Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Đường về

Đường về


Nhà bà Nễ với nhà tôi cách nhau mỗi rặng cúc tần. Ông Nễ mất đã lâu, người con duy nhất của bà là anh Nê đi bộ đội cùng đợt với tôi đã hy sinh ở bờ sông Sài gòn tháng Tư năm Bẩy lăm, bà được nhà nước phong Mẹ Việt nam anh hùng. Huyện xây cho bà ngôi nhà tình nghĩa, đêm nào bà cũng chong đèn, thắp hương khấn vái. Tôi lo đêm hôm một mình bà lọ mọ nhỡ trúng gió nên phải thức theo bà và được biết điều bà lo nhất là sau này không còn ai đón ông Nễ và anh Nê vào ngày giỗ.
- Giỗ là dịp hai cõi gặp nhau… 
Bà luôn nói câu ấy. Tôi không tin nhưng nghe mãi rồi cũng ảo tưởng anh Nê chưa chết. Anh chỉ dạt vào đâu đó như bao người trong cảnh loạn lạc, một ngày nào đó anh sẽ trở về. Bà lại nói rằng có một chuyện cần thưa nên đêm nào cũng thắp hương khấn mời ông về, hy vọng gặp ông. Trước bàn thờ, bà lầm rầm như ông đang ngồi trước mặt:
  - Ông ơi, tôi biết lỗi của tôi lớn lắm! 
  ... Hôm nay nhà bà có khách, khách là người Thái lan, đi tìm cha và anh trai. Anh người Thái này không sõi tiếng Việt nên bà phải ới tôi qua hàng rào cúc tần, cuộc nói chuyện của tôi với anh ta chẳng khác gì đánh vật!
          - Đã đến hai làng có tên là Tống Liễm rồi, không nhà ai có bố tên là Nễ và con tên là Nê...
          Anh nói vừa sai vừa lắp lại ngập ngà ngập ngừng, tôi cố nghe mà chắp nối lại như vậy.
Không có một chút gì gọi là hào hứng nên tôi chỉ đà đưa:
          - Thế, khác gì mò kim đáy biển!
  - Nhà này có bố Nễ con Nê không?
Anh cụt lủn câu hỏi ấy đến mấy lần nên tôi phải giải thích cặn kẽ:
          - Tống Liễm là tên ngày xưa, bây giờ chỉ gọi là làng Tống!
          - Phải có bố Nễ con Nê mới đúng nơi tôi cần tìm!
          Hoá ra anh người Thái này đi đến đâu cũng chỉ mỗi một câu hỏi xem nhà nào có bố tên là Nễ con tên là Nê người làng Tống Liễm! Thật may cho anh, nhà này có cả hai bố con anh đang đi tìm, chỉ còn cái tên làng không có chữ Liễm, tôi nói với anh người ta cắt đi không biết từ bao giờ.
          Bà Nễ đang sàng gạo, ngày nào bà cũng đem gạo ra sàng. Những hạt gạo xoay tròn đuổi nhau rào rào trên mặt sàng nhắc nhớ bà một điều không được phép quên. Thỉnh thoảng mới có hạt thóc còn sót trồi lên, bà run run hai ngón tay khô khẳng nhón nhặt bỏ vào cái cóng bơ, công việc đơn giản ấy mà bà thận trọng như đó là lời dặn dò của chồng. Nỗi thắc thỏm trong lòng vẫn chẳng nguôi ngoai, bà chống tay xuống nia nhìn trời: Ông ơi! Tôi chưa lên bản Mày…
       Ngày xưa ông cầm đầu một phường buôn trâu từ thượng nguồn sông Chu sông Mã, có chuyến qua tận Sầm nưa, Xiêng khoảng về bán khắp mười hai chợ vùng lúa Đông sơn, Nông cống xứ Thanh... Mỗi chuyến ngắn cũng vài tháng, có chuyến dài đến nửa năm, túi thuốc ký ninh lúc nào cũng thủ sẵn bên người. Trận sốt cuối cùng, ông dặn bà lên bản Mày đón anh Lê nhưng chưa hết câu thì đầu ông đã nghẹo không còn biết gì nữa. Bà kể cho tôi nghe chuyện ấy sau cái đêm bát hương bốc hỏa đùng đùng, tôi run đến cứng đơ cả lưỡi mà bà lại mừng chảy nước mắt, hai tay cứ chắp lại mà vái mà gọi ông ơi, ông ơi. 
Có lần tôi hỏi chắc lúc còn trẻ bà hay ghen lắm phải không thì bà đáp “Vôi nào mà vôi chẳng nồng” thay cho lời thú nhận. Nỗi ân hận trong lòng bà cụ chín mươi có căn nguyên là như vậy.
Tưởng bà chẳng để ý đến câu chuyện của anh người Thái nhưng bà đã cất gạo cất sàng, đi vào:
- Có một vật làm tin là hai mảnh sừng trâu!
Nhanh như chớp, anh người Thái thò tay vào trong áo nắm nắm vật gì. Nét mặt anh cứ thoáng tái xạm thoáng đỏ ửng, mắt anh không rời từng cử chỉ của bà Nễ.
- Nhờ bác lấy giúp cái ống bương trên kia. Bà bảo tôi.
Tôi lấy cái ống bương gắn nắp bằng sáp ong gác trên háng kèo(1)xuống mở ra, bên trong là những cuộn giấy đã ố vàng và mảnh sừng bằng nửa chiếc lược có hai chữ Nê và Lê. Anh người Thái lập tức lôi trong ngực áo ra một mảnh sừng mòn bóng cũng có hai chữ như vậy rồi ghép với mảnh trong ống bương của bà Nễ. Rất khó tả vẻ mặt của anh, hai mảnh sừng khít rịm, nước mắt anh lặng lẽ chảy ướt cả hàm râu lởm chởm sợi đen sợi bạc. Tôi hiểu anh xúc động đến nhường nào nên cứ lặng yên cho anh khóc. Lát lâu sau, tôi se sẽ nắm tay anh:
- Hành trình tìm quê cha đất tổ của anh qua bao khắc khoải nhọc nhằn hôm nay đã tới đích.
Anh ngọng nghịu kể rằng mẹ anh tên là Bun Khăm, mẹ bảo bố đã ghép họ Lê của bố với họ mẹ là Bun Khăm thành tên anh với nghĩa là họ Lê có một bông hoa.
- Thế thì xin gọi anh là anh Lê.
Tôi chưa nói hết bà Nễ đã xua tay, bảo rằng anh Lê là em anh Nê, tôi nên coi như một chú em. Còn anh Lê bây giờ đã hết ngập ngừng, câu chuyện của anh dễ hiểu hơn. Vừa nghe anh kể tôi vừa lấy nốt những cuộn giấy trong ống bương và tẩn mẩn giở cuộn cuối cùng. Đấy là những ghi chép của ông Nễ từ ngày còn làm ăn, những tính toán tiền nong, những trang nhật ký…
Bà Nễ chỉ lầm bầm nên tôi phải nói lại cho anh Lê hiểu những lời dặn dò của ông Nễ trước khi nhắm mắt.
- Ông dặn tôi đi tìm thằng Lê về để hai anh em chúng nó khỏi mỗi đứa một nơi nhưng lên bản Mày tận biên giới thì tôi chẳng biết đường. Với lại lúc còn ít tuổi…
Bà không muốn nói về cái điều bà cho là có lỗi nhất: vì ghen mà để tuột mất hạnh phúc đoàn tụ của bốn con người. Thấy anh Lê đang chờ nghe, bà nói tiếp:
- Chỉ mong anh Nê mau lớn đưa mẹ đi đón dì và con nhưng mới cầm chắc cái cày, anh con đã phải đi bộ đội. Mẹ khuyên anh con đem theo mảnh sừng, biết đâu anh em lại gặp nhau ngoài mặt trận… may mà các anh chính sách còn mang về.
Bà nghẹn ngào nhắc lại “May mà các canh chính sách còn mang về” rồi kể tiếp, mỗi bận nhớ con bà lại đem các thứ ra vuốt ve, lần nào cầm đến mảnh sừng bà cũng giật mình. Nỗi canh cánh cứ lớn theo mỗi năm mỗi tật, bà đành cất vào cái ống bương gắn sáp ong mà cam lòng khất lỗi với chồng qua từng đêm trong ngôi nhà tình nghĩa.
Anh Lê ngửa mặt lên trời, ngọng nghịu một câu tiếng Việt:
- Mé(2)Bun Khăm ơi, con đã tìm được quê cha đất tổ!
Bà Nễ mở cửa ngôi nhà tình nghĩa, chỉ dẫn anh Lê thắp hương rồi khấn:
- Tôi là Trần thị Tuất vợ ông Lê văn Nễ, xin cẩn cáo cùng ông và con trai Lê văn Nê, hôm nay ngày Nhâm Tuất tháng Quý Ngọ năm Mậu Tý, con trai thứ của ông là Lê Bun Khăm...
Bà nghẹn ngào:
- Tôi chỉ lo khi về bên kia rồi không ai nhang khói cho bố con ông, càng lo càng thấy không lên biên giới đưa thằng Lê về như lời ông dặn là lỗi lớn lắm. Chả biết ông có hiểu cho tôi... Từ nay, việc thờ tự đã có thằng Lê, tôi mừng lắm ông ạ.
 Bà Nễ mở cái rương cũ lấy ra hai chiếc xuyến sành, trong xuyến đựng những khoen vàng, giọng bà càng nghẹn:
- Của bố dành cho hai đứa, anh Nê không về tôi giao cả cho anh.
 Anh Lê luống cuống:
- Con tìm được mé tìm được quê quán, tổ tông là phúc lớn rồi, những thứ này con mà nhận thì Phà(3) phạt vì chưa báo hiếu được gì...
Bà Nễ héo hắt:
- Xưa nay cha mẹ nào chả chắt chiu cho con!
Đôi mắt màu cùi nhãn của bà nhìn về đâu xa lắm:
- Để anh phải lưu lạc là lỗi của tôi, trời thương mới bỏ quá cho cái lỗi của tôi mà run rủi để hai mẹ con gặp nhau.
Bà đã mệt lắm rồi nhưng còn cố nói thêm một câu:
- Đây là lộc của bố các anh buôn bán, con nhận cho mẹ trọn bổn phận mẹ già của con.
Run run thắp tiếp tuần nhang, bà khấn:
- Ông ơi, việc cuối cùng ông giao hôm nay tôi đã hoàn thành. Vàng của hai đứa tôi đưa cả cho thằng Lê. Nó lặn lội đi tìm ông nên tôi thương nó như thương thằng Nê, ông ạ!

***                                              
Sắp vào mùa gặt, anh Lê xin bà Nễ cho về. Tôi rất muốn giữ anh lại thêm ít lâu nhưng không nỡ, chuyện gạo thóc xứ anh nổi tiếng được là nhờ ở sự làm ăn nghiêm túc của người nông dân. Với lại, phải xa đồng ruộng chắc anh sốt ruột lắm, nhất là lúc lúa đang đỏ đuôi ngoài ruộng đợi anh về.
 Tôi vẫn phụ trông coi ngôi nhà tình nghĩa, vợ tôi vẫn qua lại ngôi nhà gỗ xoan đun nước hương nhu cho bà gội đầu nhưng bây giờ chúng tôi đã có thêm lời nhờ rất trịnh trọng của anh Lê. Giỗ ông Nễ và giỗ anh Nê năm ấy anh Lê không về được, tôi nhớ câu giỗ là dịp trùng phùng của bà Nễ mà tiếc: nếu ông Nễ và anh Nê về thật thì thiệt thòi cho anh Lê quá.
       Vài tháng đổ lại đây tôi không dám rời bà cụ. Cũng may là mỗi bận cụ còn cố được lưng cơm và ngủ được một giấc ngắn. Những lúc ấy tôi đã đọc không sót một tờ giấy nào trong cái ống bương gắn sáp ong và hiểu thêm một quãng đời ông Nễ.
Phường buôn của ông chỉ kinh doanh một mặt hàng duy nhất là trâu cày. Một nhà đặt cọc mua những hai chục con, ông đổi tiền Đông Dương thành bạc hoa xoè rồi lên đường. Chuyến ấy phường đi Sầm nưa, đến bản  Sập Sùi, chọn những con trâu ức nở mông tròn, không có khoáy đầu xương(4), bốn móng khít khao tròn như bát úp. Đàn trâu được xâu mũi đóng ú(5) mỗi người cầm thừng dong con trước con sau một hàng dọc thúc thắc về xuôi. Khi qua bản Sầm Tớ họ mới biết con gái Nai(6) bản Sập Sùi là cô Bun Khăm đã đi theo.
 Những ngày ở bản Sập Sùi, Bun Khăm đã đưa Nễ đi tìm trâu qua nhiều cánh rừng qua nhiều con suối. Cô hồn nhiên mở mấn(7) cuộn lên đầu lội suối phăng phăng. Có một bận trượt chân, cô chới với bị dòng nước cuốn đi. Khi Nễ ào tới kéo vào cô cứ nhoài ra, giằng co mãi mới đưa được lên bờ. Không ngờ Bun Khăm lăn ra bãi cỏ, bắt đền:
- Ma mày sang người tao rồi, hai ma đang đánh nhau, tao chết mất!
Tín ngưỡng của bản cô đoan rằng mỗi người có một ma riêng, ma ai canh sức khoẻ, tâm hồn và tài năng cho người ấy nên rất kỵ ma người khác xâm phạm! Nễ không biết rằng xoa đầu con trai, cầm tay con gái là hai điều tối kỵ, anh đã cầm cổ tay Bun Khăm, đã chạm vào ngực vào đùi khi dìu cô qua cả một đoạn suối dài, nói như Bun Khăm là lâu bằng cả một lễ thành vợ chồng của thầy cúng. Bây giờ ma của Nễ đã sang Bun Khăm, hai má cô phừng phừng như lửa, đôi mắt cô ngầu lên như dòng nước cuộn dưới kia, cô nhất định bắt Nễ làm vợ chồng với mình.
- Nhưng anh đã có vợ rồi!
- Mày lấy hai cái vợ cũng được mà, tao khó thở lắm rồi, mày không làm vợ chồng tao chết mất...
Rồi Bun Khăm đổ ụp vào Nễ như một khối lửa.
Nếu là cô gái khác, chuyện hai người sẽ được đem khoe khắp mấy bản dưới rặng Pha Kúc. Rồi chàng trai đến dựng bàn tay trước ngực xam bai pó mé(8), cởi con dao lá lúa và khẩu súng kíp treo trước cửa trước khi vào buồng ăn ngủ với cô gái suốt ba ngày ba đêm. Chạm cheo được miễn, tiệc cưới tổ chức sau đó cho đến ngày sinh con mới bàn chuyện tách nóc. Bun Khăm không đi khoe vì cô chờ Nễ về Việt nam lấy bạc hoa xoè sang làm đám cưới. Nhưng khi phường buôn xuôi rồi cô lại khó thở. Cô nói với pó(1)chuyện bên suối, pó của cô xử sự như tập tục ngàn đời của những người cha bản Sập Sùi:
- Mày đã bắt được cái chồng tốt. Hãy đi tìm nó về!
Nỗi nhớ như rừng động, Bun Khăm nhận con dao lá lúa cha trao rồi phăm phăm đuổi theo phường buôn trâu.

***

 Phường buôn của ông Nễ về đến bản Mạy thì dừng lại. Từ đây phải cho trâu lên bè xuôi theo đường sông do phường bè chuyên chở. Những chiếc bè luồng cao hơn một thước trên mặt lát ván và lợp mái lá cọ làm chuồng. Trâu hàng ngày được tắm rửa, ăn cỏ nhai rơm, những con gầy yếu nhốt riêng cho ăn thêm cháo cám. Nếu thông dòng sẽ mất hơn một tháng, lúc ấy con nào con nấy nom trùng trục như quả sim chín, khách mua khó tính mấy cũng phải hài lòng.
Bản Mạy chỉ có hai nhà, họ Quách dân tộc Mường, họ Lò dân tộc Thái, khác dòng khác giống nhưng họ vẫn phải ở chung với nhau vì đã nhận lời làm trạm trung chuyển cho ông Nễ. Nhà nào cũng thênh thang hơn chục gian nhà sàn, hàng ông Nễ đặt là trữ cỏ, trữ rơm, trữ gạo muối cá khô. Phường trâu, phường bè gặp nhau chưa hết mừng rỡ thì chiều hôm ấy, mấy tay phường bè chọc ghẹo Bun Khăm bị mấy tay phường trâu chửi cho là đồ "buôn bùn". Ai chả biết cái câu rẻ như bùn, mấy anh buôn bè phải bán mạng cho rừng thiêng nước độc mà vẫn nghèo rớt mồng tơi, bây giờ bị móc độc địa đến thế thì chỉ còn nước đem củ thụi ra nói chuyện với nhau.
Chuyện có nguồn gốc tự bao giờ. Miền quê ông Nễ có tục người mua gỗ cứ ra bến ưng cây nào thì kéo về làm nhà xong mới trả tiền, cánh buôn bè phải đi đòi nợ rã cẳng. Có cây gỗ rỗng ruột lúc kéo dưới sông lên bùn đất xục vào chẳng ai để ý, về nhà qua đục qua bào mới thấy ruột nó thông thống như cái bọng ong. Nỗi khổ của anh em sơn tràng kể sao cho xiết: gỗ thì đã phải kéo cây khác đến đền cho người ta nhưng hai tiếng buôn bùn đã loang ra hai ngạn sông chẳng bao giờ gột sạch.
Phường buôn bè bị phường buôn trâu móc mỉa tức quá nên móc lại là đồ “lái trâu”. “Lái trâu” cũng xóc óc chẳng kém gì “buôn bùn”. Quân ông Nễ đã chặt cổ gà pha rượu máu uống thề, nếu chẳng may sa cơ lỡ vận, gặp cảnh nghèo đói thì vác nhị ra ngồi gốc đa nơi bến đò hát xẩm chứ nhất định không bao giờ dây với cái lũ lái trâu ấy. Thế mà…
Lâu nay tôi cứ tưởng lái trâu là chỉ chung những người làm nghề buôn bán con trâu, bây giờ mới biết mình nhầm. Họ giống như cò hay chân gỗ bây giờ, lảng vảng ở đâu đó, thấy ai dắt trâu đến thì nhảy ra giật lấy dây thừng, mồm leo lẻo xin bán hộ. Trâu đóng khoáy ách khoáy đầu xương thì lấy phân trát vào, hôi thối thế ai mà bịt mũi mãi được nên lắm người cũng đành mua phứa đi cho xong. Gặp con nái tơ, chúng xì mũi dính vào đít, nói là đang cấn chửa không tin cứ vạch đuôi ra mà nhìn, chỉ đợi người mua có một động tác gì giống như là chìa tay ra hay là chạm vào dây thừng là ấn vào, dây thừng rơi xuống đất thì chúng sừng sộ nhặt lên tròng vào cổ người ta. Đã có bận hai bên đánh nhau nhưng cái anh bị đánh thâm tím mặt mày mới phiên trước dắt con trâu về phiên sau lại phải dắt ra nhờ chính cái thằng đấm mình bán hộ.
Tưởng hai bên “móc” nhau như vậy coi là huề nhưng lúc ăn cơm, cái cậu trêu Bun Khăm bị anh em phường bè chửi cho thậm tệ đâm ra nghĩ quẩn. Hôm ấy, con đực tơ cứ hung hăng hít mấy con trâu cái nên phải dắt lên bờ cột vào gầm sâm(8), đến đêm cậu ta mò vào quấn mấy vòng dây thừng loằng ngoằng chân trước với chân sau rồi buộc mối lên cao. Con đực tơ thấy vướng đưa chân sau lên gỡ lại bị quấn thêm mấy vòng dây thừng nữa. Nó sợ quá toan nhảy tránh nhưng mối thừng giật ngược làm nó ngã huỵch. Mõm và bốn chân túm vào một rò, con đực nằm ngửa thở hắt ra. Điểm yếu chí mạng của loài trâu là ở cái thế nằm này, dạ cỏ quá to, trên thì ép tim ép phổi dưới ép ruột non ruột già, chỉ một lúc máu lẫn bọt phì phì qua lỗ mũi, đường tiểu đường phân bê bết, tanh ngòm.
Tiếng huỵch ngã của con vật khiến mọi người giật mình. Họ vội xuống sâm lật sấp con trâu, kê ống nứa vào mồm đổ cả thùng nước ấm vào bụng nó rồi ngoáy cọng cỏ vào mũi bắt con vật hắt hơi. Màu sương trong mắt con trâu phai dần, nhịp thở đều lại, dưới bụng tè tè dòng nước khai mò. Đến khi nó thè lưỡi vơ nắm cỏ trên tay Bun Khăm thì mọi người mới thở phào số mình chưa mất của.
Hai phường lại chung lưng đánh vật với dòng sông, công việc nặng nhọc với những hy vọng lãi lời đã xoá đi mọi hiềm khích. Chỉ mình Bun Khăm là buồn vì phải ở lại chăm con đực tơ. Mấy năm ấy vùng lúa được mùa nên nhiều người đặt mua trâu cày kéo, ông Nễ rải quân đi các nẻo Mường, bè xuôi vẫn đều đặn nhưng họ đã phải tính với nhau chuyến buôn cuối cùng.
Tình hình chiến sự trở nên ác liệt, mạn Hoà bình tiếng súng nổ liên hồi, con đường phường đi nay đã nghìn nghịt bộ đội, dân công. Cả một vùng tự do đang đấu tranh giảm tô giảm tức, ánh mắt nhìn người đi buôn đã thiếu đi thiện cảm. Còn bao nhiêu tiền ông Nễ bảo bà Nễ mua vàng đóng vào xuyến gắn sáp ong, căn nhà vẫn để gỗ xoan lợp lá cọ giữ nếp bần hàn, tránh những cái nhìn như vậy. Ông cũng không dám đưa Bun Khăm về, đa thê là hủ tục của chế độ cũ, ông đành con thoi làng Tống bản Mày nhưng một cơn sốt rét đã không cho ông ngược lên với cu Lê ngày nó tròn một tuổi. Nhận được tin dữ, Bun Khăm vội địu con về chịu tang nhưng phần sợ bà Nễ phần nhớ lời pó hẹn, xuôi được nửa đường cô lại theo đoàn dân công ngược về quê hương nơi bản Sập Sùi.

***
Chỉ có một năm không về được rồi từ sau đó đến nay anh Lê về làm giỗ bố và giỗ anh trai đều đặn. Tôi vẫn thức với bà Nễ trong ngôi nhà tình nghĩa mà nghe những “tuyên ngôn” của bà về đám giỗ. Bà nói đội giỗ là đội núi Thái, chỉ có tâm linh ràng buộc mà nhà nhà con noi theo cha cháu noi theo ông, cử giỗ gánh giỗ cành dưới cành trên đều răm rắp. Tôi hình dung quê hương là mẫu số chung và đám giỗ là một ước số, nhờ cái ước số bất di bất dịch ấy mà con cháu mười phương nhớ ngày đoàn tụ.
Câu chuyện của bà đã có vĩ thanh, ít nhất là trong một tương lai nào đó anh Lê được hồi hương, vợ chồng con cái trở thành cư dân làng Tống cho nhà dưới nhà trên om sòm tiếng trẻ. Riêng tôi lại mong anh sẽ nói trôi chảy tiếng Việt để được biết thêm năm ấy bà Bun Khăm về bản Sập Sùi rồi vào Xiêng khoảng sau đó dạt sang Uđom Xay thế nào.
Bà Nễ đổ bệnh xem chừng khó qua, tôi y theo lời dặn báo cho anh. Mấy hôm sau anh đưa cả mẹ Bun Khăm và vợ con anh cùng về.
Làng Tống chứng kiến một sự thần kỳ: bà Nễ liệt giường đã mấy tuần lại nhờ người vực dậy. Bà muốn ôm bà Bun Khăm nhưng không nhấc được tay, lời dặn dò của ông Nễ bà cũng chỉ nói được đến nửa chừng nhưng câu “Dì đừng ngại ngùng gì cả. Xa sông xa núi chứ trong lòng tôi vẫn có mẹ con dì” thì bà lại nói rất rõ ràng. Năm ấy bà Nễ chín mươi tư, tất cả sức lực còn lại dồn vào cử chỉ cuối cùng và cũng chỉ kéo dài được chừng vài phút.
Vợ chồng anh Lê và mấy đứa con ôm quan tài khóc thống thiết. Chẳng ai biết tiếng Thái nhưng cả làng Tống ai cũng nghĩ than khóc ông bà cha mẹ nước nào chẳng giống nước nào.
                                                                       Xứ Thanh - 2008
--------------
      (1) Háng kèo: nơi tiếp giáp của đòn tay và những lỉa kèo của loại nhà tre gỗ
(2)Mé: mẹ; Pó: bố
(3)Phà: Trời.
(4)Khoáy đóng đầu xương: Cái khoáy ở vị trí đầu xương vai con trâu.
(5)Ú: vật bằng tre hoặc mây, xuyên qua vách ngăn lỗ mũi để buộc thừng trâu.
(6)Nai bản: Trưởng bản.
(7)Mấn: cái váy.
(8)Xam bai pó mé: Bố mẹ mạnh khỏe (Lời chào kính trọng).
(9)Sâm: Gầm nhà sàn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét