Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Người trèo kè cuối cùng



Làng Kè bao năm tĩnh lặng với tiếng gió rì rào trưa nay bỗng ồn ào do cú ngã suýt chết của lão Đãi trèo kè. Lão rơi từ ngọn cây cao gần hai mươi mét, may mà bùn và nước ao sâu đã không quật lão chết tươi. Người ta khiêng võng đưa lão đi cấp cứu nhưng đến giữa đường lão lồm cồm ngồi dậy. Lão bảo lão không bận gì. Lúc lão được móc từ dưới ao lên, lão cũng chỉ thấy tức ngực, bây giờ cầm chân cầm tay nâng lên hạ xuống không thấy đau, vặn đi vặn lại xương sườn xương sống vẫn còn kêu lục cục. Thế là người ta lại vác cây đòn khiêng cắp cái võng dù cùng lão nói cười vô tư cuốc bộ về làng.
Lão đã bán hai trăm gốc kè(1) cho một khu du lịch sinh thái biển. Lão tự nhủ những cây kè của lão sẽ được bứng về trồng nơi biển khơi lộng gió, được tỏa bóng che mát cho khách thập phương và điều an ủi hơn tất cả là nó được sống ở nơi người ta đang cần đến nó.
Hợp đồng đã ký, nhà thầu đưa xe máy đến nhưng lão xin cho lão trèo chặt lứa lá cuối cùng. Hai trăm gốc kè đã lớn lên cùng lão, xù xì gai góc như chính đời thợ trèo kè của lão. Lão muốn được ôm từng gốc kè, được ngồi trên những cuống lá đầy gai cùng tiếng gió rì rào mà chắc chắn sau này sẽ không bao giờ còn gặp.
Gần trọn đời bung beng trên ngọn kè, tính lão đã quen việc gì xong là coi như hết thế mà chuyện bán vườn kè cứ làm lão day dứt. Cha lão biết cái tướng lưng gù, chân vòng kiềng, hai tay buông quá gối sẽ khó khăn cả về kế sinh nhai lẫn đường vợ con nên cụ đã trồng vườn kè dành cho lão. Chưa lớn lão đã phải trèo kè rồi thành nghề lúc nào không biết. Cái nghề chẳng ai muốn làm, chẳng ai muốn học mà nhà nào cũng có kè nên người ta cứ đến vời lão đến chặt kè thuê. Lão đắt khách nhưng lão vẫn nghèo, cái nghèo như cái dáng lão lủi thủi vác hai cây đằn(2) một đầu quắc cái nón với cái áo tơi. Nom lão chẳng khác chú hề. Được cái lão làm cho ai cũng tận tụy, chặt xong lá là lão dọn bầu, bầu kè sạch những tay kè năm trước đã khô, lứa mới ra lá thật dễ dàng. Ai có định trả thêm tiền thì lão xua tay, chỉ xin một bó cuống khô treo lủng lẳng đầu kia cây đằn cho cân với đầu này là cái áo tơi và cái nón.
Lão không có vợ. Có một thời đàn ông khỏe mạnh ra trận hết nên cũng có phụ nữ định lấy lão làm chồng. Nhưng lão không dám. Cái nghề bán thân cho gió, ngộ nhỡ sơ sẩy để khổ cho người ta. Lão nghĩ thế nên cứ ở một mình sống dưới vườn kè với chim với gió, sáng tinh mơ đã vác đôi đằn ra đi lắm hôm tối mịt mới về.
Lần đi chặt kè thuê bên Rộc lão gặp con bé cái Nhặt ngồi khóc ở chợ Ga. Nó đi cùng cha mẹ vào vùng kinh tế mới mà chả hiểu sao rớt lại. Lão bỏ buổi trèo kè đem nó về mổ con gà đồ hông xôi, mời mấy nhà hàng xóm đến chứng kiến lão đặt tên nó là cái Nhặt.
Vườn kè từ đấy có tiếng gọi cha, gọi con. Cũng từ đấy, con bé cái Nhặt lui cui theo cha đi khắp các vườn kè. Lão để con ngồi chơi dưới gốc rồi dựng đôi đằn vào thân cây bám dây tầm gửi, leo lên. Cứ khi nào có cái mùi như mùi sừng trâu bị cháy do gan bàn chân của lão miết vào tinh luồng phát ra, đấy là lúc lão bắt đầu cuộc sống cùng với gió. Đến bầu, lão rút dao lia gai mấy cái cuống rồi bám vào, đu lên. Tay lão dài, lưng lão gù, lão như con vượn thoắt cái đã ngự trên đám gai tua tủa. Rồi một tay ôm đọt(3), tay kia lão chém. Hết nửa bên này lão đổi tay chém nửa bên kia, tàu kè rời bầu lao ào ào như bão. Rơi đến lưng chừng lũ ong vàng ong bò vẽ làm tổ dưới lá mới tỉnh ngủ, túa ra.
          Cây kè có thấp cũng cỡ mười lăm hai mươi mét, khi ngồi trên bầu phải hết sức nhẹ nhàng. Bầu kè rất dễ chao, thợ trèo kè non tay sẽ chóng mặt ù tai, không cẩn thận còn bị văng xuống đất. Lão thường nói với mọi người, muốn trèo kè giỏi thì phải luyện cho được hai tay thuận như nhau, chặt hết nửa bên này chuyền dao sang tay kia mà chặt.  
Hết một cây, lão rút đằn lên, vừa rút lão vừa lái cho cây đằn từ từ ngả sang bầu cây tiếp theo. Hai cây đằn cài vào cuống lá tạo thành cái cầu cho lão sang chặt tiếp. Chỉ đến khi chặt xong cây cuối cùng, lão mới tụt xuống ngồi tựa gốc kè lấy be rượu trong cái túi đeo bên mình ra tu một hơi.
Cái Nhặt sà vào. Nó mở cái túi bất li thân của bố, trong ấy là những con chim non lúc nào cũng ngoác miệng đòi ăn. Những chú chim non rúc mỏ trong mồm nó ăn sữa gạo nhai y như lúc mẹ trún mồi. Kè đã chặt lá thì chẳng có con chim bố mẹ nào dám về tổ với đàn con trên bầu nên lão phải gom lũ chim non đem về nuôi bộ. Vườn nhà lão treo la liệt những lồng chim đan bằng cật cuống kè, hàng ngày cái Nhặt bắt châu chấu nuôi chúng cho đến ngày chúng biết bay.
Làng Kè đã khác xưa rất nhiều, đường sá nhà cửa khang trang, mái nhà bây giờ toàn cấu trúc bê tông cốt thép. Người ta mơ cây quạt Điện cơ, mơ cái đầu kỹ thuật số với màn hình phẳng, tối tối vắt vẻo xem phim truyền hình Hàn quốc chứ còn ai coi trọng mái lá với cây kè. Cái thời lá kè còn là vật liệu lợp nhà duy nhất, rồi áo tơi, nón lá, quạt kè… đã qua rồi. Bây giờ, kè không ai mua, lá khô rủ tùm hụp trên những ngọn cây, cơn gió nhẹ đi qua cũng xao xác như khứa vào lòng lão. Hai cha con lão bắc đằn trèo lên chặt lá, hì hụi xếp ủ rất kỹ nhưng vẫn chẳng ai mua. Lão tiếc của bảo cái Nhặt phụ một tay dựng mái kèo tre lợp lá lên mái nhà đổ bằng bê tông cốt thép rồi để con đi Đài loan lao động.


                                                          *
                                                       *    *

Nhà nước đã mở con đường nối quốc lộ Một với đường Hồ Chí Minh, các loại xe đủ các cỡ chạy suốt ngày đêm. Một cây xăng mọc lên nơi ngã ba kéo theo cái chợ cóc và mấy quán nhậu ồn ã. Các dịch vụ sửa xe, ga shell… lần lượt khai trương. Thị tứ đã hình thành. Có tin đồn thị xã cũng đã được quy hoạch nay mai sẽ mở rộng đến làng Kè. Ai cũng rắp ranh mua đất, nhà có tiền thì mua đất mặt đường, nhà một năm chỉ có hai vụ lúa cũng cố mua một thẻo của hàng xóm cho vuông thổ. Người ngoài phố nhao vào tăm tia, ran ran xóm trên xóm dưới cò đất phi xe, gạ gẫm.
Ông Tân về khi nhà nào cũng xây tường bao. Không biết họ kín cổng cao tường là vì lẽ gì mà nhà không có tiền cũng cố tảo tần mua về mấy xe tro lò vôi với đá mạt, vợ chồng con cái thâu đêm hì hụi vặt gạch cốm. Đường làng như nhỏ lại vì những bức tường cao hơn đầu người bao kín thổ đất từng nhà.
Nhà ông Tân với nhà lão Đãi là hàng xóm lâu năm, đất liền đất nhưng mẹ ông giữ ý không bao giờ bước chân sang nhà lão Đãi. Đàn bà góa ai lại vào nhà cái ông không vợ dưới vườn kè tít mít. Còn lão Đãi mặc cảm xấu giai lại càng tránh bà hàng xóm luôn cố ý tránh mình. Hai nhà có vườn kè liền nhau nhưng kè của nhà ông Tân đã đốn hạ xẻ thành ván cốp pha, chỉ vườn kè lão Đãi đến nay mới về Đảo Gió.
Vợ chồng ông Tân thuê nhà cho mấy đứa con đi học tốn quá nên đã gắng tậu căn chung cư ở thành phố, nay chúng đã đi làm nên vợ ông ra ở hẳn với con. Ông cứ đi đi lại lại vì mẹ ông không chịu rời quê. Cơ ngơi này dành cho người em tên là Tiến đang lao động bên Đức nhưng thật không may, Tiến mới bị tai nạn không qua khỏi. Ông đã sang nhận tro hài đem về táng cất tại quê nhà và nhận khoản tiền với di thư xây cho trẻ nhỏ làng Kè một ngôi trường Mẫu giáo.
Chuyện xây trường xôn xao làng Kè suốt mấy hôm nay. Các bạn ông chia sẻ với ông về tình trạng đất đai bây giờ. Mảnh nào cũng có chủ, ruộng khoán Mười thời hạn còn nhiều năm, những cồn bãi thùng rộc đều cho dân đấu thầu cải tạo thành ao hồ, trại chăn nuôi, đầu tư đã nhiều năm nay khó mà lấy lại. Quỹ đất dự phòng đã giao khoán mức cao, xem ra cũng không có chỗ nào thích hợp với vị trí đặt trường học. Trường mẫu giáo đã xây dựng tuy có hơi cũ nhưng các cháu vẫn đang ngày ngày đến lớp, so với khả năng kinh tế vùng kè chưa ai muốn phá đi. Cảm động trước tâm nguyện của Tiến, ai cũng cho là phải xây một ngôi trường đủ chuẩn quốc gia mới xứng đáng nhưng không ai biết lấy đất ở đâu.
 Thấy đất xây trường khó khăn, Trưởng thôn khuyên ông nên giúp làng làm con đường bê tông hoặc kênh mương nội đồng. Những công trình này đã có sẵn quỹ đất là những con đường con mương cũ nhưng ông Tân làm sao có thể thay đổi được di nguyện của người đã khuất. Theo hẹn, hôm nay ông đến văn phòng ủy ban gặp lãnh đạo. Ngay lúc bắt tay ở sảnh, chủ tịch xã đã cười héo hắt:
- Em phải nhờ chú phó chủ tịch đi họp thay để ở nhà báo cáo với bác. Tình hình gay quá bác ạ, chúng em tìm mãi mà không còn chỗ nào đủ diện tích lại phù hợp cảnh quan như bác yêu cầu.
 Vừa pha trà ông chủ tịch vừa phân trần.
- Hay là ta cho sửa chữa lại trường cũ, bác?
Ông Tân nhấp chén trà mà chẳng biết ngon. Người mẹ già của ông vẫn kỳ vọng sẽ có một ngôi trường mới được khắc biển đề tên đứa con của mình, sửa chữa trường cũ chắc là bà không đồng ý. Ông hỏi lại một lần nữa:
- Không còn cách nào ư?
- Quả thật đến lúc này em phải báo cáo với bác là đang bó tay, nói như người ta hay nói là bótaychấmcom đấy bác ạ.
Chủ tịch còn nói trẻ đến tuổi thì nhiều trong khi có mấy cô giáo mới tốt nghiệp nuôi dạy trẻ trung ương về đang bí việc, chung quy cũng chỉ tại thiếu phòng học:
- Nếu tăng thêm phòng học thì những mâu thuẫn này sẽ được giải quyết ngay, bác và cụ có tiền lại có tâm đề nghị bác thuyết phục…
Ông Tân vội cải chính:
- Tiền của chú Tiến chứ!
Những lời của chủ tịch đều rất thực nhưng cái khó cho ông là phải thực hiện di thư của người đã khuất, làm sai điều em dặn ông thấy mình có lỗi. Bao lâu nay ông vẫn thương đứa em như cánh bèo dạt trôi đến đây, đến hơi thở cuối cùng vẫn không muốn rời tay ông vì chẳng biết quê quán mình ở đâu.
- Bótaychấmcom không có nghĩa là không tiếp tục tìm cách tháo gỡ đâu đấy nhé. Thôi, tôi xin về có gì xin gặp sau.
Ông Tân mải mốt đi, cứ mỗi lần gặp khó khăn ông lại muốn về thật nhanh với mẹ. Mẹ ông không chịu ra phố với vợ chồng ông vì muốn giữ thổ đất chờ Tiến về. Nay Tiến đã không về, phần mộ của Tiến táng cất tại quê, chắc chắn chẳng bao giờ mẹ theo ông ra phố nữa. Ông lo lắng thực sự, mẹ già đang mỏi mắt mong ngôi trường mẫu giáo sớm được khởi công mà khâu đất cát còn như mớ bòng bong thế này.
Nghe chuyện mẹ ông đã bỏ cơm ngồi khóc hời hời. Bà kể lể, ông trời thương mẹ chỉ có mình anh Tân nên mới cho con về. Khi ấy con còn ẵm ngửa, cha mẹ là ai, quê quán ở đâu, con còn bé tí làm sao mà biết được. Ngay cả tên con cũng là gọi theo vần, anh là Tân thì em là Tiến chứ tên cúng cơm của con mẹ nào có hay. Con đã oặt ẹo mẹ lại chẳng có sữa cho con bú, chỉ ngày hai bát cơm búng mà con thương mẹ con lớn lên. Rồi con xin mẹ cho con đi lao động nước ngoài, mẹ biết con đi kiếm tiền ở đồng đất nước người là cực lắm mà chẳng ngăn con, đến bây giờ con thiệt phận mà dưới mộ cũng chỉ có hộp tro, con ơi là con ơi!
Tấm ảnh chụp Tiến lúc đang ốm nặng trông rất tiều tụy và lá thư dặn “Anh cho em về với mẹ” là hai thứ ông Tân không dám cho mẹ biết. Việc duy nhất ông đã làm được cho em là mang tro hài về nước còn việc xây trường xem chừng không dễ chút nào. Ông không ngờ tấm lòng của Tiến lại khó thực hiện đến thế này. Tiến ơi! Anh hiểu em thương những đứa trẻ làng Kè nhưng anh đang bế tắc, em hãy mách giùm anh phải làm cách gì để mẹ của chúng ta được yên lòng!?

                                                            *
                                                         *    *
         
 Vẫn như mọi ngày, cơm tối xong các bà đem trầu vỏ đến ngồi với bà cụ Tân. Hôm nay lại có một bà hỏi vì sao ngày ấy cụ dám vào "nơi ấy" đem Tiến về. "Nơi ấy" là cái miếu thờ người đàn bà xấu số không biết gặp chuyện gì mà phải thắt cổ tự vẫn dưới vòm cây đa. Thời gian thêm thắt bao nhiêu chuyện như những chùm rễ bao quanh gốc cội ngày mỗi sù sì. Họ đoán hồn người đàn bà ấy đã dẫn dụ bà cụ nhưng bà cụ bây giờ chỉ còn nhớ nghe tiếng trẻ khóc thì hạ gánh bèo chạy vào nhìn thấy đứa bé trong bọc giẻ. Trời thương nên cho một đứa đến làm bạn với thằng Tân, cụ chỉ nghĩ được có thế rồi bế đứa bé về nhà. Nhà bà và nhà lão Đãi ở cùng rẻo đất lại cùng cảnh đơn mỏng nên mọi người vẫn đùa cu Tiến và cái Nhặt là sứ giả nhà trời!
          Vừa nhắc đến lão Đãi thì đã có tiếng lão ngoài ngõ:
          - Bà cụ Tân đã ngủ chưa đấy?
          Lần đầu tiên lão đi chơi đêm! Bao năm từ ngọn kè tụt xuống lão chỉ lo ăn lo ngủ cho lại sức ngày mai còn leo tiếp vườn khác chứ có đi đến nhà ai. Từ ngày bán kè cho nhà thầu Đảo Gió lão chẳng có việc gì làm, lòng lão trống hươ như vạt cỏ gianh gió thổi bên này lại dạt bên kia. Thật quả trăm vành là cái miệng thế gian. Lúc còn vườn kè thì bĩu môi chê lão gù ôm vườn kè cho chào mào nó ỉa, khi bán kè rồi lại chê mảnh đất đáng tiền tỉ tiền tấn mà để cỏ gianh trải chiếu. Có ai biết trong lòng lão vẫn đinh ninh để vốn bằng đất cho con vẫn hơn bán đi cầm đồng tiền thời bão giá. Mặc thiên hạ, ai nói ngược nói xuôi lão cứ để ngoài tai.
Con gái Hồng Nhật của lão tức là cái Nhặt đang bên Đài Loan cũng sắp hết hạn hợp đồng. Lão đang tính cho con việc làm ăn lâu dài khỏi phải tha phương cầu thực nhưng thật khó ngồi yên với cơn sốt đất. Khu vườn nằm bên đường cái quan, lão mỏi mồm từ chối đám cò đất nhưng từ hôm anh cán bộ địa chính đến nhắc không nên để đất hoang lão đâm mất ngủ. Anh ta nói thị tứ chẳng mấy chốc phát triền thành thị trấn, từ thị trấn có thể lên những thị gì nữa lão chẳng nhớ và đất nhà lão có thể sẽ bị thu hồi. Tới đây sẽ thực hiện định suất, vườn nhà lão chỉ riêng cái tội để hoang cũng đáng bị thu hồi chứ chưa nói hơn ngàn mét vuông vượt quá nhiều định suất. Lão lo, ai chứ cái anh địa chính đã dòm thì thể nào cũng có chuyện!
          Cả đời lão không sang nhà bà cụ Tân nên mấy bà ăn trầu vỏ cứ trêu chắc trời sắp sập nên ông lão mới mò mẫm đêm hôm. Nhưng vẻ mặt lão rất nghiêm túc. Lão nói là lão không ngủ được vì thiếu tiếng gió rì rào của vườn kè mà thức thì lão lại càng nhớ con bé cái Nhặt đang phải tha phương nơi đất khách. Đỡ bát nước ông Tân mời, lão ngùi ngùi:
          - Biết bác về từ hôm nọ nhưng tôi lết bết quá, hôm nay sang muốn được thưa với bác và cụ câu chuyện...
          - Vâng. Có chuyện gì xin cụ cứ nói!
          Lão không ngồi, hai cánh tay dài quá gối như tôn thêm cái lưng gù, trông lão Đãi thật trịnh trọng:
- Cháu Nhặt nhà tôi có thư về muốn xin cụ và bác được góp mảnh đất vườn kè xây trường với anh Tiến. Để thì cỏ mọc mà sức tôi chẳng còn làm vườn được nữa, chi bằng xây ngôi trường lên có tiếng trẻ nô đùa cho dứt cái cảnh một cha một con, hiu hắt lắm!
Bà cụ Tân nghe những lời của lão đã dàn giụa nước mắt:
          - Khi cháu Nhặt còn ở nhà, tôi cứ mong có dịp mang cơi trầu sang thưa chuyện với cụ, ai ngờ cháu Tiến nhà tôi chỉ biết đi ăn đi làm mà chẳng biết đường về!
          Lão Đãi giật mình nhưng bà cụ Tân vẫn nói tiếp:
          - Tiền cháu dành dụm được cũng chỉ đủ phần xây mấy phòng học chứ nếu phải mua đất lúc này thì mẹ con tôi không đủ sức. Anh Tân nó thật đã kẹt đường... Nghĩ được như cụ thật quý hoá nhưng mẹ con tôi vẫn muốn xin cụ nói rõ thêm?
          Lão Đãi thành thực:
          - Tôi xem ti vi thấy các nơi đã thực hiện định suất đất ở. Đã đành đất của cha ông để lại nhưng dân mình ngày mỗi đông, nhà tôi hơn ngàn mét vuông nhìn cũng thấy khó coi. Không biết bao giờ mới thực hiện đến xã mình nhưng rồi đây nếu cho xen cư vào, hàng xóm mới liệu có được như khi chỉ có hai nhà? Chi bằng ta đặt cái trường của anh Tiến vào đây, có tiếng trẻ bi bô nghe cũng đỡ buồn.
          Ông Tân mừng quá, đỡ lời:
          - Được thế thì còn gì bằng, cụ đã gỡ bí cho ông chủ tịch xã đang rất lúng túng tìm đất đặt trường đấy ạ.
          - Ấy bác cứ dạy thế chứ tôi chỉ luẩn quẩn quanh mấy gốc kè, đến kè còn chẳng giữ được nữa là gỡ bí cho ai. Mình không cùng lo với nhà nước thì những tấm lòng tốt như của anh Tiến biết đặt vào đâu!
          - Vâng. Mẹ cháu với cụ cùng xây dựng ngôi trường, sau này em Nhật hết hợp đồng lao động về sẽ đi học rồi thay cả phần của Tiến quản lý. Mấy hôm nay cháu vẫn nghĩ về việc xây trường xong thì ai làm quản lý đấy cụ ạ.


Cụ Đãi đã gọi điện sang Đài loan:
- Hãy nhanh về làng Kè, con nhé. Cơm làng Kè là cơm thảo cơm thơm. Chả ở đâu thắm tình thắm nghĩa như ở quê mình đâu con ạ!                                                                                                                                                                                                                   Hà nội - 7/2011                                                                 
----------------------------
(1)   Kè: cùng loài với cây cọ, vùng Thanh hóa gọi là kè.
(2)   Đằn: cây luồng chắc và dài, thợ trèo kè dùng làm đà để leo trèo.
(3)   Đọt: lá kè mới ra còn non, gai chưa sắc lại đang bó chắc lại với nhau, khi đứng trên bầu người thợ trèo kè phải ôm làm chỗ tựa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét