Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Hai người đàn ông và...




Đường vợ con của ông Trà lận đận quá! Hai người vợ trước đã lần lượt theo nhau bỏ ông vì bệnh ung thư, nay đến người vợ thứ ba cũng đang bị di căn giai đoạn cuối.
Người vợ thứ ba này ông vớt được ngoài bãi đá ngầm. Đêm ấy, gió tung sóng chấp chới, ông mơ thấy hai người vợ cũ cứ lướt đi lướt lại. Người ông lúc tỉnh lúc mê, ngực ông bị ép như lặn bộ bốn năm sải nước, vùng dậy ông quát thằng con nhổ neo nổ máy lao vào màn sương đặc như sữa.
Cho đến bây giờ ông vẫn không hiểu nổi giấc mơ ấy. Đời ông gội nắng gội sương từ lúc chưa lọt lòng. Mẹ ông kể, nếu không có ngọn sóng lừng bủa xuống mui thuyền thì không biết đến bao giờ ông mới chịu cất tiếng khóc chào đời. Rồi tập lẫy với lòng thuyền chao, tập bò với mũi thuyền dựng, ông lớn lên như hòn cuội cuối ghềnh. Nhưng đêm ấy, cái đêm ông mơ thấy hai người vợ hiện về ấy, sống lưng ông tê ớn. Cái lạnh từ gió từ sương, từ hình bóng hai người vợ như còn đâu đây trên mặt biển đầy ẩn trắc. Ở đâu có đá ngầm có bãi rong rêu, ở đâu có mực, có nục, ngày nào giờ nào nước lên nước xuống... ông thuộc nằm lòng mà sao hôm nay bàn tay cầm lái lại run. Đã mấy lần va vào những vật trôi, ông đoán phía mũi Ngọc đã có thuyền gặp nạn. Ông quát con kéo thêm lá buồm và đánh lái về bãi đá ngầm. Những mảng lân tinh cứ dập dềnh hai bên mạn, một đám lân tinh hình chữ thập xoay tròn sau một cú va rất đằm, ông bỏ lái nhảy ào xuống biển. Đám lân tinh là một người phụ nữ còn thoi thóp đang dang tay bấu chặt mảnh ván.
Làng chài đốt đuốc cứu người bị nạn rồi người phụ nữ ấy nhận lời làm vợ ông. Cả làng hể hả ăn cỗ mừng ông hết cảnh đơn côi nhưng vợ ông tịnh không nói gì về quê quán, cả sự cố chìm tàu suýt chết bà ta cũng giấu biệt. Nơi cuối đất cùng trời, chuyện trăm năm ở làng chài bắt đầu chỉ bằng một câu hỏi với một cái gật đầu!
Trong lòng người đàn ông đã hai lần chết vợ, người vợ thứ ba này là sự bù chì, là thần mệnh thần tài và còn là cái gì cứ nhoi nhói trong lồng ngực mỗi khi ông đi khơi xa. Thế mà người vợ biển trời mây nước cho ông đang bỏ ông mà đi.
                                          
                                               *
                                            *    *
   
                                        
Ông chẳng khác gì con gà đã một lần bị cáo vồ. Lão thầy số mù trong núi Pằng Tẩy nói rằng ông được sao Nguy chiếu mệnh, Trực Nguy đa hệ luỵ nhưng có quý nhân phù trợ! Chẳng biết lão nói thật hay lão động viên mà dám đem nghề ra cam đoan rằng Bạch thủ không chiếu mệnh ông, đời ông chẳng bao giờ bị thua đến trắng tay!
Vợ bị bệnh viện u bứu trả về, ông còn đâu sự tỉnh táo mà nhận ra sự thật của lời phán mông lung của một ông thầy bói. Trong lòng ông đã có một niềm hy vọng. Nhị thập bát tú hành tiến phương Nam, ông lên xe đi về phương Nam. Gian khổ nhọc nhằn còn hơn ngồi nhìn vợ ngày mỗi lụi tàn, hy vọng gặp kỳ duyên phía trước nâng bước ông đi.
Đường bị tắc. Cây cầu cũ bị sập, các ông tài đâm ngang đâm dọc, xe ô tô ngổn ngang cả mấy cây số. Chủ chiếc xe khách ông Trà đang ngồi nhào vào một thị tứ có con đường lên núi. Người vòng trong vòng ngoài quanh chõng chè xanh, chuyện trên trời dưới bể. Một toán thợ sơn tràng kháo rằng giống cầy Giông đào hang ăn rất nhiều của ngon vật lạ trong lòng đất. Chúng ăn được một loại rễ cây có thể khắc chế tế bào ung thư, chất ấy tích tụ vào mật, người nào mắc bệnh ăn một cặp đủ đực đủ cái sẽ khỏi! Cả lũ cười phá lên mà ông vẫn không hiểu sự lập lờ của cái câu âm dương tương tác thì tứ chứng chứ đến bách chứng nan y cũng chẳng còn.
Ông Trà há hốc mồm nghe không sót một lời rồi tự lúc nào đã coi cặp mật của loài cầy giỏi đào hang ấy là phương thuốc cứu vợ. Cái cách ông kể về gia cảnh về bệnh tình của vợ và câu hỏi xoắn xuýt nơi nào có mật cầy Giông làm bà hàng nước động lòng:
- May ra ông Thủ cầy Giông trong xóm Núi có còn cái nào!
Ông Trà lên xóm Núi hỏi thăm vào nhà ông Thủ. Nhìn qua cánh cửa truộng(1) thấy một người mắt chột chân cà nhắc đi lại giữa đống phoi tre trắng lốp, ông càng tin. Trân quý trong tay kẻ dị thường! Miệng ông buột ra hai tiếng “kỳ duyên” mà người trong sân vẫn không ngẩng lên.
- Thưa, đây có phải nhà bác Thũ không ạ!
Không một tiếng trả lời. Cái giọng sai dấu của người miền biển lại cầu khẩn:
- Thưa, em là Trà, từ vùng biễn Đông Bắc vào đây tìm thuốc. Nghe nói bác có mật cầy Giông, xin bác nhón tay làm phúc!
Ông Thủ ra mở cổng rồi quay vào tiếp tục khoét lỗ trên những gióng tre:
- Chè xanh mới om!
Câu nói chẳng ăn nhập gì với câu hỏi nhưng ông Trà đã vội mở dỏ tích rót bát nước, bưng tới:
- Bác nghĩ tay uống nước ạ!
Vẫn im lặng. Giọng ông Trà càng cầu khẩn:
- Thưa, em đi tìm thuốc cho vợ. Vợ em bị ung thư non một năm nay, được người mách uống cặp mật cầy Giông sẽ khỏi. Mong bác lòng...
Nghe đến cứu vợ thì ông Thủ dừng tay. Bây giờ con mắt độc long của ông mới chiếu từ mái tóc điểm bạc rủ quanh khuôn mặt hốc hác xuống bộ quần áo lôi thôi của ông Trà. Ung thư giai đoạn cuối ư? Bệnh ấy cầm chắc án tử còn thuốc nào chữa được? Đấy chỉ là những câu hỏi và câu trả lời còn nằm trong ý nghĩ của ông Thủ chứ ông Trà đâu đã được nửa lời đối thoại.
Ông Thủ hoàn toàn không tin mật cầy Giông chữa được ung thư. Từ ngày biết săn bắt con cầy đến nay ông chỉ nghe người ta cầu đôi xạ của loài cầy Hương chứ có ai tìm mật cái giống cầy Giông hôi khắm hôi khú!
- Mật cầy Giông chữa được ung thư?
Ông Thủ hỏi lại với giọng diễu cợt nhưng ông Trà đã quỳ xuống:
- Mong bác lòng!
Sự mê muội của người đàn ông đến từ nơi sóng biển ầm ào đã làm động lòng người đàn ông của rặng tre kẽo kẹt.
- Không biết có còn!
Lời ông Thủ như cất gánh nặng ngàn cân cho ông Trà. Ông còn muốn nghe nhiều nữa nhưng ông Thủ chỉ nói có thế rồi tiếp tục đuổi theo ý nghĩ của mình. Ông vẫn dùng mật cầy để khử những chất độc mà con cầy lỡ mang trong xương thịt nó, như cách người ta vẫn dùng mật rắn khử nọc rắn, thế thôi. Pha xong con cầy, ông lấy cái mật bóp một ít vào nồi rựa mận còn lại quẳng phẹt ra vườn cho gà tranh nhau. Hình như có lần săn được mấy đôi ông làm món cầy Giông xông khói, tiện tay treo mấy cái mật lên gác bếp. Tính ông hay tích cốc phòng cơ nhưng hôm nay bắc thang lên bới bồ hóng tìm mãi chẳng thấy. Nhìn ông Trà tâng hẩng đến tội nghiệp, ông Thủ thương nên khe khẽ “Chờ heo may về đi săn sẽ có!”.
                                                *
                                             *    *

Trước đây ông Thủ làm công nhân Công ty Chế biến gỗ. Ông phải về “một cục” lúc mới qua bốn mươi, vợ ông vẫn làm thủ quỹ bên thương mại. Vợ ông vẫn đi về hàng tuần nhưng về sau là hàng tháng, rồi sau này hàng tháng cũng không về. Vợ không về thì ông lên nhưng xem ra cô ta chẳng còn sự thiết tha nào.
Xóm Núi vào tháng Tư ta hay có lụt tiểu mãn, đến tháng Tám lại bão nhiều nên bà con rất sợ bị hỏng ăn. Lúa chưa chín kỹ cũng gặt về chất đầy sân. Không nhanh tay có cơ lúa mọc mầm nên khi có người đưa từ trong nam ra một cái máy tuốt lúa đạp chân thì cả làng kéo đến thuê. Nhiều hôm chờ trắng đêm mới đến lượt, ông mầy mò tính toán rồi đóng một cái máy mô phỏng cái máy ấy. Làng lại chờ đến lượt thuê máy của ông, thế là ông sản xuất mấy cái liền. Một lần lom khom đạp thử cho người ta xem, bất ngờ dây cu roa trượt puly quất đánh véo lòi một bên tròng mắt. Đau đến cuống quýt, hai tay bưng mặt chân lại dẫm phải cái đục chàng. Lưỡi chàng bén ngọt bập đứt luôn gân gót chân. Khi ra viện, mặt ông nghênh nghênh, bước chân chấm phẩy. Ông mang đúp phận què và chột, tháng ngày càng thêm buồn bã giữa tiếng kẽo kẹt không dứt của rặng tre. Những lần về thăm của vợ đã bặt hẳn, ông lựa gộc tre đực ghép đôi cánh truộng, tự nhốt mình với những bộ tràng kỷ xông khói óng màu hổ phách.
Nỗi buồn chẳng chút nguôi ngoai. Ông Thủ chỉ còn biết hí húi trước đống phoi tre uốn éo điệu đàng cho đến khi biết tin vợ bỏ trốn. Tưởng cuộc đời sẽ mãi mãi rì rào theo gió với những đêm tháng Mười hanh heo dăng bẫy bắt con cầy bỗng dưng lại bị xáo lên bắt đầu từ tiếng réo của ông Trà ngoài ngõ.
Mà cũng chẳng có ai như cái nhà ông Trà. Ngồi nói với nhau cả buổi mà trên đường về lại vào bưu điện gửi tiền. “Em chỉ còn biết cậy vào đôi mật cầy Giông của anh. Nếu anh không giúp thì em đành phải tháo xương bánh chè đầu gối mình ra mài cho vợ uống”. Đọc mặt sau của tờ giấy chuyển tiền, ông Thủ hốt hoảng kêu trời.
Ông không ngủ được. Ông trách cái nhà anh nào xui tệ xui hại người ta uống cặp mật cầy Giông sẽ khỏi bệnh ung thư để người ta quắc nợ vào cái thân què này? Ông đã kêu lên giữa tiếng kẽo kẹt của rặng tre nhưng lại nghĩ ông Trà dám tháo đầu gối lấy xương bánh chè mài ra cho vợ uống lắm. Phận què còn ai thấm hơn ông. Cục tiền dưới gối cứ như chích vào gáy và ông nhận ra món nợ mình mang là một phận người.
Ông quên những bộ tràng kỷ đang chờ hun khói, cứ đi vào đi ra luệt quệt sửa soạn. Đồ nghề đánh bắt là những tấm lưới với mấy cặp sào phải ngâm bùn phơi nắng thật kỹ cho hết hơi người. Ông phơi đi phơi lại nhưng heo may chưa về, biết vậy mà ông vẫn dỏng tai ngóng tiếng hụ hị gọi bầy từ phía núi. Rồi gió cũng đổi chiều trút vàng lá tre trên đống phoi, ông khoác thêm cái áo lội khắp cánh đồng. Đã có mấy khoảnh lúa bị cầy Giông vít lại kết thành cái bành, trên những dấu chân chi chít là những dẻ lúa rơi tơi tả. Ông reo lên “Thoát rồi, Trà ơi!”

 
                                                  *
                                               *    *  
Ông Thủ sốt ruột rấp thêm mấy ngọn tre gai trước ngõ rồi khăn gói lên đường. Những gợn sóng bạc dưới cây cầu Bãi Cháy trên màu xanh biêng biếc nơi cửa Lục Đầu cũng chỉ làm ông ngạc nhiên một chút. Đầu óc ông còn để hết nơi cái chân không biết còn lành hay đã què của ông Trà.
 Qua Tiên Yên xe rẽ về Trà Cổ rồi chuyển sang xe ôm. Chặng cuối cùng là men theo mép biển, vết chân bên ngắt bên dây in trên lợi cát, ông đã đến ngôi nhà hướng mặt ra biển. Ông Trà sửng sốt kêu lên:
- Anh ơi! Vợ em đã…
Tiếng hộc của ông Trà đã báo trọn điều xấu. Cái túi trên tay ông Thủ rơi đánh bịch, gói tiền và đôi mật cày giông văng ra nền nhà. Hai tay ông  thõng thượt, lòng ông càng trống trải:
- Đường thê nhi của chú lận đận quá!
Con mắt còn lại của ông Thủ chăm chăm vào hai đầu gối ông Trà. May quá, hai chân ông Trà vẫn đi lại bình thường! Đấy là sự an ủi duy nhất ông có được suốt mấy tháng nay.
- Chú tất tưởi quá!  
Chính ông Trà cũng muồn nói với ông Thủ đường vợ con của anh tất tưởi quá bởi ông đã đọc lá thư vợ mình viết cho ông Thủ. Lá thư ấy bà Trinh, người đàn bà ấy tên là Trinh, nhờ ông Trà chuyển cho ông Thủ, chồng chính thức của mình! Nẫy giờ chần chừ nhưng rồi ông cũng phải đưa ra.
Rất lạ, ông Thủ đã không hề sửng sốt hay ngạc nhiên. Chỉ thấy bên hố mắt thiếu tròng của ông lăn xuống một giọt đục ngầu. Con đường của những người vượt biên qua vùng biển Đông Bắc sang Hồng Công chờ cơ hội để được đi nước thứ ba có cái giá phải đổi bằng cả tính mạng. Vợ ông đã không chết lại còn được ông Trà cưu mang một cách hết lòng, trong thâm tâm ông vẫn biết ơn. Ông lặng đi. Tiếng sóng biển rì rào mà lại ngỡ tiếng rặng tre kẽo kẹt. Ông đang nghĩ đường đời bao nẻo mà sao lại dồn ba phận người về nơi tận cùng non nước này.
Vì có gói đồ của bà Trinh nên ông Thủ phải kể cho ông Trà nghe đoạn đời lận đận của mình. Trinh lớn lên bên gánh hàng rong của mẹ, mơ ước của cô là được thoả sức đếm tiền. Đếm đến rã rời, đếm đến gục ngất trên đống tiền nhưng lấy đâu ra tiền mà đếm khi hai mẹ con Trinh chỉ có một gánh hàng rong! Khao khát ấy đã thôi thúc cô thi vào trường tài chính rồi khi học xong lại cạy cục xin được một chân thủ quỹ tại Công ty thương mại.
Ông Thủ làm ở Công ty chế biến gỗ, cùng con đường đi về với Trinh. Họ quen nhau, thân nhau rồi hai người lấy nhau. Cưới nhau gần chục năm hai người chưa có nổi một mụn con, nhưng nỗi buồn chỉ thấy nơi ông Thủ. Công ty chế biến gỗ của ông gặp khó khăn, ông xin về “một cục” để tự làm đồ tre đang có chiều ăn khách. Còn Trinh? Sau khi chồng phải “giảm biên chế” cô rất ngại về xóm Núi. Tai cô đã mê tiếng miết vào nhau của những tờ giấy pôlyme in mệnh giá năm chục một trăm nên chẳng còn thiết gì đến tiếng lũy tre rì rào. Cô thèm khát cái cảm giác ram ráp của những tờ tiền trên mấy đầu ngón tay hơn những cử chỉ ân cần của chồng. Cả cái mùi rất riêng của nó cũng ám vào cô trong giấc ngủ. Nằm trên giường cô phải lục xắc tìm bó tiền đếm thay thuốc an thần, mở mắt ra lại đếm thay cho bài thể dục. Đến ngày Công ty mua về cái máy vô duyên cứ đếm rào rào, cô nhao nhát như người bị ốm. Không còn cái cảm giác ram ráp trên mấy đầu ngón tay, cô mắc chứng sốt về chiều. Sống lưng ớn lạnh, lòng bàn tay nhơn nhớt mồ hôi, đầu cứ ong ong. Mất ngủ triền miên làm người cô dại đi. Đấy là thời kỳ ông Thủ về sống dưới rặng tre còn cô ở lại căn hộ Công ty xây dựng cho mượn. Cô lấy những bó tiền trong két đem về, một tay cầm mic karaoke nghêu ngao tay kia mân mê tệp tiền. Rồi những tệp tiền ấy theo cô đi siêu thị, đi tiệm may tiệm kim hoàn, đi theo những cái tặc lưỡi. Cô không còn nhớ mình đã tiêu lạm bao nhiêu công quỹ?
Ngày công ty còn bí mật lập hai hệ thống sổ sách, thủ quỹ không là thái thượng hoàng thì cũng là một loại vua. Chỉ có bà Kế toán trưởng và cô được biết chính xác quỹ tiền mặt còn nhiều hay ít. Giám đốc là người chủ trương lập ra thứ “quỹ kín để dễ bề xoay xở” ấy mà cũng chỉ biết chừng chừng tới trăm tới tỉ. Cuộc sống cứ lướt đi với muôn vàn chao lắc va đập cho đến ngày Công ty được chỉ định cổ phần hoá.
Cô là loại cáo thành tinh. Với những số liệu đã xáo xào rất tinh vi, không một đoàn thanh tra kiểm tra nào phát hiện ra sai sót. Nhưng lần này thì khác, một trong những công việc quan trọng để cổ phần hóa là phải đánh giá tài sản một cách đầy đủ. Cô vơ hết những bó tiền vứt lăn lóc trong tủ, trong ngăn kéo nhà mình đem nhét lại vào két của công ty mà vẫn không biết đã đủ số mình lấy ra chưa. Bao nhiêu tiền mua kiềng, mua xuyến, bao nhiêu khoản cho người ta vay nóng… những con số không tuân theo quy trình kế toán làm đầu cô cứ rối tung. Rồi ý nghĩ vơ thêm một ít mà cao chạy xa bay cứ nhảy nhót trong đầu. Cái triết lý có tiền là có tất cả ngấm từ lũ bạn ăn chơi lúc còn đi học đã thúc dục cô vượt biên.
Sóng dào dạt vỗ bờ, hàng ren trắng rung rinh lợi cát. Biển trước nhà thẫm xanh dưới nắng hanh thơ mộng mà lời ông Thủ càng kể lại càng vấp. Ông mệt mỏi, lặng đi, lá thư vợ ông viết là quả núi đè lên tâm trí ông. “Anh ơi. Đời em như con cá lách ngược đến đây nghẽn dòng không thể quay lại được nữa. Em biết anh Trà đã gặp anh và đang cậy nhờ anh trong sự mê muội. Thật tội nghiệp hai anh, mọi trái ngang đều do em gây ra cho hai anh. Một nghìn lần em xin hai anh tha thứ cho em. Em sắp đi, không biết có còn được gặp mà lạy anh lần cuối, chỉ còn hy vọng những dòng này sẽ có lúc đến được với anh. Ôi! Giá như em cứ sống như mọi cô gái quê mình, cứ tận hưởng bát cháo hành với nồi nước bồ kết gội đầu anh thường nấu cho em”.
Ông Trà cũng ngồi lặng. Nỗi đau chết vợ có lẽ không lớn bằng cái lỗi không có cách gì chuộc được. Dù có trăm nghìn lý do để biện minh nhưng ông vẫn là kẻ đã đoạt vợ người ta, oái ăm thay, người bị đoạt vợ lại là ân nhân của ông. Ông không dám ngẩng mặt lên kể cả lúc ông Thủ đưa ông cặp mật cầy cùng với gói tiền ngày ông đã gửi bưu điện.
- Tôi săn được đôi cầy này từ đợt heo may đầu tiên, chú giữ lấy rồi làm gì thì làm, có đủ cả đực cả cái đấy.
- Bây giờ em phải làm gì hở anh?
Câu hỏi của ông Trà làm ông Thủ giật mình. Họ đều là nạn nhân của một bi kịch do người đàn bà họ từng hết lòng yêu thương gây ra. Bà Trinh đã chết rồi. Có muốn trách thì trách người còn sống chứ nỡ nào nặng lời với người đã về với đất!
Hai người đàn ông và một người đàn bà bị dồn đến nơi chót cùng đất nước mà sao mọi chuyện không kết thúc cùng gió cùng mây. Thật quả ông trời chưa cho họ một ngày thanh thản.
Người đàn bà đã về với đất ấy vẫn còn một đoạn trường nữa may ra mới đến được cõi Niết bàn. Ông Thủ và ông Trà, hai người đàn ông khốn khổ chỉ còn biết cùng nhau đến Công ty thương mại mà trao trả những vòng những xuyến vợ mình đã lấy tiền quỹ ra mua.
Hà nội - 2009

--------------------
(1) Cửa truộng: là loại cổng một cánh kết bằng những khúc tre đực đục lỗ cài then, khi mở thì chống lên, khi đóng thì hạ xuống, hay thấy ở vùng trung du khu Bốn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét