Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Làng Nhởn




Làng Nhởn có tục làm cỗ đãi ăn mày! Xưa nay người ta chỉ bố thí cho những người không may phải đi ăn mày chứ có ai đãi ăn mày bao giờ?
Không kìm được tò mò, tôi tìm về hỏi cụ Chỉnh là người cao tuổi nhất làng nhưng một chuyện cười héo ruột lại cuốn vào tôi. Số là, đường vào nhà cụ phải qua sân nhà ông Khắc, ở góc sân nhà ông Khắc có một chiếc Minxk treo ga vào cành mít, tiếng máy cứ hộc lên rồi lịm xuống theo làn gió la đà.
Ông Khắc bảo cụ Chỉnh đang có việc qua làng bên và chỉ cái xe:
- Của thằng Rô bên Đa phúc.
Chẳng đợi đến lời mời thứ hai, tôi sà vào giỏ tích chè xanh và cái điếu bát nơi bậc tam cấp. Ngó vào trong thấy một cậu chàng quần áo lôi thôi đang loay hoay với cái bút bi ở bộ kỷ, dáng điệu rất buồn cười. Tôi lé nhìn vào, hoá ra cu cậu viết đơn xin bán ruộng.
- Bìa đỏ gửi trên bàn thờ tổ mà bây giờ lại có người làm đơn xin bán ruộng cơ đấy!
Đang đánh vật với cái đơn nên cậu chàng chẳng để ý lời châm chọc của tôi. Ông Khắc nheo mắt:
- Từ ngày sang ở rể bên Đa phúc, nó khoán lại cho tôi hai sào khoán Mười với thoả thuận nộp xong các khoản, cưa đôi.
Mỗi lần về chở phần lúa “cưa đôi” của mình, cậu chàng đều gạ bán nhưng ông Khắc chối. Chỉ được "chứng nhận quyền sử dụng" thì bán với mua cái nỗi gì! Thế mà, sau hai năm bốn vụ cấy rẽ, hôm qua ông Khắc nhắn nó sang.
Cái lưỡi lo ló cùng cái đầu bù xù hết nghẹo bên này lại nghẹo bên kia, nom cậu chàng hệt bức tranh anh nông dân hớt hơ thời cửa mới mở he hé. Mồ hôi rịn từ chân tóc nhễu xuống cằm, rớt cả xuống tờ giấy lem nhem. Đến dòng cuối cùng, cậu chàng hà hơi bóp ngón tay mời ông Khắc nghe:
- Con là Cấn văn Rô, sinh năm 1988 trú quán tại làng Đa phúc, có thửa ruộng hai sào tại cánh đồng L. bà Nữ Oa thuộc địa phận làng Nhởn, nay bán cho ông Nguyễn Khắc...  
Nhát gừng nhát tỏi rồi cũng đến ngày tháng năm bên bán bên mua, Rô rút trên gáy tờ bìa đỏ cuộn ống sáo, toè loe nụ cười phô gần hết hai hàm răng ám màu cá kho:
- Ông con mình cứ thế, ông nhỉ!
Đến lượt ông Khắc ngồi xoay bút. Con Minxk vẫn hộc lên lịm xuống làm lũ chó trong làng cứ tru theo mỗi làn gió thoảng qua. Rô hấp tấp dí ngón tay vào góc tờ giấy nơi có ghi hai chữ "người bán":
- Con mời ông!
Lại thêm một vết cặn dầu từ kẽ móng bôi vào tờ đơn xin bán ruộng.
Tiếng hừ của ông Khắc làm tim cậu chàng nhảy thót lên cổ. Nãy giờ nó chỉ chực vơ cục tiền trên mặt bàn rồi tót ra xớt bậc tam cấp. Những nền gạch Bát tràng rồi sập gụ, tủ chè và bộ kỷ Quết Đào màu cánh dán trong phòng khách làm nó ngại nhưng mơ ước lên đời con Wave Anpha như lửa đốt trong lòng, nó liều đặt cái mông quần tám tầng dầu mỡ lên mặt ghế. Cu cậu thì thầm với tôi:
- Mỗi khi nhìn những bà khách vắt vẻo sau lưng cái thằng cha mới mua con "Uây" mới coóng, cháu điên ơi là điên.
