Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

Lão mù

Cây cầu mới bắc ngang sông.
Người qua cầu mấy ai không nhìn vòm si lá đỏ bồng bềnh cùng màu tím của vạt hoa cứt lợn bên lợi nước đục ngầu. Trong gốc cội xù xì dưới vòm lá cây si ấy có một túp lều và một ông lão mù sống bằng nghề câu. 
Lão đã ngoài bẩy mươi. Hơn năm mươi năm trước lão đã quay lại đây sống bằng nghề chở đò ngang nhưng trước nữa, bến đò và gốc si còn ghi dấu một kỷ niệm đau buồn đè lên cuộc đời của lão.


***

Giêng hai, cây si biết làm trẻ lại mình bằng lớp lá mới thay. Từ mụn vẩy trên thân già buông xuống lợi nước những sợi rễ để bắt đầu một cuộc sinh sôi. Đầu rễ bấy bớt tươi hồng bám vào mặt đất, cứng cáp dần rồi lớn thành thân mộc thay cho những gốc già ruỗng mục. Cái vòm giữa các gốc si cứ rộng dần rộng cho ông lão dựng một túp lều, đêm đêm lão thức với tiếng nhị hồ nghẹn ngào, tha thiết.
Không biết có còn ai nhớ cái tên Kiệt của lão. Lão là đứa trẻ mồ côi được ông bà Hào Tâm đưa về nuôi dạy cắt cỏ chăn trâu cho đến khi bị bắt vào lính dõng. Cuộc đời lão đang xuôi như dòng nước dưới sông kia bỗng bị lật ngược như ngọn măng gặp bão kể từ buổi sáng đội lính dõng đuổi bắt người điệp báo Việt minh. Tên thiếu úy chỉ huy hô lính phóng hỏa khu nhà rồi lùng sục suốt đêm rồi trói ông bà và ba người con trai vào gốc cau, tra hỏi. Trong đội lính dõng ấy có Kiệt đứng khuất bên chuồng trâu nghe tiếng súng bắn từng người mà khẩu súng trong tay anh vẫn hoàn toàn im tiếng. Suốt mấy chục năm, đến bây giờ Kiệt đã là lão mù mà vẫn phải hình dung phút giây từng người gục xuống. 
Nhà ông Hào Tâm còn lại duy nhất cô con gái út tên là Tầm. Tiếng gào “chạy đi” của ông là sự đánh đổi tính mạng của người cha cho hy vọng sống sót của đứa con gái tật nguyền. Đêm ấy, Kiệt bỏ ngũ trốn đi tìm Tầm nhưng mới đến được bến đò thì gặp lính. Anh bị bắt lại rồi bị tống lên Hòa Bình cùng đêm đông hun hút gió miền tây xoáy vào nỗi ân hận.
Ngày Pháp dồn về Hải Phòng, Kiệt đã lần về làng. Biết đi đâu nếu không về cái nơi mình đã sinh ra nhưng quá khứ lính dõng đã đẩy Kiệt ra nơi bến đò quạnh vắng. Người chèo đò vốn là dân tản cư nay trở về quê cũ nhượng lại cho Kiệt đưa khách qua sông. Lặn ngụp dưới dòng nước đục ngầu tanh tưởi mắt Kiệt đã bị mù nhưng anh cứ tự cho là ông trời bắt phải mù để gánh cái tội đứng cùng đội ngũ những kẻ theo giặc hại ông bà Hào Tâm và những người con.
Cho đến bây giờ lão vẫn chưa rõ buổi sáng ấy Tầm đã chạy thoát bằng cách nào. Năm mươi năm trôi qua, nếu còn sống thì nay Tầm đã qua tuổi sáu mươi, lão triền miên những ân hận và bao giờ cũng mong được gặp lại để nói một câu: tay lão chưa hề bóp cò khẩu súng.
Ông bà Hào Tâm có ba người con trai, Kiệt xếp thứ tư làm anh cô Tầm. Họ đã cùng cha mẹ khai phá những cánh bãi dọc triền sông mà xây nên cơ ngơi nhà ngói cây mít với bầy trâu hàng chục con. Ông Hào Tâm mời thầy ở hẳn trong nhà để dạy các con học chữ. Kiệt cũng được học buổi tối công việc chăm đàn trâu mất rất nhiều thời gian, những bài thiếu anh vẫn học thêm ở Tầm. Mang cơm trưa cho Kiệt, Tầm vẫn đòi anh bện rễ si thành chiếc võng cho cô ngồi lên đưa thật bổng. Một bận, không may cái võng bị tuột ném Tầm bay xuống sông gẫy một bên chân. Thầy thuốc chữa cái chân ấy đã để lại di chứng đi cà nhắc. Thật tội nghiệp, cô gái có một bên chân cà nhắc đã phải làm cuộc trốn chạy hơn năm mươi năm không biết sống chết ở nơi nào.
Tiếng bước chân của Tầm in rất đậm trong trí nhớ của Kiệt. Bây giờ đã mù, nỗi nhớ ấy càng chất chồng lên ký ức. Nhưng chiều nay có điều gì rất lạ. Tiếng phanh ô tô, tiếng sập cửa xe, tiếng đàn bà hỏi ai đó về bến đò cây si và tiếng chân thậm thịch bước không đều đi xuống một đoạn dốc. Lão mù thảng thốt đợi chờ nhưng tiếng cửa xe đã ập lại rồi chạy đi. Lão ngẩn ngơ trong mái lều bất giác với cây nhị vuốt những ngón tay kéo một đoạn Bèo dạt mây trôi mà không biết mình đang làm gì. Có một cái gì đó đang chuyển động. Đôi mắt mù không cho lão quan sát mọi vật theo cách thông thường nên lòng lão càng thêm thấp thỏm. 
Ánh chiều đã treo trên vòm si lá đỏ, xe vẫn vùn vụt qua cầu. Mùi hăng chát của hoa cứt lợn trộn mùi xăng cháy quen thuộc bây giờ hình như đã thêm một mùi gì thoảng bay trong gió.  
Bọn trẻ chăn trâu chiều nào cũng nhảy ào qua những đám cỏ tranh đem cho lão những con nhái con giun làm mồi câu. Chúng thích nghe lão kéo nhị nhưng chiều nay lão đâu còn lòng dạ. Đoạn quan họ bèo dạt mây trôi chỉ là tiếng của nỗi lòng vô vọng quá đấy thôi. Mấy cô giáo trường tiểu học bên kia đường dận guốc lọc cọc theo lối dốc xuống mua cá. Chiều nay lão bắt cá trong cái khoang thuyền quen thuộc mà lại để tuột tay cho cá nhảy tọt xuống sông. Tâm thần càng bất định, lão ngồi thừ trong lều nghe tiếng gió cho đến khi thằng con ông Hàng dê núi ra hái lá si. Chiều nào nó cũng ra hái lá si cho khách ăn hàng rồi kể đủ thứ chuyện. Hôm nay nó khoe bố đã bán mấy gốc sung, gốc khế cho người ngoài phố về làm bon sai. Mà sao dạo này có nhiều người đến ăn thịt dê thế không biết. Những câu chuyện không đầu không cuối làm lão linh tính một cái gì đó đang chuyển động trên quê hương lão nhưng là gì thì lão không thể nghĩ ra. Trời chiều se lạnh, lão với cây nhị đãi người bạn vong niên một bài quan họ, cá đi ăn giấc đầu hôm đã um ủm bên lợi nước mà lão cứ thả hồn với tiếng nhị về phương nào xa lắm. Lưng lão gò lại, đầu gối nhô lên, cánh tay lão cung những vòng lượn cùng khúc dân ca dập dìu. Tiếng nhị loang trên mặt sông quyện cùng sương chiều trộn vào làn gió cứ hu lên qua cái bọng sáo ngang thân si già. Đãi người mà lòng lão hồ như rỉ máu, làn quan họ sao khắc khoải, hoài mong.
Thằng con ông Hàng dê núi kêu sao đã sang tháng ba mà si chưa ra lộc. Lão giật mình, tháng ba si phải ra lộc để tháng năm còn xòe cái vòm đỏ mà đón gió nồm nam chứ! Trong lòng lão vẫn sống động một tháng Năm của Tầm, hôm ấy cô bắt anh thay bộ quần áo mới rồi hai người ngồi trên cái võng bện bằng những chùm rễ si. Cô vòng tay ôm Kiệt bảo anh đừng lo đừng sợ nữa, chân em cũng đã liền lại rồi, bố không la mắng không đuổi anh đi đâu. Anh có biết bố bắt anh học chữ vì bố có ý định lớn lên em sẽ làm vợ anh không. Lời con trẻ hồn nhiên trong trắng đã khắc sâu vào trái tim Kiệt. Nhưng định mệnh đổi thay khi lão bị bắt vào lính dõng, lão day dứt vì sao mình không trốn trước đi để tránh cuộc săn lùng định mệnh. Tại sao không nổ súng vào tên thiếu úy mà cứ run rẩy nghe nó lần lượt bắn chết bà Hào Tâm, bắn chết ba người anh và bắn chết người cha thân yêu của Tầm.
Lão giật mình mà vẫn ngồi, mọi hôm giờ này lão đã sửa soạn bàn câu với cái dỏ mồi rồi chèo thuyền tìm nơi dăng thả nhưng hôm nay lão cứ thẫn thờ ngồi nghe tiếng cá mà bỏ bê việc kiếm ăn. Mấy chục năm nay, điều duy nhất lão làm được là lập bàn thờ cúng giỗ hàng năm. Nếu ai vào trong túp lều của lão sẽ thấy nơi trang trọng nhất là nơi kê cái bàn, bên trên lão đặt ba hàng bát hương, bát thờ ông bà Hào Tâm đặt cùng hàng với bát hương thờ cha mẹ lão. Bao nhiêu nước đã trôi qua cầu mà nỗi ân hận cứ đầy vun trên mỗi bát hương như nỗi lòng chất chồng của lão.
Ao ước được gặp Tầm để chỉ nói một câu "Tôi chưa hề bóp cò khẩu súng..." liệu có còn hy vọng?

***

Bà Tâm Huyền Việt kiều Pháp đã xin được giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến hoa quả ngay tại quê mình. Hôm ấy, từ trong mái lều dưới gốc si lão mù đã nghe tiếng phanh xe, tiếng bước chân dò dẫm xuống con dốc vệ đường. Một giọng phụ nữ khàn hơi đớt nhưng lão vẫn nhận ra sự quen thân từ bước chân không đều. Phản xạ của lão là với cây nhị trên vách, bàn tay khô khẳng vuốt những mây trôi trăng đã ngả ngang đầu… Vẫn dây tơ ấy mã vĩ ấy mà hôm nay nhị hồ nghẹn ngào như than như khóc thương nhớ không nguôi…
Tiếng nhị kéo bà Tâm Huyền bước nhanh hơn. Những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má đã có vết nhăn. Năm mươi năm mới lại được về với gốc si lá đỏ năm nào, với anh Kiệt của bà, anh Kiệt ngày xưa bố đã ngầm chọn làm con rể…
- Anh Kiệt!
Cái nhị rơi xuống, lão mù vấp phải bạnh si khi nhào về phía trước:
- Tầm đấy phải không em?
- Vâng, em đây, anh Kiệt ơi!
Bà Tâm Huyền chính là cô Tầm con gái út ông Hào Tâm, người đã từng thơ ngây hẹn ước với Kiệt dưới gốc si này. Họ nghẹn ngào, run rẩy. Tiếng khóc lặng lẽ của hai trái tim già nua qua bao cơ cực đã gọi về cái buổi sáng đau thương Kiệt đẩy Tầm qua bụi cúc tần rồi xua đàn trâu ra đánh lừa bọn dõng.
Lão mù dìu bà Tâm Huyền ngồi lên chiếc võng rễ si nay đã cắm sâu vào đất. Rồi như sợ không kịp, lão nói ngay cái điều chôn chặt trong lòng:
- Anh cố sống vì chưa nói được với em…
Lão nghẹn lại. Bà Tâm Huyền càng không cầm được nước mắt:
- Anh Kiệt đừng buồn chi chuyện cũ. Em đã gặp người cùng đi càn với anh trong đội lính dõng hôm đó…
Ông lão mù thở ra một hơi rất dài. Nỗi ân hận đè trĩu cuộc đời lão hôm nay đã vơi nhẹ được một chút. Hai người, một nhếch nhác mù lòa một nền nã trong bộ bà ba màu gụ, cùng ngồi cùng kể cho nhau... 
HN- 2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét