Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Lão Ki

LÃO KI 
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Minh
Lúc đói nghèo người ta gọi lão là Đậu Đắc Phú nhưng khi đã xở xoay đủ kiểu rồi khá lên, người ta lại gọi lão bằng cái tên rất hãm: lão Ki.
Lão Ki có bằng kỹ sư nông nghiệp được đào tạo theo tiêu chí thời lão là trang bị kiến thức với diện rộng tối đa cho sinh viên. Không biết cái diện rộng tối đa ấy rộng đến đâu nhưng môn học nào lão cũng thấy mới, cái gì cũng lạ cũng cần cho việc xóa đi những mò mẫm trong cách trồng lúa của người nông dân quê lão. Kết quả sau những năm ăn đói mặc rét cày như trâu là một tấm bằng đỏ và một tờ quyết định biên chế về phòng nông nghiệp của một huyện vùng cao.  
 Công việc đầu tiên của anh cán bộ phòng nông nghiệp huyện vùng cao này là học cách phát cây, đốt nương, chờ mưa xuống dùng gậy vạt nhọn đầu chọc lỗ trỉa hạt, mà cũng chỉ trỉa hai loại lúa hoặc ngô. Công thức “phát đốt chọc trỉa” phủ kín và đóng gông mọi nếp nghĩ, mọi cách làm, đã thành phong tục tập quán, được coi như thuần phong mỹ tục nên bao nhiêu ý tưởng đổi mới của lão đều bị đồng bào lắc đầu. Lão bất lực trong việc chuyển giao kiến thức còn vì một lẽ khác: đồng bào biết bập bõm đôi tiếng phổ thông chứ lão thì mù tịt tiếng dân tộc của họ.
Qua vài mùa mưa, lão bị sốt rét mặt xanh như tàu chuối, da bọc xương còn hơn bốn mươi cân, tay lỏng khỏng vịn cây gậy lê đôi chân phù thủng. Hết đợt sốt rét thứ ba, lão không lên lại phòng nông nghiệp nữa mà ở nhà phụ vợ theo công điểm hợp tác xã.
Lão đành phận làm thằng đào ngũ nhưng ông trời vẫn bắt lão phải long đong. Ngay tại ngôi làng mình sinh ra lớn lên rồi vào đại học, lão những tưởng cùng họ cùng làng bà con sẽ nghe theo nhưng khi mới cất lời về quy trình gieo mạ, lão đã nhận được những cái bĩu môi: không phải dạy đĩ vén váy. Bố mẹ lão cũng tuyên bố thẳng thừng: đừng có mà lý thuyết sách vở, chúng tôi đã cấy lúa trồng khoai từ lúc anh chưa có rồng rồng.  
Lão bị cô lập đến thảm hại, nguy cơ cái danh kỹ sư trồng trọt sắp buông lão đã nhỡn tiền. Vợ lão kiệt lực chữa bệnh cho lão nay lại thêm mấy đứa con lít nhít, chữ nghèo bị gắn thêm chữ đói, lão đành thi triển cái nghề học mót từ ngày chưa vào đại học: đi hoạn lợn, thiến bê rong. Lần đầu tiên cất tiếng rao “ai hoạn lợn thiến bê” mồ hôi lão vã ra dính bết áo lưng, làm xong nghe người ta hỏi lấy công bằng tiền hay gạo mà mồm lão ngượng cứng không mở ra được.
Múa may qua ngày kiếm cơm, ai ngờ cái nghề lang thang rao vặt kiếm mấy bò gạo đổ nồi bén vào lão từ lúc nào. Còn nhớ con bê đầu tiên lão thiến, anh chủ bò không đồng ý tiêm thuốc tê nên nó đau nó dẫy ghê quá, lão loay hoay bóc được đôi cà rồi xoa gãi vỗ về mãi nó mới chịu đứng yên để khâu cái bìu dái lại. Thế mà nay lão được tiếng mát tay, có người lần đến tận làng tìm “Ông Phú hoạn lợn, thiến bê”. Lão tủi hổ lắm. Những kiến thức trường đại học đã quàng lên tên tuổi lão một học vị nhưng bây giờ lão lại phải kiếm ăn bằng cái nghề mà bất cứ anh thất học nào cũng làm được.
Lão Ki là một trí thức chẳng gặp thời mà cũng không gặp vận. Thời của lão ruộng đất tích tụ với quy mô Hợp tác xã con người bị cưỡng bức đủ điều, đến hít thở cũng là không khí sản xuất lớn tiến tới thế giới đại đồng. Mỗi Hợp tác xã may lắm mới có một người như lão nhưng sự thật lão đã thất nghiệp. Điều đó chỉ có thể giải thích bằng vận lão đen mà thôi. Mà cái vận đen của lão mới toàn diện làm sao, miền xuôi không được mà miền ngược cũng không xong, lão là con ốc văng ra khỏi cỗ máy ù ì dỉ sét nhưng không ai chịu ghi nhận nó đã từng là một thành tố của bộ máy đó.
Lão lọc cọc đạp xe đi Thái Bình mua lại của anh bạn cùng khóa mấy yến thóc giống cao sản về bày cách cho bà con cấy giống mới. Tay Đội trưởng quyết ngăn lại: giống là khâu quan trọng, đứng hàng thứ tư trong nhất nước nhì phân… không ai được tùy tiện thay đổi khi chưa có lệnh của Chủ nhiệm. Hàng chục năm nay cứ lên kho mà nhận, chẳng phải hỏi giống gì, năng suất thấp hay cao, rồi đem về giao cho mấy lão nông ngâm ủ. Tiêu chuẩn để được tôn vinh lão nông là người ấy đã làm đi làm lại việc ấy nhiều lần, đừng nhắc họ về ba sôi hai lạnh hay phân gio gì gì mà chỉ cần hỏi có nhớ cách làm của năm ngoái năm kia không! Đến ngày có lệnh xuống đồng là đồng loạt nhổ mạ ra cấy, ai cũng bảo mất gì của “Hợp” mà trong lòng đắng nghét cái điều ngược lại: được gì của “Hợp”!
 Mọi người cứ theo kẻng mà vung, theo trống mà rải, anh chàng kỹ sư trồng trọt bị ra rìa, ý tưởng đem kiến thức đại học về giúp quê hương được đáp trả bằng những lời vừa như trách vừa như khuyên: sao không chịu khó nhịn vợ một tuần mấy tối mà bám lấy đồng lương cán bộ, mưa chẳng đến mặt nắng chẳng đến đầu.
Đến khi có ruộng khoán, vợ con lão đã nhất nhất làm theo cách của lão, lúa ruộng nhà lão tốt hơn ruộng người. Bứng mạ trên sân mang ra khẽ khàng đặt xuống, bùn ruộng nhuyễn mịn đón bộ rễ như chưa hề có sự chuyển dời địa lý nào nhưng vụ ấy các quy định của Hợp tác xã đã hại lão. Rễ lúa nhà lão cứ mải mê hút màu, lá lúa cũng mải mê bắt ánh sáng mà quang hợp, cây lúa phơi phới tươi xanh đã kéo dài thời gian sinh trưởng thêm mấy ngày nên chậm đơm đòng mất mấy hôm. Tất nhiên lúa chín cũng chậm mấy hôm, chung quanh người ta gặt hết, chuột và châu chấu bu vào ruộng nhà lão, con thì cắn dẻ con thì búng càng, lúa rụng vàng trên lớp bùn se. Vợ con lão vừa gặt chạy vừa cằn nhằn, còn lão, đã xót bồ thóc nhà mình vơi hơn của người lại phải ù tai với bao lời mỉa móc. Những kẻ đã từng ghen tị với anh học trò trắng mặt nay lại được dịp rêu rao lão Ki chỉ giỏi múa miệng, không những thế còn hả hê tuyên bố cần quái gì những lý thuyết đẩu đâu. Tay Đội trưởng bài xích cái bằng kỹ sư của lão bằng một câu học lỏm: thực tiễn mới là thước đo chân lý.
Càng đau càng không chịu bó tay, lão bắt vợ con bớt mỗi bờ mấy hàng lúa vược bùn lên trồng các loại hoa để nhử thiên địch về tiêu diệt bọ rầy. Nhưng chỉ mảnh ruộng nhà lão thì ăn thua gì, lão lại thất bại. Năm sau lão thay cây hoa bằng cây thuốc lào, mấy nhà thấy trồng thuốc lào còn thu được lá nên miễn cưỡng làm theo. Ong bướm quyến về nhiều hơn, tác dụng diệt bọ rầy hiệu quả rõ rệt, những kẻ ganh ăn mượn hình ảnh lão quẩy đôi quang với hai cái thồi lượn hết làng mình sang làng bên gắp phân chó mà đặt vè: Kỹ sư nay đã đứ đừ /Hai thồi phân chó ngất ngư khắp làng…
Họ có biết đâu cái anh thuốc lào rất ưa phân chó, thứ này trộn với phân bắc ủ cho hoai mục bón gốc cây thuốc cho lá vừa to vừa dầy, thái phơi nom sợi vàng như tẩm mật ong, hút vào nhuận khói chỉ muốn kéo thêm điếu nữa.
Lão cắm bốn cọc tre cất mái tranh làm cái quán bán thuốc lào ở góc đường, hương thuốc với bát nước lá vối khuyến mãi đã kéo khách đến chật mấy băng ghế ghép bằng bìa gỗ. Tiền bán thuốc lão sai vợ gom thóc chờ giáp hạt tung ra kiếm lãi chục ăn mười lăm, nhà lão trúng liền mấy vụ nhưng kỳ lạ thay, cái tên Đậu Đắc Phú biến mất, người ta thay tên mới cho lão là Lão Ki.
Kết quả hình ảnh cho hút thuốc lào

Ki thì Ki, lão nghe thấy hết nhưng mặc kệ. Thóc bây giờ dù tháng ba ngày tám cũng không còn chênh lệch giá như trước kia nên lão bắt vợ con chuyển sang nuôi gà vườn và lợn nái, phân lợn phân gà tuồn theo nước rửa chuồng xuống ao cá, một vòng khép kín bắt đầu từ những bánh thuốc lào. Kinh tế nhà lão cứ thế mà lên nhưng vẫn còn những người mở miệng là diễu lão kiboketlo.




Lão Ki lim dim phán rằng: cứ nhắm mắt tung bừa phân hóa học và phun đẫy thuốc sâu, đất sẽ chai cằn cá tôm tuyệt diệt, dân bỏ làng ra phố làm cửu vạn, bờ xôi ruộng mật thành hoang mạc, đến lúc ấy thì đừng mong sống bằng cây trồng, nghề trồng lúa nước sẽ lụi… nghe như sấm Trạng Trình.  
Trạng Trình đã chết từ lâu, những người hay mang lời ông ra làm chuẩn mực soi rọi mọi việc trong thiên hạ cũng đã thay nhau về nơi chín suối, giờ đây lớp cháu chắt của họ từng vỗ ngực quyết làm chủ thiên nhiên, nghĩa là làm chủ mưa gió, tan băng hay hiệu ứng nhà kính, đã bất lực không tìm cách chế ngự để sống chung lại xoay sang tìm mánh ăn đất, không mấy ai chịu để tai nghe lão Ki.
Trong số ấy có một người trình độ xếp vào hàng đầu từ dưới lên là chị Quán.
Phải nhắc đến chị Quán là vì chạng vạng chiều hôm ấy lão Ki đến nhà chị. Lão chỉ đứng trước thềm có một phút, hỏi đúng một câu thằng Quân đã về chưa rồi ra về mà chị hoảng hốt gọi điện thoại cho chồng bảo anh phải về ngay. Hiện tượng bất định tâm thần này của chị Quán có nguyên nhân từ một sự tích cách đây hơn bốn năm, đận ấy nhà chị đã phải bỏ ra bao nhiêu tiền mà anh Quán vẫn bị công an bắt giam một tuần vì cái lão Ki lắm chữ ranh như con cáo.
 Hôm ấy anh Quán đưa thằng Quân nhập trường về đến đầu làng ghé vào quán lão Ki hút nhờ điếu thuốc, bị lão xì đểu ngu mới vào đời từ Đại học Nông nghiệp.
Lúc đầu anh Quán chẳng để ý nhưng sau nhận ra lão Ki chửi mình chứ trong quán còn có ai đâu. Chửi anh ngu đã quá lắm đằng này lại chửi ngu cả cậu con trai vừa được anh đưa vào lò luyện cao cấp thành bác sĩ thú y thì không thể chấp nhận được. Anh gằn giọng hỏi ông bảo ai ngu, lão Ki ngó lơ bầu trời bâng quơ ai ngu bốn năm sau khắc biết. Thế là, sẵn ống điếu anh phang vào cái đầu gối lòi ra dưới ống quần xoóc lửng của lão.
Ông điếu vướng xâu bánh chưng treo lủng lẳng không tới được đầu gối lão Ki nhưng nước điếu thì đã xối đẫm bộ sơ mi quần bò đang mặc trên người anh Quán. Mặt chõng cũng bị chan mấy lớp cái thứ nước trứ danh đỉa thả vào cũng chết, lão Ki nhăn mũi nhặt từng thanh kẹo lạc, từng cái bánh rán hít hít rồi ném xuống hộp đựng rác dưới gầm chõng…
Hôm xã triệu tập, anh Quán nộp mấy chục nghìn tiền phạt vi phạm nếp sống văn hóa, đền mấy trăm nghìn tiền chõng hàng dính nước điếu nhưng quyết không xin lỗi. Chắc lão Ki lại đâm đơn lên công an Huyện nên anh bị triệu tập ròng rã một tuần giời để viết đi viết lại mấy câu giải thích rằng cái ống điếu chưa tới đầu gối lão Ki.
Chuyện căng thẳng hai nhà đến nay đã bốn năm rưỡi có lẻ, Quân tốt nghiệp đã đi làm cho một nông trại trên Vĩnh Phúc, thời gian học của Quân cũng là bốn năm rưỡi ứng với câu bốn năm sau khắc biết của lão Ki nên chị Quán hay rơi vào trạng thái tâm thần bất định.
Sau khi gọi cho chồng, chị gọi gấp sang bà ngoại nhưng cậu mợ thằng Quân nhất quyết không cho bà sang, chị làu nhàu sao mẹ lại ốm lúc này rồi gọi cái Quỳnh chị gái thằng Quân bế con sang.
Cổng trước cổng sau, chỗ nào cảm thấy khóa không chắc chị bổ sung thêm cái khóa dây xe đạp, hiên nhà trên hiên nhà dưới sáng choang, hai cái bóng điện compac treo ngoài ngõ cũng được bật từ lúc lão Ki vừa khuất dạng nhưng từ đầu làng đến cuối làng chỉ có tiếng ti vi nổi trên nền gió rì rào. Nhà ai cũng mải dõi theo cuộc đời cậu Lâm cô Hoài trong phim Mạch ngầm nơi biên ải để thương nhớ những đứa con phiêu bạt kiếm tiền. Lão Ki không đến thêm lần nào nữa, hai con chó chạy loăng quăng một hồi rồi ra thềm nằm gác mõm trên đôi chân, không rõ để sẵn sàng lao vào nơi nào có động hay đã ngủ quên.
 Hôm sau, anh Quán về đến nhà lúc non trưa thì chiều muộn thằng Quân cũng về. Cả nhà ngồi ăn cơm, cái Quỳnh bế con đến ngủ với mẹ từ tối hôm qua giờ thêm anh chồng mới phóng xe sang, già trẻ lớn bé sáu người, vừa ăn vừa dỗ thằng cu chưa đầy năm, vừa bàn luận phỏng đoán xem âm mưu của lão Ki là gì.
Chuyện càng bàn càng bí rì. Khi anh con rể đã chở vợ con về nhà, thằng Quân đã chui vào màn ngáy vang, anh chị Quán vẫn chưa làm sáng tỏ mục đích đến nhà của lão Ki. Không biết lão sẽ còn những chiêu trò gì nữa đây, càng nghĩ càng lo đứa con trai duy nhất không khéo lại đặt chân vào những lốt chân của lão thì tương lai sẽ đen như mõm chó mực.
Hết giả thuyết này đến giả thuyết khác, hai vợ chồng cứ nêu ra rồi phủ nhận cho đến khi anh xoa tay lên bụng chị mới nhớ đợt này vợ chồng xa nhau đã nửa năm rồi.
Trong lòng anh Quán ngổn ngang những câu hỏi và câu trả lời, câu nào cũng như hũ nút. Anh tặc lưỡi: mặc kệ nó, cái gì phải xảy ra thì nó cứ xảy ra, nếu không xảy ra thì nghĩ lắm cũng chẳng làm được gì. Anh còn trấn an chị Quán: thằng Quân sẽ biết cách xử lý, chúng nó bây giờ được học hành tử tế chứ đâu phải đám nông dân kiêm cửu vạn toàn tập như mình?
Nghĩ đi thì vậy nhưng nghĩ lại anh vẫn tức lão Ki. Cũng là sinh viên Đại học nông nghiệp Một, học trước thằng Quân bốn mươi năm hẳn nhiên lão là tiên sinh đối với nó, trồng trọt và thú y tuy khác khoa nhưng vào trường ra trường anh nào chẳng phải chui qua cái vòm đa-ho-en-en-năm-bờ-oăn (ĐAHONN.1)…
Anh chị Quán đã không biết rằng lần nào về thằng Quân cũng vào quán lão Ki uống nước vối. Biết lão nhớ trường, vẫn ước ao một lần trở lại thăm thầy thăm cô thăm giảng đường mình đã từng thụ giảng nên Quân ghé vào kể cho lão những đổi thay. Nó ví cái thời người ta khinh nhờn kiến thức khoa học kỹ thuật vì cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng, ở một góc độ nào đấy có thể lấy câu chuyện "Con cáo và chùm nho" để lý giải… Lão Ki rất thích cách ví von này, là bạn đồng môn nên Quân hiểu lão, so sánh trí tuệ lão với thứ quả quý là chùm nho thật đáng hậu sinh khả úy. Lão bộc bạch: bây giờ đố anh nào nuôi con gà con lợn mà dám coi thường bác sĩ thú y. Kiến thức cơ bản tốt nên lão nhạy bén nhận ra chủ trương cho nông dân vay vốn để lập trang trại tăng đàn gia cầm gia súc là cơ hội ngàn vàng của nông dân. Ngân hàng bắt buộc cơ sở phải có bác sĩ thú y cũng là cái khôn bằng trời của họ, không có chuyên gia theo dõi ngộ nhỡ gặp dịch phải tiêu hủy hàng loạt, bấu vào cái gì mà đòi nợ.
Chỉ ngặt nỗi bằng của lão lại là kỹ sư trồng trọt!
Sáng nay lão Ki đến sớm. Chị Quán ngồi dưới nhà ngang với lên hai tiếng không dám đáp lời chào, anh Quán đang dở tay sửa cái vòi nước cũng vọng vào một câu giữ phép. Quân pha trà mời khách rồi xởi lởi kể chỗ nó làm, ông chủ nuôi một ngàn lợn và hơn chục vạn gà vịt, nội việc khám tiên liệu và tiêm phòng đã phải làm cả ngày nghỉ. Nó tưng tửng sao người ta làm được ông chủ còn mình lại giữ phận làm thuê.
Lúc anh Quán vào, lão Ki dừng chuyện quay sang xin lỗi về cái vụ cách nay đã hơn bốn năm. Lão nói hôm ấy lão hận đời rồi chửi mình, tức là lão tự chửi lão chứ có dám chửi ai đâu. Để anh hiểu nhầm là thiếu sót của lão, còn việc công an gọi lên là do chương trình bình yên cơ sở của họ chứ lão không hề làm đơn như người ta đồn thổi. Hôm nay lão đến, trước là để xin lỗi sau nữa là xin được bàn với ông bà và anh Quân bác sĩ, hai nhà góp sức mở trại chăn nuôi.
Lão gọi vợ chồng anh Quán là ông bà, gọi thằng Quân là bác sĩ, trước khi trình bày còn nhắc lại chuyện đã qua thì nên cho qua.
Kế hoạch của lão Ki là gom ruộng bỏ hoang của những người đi làm ăn xa để khoanh vùng đổi thửa cấy tám thơm và cất chuồng trại chăn nuôi gà vịt, cái nọ hỗ trợ cái kia kết hợp khai thác kinh nghiệm sản xuất hai nhà. Anh Quán và thằng Quân luôn mồm khen hay nhưng đến việc vay vốn ngân hàng thì ngắc ngư…  
Chị Quán cũng ngắc ngư nhưng không phải vì chuyện vay vốn. Vấn đề là chị không muốn hợp tác với lão Ki. Ký ức còn dầy như màn sương che phủ, dù biết số phận lão Ki do thời thế tạo ra nhưng chị vẫn không muốn đứa con trai độc nhất của mình lại dính dớp xuôi không được ngược không xong.
Ôi chao là cái cổng làng! Bên trong là ký ức/ bên ngoài là tha hương... 

Hà Nội. 5/2015

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

NHỚ AN THUYÊN


Cắt nửa vầng trăng làm con đò nhỏ... *


Thênh thênh nhịp phách phiêu bồng
Lấm bùn mà ngỡ gót hồng chân tiên
Nâu sồng vốn nếp thân quen
Đất đai xứ sở dâng men cho đời
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc... lận bồi khúc ca
Nương theo điệu ví quê nhà
Vịn vào làn dặm mượt mà lướt sang
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi
Thinh không buông tiếng thầm thì
Chị Hằng chợt đến rồi đi, dạt dào
Cho đêm nghiêng xuống nôn nao
Cho nàng với cánh gầu chao ân tình
Vút lên thắm thiết hỡi mình
Tiên Điền xưa bỗng lung linh trên dòng
Sông Lam cùng với núi Hồng
Ngàn năm như đã hát cùng An Thuyên
5/10/2015
----------------------- 
* Lời bài hát Ca dao em và tôi của An Thuyên

Xin người

Xin người cái khoảng trống không




“Xin người cái khoảng trống không” là câu lục mở đầu trong bài XIN của nhà thơ Tâm Tâm in trong sách Thơ bạn thơ do cặp uyên ương thi sỹ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên, nhà thơ Hoàng xuân Họa tuyển chọn, Nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2013.
Tôi đã “đò đưa” bài thơ này với nhà thơ Hoàng Xuân Họa. Anh Họa cho rằng: Thói thường, khi ai đó cất lời “xin’’, hạ mình mà “xin”, thì: một là người nào đó tự nhiên đem cho mà mình bắt buộc phải nhận, hoặc buộc mình phải “xin” một chút gì đó khi bị thiếu? Nhưng ở đây nhà thơ không được ai cho vật chất và nhà thơ của chúng ta cũng không xin ai vật chất, mà vì cõi đời này chật chội quá nên nhà thơ phải xin. Xin “cái khoảng trống không”. Khoảng trống không “Chẳng gì khỏa lấp ở trong tim người”!
          Ôi đời! Đến“cái khoảng trống không” cũng phải đi xin thì thiệt là... loài người bây giờ hơi bị quá đáng! Quá đáng vì chiếm hết chỗ, chiếm hết tình yêu thương của nhà thơ....
            Còn tôi (NNM): Hai chữ xin ở câu đầu và câu kết bài Xin của Tâm Tâm đã biến màu sắc bài thơ từ bàng bạc lãng tử sang màu hoa hồng thắm thiết. Nếu thử không đọc Xin ngườiEm xin, những câu thơ còn lại là trong tim người ai cũng có cái khoảng trống không vì ai cũng đầy rồi mà vẫn cứ vơi  cho dù tác giả đã khéo thay mọi nhẽ và cất lên hai chữ thật là như một tiếng thở dài. Sau tiếng thở dài này là ba cặp Thôi thì, chất lãng tử nổi trội lên, ngồi vào khoảng trống trong tim người mà đếm sao thì lãng tử quá còn gì.
Chúng tôi đã khen về cái sự duyên dáng có lẽ cũng rất phù hợp với ý cuộc đời lắm nỗi của anh Họa nhưng tôi nghĩ chỉ viết ngần ấy dòng về bài thơ này của Tâm Tâm thật không đầy đủ.
 Xin hãy đọc trọn vẹn cả bài:
Xin
Tâm Tâm
Xin người cái khoảng trống không
Chẳng gì khỏa lấp ở trong tim người
Khéo thay mọi nhẽ ở đời
Đầy rồi mà vẫn cứ vơi, thật là…
Thôi thì thả một cánh hoa
Cũng không làm nước tràn qua ly đầy
Thôi thì nối lại sợi dây
Cho con diều lại có ngày chơi vơi
Thôi thì… góc ấy chật rồi
Em xin khoảng trống này ngồi đếm sao…
Đây là hành trình của trái tim đến với trái tim, hành trình ấy sao mà khó, sao mà kỳ công bởi cái khoảng trống không chẳng gì khỏa lấp ấy đâu dễ sẻ san. Nhưng tôi tin người được xin sẽ khó cưỡng lại, vì Khéo thay mọi nhẽ ở đời/ Đầy rồi mà vẫn cứ vơi, thật là.
Baì thơ có ba cặp lục bát mở ra bằng hai chữ Thôi thì… Từ … thả một cánh hoa/Cũng không làm nước tràn qua ly đầy đến… nối lại sợ dây/Cho con diều lại có ngày chơi vơi e dè ràng buộc đến Thôi thì góc ấy chật rồi/Em xin khoảng trống này ngồi đếm sao… thì khát vọng của những trái tim đã ung dung nơi tiên cõi dù cõi tiên này có màu rất bạc.
Loài người vẫn không thôi dấn thân và đã tới đích bằng bao khát vọng nhưng cái chỗ trống không trong trái tim người quả là cái đích không dễ tới chút nào.

                                                                                                4/5/2016-NNM