Nhìn vẻ mặt nó, tôi đoán khi người ta đi rồi chắc cu cậu phải giáng cho cái yên độn chăn chiên kia một cú mà thề kiểu gì cũng phải lên đời con “Uây”!
Thế mà lúc này ông Khắc cứ xoay mãi cái bút...
                                                                                                                                                            *
                                             *    *

Nhận được lời nhắn của ông Khắc, Rô phấp phỏng còn hơn hôm sửa soạn sang Đa phúc ở rể. Chưa sáng rõ, nó dậy tháo bu di quấn dẻ tẩm dầu đốt rồi lắp vào động cơ chổng đít đạp mấy chục nhát. Khi máy nổ, nó gạt đống cờ lê mỏ lết tọt vào gậm giường để tót thật nhanh cái mông bết dầu mỡ lên cái yên gia cố. Nhưng, hên buổi sáng chỉ theo nó đến nửa đường. Tay ga bị trượt, vỏ nhựa lâu ngày bở như vỏ bưởi không giữ nổi núm chì, nó rút dải rút quần nối vào nhấp như câu lươn để chạy cho kịp cái hẹn hai năm đợi chờ. Giờ để chắc ăn, nó treo ga lên cành mít mặc cho gió đưa gió đẩy.
Ông Khắc đặt lại tờ giấy và cái bút xuống bàn, thằng Rô hoảng:
- Ông giúp con lên đời con “Uây”...
 Mặc lời van vỉ của thằng Rô, ông Khắc ra bậc tam cấp nhẩn nha vê thuốc lào. Mấy nhịp tóc tóc mào đầu cho hơi rít lõm má rồi một giọng khàn quánh chui qua vòm khói đang ưỡn ưỡn cụp cụp:
- Cái tên cánh đồng… khó ký...
Đấy là ông chê cách ghi tên cánh đồng của thằng Rô và lo việc xin chữ ký xác nhận mua bán ruộng sẽ khó khăn. Hai chuyện khác nhau hoàn toàn nhưng thằng Rô không hiểu, nó cứ tự hỏi vì sao việc ký lại khó ở cái tên cánh đồng? Từ ngày lên bảy lên tám nó đã thấy người làng gọi cánh đồng ấy là đồng L…bà Nữ Oa, chỉ riêng cụ Chỉnh gọi là đồng Nồn và mấy bà mấy chị gọi là đồng Xẹo. Những năm trước nữa, loa hợp tác vẫn kêu bà con chặt chuối đóng bè vớt lúa trên cánh đồng cũng bằng cái tên ấy. Sao thế nhỉ? Ừ thì đồng Xẹo này! Nó đè tờ giấy viết thêm một chữ Xẹo thật to. Không dám tẩy xoá giấy tờ quan trọng, Rô ta mở ngoặc đóng ngoặc bốn chữ đã viết!
Làn khói thuốc lào còn chưa hết ưỡn ẹo thì bà Khắc không biết từ đâu hiện ra chộp tệp tiền trên mặt bàn cất vào tủ. Nghe chồng nói khó ký, bà lo. Xưa nay bà có một tâm niệm giữ tận đáy lòng, công quyền và tiền bạc là hai chuyện không thể lơ mơ. Bà lầm bầm mua với chả bán rồi nhét chùm chìa khoá vào cạp quần, cun cút đôi quang gánh ra ngõ. Ông Khắc chỉ kịp ớ được có một tiếng còn thằng Rô thì nghệt mặt từ lúc cái càng khoá nguặp vào ổ khoá đánh xoạch.
Ông Khắc dặn đừng nói với ai nhưng thằng Rô mắc chứng mau mồm. Đã mau mồm lại thẳng ruột ngựa nhưng lỗi lớn là tại cái con Minxk cứ phành phành. Người làng hỏi về làm gì đấy, cu cậu sợ thất lễ với người ta nên đáp rõ to:
- Viết giấy bán ruộng cho ông Khắc!  
Thế là người ta kéo nhau đến nài nỉ ông Khắc làm ơn làm phúc mua hộ đám nọ đám kia. Mấy hôm sau, anh đại lý đã vào đề nghị ông Khắc ký hợp đồng phân vi sinh, chị hàng xay xát xin đặt cọc để mùa tới độc quyền bao tiêu sản phẩm. Mấy cậu thuỷ nông cũng ghé vào xin hút nhờ điếu thuốc để xa gần kênh mương nội đồng không thuộc diện miễn thuỷ lợi phí, nếu thích đánh quả đánh trái anh em sẽ…
Chuyện đã đâu vào đâu mà làng Nhởn cứ rối tung làm bà Khắc ham lo lại càng thêm lo. Đồng Xẹo lầy nửa bụng trâu ngày xưa đã phải thuê người, rồi ra biết sẽ thế nào? Hoang mang, bà đay ông uống phải thuốc lú, mới từ năm Ngọ năm Mùi mà đã... Thế là hai ông bà giận nhau, cái cớ tận đẩu đâu nên nỗi giận của bà khó trút ra thành lời. Bà cứ vậm vụt cắt cỏ, băm bèo, phần việc mà ông bà phân chia một cách tương đối. Còn ông, tưởng vợ giận tí rồi thôi ai ngờ gần nửa tháng trời bao nhiêu người đến chào bán ruộng mà bà cứ im như hạt thóc trân. Khách vẫn đến nhưng ông giảm hẳn sự mặn mà, chùm chìa khoá kia mà không được lôi ra thì ông còn dám mặn mà với ai.
- Từ ngày có khoán Mười rồi đến bây giờ vào đápliutiô - ông phát âm theo cô MC trên tivi - thời buổi đã khác lắm. Ví như chuyện thuê nhân công, ngày xưa gọi là bóc lột nhưng bây giờ được tuyên dương tạo việc làm…
Thấy bà tươi nét mặt, ông cao hứng:
- Hạt gạo làng ta muốn ra thế giới thì đồng điền phải xoá đi những đám toen hoẻn như cái bàn tay ếch.
Ông ước ao nếu có quyền sẽ đôn chỗ cao phụ chỗ thấp, cấu trúc mương máng tưới tiêu, đường ôtô vào ra thoải mái. Chỗ úng tạo mặt nước nuôi cá nuôi tôm, chân rẻo vàn cấy lúa, trồng màu… Những điều ông nói chẳng khác gì cái tivi mà bà dừng tay băm bèo từ lúc nào.
- Sắt thép xi măng đều có thể đổi từ gạch đỏ mà đất làm gạch đỏ thì lấy từ những cồn những hộc...
Vẫn đang còn giận ông nhưng bà đã không còn giữ nổi sự lạnh lùng. Những cực nhọc nửa đời đã trải hiện về, cái máu làm giàu lại trỗi dậy mà về khoản này thì bà chẳng kém ông nên suốt mấy tuần liền, cứ ngơi tay cám bã là hai ông bà ngồi tính toán rồi cùng ký vào đơn xin vay tiền.
Đơn của vợ chồng ông không được duyệt. Có đến mồng thất ngân hàng mới cho vợ chồng ông Khắc vay tiền mua gần chục mẫu ruộng Khoán Mười. Thế chấp nhà cửa ao vườn, ruộng mua đến đâu thế chấp đến đó, cam đoan trả lãi trả gốc đúng kỳ… nhưng những cửa ông đến đều một giọng đùa đùa:
- Bác chỉ cho ở đâu có chợ bán hùm để các cháu đi mua một con về mổ lấy tí gan!
Bà Khắc ngán ngẩm:
- Chẳng đáp liu đám liếc gì nữa sất!
- Cái bà!
Cả đời ông Khắc chết mê chết mệt với cây lúa. Từ gót chân lên đến đỉnh đầu, chỗ nào người ông cũng dính bùn. Được vật vã với mạ rài, được xọc hai bàn tay vào rổ phân trâu phân lợn mà vung rải trên ruộng lúa đương thì rờn rỡn trong nắng mai là niềm hoan lạc vô bờ của ông. Rồi khuya sớm theo nước, lúc lưng lúc se, chiều cây lúa như chiều con mẹ đàn bà sắp cữ, đôi bắp chân ngày ngâm bùn mấy bận, người ông sảng khoái, sâm nhung hổ cốt còn thua.
Nhưng ông Khắc cũng chỉ dám ớ lên khe khẽ rồi lẳng lặng tìm cách xoay.                                                   
                                                 
                                                   *
                                                *    *

Cánh đồng có những ba cái tên mà cái tên nào cũng chết cười làm tôi không kìm được. Bao đời nay người làng Nhởn vẫn dùng mấy cái tên oái oăm ấy để giao dịch với nhau ư? Rồi giấy trắng mực đen sổ điền sổ bạ, người ta ghi chép thế nào nhỉ?
Cụ Chỉnh sang nhà người cháu ở làng bên vẫn chưa về, đằng nào cũng phải chờ nên tôi lần mò tìm hiểu. Sách Địa chí ghi đất này đời Hán thuộc có tên là Cư phong, khi nhà Đường đô hộ đặt lại là Di phong, lúc thuộc châu Hoan khi về châu Ái. Cư phong là gió ở nghĩa là lốc, Di phong là gió chạy nghĩa là bão, nếu cứ suy từ cách đặt tên thì người làng Nhởn đã bao đời cam chịu bão gió. Nhưng xem ra người ta đã tìm được cách thích nghi. Tầm non trưa cuối chiều, đi làm đồng về các ông các bà ghé vào uống chè xanh và hút thuốc lào dưới vòm hai cây duối dại giao uốn thành hình mái nhà mà tào lao đủ thứ chuyện.
          - Sẻn so mấy trăm tiền thuốc diệt cỏ mà úp mặt vào bươi với móc để lá lúa nó cứa cho sần kết lên kìa. Nom chẳng khác cái bánh đa kê!
          - Lúa sắp cấn đòng mà chưa trả tiền cày cho người ta à? Hay là để gặt xong!
          - Con Mơ nhà tôi tiết dịch mấy hôm nay, chiều tôi dắt sang nhờ con Đực u nhà bác vài bận kiếm con bê u nhé!
          Trưa nay, cái ống điếu đang chuyền tay thì trong làng vọng ra một giọng đàn bà ngân nga:
- Choa bới năm đời mười đời cái đứa tháo nác cánh Nồn nhà choa. Lọ nhà choa đang lên như kỳ gặp gió mà bay đào rãnh bay cạy bờ, ruộng mất nác có khác chi…
Âm sắc dập dìu như sóng lượn nhưng thật tiếc tôi không hiểu hết thổ âm. Đám chè xanh thuốc lào thấy tôi ngơ ngác đã dịch “Tao chửi năm đời mười đời cái đứa tháo nước cánh Nồn nhà tao. Lúa nhà tao đang lên như cờ gặp gió mà chúng mày đào rãnh, chúng mày cạy bờ, ruộng mất nước có khác gì…”
Một ông bật tách que đóm đang châm:
- Thôi chết! Không khéo thằng cò nhà này…
Lúc sau đã nghe tiếng ông bắt thằng con trót dại sang xin lỗi hàng xóm và răn một câu như chém đá: Tao cấm cái trò đào củ không ủ gốc ấy, nghe chưa!
Chửi mắng như hát mà lại toàn dùng lời ông bà xưa... Chưa nghe hết lời nhận xét của tôi thì một bà đã chặn ngang:
- Cần răn ai người ta mới phải chửi chứ! Mà chửi không ra bài thì chửi làm gì?
Cái ông ngồi cạnh ý chừng thông cảm với tôi:
- Chửi mà không cãi, ông ạ. Nhờ chửi mà nếp làng không mất!
Nếp làng không mất nhờ chửi thì dưới gầm trời này có lẽ chỉ duy làng Nhởn! Tôi thật sự kinh ngạc. Suốt chiều dài dãy núi có bao nhiêu ngôi làng thì có ngần ấy dị biệt nhưng cái sự dị biệt của làng Nhởn quả là trời so với vực. Câu nói “Nước có thể mất nhưng làng không mất” có lẽ đã thấm ra từ những mạch nguồn này chăng?
Khi cụ Chỉnh về, tôi đến ngay. Thật bất ngờ, ông già nửa Nho nửa Quốc ngữ ấy lại dễ dãi đến thế. Đáp lại câu hỏi về ba cái tên cánh đồng là tràng cười kha kha thật dễ lây nhưng khi nghe cụ giới thiệu về dòng tộc nhà cụ với những cái tên anh Chấn, em Chỉnh, con Nghiêm, cháu Khắc… thì nụ cười của tôi tắt hẳn.
  Khởi thuỷ làng Nhởn là một ông quan họ Nguyễn thất sủng cuối thời Lê đã đem ba đứa con trai vào dãy Na sơn dựng túp lều nơi lũng Chân Chim. Qua bao thăng trầm dâu bể, cái lũng Chân Chim lại có duyên với bao quan lại mạt triều thời Nguyễn… Mảnh đất được tạo thành bởi hai dải núi giống kẽ chân một loài chim, từ một nhà đã thành chòm rồi lớn thành xóm, đến nay là làng Nhởn. Nhởn, theo tiếng Việt cổ nghĩa là chơi, cụ Chỉnh bảo thế, chả trách tôi tra những cuốn từ điển thời hiện đại mấy ngày mà chẳng thấy!
Vây ba phía cánh đồng là đầm lầy. Đó là dải đất thấp trũng một bề liền vào núi còn hai bề kia thót dần bởi hai con hói có tên hói Bà và hói Ông. Hai con hói gặp nhau trước cái cống Chấn Thủy thông ra sông Cơn đầy vơi theo con nước sáng chiều. Đất bồi lắng rất phì nhiêu nhưng chỉ có lau sậy và dứa dại nên đã rậm ngày càng thêm rậm. Với lại, đi thêm thôi đường, tre gỗ Ngàn Na đầy ra đấy ai cần những thứ đó làm gì. Bọn trai làng trêu nhau đứa nào chặt lau sậy ở đấy về đun là đút lông lá lồm xồm của bà Nữ Oa vào mồm ông Táo.
Sông Cơn chín tháng lờ đờ, đến giêng hai nước xuống ròng kiệt chỉ mấy sải bơi đã dẫm phải bùn của bờ bên kia. Nhưng đến tháng bảy tháng tám, mưa thượng nguồn đổ về tuôn ồ ồ qua miệng cái cống sứt sẹo ngược vào đồng. Người làng Nhởn bảo ông Tu Tượng với bà Nữ Oa lại “nứ” rồi vác nơm vác dậm ra đồng.
Cuộc sống còn nhiều hoang dã nhưng dòng dõi vẫn nhắc nhớ trai làng không quên đèn sách. Anh trai cụ Chỉnh là cụ Chấn, tức là ông nội ông Khắc, mở lớp dạy chữ Nho đến thời quốc ngữ thì hết học trò. Các cụ xoay ra chặt lau sậy và dứa dại, khai vỡ đầm hoang. Mỗi năm một ít, gần chục mẫu ruộng hình thành. Tiếng là bỏ tiền thuê người nhưng các cụ tất tưởi mắt nhìn trời, tai nghe đất, đời cây lúa nước ba tháng mười ngày đồng nghĩa với hơn một trăm nỗi lo đè trĩu. Được cái, rốn bão giữ cho các cụ vóc vạc lực điền, thầy đồ vùng Hoan Ái chẳng thua kém lão nông lại biết tính toán căn cơ nhờ đọc sách. Cụ Chỉnh kể rằng, tháng giáp hạt ngoài đồng lúa đã tốt bời bời mà trong nhà cót đại cót tiểu còn chất thóc phì hông.
Cái sự cơ cực là bởi mưa gió thất thường chứ thổ nhưỡng đồng này không chê vào đâu được. Lá cây Ngàn Na trộn cùng phù sa sông Cơn bồi đắp màu mỡ đến cánh bèo còi sau lụt còn vương lại cũng lên xanh. Cây mạ đặt hôm trước hôm sau đã bén rễ. Nếu không biết cách điều chỉnh phân gio thì chỉ tốt lá mà chẳng cấn đòng, bệnh ấy làng Nhởn gọi là bệnh lúa lốp. Đã mấy vụ hỏng ăn vì lúa lốp nên người ta gọi cánh đồng này là đồng Nồn. Nồn cũng là một từ Việt cổ, nghĩa là quá béo nên không sinh sản được, ví dụ con trâu béo mà không chửa đẻ thì gọi là con trâu nồn. Cái tên thứ nhất của cánh đồng được sinh ra tự nhiên là vậy, sau này thấy đám thầy cô không chữa nổi bệnh ngọng của trẻ con nên các bà bảo nhau gọi sang cái tên thứ hai là đồng Xẹo.
Cụ Chỉnh lại cười kha khả:
- Anh có biết hai câu L. bà Nữ Oa bằng ba mẫu ruộng/ C. ông Tu Tượng mười tám đòn khiêng…
Ngớ cả người vì cụ chẳng đọc tắt đọc tiếc gì, mặc dù tôi không lạ hai câu này. Cụ dẫn tôi vào gian sau, đôi câu đối sơn son thiếp vàng khắc chạm hai câu cụ vừa đọc bằng chữ quốc ngữ dựng bên tường. Từng chữ gò lại như những cái triện, hai chữ L. C. trên nền sơn đen nhánh chằn chặn nét vàng. Theo lời cụ, hai câu này dịch ra từ chữ Nho của cụ Hoàng Giáp người làng Nhởn thời Lê Trung hưng. Tôi lặng cả người. Sự trào lộng của một bậc đại khoa quen gió mây trăng tuyết đã đáng cúi đầu mà người nghệ sĩ thời quốc ngữ gieo tài lên gỗ mít như rồng bay phượng múa thế kia lại càng đáng cúi đầu mấy lần hơn. Có lẽ linh khí Na sơn tụ vào cái làng ham đùa này, cụ Hoàng giáp là người mẫn cảm nhất nên bị vật mà bật ra chữ nghĩa như bùn đất tre pheo, như núi như sông ngổn ngang sim mua lau sậy. Và tôi cảm được cái vẻ phóng đãng như ngọn gió qua đồng, cái sự cân chỉnh như đôi vai lực điền của đôi vế đối.
Theo lời cụ Chỉnh, đôi câu đối này cũng mang thân phận nổi chìm. Ngày phá nghè Hoàng Giáp lấy đất lập trại chăn nuôi, mấy bà xã viên đem đôi câu đối ra chắn chuồng lợn. Có ông hàng cá từ mạn biển lên, không biết vì sao lại đổi niêu cá trích. Khi đất nước yên hàn, cụ Chỉnh lần tìm, đôi câu đối đã về đến tận bảo tàng tỉnh. Cảm cái tâm cái tình của cụ, người ta cho cụ mang về nhưng nhà không có chỗ treo đành phải dựng cùng bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh. Đến ngày Khoán Mười thóc lúa dư dả cụ tìm thợ về cắt vá sơn sửa, đám đàn ông làng Nhởn lại được một phen bông phèng. Cứ động đến chuyện cày bừa cấy gặt ở cánh đồng Xẹo là đem mấy chữ ở đầu vế xướng L. bà Nữ Oa ra mà tán. Xuất xứ của cái tên thằng Rô đóng mở ngoặc mà tôi chờ non tuần giời để hỏi cụ hóa ra là từ những trận cười như vậy.
                                                          
                                                            *
                                                         *    *
                                                
Phải đến Mồng Tám tháng Tư năm nay tôi mới có cơ hội được chứng kiến bữa cỗ đãi ăn mày. Cả làng Nhởn, từ lứa tuổi Teen rồi 8X, 9X cho đến 0X như cụ Chỉnh… ai cũng tất bật. Chuẩn bị xuống đồng gặt chiêm, làng cử một đoàn lên đền Na tạ ơn các vị linh thần và nhân thần. Thằng Rô đã trở về làng Nhởn, không biết đã bán được ruộng chưa nhưng hôm nay nó cưỡi con Wave Anphal màu xanh dương mới toanh, chở cụ Chỉnh đi làm chủ lễ. Theo sau Rô là một đoàn xe máy do các thanh niên cầm lái chở nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh và các em thiếu nhi ra đi từ đầu giờ Thìn. Cờ phật cờ lá chuối cắm dài từ đường lộ đến tận đình làng. Đãi ăn mày mà có cả hát chèo, đấu vật, đánh khăng, đánh cù… từ sáng tới khuya rôm rả lắm.
Bên cầu ao còn hai bộ da trâu gấp vuông vức buộc lạt tre, mùi tanh nồng kéo lũ nhặng đến vù vù. Người ta bảo những năm trước ăn mày khắp nơi tụ về giờ này đã chật sân đình rồi nhưng hôm nay tôi chỉ thấy những người ăn mặc sạch sẽ, con cái bìu rệch nhưng không lếch thếch lôi thôi.
- Ngày xưa mới đông chứ bây giờ làm gì còn ăn mày!
- Thế mà vẫn giết hai con trâu và mấy con lợn?
- Làng mổ làng ăn ấy mà
Đàn bà trẻ con ngồi vòng tròn quanh mâm cỗ là cái nong to. Thịt trâu, thịt lợn luộc thái miếng cùng với xôi trắng chấm muối ớt rắc mì chính, món nào cũng đựng trên tấm lá vả hái trong ngàn Nưa, nong nào cũng đầy ngồn ngộn mà các bà các chị nhà bếp còn liên tiếp bổ sung thêm. Ai no nê rồi ra cái bàn ngoài tam quan nhận nắm xôi và miếng đảnh lợn luộc gói lá chuối đã hơ qua lửa, đem về nhà lúc nào thích lại ăn.
Khổ nhất là đám nam giới, uống rượu mà không được hò hét nên nom thật khác thường ngày. Toàn những anh em quen vật đất đấu, nồi bẩy quăng ra nồi ba bê vào mà hôm nay cứ phải nhắc nhau be bé cái mồm, mắt còn len lét vào ba gian đình trung thì quả là khác với thường ngày lăm lắm.
Ngoài sân nhốn nháo nhưng tuyệt nhiên không một ai héo lánh vào ba gian đình trung cụ Chỉnh đang lễ yên lộ cầu mưa thuận gió hoà. Tôi chợt hiểu: đây là ngày dành cho mỗi con người làng Nhởn. Bao nỗi niềm truyền đời trĩu nặng từ ba trăm năm trước, ông bà tổ tiên họ đã được thiên hạ bố thí mà lê lết đến đây. Ăn mày là thân phận đầu tiên, rồi bão lụt, giặc giã, dịch bệnh... ba trăm năm đâu có ngắn ngủi gì. Tất cả, tất cả đã hun lại một nhu cầu tâm linh, nhu cầu ấy đã nhắc nhớ muôn đời con cháu cày cấy chăn nuôi làm ra thật nhiều gạo thịt để đãi ăn mày thiên hạ lấy một bữa!
Tôi tìm ông Khắc vì cái xe mới của thằng Rô. Gạn gùng mãi ông mới kể chuyện ra phố tìm người em trai tên là Chế, giọt máu trên giọt máu dưới mà ông em lạnh hơn cục nước đá khi nghe ông anh nói chuyện mua ruộng. Không phải ông em ngại anh trai vay tiền mà sự lạnh lùng có nguồn gốc từ một ký ức còn hằn trong tim người xa xứ. Cánh đồng Xẹo rộng hơn mười mẫu do tay ông bà khai khẩn đã đưa nhà lên địa chủ, lý do ông em ly hương cũng từ đấy mà ra. Sống ở phố với tâm trạng nặng nề, chuyện mua bán liên quan đến tích tụ ruộng đất càng làm ông em nghe đã thấy ghê. Cho nên em ông đã bán căn hộ tám mét mặt phố để mua căn hộ chung cư, lại chọn tầng áp mái cho xa thêm mặt đất. Rồi đến cái đận nhà thông gia vào nam cho vợ chồng con gái ngôi nhà, chúng nó đang ở nước ngoài không về được nên ông em bỏ tiền khoán công chứng chui để được ghi hẳn hòi tên chúng nó...
Phản đối việc mua ruộng nhưng ông Chế không thể không cho ông Khắc số điện thoại của con. Ông ngạc nhiên vô cùng khi con ông mới nghe qua kế hoạch của bác đã ô kê cho vay cả đất cả nhà.
Nhìn ông Khắc nhô cái đầu gối như cái mấu tre kẹp chiếc rađiô to bằng bánh thuốc lào vào tai để nghe bản tin thời sự, tôi không nhịn được cười. Hỏi ông đã mua được bao nhiêu ruộng, ông cứ hấp háy nhìn qua ô cửa hình mặt nguyệt của gian tả vu đình làng Nhởn…
                                                                  Xứ Thanh - 3/2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét