Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Ngọn gió xanh đẫm bụi



Thôn Thượng bầu Trưởng thôn. 
Hai ứng viên là ông Lê Biểu nguyên Trưởng thôn và anh Dũng thiếu tá bộ đội phục viên đã được đại diện các đoàn thể nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh nhất trí hoàn toàn. Chỉ có chị Nụ, khi mới được giới thiệu đã xin rút nhưng vẫn phải đứng tên trong danh sách. Trưởng Ban công tác mặt trận xoa tay: đúng yêu cầu chỉ đạo, ba chọn một, có nhân tố mới, có kế thừa và ra sức tuyên truyền vận động sáng suốt lựa chọn…
                    
                          
                                                   
Họ Lê làm ồn ĩ cả thôn. Trưởng tộc Lê Nhiễu triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Ngồi trên cỗ sập lim tại nhà ông Biểu, lão phán xuống:
- Chú Biểu hai mươi năm thụ chức đã đưa thôn Thượng từ nhà tranh vách đất leo lét đèn dầu nay có điện, có đường bê tông, có nhà ba tầng. Cả họ phải trên dưới một lòng quyết không để họ khác tranh mất chức Trưởng thôn!
Đúng. Thôn Thượng giờ không còn ngôi nhà nào lợp tranh, nhà nào cũng có đèn điện, đa số dùng bóng mười von nhưng vẫn là đèn điện, mấy trăm mét đường bê tông do một công ty được tỉnh giao cho làm nghĩa vụ rải trước hai cái nhà ba tầng là nhà lão Nhiễu và nhà ông Biểu.
Đấy là thành tích vẫn được nhắc đến khi họp thôn họp xã. Còn quyền lợi của các nóc trong họ ư, làm sao thiếu mục quan trọng bậc nhất này được. Chuyện vô cùng tế nhị nên lão Nhiễu cấm mọi người không được hở ra với ai. Phí thuỷ lợi, phí lao động công ích và hàng chục loại phí khác rồi một hai thước điền dôi ra của mảnh ruộng khoán… nhà nào cũng được cấu véo chỗ nọ đắp vào chỗ kia. Họ Lê ghi nhớ cái câu rất cũ nhưng luôn luôn thời sự “Một người làm quan cả họ được nhờ”! Riêng khoản chạp họ hàng năm, vợ chồng ông Biểu chấp hành vô điều kiện lệnh của Trưởng tộc, chi tất. Đánh chén lu bù lại không phải đóng góp gì, ai cũng lâng châng tự hào về Trưởng tộc và Trưởng thôn nhà mình.
Lão quay cái nhìn khắp lượt trước khi xuống khỏi sập. Họ Lê cụp mắt bấm nhau ra về. Họ đã hiểu, kể từ hôm nay, đi đâu, làm gì cũng phải thường xuyên có mặt trong thôn kịp khi Trưởng tộc gọi đến!
Còn lại hai anh em, lão hỏi ông Biểu:
- Giả dụ, là nói giả dụ nhá, nếu chú không làm Trưởng thôn nữa thì sẽ thế nào nhỉ?!

                                                       *
                                                     *   *

 Đã là tranh ắt phải đoạt, thuật của lão là kích bên này cho nổ bên kia. Bây giờ lão đang kích người em họ của mình.
Còn ông Biểu. Phải nói thật lòng, nỗi lo họ Lê mất cái thế đứng đầu các họ cũng có ít nhiều nhưng trong lòng ông rất khó chịu vì lão Nhiễu chỉ là anh con bác mà cha bố quá, bà vợ lão tham lam quá. Ông vốn là người không có lập trường vững vàng, lúc còn bé thì dựa dẫm vào bố, đi bộ đội về lại dựa dẫm vào anh họ, chẳng bao giờ chịu độc lập suy nghĩ việc gì. Vợ chồng lão Nhiễu và cả vợ ông từ lâu đã biến ông thành con lật đật nên lúc này ông chẳng biết trả lời thế nào với câu hỏi vừa xiên vừa xẹo của Trưởng tộc.
- Khi nào bốn bề chỉ có tiếng cóc nhái nghiến răng, tiếng dế kêu ti ti, chú nằm gác tay lên trán mà hình dung mới thấm cái sự mất chức mất quyền nghĩa là mất ăn mất nói, nó điếng nó đau nơi tim nơi tuỷ chứ chả phải chuyện đùa!
Lão cứ như đang đau tim đau tủy làm ông Biểu càng cắm cúi hơn vào cái bếp ga du lịch. Nồi nước dùng nẩy vung cành cạch, ông cẩn thận gắp muôi sách bò, chao qua chao lại rồi sẻ vào bát ông anh.
- Mất! Mà mất nhiều. Mấy sào để ngoài sổ của nhà bác này. Hơn tấn thóc dạo bác gái vay quỹ thôn cưới vợ cho thằng cả đang còn phải treo trong sổ này… Vâng. Chưa tìm được chỗ nào mà cài vào thì phải treo chứ sao. Còn nhà em ấy à, cái gì chứ bẩy tạ đến một tấn người ta biếu ngầm hàng vụ cũng sẽ mất. Rồi chè nước tiếp khách, xăng xe đi lại… nghỉ rồi chẳng còn cớ mà chi vào quỹ nữa.
Ông Biểu đã dừng nhưng nghĩ sao ông lại nói thêm:
- Mà tay Dũng là sỹ quan pháo binh rất giỏi quan trắc, nhìn qua đám ruộng là nhẩm ngay ra mấy sào mấy thước, những mảnh lâu nay để dôi cho bên bác, nó sẽ phanh ra hết…
Lão Nhiễu rất khó chịu với cái kiểu nói của ông Biểu nhưng phải cố nhịn. Lúc này mà hai anh em nghiêng ngả, cả họ sẽ bục ra. Ruộng để ngoài sổ sách thì nhiều chứ đâu chỉ mấy sào nhà lão và anh em trong họ? Cán bộ xã, cán bộ các thôn kia, ngoại giao một chút chứ có gì mà phải to tát. Và lão hạ tiếp một đòn cân não:
- Còn mấy năm nữa thì chú được nhận huy hiệu ba mươi năm tuổi Đảng nhỉ?
Ngón đòn tác dụng tức thì. Ông Biểu ngồi lặng lẽ gắp sách bò chao nước dùng và rót rượu vào chén của ông anh.  Kể từ lúc ấy, ông Biểu cũng như cả họ nhóng cổ chờ lệnh lão Nhiễu.

                                          *
                                       *    *                                           

Lão Nhiễu chịu thiệt thòi từ bé, lão nghĩ thế. Đôi mắt sinh ra bên phải to trố ngưỡng lên trời, bên trái híp tịt cắm xuống đất, cái tên Nhiễu bị gắn với bốn chữ “ngưỡng thiên cắm địa” và bài vè “đã muốn chăn vịt còn ham thả diều” ám lão suốt một thời thanh niên. Kiểu nhìn thượng hạ vô nhân ngấm vào lối nghĩ, ngấm cả vào lời nói việc làm song hành cùng nỗi hận ngày một lớn. Trai tráng ra trận vãn cả làng, lão vớ được cô vợ xinh nhất thôn, nỗi hận có dịu đi một tẹo nhưng việc không vào được ban lãnh đạo thì đêm ngày vẫn đốt tâm can lão. Lão chỉ đọc thông viết thạo thì làm sao làm được lãnh đạo, đơn giản thế nhưng lão đâu có nghĩ thế. Cho đến khi người em con chú là ông Biểu đây từ biên giới về, lão luồn lão lái, em lão được bầu làm Đội trưởng Đội sản xuất. Thời cơ ngoi lên làm một thứ thái thượng làng hay quốc phụ thôn đã đến, lão ra sức vun theo kiểu của lão.
Hai mươi năm em lão làm việc là những năm cả nước mày mò cách thức làm ăn mới. Lão nhận ra những ấu trĩ kéo đi giằng lại trong luỹ tre làng. Những giằng kéo ấy là mảnh đất màu mỡ cho lão với những tính toán xoay quanh bồ thóc nhà mình. Nhưng chức Đội trưởng sau này đổi thành Trưởng thôn chỉ là viên gạch đặt dưới chân cây thang trong bài tính muôn đời đứng trên đầu các họ. Nguyên tắc của lão là đoạt danh tranh thực, nghĩa là có quyền có chức để có ăn. Nói gì làm gì cũng phải có “vũ khí hạt nhân”, hạt nhân của lão là thóc và tiền. Cái lý của lão là vậy.
Một mắt ngó trời một mắt cắm đất nhưng bao nhiêu tinh lực lão lom lom vào đám ruộng. Đợt giao ruộng khoán đến hộ ai cũng nhẩy cẫng lên mà lão cứ trơ như cục đá. Lão quan sát và nghiệm ra rằng người ta sơ hở nhất là lúc hân hoan! Có khối kiểu vắt đất ra tiền ra của nhưng phải biết túm lấy những đầu mối loằng nhoằng lúc tranh tối tranh sáng. Làng chia thành bốn thôn do bốn anh Trưởng thôn đứng đầu. Sáu cánh đồng làng cũng xé ra chia về bốn thôn, mảnh nọ mảnh kia xen nhau tùm lum đã gợi ý cho lão rủ ba anh Trưởng thôn kia đến nhà em họ uống rượu. Chén chú chén anh, lão ngầy ngà “Thời này phải biết đi xiên. Anh em cùng cảnh vất vả gửi nhau dăm bảy sào, thu hoạch xong báo cáo với xã, xã báo lên huyện, mấy tầng sổ sách thiếu gì cách phù phép cho những con số thăng bằng”. Ba Trưởng thôn nhanh ý móc với nhau, tất nhiên phải móc với cả quân sư Lê Nhiễu. Cái sự móc nối trong đám đầu binh cuối cán ở nông thôn như rễ cỏ năn ăn ngầm dưới bùn nước đồng chiêm trũng, xã huyện có mọc thêm con mắt trên gáy cũng đừng hòng nhìn thấu.
Lão Nhiễu cứ ẩn mặt sau ông em Trưởng thôn mà toan tính. Nhà lão sát đồng, gà lợn nhà lão xuống phá thửa ruộng của thôn Hạ, trưởng thôn Hạ vụ nào cũng gọi bà Nhiễu lên phạt. Tư duy của vợ lão khởi nguồn từ cái dạ dày nên mấy yến thóc gánh đi nộp phạt là mấy yến muối xát vào lục phủ ngũ tạng. Lão cũng cay lắm nhưng tính lão càng cay cú càng sinh lắm mưu. Lão an ủi vợ coi như mình xúc bồ đổ thóc chăn nuôi rồi bắt ông Biểu đổi mảnh ấy về thôn mình để lão xin nhận khoán với mức cao. Hầu hết người thôn Thượng đều tưởng lão Nhiễu hồi tâm chuộc lỗi chứ mấy ai hiểu lão đang đi nước đầu tiên của một ván cờ. Cấy một vụ lúa lấy lệ, lão xin cải tạo mảnh ruộng ấy thành ao nuôi cá. Đất đào ao vược lên đắp bờ trồng cây lưu niên, tôn nền làm cái chòi rồi cưới vợ cho thằng lớn bắt chúng ra ở đấy. Cưới đến đứa thứ hai, chỉ năm trước năm sau thôi, lão làm thêm cái chòi nữa. Thế là đã thêm hai hộ đủ tiêu chuẩn cắt đất. Đất lúa được chuyển mục đích sử dụng thành đất thổ cư, lão chỉ còn việc cậy cục cho ra cái bìa đỏ. Khi đã có bìa đỏ thì thôi rồi, lão xoay chuyển tiện lợi đủ đằng.
Lão Nhiễu cứ đều đều tính toán hết món này đến món khác nhưng rất khó chịu vì ông Biểu lắm lúc chẳng khác gì con trâu phá ách. Thuyết phục dài dòng sốt cả ruột, lão quay sang người em dâu:
- Này, thím ghé vào khen cá giống nhà hĩm Thặng một câu!
Vợ ông Biểu được cái sáng ý nên chả phải đợi đến lời thứ hai:
- Trắm giống năm nay khá quá. Con nào con nấy cứ béo mum múp mà cái thủ bé tẹo. Được bao nhiêu ngày rồi mà dài có dễ đến hơn chục phân ấy nhỉ!
Thế là vợ Thặng tong tả gánh hai thùng cá giống sang:
- Bác ơi, cho em thả mấy trăm xem nước ao nhà bác có giống nước bên ao nhà em không!
Nhà quê mà, cái sự quan hệ với nhà ông đội cứ là phải chăm lo hàng đầu. Chỉ khổ thân ông Biểu lại phải tìm cách hạ mức khoán cho nhà Thặng!
Thì đã nói vợ ông Biểu là người sáng ý mà lỵ. Không biết mụ cầm tinh con gì mà cứ lồng lên trong vụ nâng cấp nhà trẻ mẫu giáo và trụ sở thôn. Chả là, dân đã có bát ăn bát để, trên yêu cầu nhà nước và nhân dân chung tay xây dựng cơ sở hạ tầng. Mưu chước do ông anh Trưởng tộc chỉ vẽ, cứ bỏ tiền ra cho vay mua cát đá xi măng sắt thép, đến mùa tính lãi ra lãi vẫn được tiếng nhiệt tình với phong trào. Ấy vậy mà khi công trình đã hòm hòm, mụ còn tiếc đứt ruột vì dân nhất quyết tự làm chứ nếu thuê người ngoài còn siết được mấy giá tiền nhân công.
Nông thôn đang quẫy mình hướng tới những cách làm mới, mô hình mới. Tham quan học tập tỉnh xa tỉnh gần mỗi năm mấy đoàn, vợ Biểu sẵn sàng xuất tiền cho vay. Trước khi xuống đồng gặt, đội trưởng cứ gộp các khoản đã chi mà bổ lên từng sào canh tác. Cán bộ dưới làng trên xã đã vi vu xe máy lạnh, ngủ nhà điều hoà, ăn uống chơi bời tất tần tật bằng những khoản tiền vay đành tặc lưỡi giơ tay nhất trí. Con mọc răng còn nói năng chi nữa!
Qua mỗi phi vụ, ông Biểu ít nhiều lăn tăn nhưng lão Nhiễu chặn ngay:
- Trưởng thôn nhất nguyên chế, cứ quyết!
Và thế là ông cứ vác tù và hàng tổng cho vợ và anh họ vác của về nhà. Hai anh em nghễu nghện hai ngôi nhà ba tầng, kéo thêm mấy trăm mét dự án đường bê tông tỉnh cho qua trước cổng, xe máy xe đạp từ ngõ ra tận đường cái quan không dính tí bụi.
Ý của lão Nhiễu qua lời ông Biểu lên loa phóng thanh nhất thiết phải như đẽo khuôn mà đúc. Giả dụ, lại nói giả dụ, lúc này nếu súng kề tai bắt lão chọn, lão sẽ bỏ rượu bỏ sách bò để giữ cái quyền được nói. Đấy là cái quyền phán bảo đã thấm vào máu, lúc nào cũng rân rân trong gân mạch như người hút thuốc phiện. Mỗi khi nghe ông em mạc nguyên lại lời mình trên loa, lão cồn cào, ngây ngất. Không được phán bảo, lão thấy nghèo khó đi bao nhiêu, mỗi khi phải nhịn nói xương tủy lão như có bầy dòi rúc.
Chức Trưởng thôn là cái đệm lão đương ngự êm ái, nếu bị mất thì có mà đứt ruột. Lão Nhiễu hỏi ông Biểu:
- Ý chú Giang thế nào?
 Giang là Bí thư đảng uỷ. Lấy em gái ông Biểu tất nhiên cũng là em rể lão Nhiễu nhưng vì dạo còn bé đã trót đầu têu dạy bọn trẻ trâu “Lêu lểu lều lêu, hắn Nhiễu canh diều, hắn Nhiễu thả vịt…” nên bây giờ hễ nhìn thấy ông anh họ bên vợ là Giang lại lỉnh như ma trơi. Điều lão Nhiễu vừa hỏi, ông Biểu cũng đã trao đổi với Giang. Giang nói đúng từng chữ nghị quyết “Trưởng thôn là cầu nối quan trọng giữa các cấp lãnh đạo với nhân dân trong công cuộc hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn nên phải chọn người có năng lực. Cần ưu tiên nhân tố mới. Bầu cử phải được tiến hành nghiêm túc, phải thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân”.
Đánh hơi thấy sự bất lợi từ những lời ông Biểu đang nói, lão Nhiễu chặn lại:
- Ấy! Dân không mấy ai biết nội dung nghị quyết, chú đừng có chỗ nào cũng đem nguyên xi ra mà quán triệt. Phải nhấn mạnh nông thôn rất cần những người có kinh nghiệm, nhất là những người đã trải qua những năm đầu đổi mới để tiếp tục phát huy đà thắng lợi…
Rượu đã nhiều mà lão Nhiễu vẫn tỉnh như không:
- Chú lo tranh thủ các vị ngoài xã, tăm xem ông nào đặc trách thôn Thượng. Phải chịu tốn kém, đồng tiền có chân nó đi rồi nó lại về!
Dao sắc không bằng chắc kê, chuẩn bị mười thắng lợi một… lão vẫn  mượn lời ông bà để thực hiện những ý đồ của mình. Rồi lão cùng ông Biểu rà soát bẩy mươi mấy hộ dân thôn Thượng. Từng hộ, từng hộ, lão gõ trán xem ai sẽ là người đi bầu, nếu cảm thấy có vấn đề là phải đến tận nhà làm việc trước.
Ông Biểu nói rằng bà con bây giờ ỉ vào cái loa, nằm nhà xem ti vi chờ thông báo trên loa, chả có mấy người đi họp. Lão bật lên:
- Thế thì phải đến tận nhà, mua!
Chém tay vào ánh đèn, lão tiếp:
- Phải rót mật vào tai nam phụ lão ấu không trừ một ai và phải kiên trì chiến thuật “Quạ truyền hơi”, người nọ bảo người kia mà điều khiển lá phiếu cho đến khi nó vào hòm. Chú hiểu không?
 Lão gằn ba tiếng “Chú hiểu không”. Hai tay lão chụp lên cái đĩa như dân thôn Thượng là những miếng sách bò. Trong cái đầu căng cứng những tham vọng cưỡi cổ thiên hạ, lão chỉ muốn thộp ngực cả cái thôn Thượng mà chỉ vào mặt từng người bắt gạch tên hai người kia chỉ để tên ông Biểu.
Ông Biểu cũng có những ý nghĩ rất lung bung. Người ta thích ai, tin ai người ta bầu chứ hay ho gì cái trò bỏ tiền đi mua từng lá phiếu. Anh ông cứ chủ trương mọi thứ đều phải tranh đoạt, lúc nào cũng sợ mất cái nọ mất cái kia mà không nhớ cái đáng mất có cố giữ cũng chẳng còn? Ông cũng muốn dịp này nghỉ cái chức mà vì nó ông đã như cái bung xung suốt hai chục năm nay. Nghĩ thế nhưng chưa một lần ông Biểu dám nói. Vẫn chăm cho anh từng muôi sách bò, miệng luôn ạ dạ thưa vâng, trong bụng ông lan man giá ngày mới về đừng nhận chức Đội trưởng thì bây giờ thoát được cuộc bầu cử đầy ngoắt nghéo của ông anh.
Đôi mắt ngưỡng thiên cắm địa của lão Nhiễu thôi miên ông Biểu, những tầng bát hương trên bàn thờ họ Lê mê hoặc ông Biểu, lời ông Biểu cứ định cất lên nhưng chưa đến đầu lưỡi đã quay vào ngọ nguậy trong lòng.

                                                 *
                                              *    *
                                                 
Họ Lê đã quen nếp nghe và chờ lão Nhiễu bảo gì làm nấy nhưng trong bụng thầm mong Trưởng tộc quên tên mình, quên nhà mình. Đợt này lão chẳng quên một ai, ai cũng được giao việc rất cụ thể, còn bị kiểm tra đi kiểm tra lại, gắt gỏng, chửi mắng, có đứa còn suýt bị ăn ba toong. Con cháu họ Lê chỉ còn thiếu bị sai đi bỏ thuốc sâu xuống ao cá hay bỏ thuốc chuột vào chuồng lợn nhà người ta. Đích thân lão, miệng nói tay làm, bắt đầu chiến dịch mua phiếu từ nhà Quảng Khoét.
“Thằng cha này mà được mấy chén thì bảo đảm đầu thôn cuối thôn sẽ đẫy tai”. Lão đút vào bọc chai rượu, vào nhà Quảng Khoét lão chìa ra thay lời chào. Ực đến chén thứ ba, Quảng Khoét bắt đầu nổ: “Sổ toẹt cái nhà anh Dũng hay phê phán uống rượu làm hại giống nòi nhá. Mẹ kiếp! Nhà này một loạt bảy đứa có đứa nào không như cái cối đá lỗ”. Ực chén nữa, Quảng Khoét lại chửi “Tủ mủ tù mù như cái hũ nút có cái chó gì mà chả phải tìm chén rượu”. Lão Nhiễu theo đà. “Đúng! Chén rượu mà cũng cấm thì khó sống quá. Này, cầm mấy chục mà uống cho đỡ sầu”. Trước khi rời nhà Quảng Khoét, lão nhắc lại “Nhớ gạch tên Dũng đấy”.
Vào nhà bà Khoa mù: “Cơm nước gì chưa mà lạnh tanh thế này”, “Anh sang đấy ạ, mỗi một mình ăn loáng cái xong ấy mà”. Mất hai con mắt, bà Khoa mất luôn cảm giác thời gian nên vẫn xưng hô như hồi còn sáng. “Có nghe gì không”, câu hỏi trống không mà bà Khoa nhanh nhảu “Vẫn anh Biểu chứ ạ”. “Không có gì thay đổi đâu đấy nhé, này cầm mấy chục thích mua cái gì thì mua. Nhớ đấy”. “Vâng, em nhớ. Anh Biểu”.
Cứ thế, ai cũng nhận tiền cũng hứa bầu cho ông Biểu. Đám thanh niên uống bia thả dàn. Quen tu rượu nút lá chuối giờ uống bia Con hổ nhạt phèo nhưng sợ không sành điệu nên cậu nào cậu nấy cứ nốc cho đẫy rồi ra góc bờ tường mà xả. Sau những lần trăm phần trăm, cậu nào cậu nấy lại ậm oạc “Yên chí…bầu cho… ợ…”. Bữa ấy, thằng con ông Biểu say khướt cò bợ, vừa đếm triệu mấy trả nhà hàng vừa ngọng nghịu đồng tiền có chân.
Đám các bà các chị thật đúng là cầm tinh con quạ. Chẳng có gì cũng đã nhao nhao, huống chi đây là việc bầu chọn Trưởng thôn. Biết đâu sau này rồi có lúc phải sang vay mụ Biểu nên họ cứ hứa trước. Không vung tiền bừa phứa như ông anh họ hay thằng con trai mà mụ Biểu cũng được khối lời hứa.
Gai góc nhất là cụ Luật. Lão Nhiễu tính đi tính lại không thể cử ai được nên phải thân hành:
- Cụ Luật có nhà không đới?
- Không có nhà thì đi đâu?
Không cho lão Nhiễu mở lời, cụ Luật phũ ngay:
- Bầu cho ông Biểu chứ gì? Anh em nhà cậu ôm cái ghế ấy từ ngày nhà còn lợp gianh nay đã ba tầng mà không sớt cho ai lấy một tý à? Đồ húp cả cặn!
Cụ cứ đọc đi đọc lại câu vè từ đời tám hoánh “Xã viên làm việc bằng hai để cho chủ nhiệm mua đài mua xe” làm lão Nhiễu đa mưu là thế mà cũng không kìm được. Lão văng “ghẻ như chày mẻ” rồi nguẩy đít đi ra. Khỏi ngõ, lão lẩm bẩm thế là mất một phiếu.
Những người đến họp mỗi người một vẻ. Nghiêm trang, quan trọng, đăm chiêu, nhăn nhó, nhếch mép cười khỉnh, nói năng văng mạng… nhưng không thiếu hộ nào. Có người còn mang cả cái chiếu sẵn sàng đánh giấc. Trụ sở Thôn kín chỗ. Đám thanh niên nhắng lên chạy ra chạy vào nhưng không bỏ sót đề tài nào. Ông Biểu và anh Dũng chưa tới, chị Nụ ngồi tận trong góc đang nơm nớp lo người ta bầu mình.
Ngồi trên băng ghế dành cho đại biểu xã về chỉ đạo, lão Nhiễu rung đùi ngưỡng thiên cắm địa. Lão có “vở” của lão:
- Chú Biểu nhà tôi đi vận động tài trợ, chắc trục trặc xe máy gì đấy…
Chưởng này thế mà hiểm. Cả phòng họp xôn xao tràn trề hy vọng, có tài trợ là sẽ đỡ phần đóng góp. Lão đắc ý lia cặp mắt xuống dò xét từng người nhưng đố ai biết lão nhìn mình hay nhìn trần nhà nền gạch. Một cậu thanh niên oang oang:
 - Cần người trẻ khoẻ có kiến thức chăn nuôi trồng trọt để chuyển thuần lúa sang canh tác đa ngành nghề…
Lão Nhiễu cắt ngang:
- Trưởng thôn thay mặt mấy họ ăn nói với xã với huyện chứ có phải vác đất đấu vược nền nhà đâu mà chỉ cần trẻ với khoẻ?
Bí thư chi đoàn Vĩnh đọc cả một bài báo:
- Tiếp thu công nghệ mới một cách khoa học với các biện pháp kỹ thuật tiên tiến bắt mảnh đất cho giá trị cao hơn… Đấy mới là điều chúng tôi cần chứ cần ai nói hộ, ăn hộ?
Một chị bế con ngồi tận trong góc, với ra:
- Chán kiểu alô nhai lại qua cái loa treo ở cây dừa nhà ông Biểu lắm rồi. Đang cần gì ấy à? Cần làm thế nào để trị vàng lùn lùn xoắn lá ngoài đồng kia kìa!
Lão Nhiễu thấy cần phải nhắc để mọi người nhớ rằng họ nhà lão đã có công lại có người làm to trên xã:
- Ông Biểu đã kinh qua hai mươi năm làm Trưởng thôn rất phù hợp với chỉ đạo của đồng chí Giang bí thư là phát huy kinh nghiệm trong thời kỳ đổi mới…
Phòng họp như nghiêng ngả. Trời nóng hầm hập mà mấy cái quạt cứ uể oải như cá gặp mã tiền. Chẳng có ai hô mà hai phe hình thành rõ rệt, bên quyết tìm nhân tố mới ngồi sang trái và bên phát huy kinh nghiệm ngồi sang phải. Lão Nhiễu rời băng ghế chỉ đạo xuống bên “phát huy kinh nghiệm”, đưa mắt đếm anh em con cháu họ Lê. Cảm giác tủi hờn lại nhen nhén trong lòng, họ nhà lão mỏng quá, xúm xít nhau một nhúm ở góc phòng. Những lúc thế này mấy con mẹ nái sề kia có thấm thía cái câu một con một của hay không! Lão những muốn mắng cho chúng nó một trận nhưng phòng họp lại rộ lên tiếng cười. Gì mà đám phụ nữ với thanh niên bên kia rững mỡ thế không biết. Lão cảnh giác nhướng mắt sang nhưng bên ấy nhưng vẫn chẳng ai thèm để ý đến cái nhìn của lão.
Họ đang nhắc lại lời cậu Doanh con chị Nụ nói về sự cũ kỹ lạc hậu của cách chọn giống và lối sính phân hoá học làm đất đai chai cằn nên mới bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Mấy bà mấy cô nhắc lại buổi liên hoan tiễn Doanh đi Đại học Nông nghiệp làm chị lại nhớ lời hứa của Doanh “Học xong cháu sẽ về với bà con”. Có mỗi một đứa con, chị đếm từng ngày chờ ngày tốt nghiệp nhưng vừa thi xong nó lại đi Mùa hè xanh với các bạn lên giúp đồng bào miền núi Thanh lâm.
          Lão Nhiễu có chút không yên về cái cậu chàng mới lớn này. Kỳ nghỉ hè nào nó cũng bày cho bà con cách chọn giống, bón phân. Mấy hôm nay lão vẫn nghe đầu thôn cuối thôn hỏi nhau sao Doanh đi Mùa hè xanh lâu thế nhỉ. Cũng chỉ là sự thân vân áy náy một chút thôi chứ dưới mắt lão cái đồ vắt mũi chưa sạch ấy thì hề hấn gì đến chức Trưởng thôn của ông Biểu. Đôi mắt ngưỡng thiên cắm địạ rực lên tia nhìn miệt thị. Cứ đợi đấy. Chỉ cần ông Biểu bước vào nói rằng đi vận động tài trợ được mấy trăm triệu, đang tiếp tục theo đuổi để tiền về thôn thì cái đám kia sẽ gục tất. Yên vị rồi cứ đổ cho bế tắc từ các cửa, thủ tục hành chính như mớ bòng bong, dân đen thôn Thượng có mà lần đến ngày sang tiểu. Có chăng lão chỉ bận tâm đến sự vắng mặt một cách bí hiểm của tay Dũng. Nhà binh đóng đến lon thiếu tá lại là con nhà pháo, mọi hành động được tính toán đến ly đến tấc không lẽ lại chậm một cuộc họp quan trọng như cuộc bầu Trưởng thôn! Câu hỏi đến không chỉ một lần mà lão chịu không tìm được câu trả lời. Rồi lão tự trấn an, đối thủ không đủ sức đương đầu với trận quyết chiến nên đã dụng kế tẩu vi thượng sách. Lão vẫn đinh ninh với cái lý đồng tiền có chân thì vẻ vang của họ nhà lão đâu còn xa ngái.
Quá mười giờ đêm. Một nửa yêu cầu cứ bầu vì hướng dẫn của trên không cấm ứng viên vắng mặt. Nửa kia cương quyết chống lại với lý do nhỡ ứng viên trúng cử không tự nguyện nhận chức thì sao?
                                                  

                                                   *
                                                *    *  
                                                      
Lão Nhiễu đang rung đùi thì ba chiếc xe máy ùa vào sân. Ông Biểu, anh Dũng và cậu Doanh dựng xe để phủi bụi. Người nào người ấy phủ một lớp bụi chẳng khác khúc kẹo nhồi mới lấy từ lọ bột ra. Sau tiếng dặng hắng thật trịnh trọng, lão Nhiễu quên người chủ trì cuộc họp là ông Trưởng Ban công tác mặt trận, thong thả đứng dậy trước băng ghế dành cho đại biểu, bảnh chọe giơ hai bàn tay úp xuống phòng họp. Tiếng lão oang oang:
- Thế là chúng ta đã có nguồn tài trợ! Đường bê tông mới được một đoạn, rải tiếp. Lớp mẫu giáo chưa lên tầng, sẽ xây tiếp tầng hai tầng ba…
Sáng nay ông Biểu đi sớm lắm, vợ ông ra khoá cổng vào còn ngủ thêm một giấc. Đến nửa buổi, lão Nhiễu sang hỏi chú ấy đã đi như kế hoạch chưa, mụ cũng cứ sự vậy mà thưa. Lúc nẫy thấy lão Nhiễu sốt ruột, mụ ghé tai “Có lẽ gặp được nhiều cơ quan tài trợ nên nhà em về muộn”. Bây giờ thấy chồng cứ mải phủi quần áo, mụ phăm phăm rẽ đám thanh niên, lôi ông Biểu ra một góc:
- Vào bầu ù đi rồi về mà uống rượu, đã làm một mâm cho hai anh em.
Ông Biểu khẽ hừ rồi kéo anh Dũng và cậu Doanh vào phòng họp:
- Xin lỗi để bà con phải chờ lâu. Tôi và anh Dũng lên Thanh lâm đón cậu Doanh. Gớm, toàn đường sống trâu…
Lão Nhiễu biết em họ lão đã không nghe lời lão nữa rồi. Mặt lão sầm xuống nhưng chẳng có ai nhận biết được sự thất vọng trong đôi mắt ngưỡng thiên cắm địa.
                                                                                             Xứ Thanh - 2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét