Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Thời hoa lửa



Thời hoa lửa




Tôi được phiên chế vào tiểu đội nuôi quân, chức danh tiếp phẩm, ngày nào cũng đạp chiếc xe Vĩnh Cửu có hai cái sọt ra cửa hàng xếp sổ, ngồi chờ, khi nào có thì nhận thịt cá hoặc rau quả thì chở về bếp ăn đại đội.
Tôi tên Thắng nên lính đại đội gọi là Thắng Sọt. Số ít gọi là Thắng Mù. Cái tên thứ nhất thì chẳng làm sao, hai cái sọt gắn cố định vào phooc ba ga đi đâu cũng dính sau lưng, anh em gọi thế có gì lạ. Còn cái tên thứ hai, phiền vô cùng nhưng tôi vẫn không biết vì sao bị gán chữ mù? Như đã nói, tôi vừa mới nhập ngũ, cuộc đời đang háo hức ở ngưỡng thời hoa lửa, lúc gọt bí thái cà ở bếp, lúc đạp xe ra phố… cứ phơi phới mà có bận, ai đó giật giọng Tháng Mù chết điếng với mấy cô gái.
Phía ngoài bức tường rào của cửa hàng thực phẩm có một quán chè chén. Chủ quán là một bà cụ, một hôm bà cụ hỏi tôi với vẻ mặt cực kỳ thông cảm:
- Em hỏi khí không phải, có gì bác bỏ quá cho nhé?
Lần đầu tiên trong đời có một người gọi tôi là bác mà người ấy lại là một bà cụ nhiều tuổi hơn cả mẹ tôi nên tôi rất ngại:
- Dạ, xin cụ cứ tự nhiên!
- Người như bác mà lại không biết chữ ư?
Cái gì mà biết với chả không biết, tôi định hỏi lại nhưng môi miệng cứ đơ ra. May quá, đúng lúc ấy, có tiếng chị mậu dịch viên:
- Cậu Thắng Sọt vào nhận thịt lợn này!


   ***

A trưởng của tôi là lính nghĩa vụ được huấn luyện chính quy hiện đại từ năm 1962. Đấy là những năm hòa bình, bộ đội được tập tành kỹ càng nên đi đứng nói năng, quân phong quân kỷ thật là mẫu mực. Lớp lính sáu lăm chúng tôi rất ngưỡng mộ những bộ quân phục may theo kiểu blu dông chần gối chần mông chần khuỷu tay, nom qua cũng biết là để tăng độ bền khi lăn lê bò toài thế mà các anh giặt giũ thế nào mà khi mặc trông cứ trắng tinh. Quân hàm của A trưởng là hạ sĩ nhưng anh không thích gọi “đồng chí hạ sĩ tiểu đội trưởng”. Tôi để ý, gọi anh bằng chú anh thích hơn. Một hôm anh bảo lúc nào vòng ra hàng xén mua một thếp giấy năm hào tư. Không hiểu mua làm gì, rồi công việc huấn luyện đi B dồn dập nên tôi quên lúc nào không biết.
Hai vợ chồng A trưởng mới được mỗi cô con gái đã lớn gần bằng tôi nên chị vợ rất hay lên thăm. Mỗi lần chị lên, tôi vẫn nhường gian kho làm buồng hạnh phúc. Lần này chị lên cùng cô con gái. Hôm ấy tôi khệ nệ xe bí xanh, xuống dốc bóp mạnh quá đứt dây phanh nên húc phải hai mẹ con. Ba người bị văng ra ba nơi, hai cái xe đạp nằm chỏng chơ giữa đường cùng với những quả bí như lợn con. Chị thì cứ suýt soa cho chàng tiếp phẩm của chồng còn tôi lại mải để ý đến cái áo sơ mi Hồng Công màu cỏ úa đã bị rách toạc một đường từ gấu lên đến thắt lưng cô gái.
- Cháu không lao xuống mương nước là may lắm rồi.
Tôi chẳng thể chia sẻ niềm vui ấy cùng chị vì nét mày cau của cô con gái vẫn đang chĩa thẳng vào mặt mình. Còn chưa kịp đỡ, tôi đã bị cáu:
- Làm chết đôi gà đem lên cho bố rồi đây này!
Không hiểu trời xui đất khiến thế nào, tôi lại:
- Thế bây giờ phải làm thế nào?
Chắc lúc đó trông tôi mặt ngẩn ngợ lắm nên cô ta cười như phá:
- Chết gà thì phải đền… vịt chứ sao! 
          Tôi đỏ bừng mặt vì cái từ vịt, chỉ còn biết cởi cái áo bộ đội đưa cho cô khoác tạm. Cô lại trêu:
          - Hoa Thanh Quế sớm vợ sướng đần cả người ra!
Cái này thì tôi bị oan. Học chưa xong cấp ba tôi đã phải đi bộ đội làm gì có thời gian mà yêu ai mà lấy vợ. Chẳng dám thanh minh vì “mọi sự thanh minh đều là thú nhận”, ngày ấy chúng tôi thuộc làu câu châm ngôn ấy. Biết thế nên tôi cứ cắm cúi nhặt bí xếp vào sọt, coi như không nghe thấy gì.
Mà hay thật. Có đến Phật cũng phải chịu cái sức sống dẻo dai của chuyện làng lính. Từ ngày còn kháng chiến chống Pháp thực dân đã có chuyện Hoa Thanh Quế mà đến năm nay, Mỹ đã đổ quân vào Đà Nẵng, quân dân hai miền đã thắng giòn giã mấy trận trong cuộc giải phóng nửa nước còn lại… mà chuyện lấy vợ sớm vẫn chưa dứt.  
Về đến đơn vị, cô con gái A trưởng cười rõ tươi:
- Bố bầm bảo vào nhổ lông kìa!
Nếu A trưởng không xách hai con gà đã nghẻo cổ đi lấy nước sôi để làm lông thì không biết đến lúc nào tôi mới hiểu được cái câu cô vừa nói.
Tối hôm ấy, khi vợ chồng A trưởng đã về gian cuối dãy nhà kho, con gái A trưởng bảo tôi đưa ra sông Mã tắm. Tôi ngại nhưng vẫn phải làm theo.
Mùa này sông cạn nên dòng chảy tít tận ngoài xa. Từ làng, leo qua đê lớn còn phải đi hết cánh bãi, rồi lại leo qua đê bối để xuống một trảng cát sát mép nước. Cô cứ đu vào vai tôi, có lúc ép ngực vào người tôi như người không có xương, bắt tôi dìu. Tôi sốt ruột định lên tắm ở phía trên nhưng cô bắt phải xuống phía dưới, bảo để nước tôi tắm ra không trôi vào chỗ cô. Được một lúc thì cô kêu là sợ ma, bắt tôi lại gần. Trăng rười rượi, tôi nhìn đi chỗ khác lại bị phê bình nói chuyện không nhìn vào nhau là bất lịch sự. Tắm xong, tôi lên bãi cát, nằm ngửa trên tấm vải nhựa tìm những ngôi sao quen thuộc trước đây tôi vẫn nhìn qua khoảng sân. Cô lấp lửng:
- Có nhìn thấy gì không?
- Thấy hết. Vệ nữ này, Cán gáo này… Cả Đùi trống vừa bị mây che khuất, tí nữa sẽ ra thôi!
Tôi say sưa chỉ lên trời, thao thao. Cô vóng lên:
- Thế mà bảo là mù…
Cô kêu lạnh rồi ngồi sát vào tôi. Trăng tắm sữa cho đôi má cô rồi tràn xuống đôi vai tròn lẳn mà chiếc áo cộc trễ nải chừa lại hơi nhiều. Dưới trăng, hình như làn da của cô cũng ngọc ngà lắm mà cảm hứng của tôi cũng rạo rực lắm. Nhưng cái chữ mù cô nói lúc nẫy đã chạm lung tung vào tôi, chạm cả vào câu “khí không phải” của bà cụ bán chè chén nên bàn tay tôi tự nhiên rơi thõng xuống bụng mình.
Sáng hôm sau, khi bầm đang tranh thủ phụ anh em nhặt rau trước khi về, cô rủ tôi vào gian nhà cuối dãy kho:
- Đi đâu cũng nhớ thư về cho người ta đấy!
Máy bay Mỹ đang đánh phá ác liệt khắp miền Bắc, tôi chỉ lo cô là người hay chuyện, đi đường mà mải chuyện không nghe được kẻng phòng không rất nguy hiểm:
- Lai bầm phải chú ý nghe báo động đấy!

***

Sau ba tháng huấn luyện, chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân vượt Trường Sơn. A trưởng phân công tôi đeo cái nồi nhôm quân dụng 40 lít:
- Cồng kềnh một chút nhưng nó như cái mộc che, cháu là đứa đã phải chịu nhiều thiệt thòi, ưu tiên!
Tôi không hiểu đã phải chịu thiệt thòi như thế nào nhưng cứ muốn gọi A trưởng là bố và nỗi nhớ cô con gái của A trưởng thì cứ cuồn cuộn trong lòng. Hôm ấy và những ngày sau nữa, tôi cứ tiếc ngơ tiếc ngẩn đêm trăng sông Mã.
Từ hôm hành quân, một chiếc L19 cứ rì rì trên đầu đội hình nhưng chưa thấy có AD6 hay phản lực ném bom. Chặng đêm nay, chúng tôi sẽ vượt đèo Phu Sộp. Đây là túi bom, rất ác liệt nhưng độc đạo buộc phải qua, giống như xe ô tô muốn vào Nam thì phải vượt qua tọa độ lửa Hàm Rồng. Vừa nghe cấp trên hạ đạt mệnh lệnh hành quân xong thì một chiếc C130 đã chui ra khỏi đám mây lượn trên đầu. Khi đến chân đèo, đèn dù soi rõ cả bóng tôi với chiếc nồi quân dụng lù lù như con rùa cõng cái mu của mình.
Chúng tôi được lệnh thắt buộc các thứ đang mang vác trên người rồi chạy thật cao chân tại chỗ kiểm tra xem có cái gì có thể bị rơi hoặc va đập vào nhau. A trưởng buộc lại cái nồi quân dụng, chỉnh cho hai cái quai không đập vào gáy và vào xương cụt tôi nữa. Anh còn thít bớt dây khẩu AK, bảo tôi khi vượt đèo một tay chống gậy một tay đè lên ốp súng cho trọng lượng nghiêng về phía trước thì giữ thăng bằng dễ hơn. Hình như anh còn muốn nói thêm điều gì nhưng lệnh vượt trọng điểm đã truyền tới.
Pháo sáng như ban ngày. Leo đèo mà phải tăng tốc để nhanh chóng vượt tọa độ lửa nên anh nào anh nấy mồm mũi tranh nhau thở cố bám nhau giữ được đội hình. Chưa đến đỉnh đèo, bất thình lình súng hai mươi li trên chiếc C130 xả những vạch đạn đỏ lừ, mấy tốp phản lực ào tới, bom và rốc két cứ theo đạn chỉ đường của C130 mà bổ, không khí bị dồn ép con đèo chao như đưa võng. Tôi bị hất bay xuống một cái hố, nồi quân dụng đập vào gốc cây khiến tai tôi ù đặc. Chiếc C130 lại bắn thêm pháo sáng, ánh sáng xuyên qua tán lá soi rõ đít cái nồi bẹp dúm. A trưởng nhào lại, anh sờ nắn khắp người tôi rồi mân mê cái đít nồi móp:
- Không sao đâu, chặt khúc cây gọt tròn đi như cái chầy, gò lại vẫn nấu tốt!
Cũng may, hầu hết bom, đạn, rốc két và đạn 20 li xả xuống đều trượt sang bên kia con đèo nên thiệt hại của quân ta chỉ có tôi nghễnh ngãng và đít cái nồi quân dụng bị móp.
Đợt hành quân vào chiến trường nhiều chuyện lắm nhưng buồn cười nhất là hôm anh quân lực tiểu đoàn xuống trao quyết định điều động tôi lên ban của anh và A trưởng đi làm B phó ở một đại đội khác. Phải xa A trưởng, tiều đội nuôi quân có đứa đã khóc, riêng tôi cũng không muốn rời anh nhưng nhà binh là vậy, nay tan mai hợp, chuyện ấy đành phải xếp vào loại bình thường. A trưởng nhắc lại việc mua giấy nhưng chưa kịp dạy tôi tập viết làm anh quân lực cười phá lên:
- Thế ông cũng nhầm như tôi à?
Lâu nay A trưởng vẫn thân vân vì sao chữ ký của tôi trong cuốn sổ nhận hàng lại hẳn hoi thế, đẹp nữa là khác. Giờ nghe bảo mình bị nhầm, anh càng ngờ ngợ. Anh quân lực tiếp:
- Tôi nhầm ông ạ. Sau hôm điều Thắng về cho ông, tôi mới nghe cậu văn thư tiểu đoàn kể nó với Thắng Sọt cùng học lớp Mười. Lần đi ứng cứu trận địa pháo, hai đứa đào quả bom chưa nổ lại báo cáo là bom nổ chậm làm mấy ông công binh quân khu xử lý toát mồ hôi. Trận ấy, quân dân Hàm Rồng thắng to. Được Tỉnh đoàn tặng bằng khen, hai thằng phải đi báo cáo điển hình còn mệt hơn lúc đào bom.
Hóa ra Thắng Sọt đã học lớp 10. Giở lại hồ sơ của Thắng, anh quân lực tiểu đoàn thấy bên cạnh con số 1 có một lỗ thủng. Anh đoán mẫu sơ yếu lý lịch in trên giấy dang còn đầy những hạt nứa nghiền seo chưa kỹ, chắc một cái mắt nứa đã rụng mang theo con số không nên lớp 10 thành lớp 1…   
Chuyện của hai anh làm tôi nhớ bà cụ “khí không phảỉ” bên tường rào cửa hàng thực phẩm. Buồn cười thật. Chắc bà cụ nhìn bộ dạng tôi chẳng ăn nhập gì với cái xe Vĩnh cửu và nhất là đôi sọt thồ tổ bố nên mới rào trước đón sau.
Những ngày lơ ngơ ấy cứ liên tiếp hiện về. Ngọt ngào thanh khiết quá nhưng tôi không cưỡng lại được cơn buồn ngủ. Trên cánh võng treo giữa đại ngàn, cô con gái A trưởng dưới trăng đêm sông Mã rất hay về trong mơ.
                                                                                        30/4/2014

1 nhận xét:

  1. Chúc mừng ba sáng tác mới.
    Chúc anh sức khỏe sáng tạo dồi dào

    Trả lờiXóa