì sao tránh được tai họa. Họ không biết hay chẳng cần biết, ba mươi lăm năm trước, đận tháng Hai năm Bẩy chín, người đang nằm trong cỗ áo quan kia đã bươn qua núi đá tai mèo dưới làn đạn đại bác của quân bành trướng, lần về quê được làng thương mới có cái nền miếu hoang bới đất nhặt cỏ nuôi con. Ba mươi lăm năm sau, thằng con học đòi lối sống tranh đoạt từ cái nơi vợ chồng ông phải bỏ chạy, đã hại chết bố mình bằng một thanh kiếm Tàu ngay bên hàng rào địa bi được trồng để đánh dấu khúc đời lận đận của hai nhà.
Hai người mẹ chỉ sau một đêm đã hóa thành Bạch Mao Thiên Cô. Họ bạc tóc vì một việc cần phải nói với vợ chồng Túc Mến nhưng rất khó mở lời. Đó là một chuyện đã lâu. Đêm tân hôn, khi xuất vào người vợ buốt lạnh như lách cứa, bố Thủ mới biết mình mắc bệnh lãnh tinh. Càng chung sống với nhau, căn bệnh ấy càng tàn phá không những sức khỏe, tinh thần mà còn không thể có con. Chữa chạy ư? Lá lẩu rễ cây ai bảo gì cũng làm theo nhưng cần một chuyến đi bệnh viện trung ương thì đành chịu. Đồng lương giáo viên tiểu học với rừng núi xa xôi đã trói chân họ. Bố Thủ thuyết phục vợ chia tay nhưng ở nơi đèo heo hút gió ấy, vợ ông còn có thể tìm được ai để xây tiếp tổ ấm cho mình. Sự chịu đựng nhau quá nặng nề, bố Thủ lại phải thuyết phục vợ đồng ý để mình có nhời, trước là với mẹ sau đến bố Túc, xin cu Thủ. Lý do hai nhà lấy Thủ Túc đặt tên cho hai đứa con là vì chúng được sinh cùng một gốc chứ đâu có như người ta vẫn tưởng, đã thân thiết thì đặt tên con là chân với tay cho thân thiết hơn.
Chuyện kể lại chỉ mấy câu nhưng người trong cuộc đã phải dằng xé suốt bao năm, nếu không có lời dặn lại của bố Thủ trước khi nhắm mắt thì câu chuyện vẫn chìm trong thẳm sâu bí mật.
Thủ đi tù về hai tội giết người không thành và ngộ sát, án rất nặng, ngày ra còn xa lắc xa lơ.  
Một lần, ông bố với hai bà mẹ và vợ chồng Túc vào thăm Thủ. Cậu ta cứ gặng hỏi điều bố Thủ đã thều thào trước khi chết nhưng bố Túc nghiêm mặt: khi nào mày gột bỏ hết thói tranh đoạt, bố sẽ cho biết bí mật đó.
                                                                            Hà Nội- 12/2014 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét