Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Hòn vọng phu trổ bông





Tôi có món nợ mang suốt ba năm chiến tranh với ba mươi năm hòa bình. Ngày tham gia chiến dịch Đường Chín, khi cõng Uẩn ra phía sau giao cho đội chuyển thương, Uẩn nắm tay tôi thều thào “Nhắc Cường nhớ lời tớ dặn”! Lính cộng hòa vẫn liên tục phản kích hòng chiếm lại cao điểm. Khói lửa và tiếng nổ của các loại vũ khí phủ kín trận địa. Tôi quay lại nhưng không gặp Cường, sau đó cũng phát triển theo một hướng của chiến dịch. Chiến trường liên miên, nhiều năm sau đó tôi cũng không có tin Uẩn. Mãi đến năm nay, tại ngôi nhà số Một phố Trúc bạch, nhân ngảy truyền thống đơn vị tôi mới gặp Cường. Cứ tưởng gửi lời thì nói… không ngờ phía sau lời nhắn của Uẩn là cả một chuyện tình đầy máu và nước mắt!
Cường kéo tôi đến ngồi trên cái ghế đá trông ra hồ, kể rằng ngày mới vào chiến trường đã nhận lời với Uẩn, nếu có “sự gì” sẽ thay anh chăm sóc Xuyến. Xuyến là bạn chung của hai người, cùng học với nhau suốt mấy năm cấp Ba, yêu Uẩn thắm thiết, đợi Uẩn đi bộ đội về nhưng ngày chiến thắng Uẩn đã không về.
Cường kể tiếp. Ngày kết thúc chiến tranh, tôi đã về gặp Xuyến. Cô vẫn xinh đẹp, bao thương nhớ đợi chờ càng ngời lên cùng niềm vui chiến thắng. Khuôn mặt trái xoan với nụ cười đằm thắm như bông hoa hồng sắp bung những cánh cuối cùng. Cả hai chúng tôi đều nghĩ Uẩn chưa về vì đang bận công tác. Anh sẽ về trong nay mai, ngày ấy là chắc chắn và không xa xôi. Nhưng rất lâu sau đó Uẩn vẫn không về và không có giấy báo tử?
Cường buông một tiếng thở dài. Tôi đang mải nghĩ cuộc chiến nào phụ nữ cũng là người chịu nhiều thiệt thòi nên bất giác cũng nối theo một tiếng thở dài.
- Tôi đã gặp được cơ duyên, ông ạ! Cường cắt đứt mạch nghĩ của tôi - Khi đã nản lắm rồi thì hy vọng lại đến từ cậu lái xe.
Lái xe cho Cường là cậu Hoàng, trước làm công vụ rồi sau lái xe cho Cường. Đấy là một chàng trai sinh ra trong hòa bình, lúc nào cũng líu lo như con chim sáo. Hết chuyện chăn trâu thả diều, một hôm nó nói rằng bố nó bị bỏ quên trong Trường sơn! Bị bỏ quên? Cường thấy lạ nên hỏi lại nhưng cu cậu vẫn hồn nhiên:
- Vâng. Những năm kinh tế khó khăn bố cháu cứ khen một bác cũng bị bỏ quên như bố cháu nhưng ra quân đến đường 9 lại quay vào Tây nguyên!
Câu trả lời của cậu lái xe làm Cường ngẩn ngơ mất một dạo. Ông sắp xếp được dịp về thăm gia đình Hoàng và được biết người lên Tây nguyên ấy tên là Uẩn.
Hy vọng đã bừng lên khi nghe nói đến tên người bạn mà ông và Xuyến bao năm đau đáu kiếm tìm. Ông điện thoại ngay cho Xuyến nhưng niềm vui qua đi rất nhanh, càng ngày ông càng thấy cái thế kẹt của câu hỏi bạn đang ở nơi nào? Ông xin cấp trên cho nghỉ phép. Mấy anh tỉnh đội, huyện đội là chỗ quen biết rất nhiệt tình giúp đỡ nhưng không ra manh mối nào. Rất khó chắp nối một mẩu thông tin của bố Hoàng với Tây nguyên mênh mông đã bao năm hòa bình, xây dựng. Người ta khuyên nên đến các khu dân di cư tự do, ông đã tìm được một người nhớ láng máng ngày đi vào có một anh bộ đội cà nhắc có vết sẹo kéo bên mép phải xếch lên thái dương. Hình như đến Đak Xut thì anh ta tách ra, nói là đi tìm người quen trong Công Tum hay đâu đó. Lại càng mơ hồ nhưng dù sao cũng có một cái hướng cho hai thầy trò tiếp tục lang thang trên cao nguyên.
Có một lần, Hoàng huyên thuyên ở quán Thịt rừng được ông chủ quán kể rằng cách đây đã lâu có hai người chờ xe đi Bình Định gạ nhau mua bán mấy héc ta cà phê. Người đã mua chân khập khiễng râu quai nón có vết sẹo kéo từ mép phải xếch lên thái dương… Đấy là đặc điểm của cái ông Uẩn ra đến đường 9 còn quay lại Tây nguyên mà bố Hoàng đã tả. Ăn xong, Hoàng chở ông Cường lên mạn Chư Sê và thật may, những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ phép ấy, họ đã tìm thấy Uẩn trong một rẫy cà phê.


                                                *
                                                *    *

Cuộc kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị đã qua phần lễ, tôi và Cường bỏ phần hội ra bờ hồ Trúc Bạch. Cường nói rằng trước khi về hưu có lên Cao nguyên và đã có một đêm cùng bạn trên cái chòi trông cá.
Triệu mắt lá nhấp nháy như dìu ánh trăng cao nguyên theo gió tràn xuống dát bạc trên những gợn sóng mặt hồ. Gió từ vịnh Thái Lan tràn về rười rượi, lũ cá dưới hồ vờn quanh chân cột um ủm. Hai người mong được gặp nhau đến thế mà lúc này, mỗi người lại quay một hướng nhìn nước, nhìn trăng!
Uẩn xoay người tựa vách nhìn những mắt lá lấp loáng trên đồi cà phê. Từ lúc nghe tin Xuyến ốm nặng, Uẩn như người mất hồn. Khi nghe Cường nói chả có thuốc nào bằng cậu về, Uẩn văng tục:
- Mẹ, đời chó thật!
Rồi Uẩn nói rằng ngay khi ở quân y tiền phương anh đã mong cho Xuyến gặp được duyên mới lấy được tấm chồng rồi mình nguyện làm người lính hậu cần suốt đời chăm sóc gia đình của Xuyến!
- Tớ đã về. Sau lần đầu cậu với thằng Hoàng lên đây tớ đã về nhưng không dám gặp Xuyến…
Từ bến tàu hỏa Uẩn về thẳng nhà Xuyến đúng vào lúc có mấy em nữ sinh đang xúm xít bên cô. Câu chuyện của mấy cô trò đã chặn anh lại. Đứng khuất sau dàn hoa giấy, anh đã vô tình nghe hết: chúng con năn nỉ cô hãy dành một phần cho mình. Chú Uẩn đã có số phận riêng của chú, tổ quốc sẽ đời đời nhớ ơn chú. Thầy Vinh chân thành tha thiết lắm, cô ạ. 
Hoá ra các em đang làm mai cho Xuyến một người tên là Vinh. Bất ngờ quá. Xuyến có thể sẽ đi lấy chồng! Điều anh mong đợi bấy nay có thể đang đến. Anh quyết định không làm vật cản mặc dù từ mái tóc xõa sau lưng Xuyến hương bưởi đang lan tới đốt cháy trái tim anh. Anh cũng không dám về thăm bố mẹ vì sợ Xuyến sẽ biết và sẽ khó cho việc quyết định xây dựng với Vinh!
- Thế là tớ vái đại ba vái về phía làng rồi ngược đường cũ.
Chuyện Vinh ngỏ lời với Xuyến thì Cường biết rõ nhưng anh không muốn cắt lời bạn. Anh đang gặp may, con người cạy mãi mới được một lời này đã vào mạch.
- Mình đã nhận lá thư cậu trách về đến Đà Nẵng đã không ghé vào với nhau lại bày đặt gửi tiền qua Bưu điện. Thực ra là tớ xuống ga Đà Nẵng lúc trên đường từ quê vào. Lúc ấy, cậu không hiểu được tâm trạng của tớ đâu. Con tàu lầm lũi đưa tớ về phương nam bỏ lại phía sau là Xuyến ngồi quay lưng ra cửa sổ có dàn hoa giấy…
Uẩn dừng lại, hỷ mũi. Khuôn mặt có vết sẹo kéo từ mép lên thái dương càng dúm dó vì sự đau đớn trong lòng có lẽ đến tột cùng. Đêm đã khuya, đàn cá dưới ao chắc đã no nên tiếng um ủm thưa dần.
- Từ lúc bái vọng về làng, tớ đã tính vào Đà Nẵng nhờ cậu đem tiền về cho bố mẹ nhưng thấy nhà Xuyến xập xệ quá, tớ lại đổi ý. May mà cậu vẫn giữ kín chuyện.
- Đang chết dở đây. Bây giờ Xuyến cứ nhè tớ mà đòi trả nợ!
- Mà sao lúc mới giải phóng cậu với Xuyến không…
- Làm sao tớ có thể cưới Xuyến khi không ai báo tử cậu!
Trăng sáng hơn và gió mạnh hơn, những vòng bạc dưới hồ càng thêm lấp lánh. Ngoài rừng, đôi chim từ quy đã vào hồi thống thiết, đêm sắp đi qua mà câu chuyện còn dài.
Cường nhìn Uẩn bằng cái nhìn rất nghiêm:
- Thế cô Thoa và cái Thơm là thế nào?
Lần trước, cái lần mà hai thầy trò Cường lên Chư Sê đến ngôi nhà giữa rừng cà phê, ngồi chưa ấm chỗ Cường đã giục thằng Hoàng nổ máy đánh xe về. Uẩn không có nhà, người phụ nữ tên Thoa và đứa con gái nhỏ tên là Thơm tiếp đón rất ân cần. Nhưng cô Thoa chỉ chào lí nhí rồi vào bếp không thấy lên nhà trên nữa. Cái Thơm thì không có câu nào là không “bố Uẩn cháu” ra chiều trên trái đất này chỉ mỗi mình nó là có bố.
Bây giờ Uẩn mới cười. Chỉ có tiếng ha ha lọt qua bộ râu, nước mắt nước mũi chảy như người khóc, trông thật tội nghiệp.
- Thầy trò ông đùng đùng không cho ai giải thích. Chuyện là thế này, cô Thoa lấy phải thằng chồng nghiện, nó chết khi nhà cửa ruộng vườn đã bán hết còn quắc lên cổ vợ một món nợ. Với nghề chè chai đồng nát, vợ hắn nuôi thân còn khó nữa là nuôi thêm đứa con. Mà đứa con ấy là con riêng của thằng chồng tệ bạc kia, đời chó thế. Khi vào đây, cô ấy ốm nheo ốm nhếch, việc làm ngoài rẫy nặng nhọc nên tớ cho vào làm việc trong nhà. Hết mùa hái cà phê năm ấy người ta kéo nhau đi tìm công việc khác thì cô ta lại lăn ra sốt rét. Tớ phải đưa đi bệnh viện rồi khi cắt cơn phải đón về chứ bỏ đấy cho ai. Cô ta hay khóc lén, gặng hỏi mới nói hoàn cảnh của mình nên tớ cho ứng thêm một khoản gộp với tiền công về trả nợ và đón con Thơm vào.
Uẩn đưa cái nhìn như trách sang phía bạn nhưng giọng nói lại rất chân tình:
- Khi tớ về cái Thơm cứ hỏi tại sao bác bộ đội lại nói là tưởng ngậm ngãi tìm trầm hoá ra cũng chỉ là trò lãng xẹt. Tớ chết điếng mà không biết giải thích với nó thế nào.
Cường vẫn im lặng.
- Cô Thoa chạy theo gọi mà thầy trò cậu cứ chạy. Lúc quay về, cô ấy ôm con nhắc đi nhắc lại bạn của bác đã hiểu nhầm bác mất rồi. Nhầm thật đấy, Cường ạ!
Cường đã tin là mình nhầm. Căn lều đã có bề chùng xuống thì chính Uẩn lại làm không khí căng lên:
- Lý lịch cái Thơm ghi bố Uẩn mẹ Thoa.
- Nghĩa là cậu đã tạo lập một gia đình cho mình?
Giọng Cường sẵng lắm nhưng Uẩn lại cười, cái cười qua hàm râu với cái sẹo dúm dó:
- Tớ phải khai bừa như vậy. Chả lẽ để con bé mãi mãi là đứa mồ côi.
Biết mình dã quá lời, Cường ôm choàng lấy bạn:
- Uẩn ơi là Uẩn! Cậu vẫn như ngày xưa mà sao cứ trốn chạy mãi thế? Hãy về với Xuyến đi. Những năm chiến tranh đã đi một nhẽ, đằng này để Xuyến đợi cả ba mươi năm hoà bình, cậu có nghĩ đó cũng là một sự dã man không?
Uẩn giật cái dây chuông. Mảnh gang trong đầu lại cựa quậy dúi đầu anh vào vách ván. Cô Thoa tay xách phích nước tay cầm túi chườm, đứng trước cửa, lo lắng:
- Cháu xin phép ông. Bác Uẩn ơi, bác lại đau à?
- Ừ, cũng như mọi lần thôi!
Uẩn cầm túi nóng tự chườm rồi bảo cô Thoa:
- Khi nào sáng rõ thì cô ra thị trấn gọi đại lý vào đây, cà phê bán được rồi đấy. Dắt xe ra xa hẵng nổ máy cho thằng Hoàng nó ngủ.
Đầu vẫn còn âm ỉ nhưng Uẩn không hãm được mạch câu chuyện:
- Từ ngày có cô Thoa, tớ gọi thợ sửa cái chòi rồi ở hẳn dưới này. Mọi liên lạc với nhà trên đều bằng tiếng chuông- Uẩn chỉ sợi dây căng trên vách- giật cái dây này là chuông trên phòng cô Thoa sẽ kêu.
Cái Thơm bê nồi cháo xuống. Nó láu táu len vào kê lại cái gối dưới thắt lưng Uẩn. “Bố vã hết mồ hôi ra đây này”. Nó nghiêng phích nước thấm cái khăn lau nhẹ lên mặt lên lưng cho Uẩn. Tay nó thoăn thoắt, miệng nó líu lô, trông đủ biết nó rất hay lam hay làm những việc này. “May quá, hai mẹ con cháu vừa đi một vòng gỡ được mấy con sóc dính bẫy trên đồi cà phê, về đến nhà thì nghe tiếng chuông”. Nó múc cháo ra cái tô, dùng muôi gạn từng khúc thịt rắn nùng nục, cong ngón tay gõ lọ hạt tiêu xoay vòng trên bát cháo. “Bác cứ xơi trước, bố Uẩn cháu tí nữa mới ăn được ạ. Bố Uẩn cháu hay bị đau như thế này lắm, dạo trước còn cho cháu ngủ ở đây nhưng nay bắt cháu phải lên nhà vì sợ trên ấy mẹ có một mình”. Con bé cứ hồn nhiên. “Bố Uẩn ơi, hay bố cùng ăn với bác cho vui nhé”. Nó mút ống xê rom hứng chén rượu cho Cường. “Bác có biết không, rắn nước ở bãi lầy con nào cũng béo. Mẹ cháu bắt giỏi lắm, trên nhà còn trống một ang. Cả những con cầy con sóc dính bẫy cũng vậy, mẹ cháu tẩm ướp rồi treo lên gác bếp, đến bữa chỉ việc lấy xuống nướng”.
Cường nhìn đứa con gái, lòng thầm cảm ơn ông trời. Nó là cơn gió mát lành thổi qua cuộc đời nhọc nhằn của bạn.
Khi hai mẹ con cái Thơm đã lên nhà trên, Uẩn mới lôi ra cái thùng đạn đại liên rồi mở khoá lấy ra tập giấy:
-  Cậu đọc đi!
Mấy tờ đầu là những ghi chép từ ngày bị thương, năn nỉ xin anh quân lực cho ở lại làm việc gì cũng được. Rồi sang Tây Trường Sơn làm lính kho. Khi đại quân lật cánh về phía đông, Uẩn và một số anh em được giao ở lại gom những kho hàng rải rác chờ đơn vị về đón. Phần ghi chép nhiều nhất là khi nghe đài biết miền Nam được giải phóng, đất nước đã thống nhất mà chưa thấy đơn vị trở lại. Hàng hoá không dám bỏ, kho vẫn phải bảo quản mặc dù có những thứ đã mục. Chắc là phải đấu tranh tư tưởng ghê lắm nên Uẩn đã ghi trọn một lời thề danh dự của quân nhân“Nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh cấp trên, khi nhận bất cứ nhiệm vụ gì cũng thi hành một cách nhanh chóng và chính xác”. Năm bẩy tám có đoàn tìm hài cốt liệt sĩ đi qua, họ đã báo cáo lên trên. Sau những dòng ghi về sự kiện gặp anh em chính sách thì không thấy Uẩn ghi chép gì nữa. Cả một trang sau chỉ có mấy dòng “Đau đầu quá. Đi trại TB hay về nhà đây? Không thể bắt Xuyến chịu chung sự mất mát này!”.
Cường dõi theo những vòng tròn ánh bạc trên mặt hồ. Ngày còn đi học Uẩn đã hay nhận những việc khó về mình, bây giờ vẫn không muốn làm phiền đến ai nhưng cái cách lẩn tránh Xuyến thật không thể chấp nhận được. Phụ nữ nước mình tự ngàn xưa đã có thêm một thiên chức: họ luôn mở lòng sẻ chia thương tật của trai tráng ngoài mặt trận trở về. Uâmr không muốn cho Xuyến cùng chịu thương tật của mình nhưng có biết đấy là một sự xúc phạm?
Rất may là Cường còn chưa đặt thành câu hỏi. Khi giở tiếp, Cường mới thấy một tờ Pơlua đánh máy có chữ “Giấy xuất viện”, ở phần kết luận có dòng chữ viết tay rất thoắng “Hai bên dịch hoàn bị dập nát, dương vật bị cắt cụt, sau này có điều kiện đề nghị cho đi chỉnh hình” và chữ ký đóng dấu đã nhạt màu. Cường hoảng hốt kêu lên:
- Trời ơi! Thương tật của cậu là thế này ư!
Cái phần đàn ông của Uẩn đã bị quân thù tàn phá không dễ gì khắc phục. Ông bác sỹ ghi có điều kiện cho đi chỉnh hình để động viên thương binh chứ Cường nghĩ là sẽ không bao giờ khôi phục lại được. Trong tất cả những gánh nặng người phụ nữ có thể mang hộ chồng, có lẽ đây là cái gánh nặng nhất. Và anh không kìm được tiếng kêu trời.

*
                                                *    *

Ông Uẩn đã theo thày trò ông Cường về quê. Không thể nói hết niềm vui của bà Xuyến nhưng ông vẫn lặng lẽ thực hiện kế hoạch của mình. Ông đến gặp ông Vinh, không giấu thương tật của mình và đề nghị ông Vinh tiếp tục thuyết phục bà Xuyến. Lời chối từ nhã nhặn và lời cảm ơn chân thành của ông Vinh làm cho ông Uẩn bị tâng hẩng. Thật khó cắt bỏ những nỗi niềm bấy nay nên ông không biết nên hành xử tiếp thế nào?
Rất may là các bạn đồng môn đã kéo ông ra khỏi tâm trạng rối bời. Người nào cũng muốn góp lời, câu chuyện từ những ngày đầu cuộc chiến tranh phá hoại được kể lại như vừa mới hôm qua. Máy bay Mỹ đánh Hàm Rồng vào tháng Ba thì đến cuối tháng Tư đầu tháng Năm năm Sáu lăm chúng đánh nút giao thông Yên Thái. Không chờ lệnh của Ban Giám hiệu, học sinh Trường cấp Ba Nông cống từ các hầm hào lao ra đường cùng các đơn vị dân quân. Tất cả vận động về phía bom vừa nổ cách trường hai cây số. Tiếng người gọi nhau cùng với tiếng bàn chân rào rào trên đường sỏi. Khói đen cuồn cuộn, bùn đất văng vãi, không còn tiếng máy bay nên ai cũng ngờ vực nhìn bốn góc trời. 
Anh bộ đội dùng loa sắt điều phối dân quân, học sinh vào nhà ga, nhà máy xay, nhà máy phân lân... Cường, Uẩn, Xuyến cùng nhao vào tốp bộ đội công binh đang đào quả bom chưa nổ ở đầu cầu Vạy, nhưng Xuyến bị gạt lại.
Xuyến nhập vào đoàn cứu thương rồi tìm cách vào nhà máy xay. Những bức tường đổ sập, những kho lúa cháy ngùn ngụt, khói lửa mù mịt rất khó nhận ra lối đi. Có tiếng người rên. Trong hỗn tạp những tiếng động, Xuyến nghe rất rõ tiếng người rên và hình như còn kêu cứu. Cô nằm xuống, sờ soạng, trườn tới. Gặp một mảng tường thủng, Xuyến lách qua. Một bàn tay đầy máu túm lấy cô, lào thào: “Cứu… cứu với…”. Đấy là một anh công nhân bị mảnh bom vào bụng, tay cố bưng mớ ruột bị xổ ra. Xuyến buộc lại nhưng vài cuộn băng xô chẳng thấm tháp gì, sau mỗi cơn đau ruột lại xổ thêm. Cô cởi áo quấn tiếp rồi vòng tay xuống nách kéo người bị nạn cố lết về phía mảng tường thủng. Ruột càng xổ ra nhiều hơn, Xuyến chẳng còn cái gì mà băng mà buộc nữa, cô đành cởi cái quần đang mặc quấn thêm vào bụng người bị nạn.
Uẩn phụ với các anh công binh nhưng vẫn nhớ Xuyến là người rất sợ máu. “Phải vào xem Xuyến thế nào”, anh nói với Cường rồi chạy theo hướng Xuyến vừa chạy. Chui qua được lỗ tường, Uẩn đã gặp Xuyến một tay ôm người bị thương tay kia đang cố bám mặt sàn mà lết. Khi anh bế người bị thương lên thì Xuyến gập mặt xuống đầu gối, nôn ọe. Trong ánh sáng nhờ nhờ, vệt máu càng thêm tím thẫm. Sờ đâu cũng thấy nhớt nhèo, từ bé đến giờ chưa bao giờ gặp cái mùi tanh nồng khủng khiếp này, cơn nôn thốc tháo làm Xuyến rũ ra.
Đưa được anh công nhân ra nơi cấp cứu, Uẩn vội quay lại. Anh vuốt lưng vuốt ngực cho Xuyến nhưng máu trên người cô nhiều quá. Bộ quần áo lót trên người đẫm ướt, khi anh xốc Xuyến đứng dậy, máu trên người cô chảy ròng xuống hai chân. Cả hai run rẩy, ngượng ngập, nhưng máu và lửa đã không át được cảm giác ngạt thở bởi những va chạm đầu đời của đôi trẻ mới lớn.
Bộ mặt của chiến tranh đã hiện ra thật khủng khiếp nhưng cuộc chiến ấy cũng đã nâng vực mối tình của Uẩn và Xuyến lên một nấc thiêng liêng. Hai người càng trân trọng những đụng chạm đầu đời thì họ lại càng tò mò và cuối cùng, những háo hức tuổi trẻ đã đưa họ đến sự dâng hiến. Cả hai đã dành tất cả cho nhau, nếu Uẩn không đi bộ đội trong đợt lấy quân đột xuất năm ấy thì đám cưới của họ đã được tổ chức…
Ký ức các bạn mang lại đã giúp ông Uẩn lấy được thăng bằng. Lúc tĩnh tâm nhất, ông đã nhận ra sự mặc cảm tai hại của mình. Chính sự mặc cảm thương tật đã biến ông thành kẻ ích kỷ. Tình yêu không có chỗ cho sự thương hại. Cái cách mà ông định đền đáp cho Xuyến hoàn toàn là một cuộc đền bù vật chất. Chỉ trao nhau vật chất thì vết thương chiến tranh liệu có kín miệng!
Xuyến đã đồng ý lên Tây nguyên với Uẩn. Hai người thống nhất sẽ coi Thoa như em gái, cái Thơm như con gái. Những người đến tiễn đề nghị Uẩn ôm Xuyến đứng giữa bạn bè để chụp ảnh. Xuyến không kìm được nữa. Tiếng nức nở òa lên làm mấy bà bạn gái cầm lòng không đậu cũng òa theo. Mắt ai cũng dàn dụa, giọng ai cũng rưng rưng, họ vòng tay nhau ôm hai người và nghẹn ngào “Xuyến là hòn vọng phu trổ bông”.




Cuộc kỷ niệm ngày truyền thống của đơn vị đã kết thúc từ lâu nhưng tôi và ông Cường vẫn ngồi trên cái ghế đá bên hồ Trúc Bạch. Đường Thanh Niên về chiều càng rộn lên những sắc màu muôn vẻ. Trong cái dòng rộn rã kia hẳn đã có nhiều người từng đến với những hòn vọng phu bằng đá được dân gian thổi hồn. Các bạn ơi! Các bạn có biết ở quê Bà Triệu có một người phụ nữ đã được các bạn cùng lứa cùng thời tôn vinh làm một hòn vọng phu. Đấy là bà Xuyến, bà xứng đáng là một hòn vọng phu, một hòn vọng phu có trái tim. Trái tim ấy qua mười năm chiến tranh và ba mươi năm hòa bình vẫn không một phút nguôi ngoai lời hẹn ngày chia tay ra trận. Và bây giờ, hòn vọng phu ấy đã trổ bông.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét