Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Bạn "Tứ đồng"



                                                                                     






Nghe anh con đang dạy học ở quê về báo tin ông Huỳnh đã mất, ông Thoả sững sờ. Thế là người bạn đồng tuế, đồng hương, đồng ngũ, đồng môn đã ra đi khi chưa tròn hoa giáp. Câu chuyện hơn ba chục năm trước đã không còn cơ hội để nói lại với nhau. Cảm giác bất lực trước tạo hoá làm ông buồn bực.
- Anh báo tin cho tôi với thái độ gì vậy. Hình như… hình như…
- Thì con cũng mới nghe thôi mà bố !
Thấy bố quá xúc động, anh giáo nói tiếp:
- Hay là đến hôm bốn chín ngày, con đến thắp hương nói là bố mệt!
Ông Thoả sẵng giọng:
- Anh chẳng hiểu gì cả! Chúng tôi còn một một món nợ, đâu phải chỉ mấy nén hương là xong!
                                               
*
                                                *    *

Con ông không dám nói thêm một lời nào nữa. Hoá ra các cụ có chuyện hệ trọng, nhưng chuyện gì mới được cơ chứ? Đời đầy ắp tiếng cười, người ta say bằng cấp danh vọng, say chức tước tiền bạc còn các cụ thì cứ mãi lằng nhằng ba cái chuyện từ thời chiến tranh!
Nhưng là chuyện gì mới được cơ chứ?
Anh giáo định nhờ bố tính giúp chuyện chuyển vùng nhưng chưa kịp nói đã phải tháp tùng bố về Thanh. Đầu óc anh cứ loanh quanh với câu hỏi chuyện gì mới được cơ chứ. Nửa ngày ngồi xe anh giáo mấy lần định hỏi nhưng vẫn không biết mở đầu bằng cách nào. Bố với chú Huỳnh cùng học phổ thông, cùng đi bộ đội, cùng vào chiến trường rồi cùng ra Bắc học Đại học từ ngày còn bom đạn. Anh chỉ biết có vậy. Mà ngần ấy năm bên nhau tránh sao khỏi những cọ xát va đập. Giả dụ là nếu có đôi lần thất hứa hay lỡ hẹn gì đó thì so với bom đạn mù mịt cũng chỉ là chuyện vặt. Anh giáo cứ tưởng tượng, có lẽ do phân đội súng phun lửa của chú Huỳnh vào cửa mở không đúng giờ G làm phân đội xung kích của bố bị thương vong nhiều hoặc…
Rồi anh giáo cũng được bố kể về ngày còn huấn luyện tân binh. Thấp bé nhẹ cân nên Huỳnh bám riết Thỏa. Trước lúc hành quân vào Nam, Huỳnh vẫn lạc quan về mấy tháng đeo hai viên gạch cốm đi băng băng. Nhưng hành quân mới chỉ được một tuần chân Huỳnh đã sưng vù không xỏ giày được nữa. Đi dép thì bị quai cao su cọ cho những chỗ phồng bị loét ra, bàn chân quấn buộc đủ các loại băng. Tình hình này chỉ còn cách nằm lại trạm giao liên rồi nhận một biên chế ghép vào đơn vị thu dung. Thoả vừa hở ra điều ấy đã bị Huỳnh gắt om:
- Mười năm cùng học tớ chưa từng nhờ cậu việc gì, bây giờ xin chính thức có nhời: hãy giúp tớ vào đến mặt trận.
Thoả không bao giờ dám nhắc hai chữ thu dung nữa. Đến trạm giao liên, việc đầu tiên là lân la các nữ giao liên kiếm ít vải màn cũ và nhúm muối pha nước ấm rửa chân cho Huỳnh. Len lỏi theo những lối mòn giữa rừng già, vắt nâu, muỗi vằn cứ rình chỗ nảo da thịt hở ra là bâu vào. Đêm tối như bưng mà một cậu lại kể chuyện con vàng oanh say sưa thả những vòng tròn âm thanh bẩy sắc cầu vồng vào bình minh của cánh rừng muôn màu hoa lá. Huỳnh thấm nước bọt gỡ con vắt bám như cái càng khóa hai bờ môi rồi bốc tiếp vào câu chuyện: tiếng hót làm náo động cánh rừng đánh thức con tê giác quen thói ngủ muộn ậm è cào bươi lá mục rồi tuôn ra bãi phân bốc hơi nghi ngút. Những vòng tròn xám từ bãi phân nối nhau bốc lên khoá chiếc mỏ màu vàng của chú vàng oanh luyên thuyên… Cứ thế, bao cánh rừng lùi về phía sau, bao chiến trường đón rồi đưa những chàng lính trẻ vào sâu mặt trận.
Có lệnh truyền xuống chuẩn bị leo núi. Thoả chìa gậy xuống bảo Huỳnh nắm lấy. Con vắt no căng trong kẽ tay Huỳnh vỡ ra, máu nhoè nhoẹt làm đầu gậy trơn tuột, Huỳnh tụt tay suýt lăn xuống vực. Nhờ cái ba lô vướng vào gốc cây sinh đôi nên đồng đội kéo được Huỳnh lên nhưng ngay lúc mồm mũi còn phì phò cậu ta đã phét lác:
-  May nhá. Không thì giấy báo tử về đến xã người còn chưa lăn đến đáy vực!
Cậu ta còn luyên thuyên hơn cả con vàng oanh tưởng tượng:
- Đã đành sống chết có số nhưng chết mà chưa xả được thằng thuỷ quân lục chiến nào thì đúng là số cứt gà, các cậu ạ!
Rồi, sau trận quần nhau với lính Mỹ ở thung lũng Ia Đrăng, Thoả và Huỳnh không ngờ được cử đi học. Cùng hành quân vào chiến trường, cùng bên nhau trong ba mùa khô và cùng còn gáo để cùng ra Bắc nên anh em gắn thêm hai chữ “tứ đồng” vào tên hai người.
Ấy vậy mà…
Bố con ông Thoả đang ngẩn ngơ thì được ông hàng xóm mời vào nhà. Bây giờ ông Thoả mới được nghe ông hàng xóm xởi lởi kể về hoàn cảnh gia đình bạn thật bi đát. Các cụ mất từ lâu, nhà có ba anh em thì ông anh cả mắc bệnh tâm thần cả ngày không nói một câu, anh thứ hai chết vì bệnh sốt xuất huyết. Huỳnh là con út, nhìn lên, nhìn xuống chẳng có ai nương tựa. Các bà chị dâu luôn dạy con chết cha còn chú nên Huỳnh thực sự là cây cột cái cho cả một đại gia đình ba nóc nhà. Vợ Huỳnh về “một cục”, cày cấy bốn sào lúa chỉ đủ thóc ăn, mọi chi tiêu đều trông vào đồng lương hưu của chồng. Giọng ông hàng xóm trở nên ái ngại khi kể về các cháu:
- Thằng út đang học cao đẳng, con gái thứ hai cùng mẹ đi tìm nơi học công nghệ thông tin. Cô Giang đưa con đi không biết hôm nay có về!
- Thế còn thằng Hoài? Ông Thoả sốt ruột.
Ông hàng xóm nhẩn nha hút thuốc lào rồi mới trả lời:
- Thằng Hoài ư! Hôm ông Huỳnh mất nó không về…
Ông Thoả xây xẩm vì thằng Hoài không về chịu tang bố. Từ ngày ra Bắc  vẫn nghe ông Huỳnh đi về chăm sóc vợ con tận tình lắm cơ mà. Hay là lời đồn thổi ở cơ quan Binh đoàn ngày ấy…
Ngày ấy, cái ngày vợ Huỳnh đẻ thằng Hoài, cứ đọng lại trong lòng ông Thỏa một nỗi day dứt. Nghe nói thằng Hoài không về chịu tang bố, ông lẩm bẩm “Có thể tay Chính trị Hiệp lý viên Cơ quan có lý”.
Nhìn mấy thứ trong giỏ xe, ông hàng xóm đề nghị:
- Bác và anh tới thắp hương cho ông Huỳnh nhưng mẹ con cô Giang không gửi lại chìa khoá. Đường xa tới… áy náy quá… hay là để tôi gọi đứa cháu đưa ông con ra nghĩa địa, lòng thành tỏ bày trên mộ phần chiến hữu.
Ở quê ông Thoả có tục các thứ đồ phúng điếu dù là chưa thắp hương cũng kiêng mang quay lại nhà mình. Đám còn hung như đám ông Huỳnh đây lại càng phải kiêng. Anh giáo đang phân vân tí nữa đem cho người ăn xin ở đầu chợ hay đem đến cúng thí mả ông ăn mày. May quá, bố con anh đã gặp người hàng xóm tốt bụng…


                                                *
                                                *    *

Ông Thoả ngủ lại khu tập thể giáo viên của con. Mai là hăm ba tết, ông tính sáng ra đi chuyến xe sớm về chuẩn bị làm lễ cúng ông Táo vẫn kịp. Nhưng lòng ông không yên, chưa gặp cô Giang để nói một lời thì về làm sao được.
Con ông ngủ với bạn ở phòng bên thấy bố cứ chong đèn đã mấy lần hé cửa giục bố ngủ. Quá nửa đêm, anh làu nhàu cứ triền miên thức trắng thế này thì mẹ chăm thế nào cho lại rồi chui vào chăn với bố. Và đêm ấy, anh được nghe bố kể câu chuyện ba mươi năm trước.
Cuối năm một chín bẩy tám, ông Thoả được đi phép. Nói là được đi phép vì ngày ấy chưa có điều kiện thực hiện chế độ phép nề nếp như bây giờ. Binh đoàn các ông đang bộn bề với công việc thiết kế và thi công đường Trường sơn. Hôm trả phép, Phòng thiết kế mà hầu hết là anh em tốt nghiệp Khoa công trình Học viện Kỹ thuật quân sự quây quần uống rượu tắc kè với mực khô vợ ông Thỏa gửi lên. Ông gọi điện xuống tiểu đoàn khảo sát nhưng ông Huỳnh đã vào tuyến…
Thỏa hồn nhiên:
- Thằng cha trốn chiêu đãi lên chức bố cu!
Rồi Thoả đằng thằng thông báo Huỳnh đã có thằng “Xưn”*chống gậy. Chính trị Hiệp lý viên nghi ngờ:
- Thật không?
Thoả ngơ ngác:
- Thật cái gì cơ?
- Chuyện vợ Huỳnh sinh con trai?
- Chính xác - Thoả vô tư - Nghe vợ tớ nói tớ rất muốn đến xem bộ ấm chén cu cậu có khá không nhưng vợ tớ bảo đàn ông không được đến đám đẻ chưa ra cữ.
Khi Thoả nâng ly kêu “dô” nhưng Chính trị Hiệp lý viên lại lẳng lặng về phòng mình cầm sang quyển sổ. Anh ta bấm đốt tay trong khi Thoả vẫn ba hoa:
- Sướng tít nhé. Con trai, mẹ đầy sữa thoải mái tu cả ngày… tóm lại là… mỹ mãn!
Chính trị Hiệp lý viên chỉ vào một dòng có tên Lê Huỳnh trong cuốn sổ theo giõi cán bộ rồi tính từ kỳ nghỉ gần nhất đến lúc vợ Huỳnh đẻ mới được có sáu tháng:
- Chắc bà ấy chửa gà nên mẹ mới vuông con mới tròn như cái mồm ông Thoả.
Kèm theo là câu xin vái nhà đại bốc khoác với một cái bĩu môi dài hơn cơn gió làm cho Thỏa lại càng thêm ngơ ngác:
- Thì vợ tớ bảo mà lị!
Đã ba năm hoà bình nhưng nếp sống và cách cư xử của những trí thức mặc áo lính vẫn không khác những năm chiến tranh là mấy. Tất cả cho hoàn thành nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, những gì gì nữa đều là chuyện nhỏ như con thỏ. Cả phòng lại một hai ba dô mà quên hẳn thông tin của Thỏa.
Trưởng phòng nhìn đám sỹ quan trẻ, nói đùa:
 - Chỉ sợ không đủ thóc nộp phạt chứ chế độ phép mà được thực hiện thì mấy bà con dâu phòng này còn nhanh hơn gà ấy chứ lỵ!
 Rồi anh giục anh em đi ngủ sáng mai còn đi cánh tuyến phía Nam.
Chỉ có thế mà trong cơ quan lan truyền chuyện Huỳnh bị “ái” nên bật đèn xanh cho vợ đi kiếm thằng cu. Thỏa đau đầu lắm. Bao năm tắm tiên suốt dải Trường sơn cái mục ấm chén của nhau nào có lạ gì. Tay nào bậy quá, bậy mà ác, phao cái tin ấy với một tay đàn ông ga lăng như Huỳnh khác gì đem muối dưa người ta.
Rồi chuyện này cũng qua. Dù là sổ của Chính trị Hiệp lý viên vẫn tiếp tục ghi thêm những dòng theo dõi nhưng anh em đã tỏa về các hướng với công việc bộn bề. Huỳnh liên tục bám tuyến, trong một phiên trực kỹ thuật Thoả nói qua bộ đàm:
- Cậu bố trí về vài ngày được không?
Bộ đàm tự nhiên rộ lên tiếng bục bục nên Thỏa phải nói lại:
- Mình muốn nói với cậu câu chuyện.
Huỳnh trả lời như không có gì:
- Cho qua đi thằng bạn tứ đồng ơi!
Nhưng chỉ mấy tuần sau Huỳnh đã phải lao vào cuộc chiến mới. Biên giới phía Bắc có động, Huỳnh ra đường 279 khảo sát tuyến Quảng ninh - Lai châu, Thoả sang Lào tham gia với Nga làm đường số 9.

                                                    *
                                                 *    *

Anh giáo chở xe máy đưa ông Thoả sang nhà cô Giang.
Giang đứng trước thềm, áo thụng buông gấu, mảnh khăn xô trùm đầu càng làm khuôn mặt thêm bợt bạt. Sương tháng chạp rắc đầy lá úa trên sân, những chiếc lá xao xác dạt theo cơn gió lạnh. Tấm ảnh bán thân Huỳnh mặc quân phục với cái nhìn xa xăm, mong đợi giữa những bức trướng, cành phan héo rủ vây quanh bàn thờ. Ông Thoả khấn:
- Huỳnh ơi, tớ là Thoả tứ đồng của cậu đây! Bao năm bom đạn không rời nhau một ngày, lúc yên bình lại phải đứa Nam đứa Bắc. Rồi mấy năm nay lo ăn lo học cho con, chúng mình đã quên câu sinh ư hạn tử bất kỳ, Huỳnh nhỉ. Bây giờ âm dương ách biệt, câu chuyện ngày ấy mình biết giãi bày với ai.
Lời khấn của ông Huỳnh làm cô Giang càng thêm nức nở. Trời thêm lạnh. Rất lâu sau cô mới trẫn tĩnh được mà ngập ngừng:  
- Sao mà cuộc đời các anh vất vả đến vậy. Ba chục năm hoà bình chỉ mong có một ngày được gặp nhau, đến lúc gặp nhau thì nhà em chỉ còn là tấm ảnh phủ băng tang. Anh Thoả ơi, anh Huỳnh hay nói đời chưa quá một chữ may là thế nào hở anh?
 - Ông ấy nói đúng đấy, được sống là cái may lớn nhất cô ạ…
Cô Giang lại càng buồn. Cô khóc vì chữ may của chồng cô bé nhỏ nên đã bỏ vợ bỏ con mà đi khi mới năm mươi sáu tuổi trời. Ông Thỏa đã lỡ lời nên không biết nói tiếp câu chuyện thế nào đành mở cuốn nhật ký đặt trên bàn thờ ông Huỳnh.
Nét chữ quen thuộc trên những trang giấy ố vàng, những trang cuối bị nhoè do mồ hôi và do giấy cũ, thời gian ghi trong nhật ký xuyên suốt từ ngày vào Plây cu năm 1977 cho đến trước ngày Huỳnh ra đi không lâu. Ông Thoả lật nhảy cóc mấy trang.
…28/10/78: Đùa quá trớn với Th. Rất tiếc! phiên trực sau sẽ xin lỗi bạn nhé.
15/2/79: Bên nhau suốt mười năm đánh Mỹ với mấy năm hòa bình nay phải mỗi đứa một phương. Về Phòng Thiết kế chia tay thì Th. đã sang Lào chỉ còn lá thư để lại. Sao bạn dằn vặt nhiều thế, Th. ơi! Bạn không có lỗi gì đâu! Có hiểu điều khó nói của mình không hả ông bạn “Tứ đồng”?
10/5/1998: Nghe tin Th. lại đem vợ con ra Hải phòng hay Quảng ninh gì đó. Nó không nhớ quê hay sao mà cứ tít mít tận góc trời. Bao giờ mới có dịp nói lại câu chuyện ngày ấy với nhau, hở Th.?
10/7/2004: Đã thấm đòn cậy cửa xin việc cho con. Ôi ông phó thường dân Lê Huỳnh ơi, ôi cái mặt sau của kinh tế thị trường ơi… nếu biết những con ông cháu cha sướng đến thế này thì mình ở lại mà phấn đấu chứ về hưu sớm làm gì!
15/7/2004: Động mạch vành cứ giở chứng hoài. Những cơn đau thắt điếng người đã gửi một thông điệp buồn! Vẫn phải giấu Giang và anh em thằng Hoài thôi. Còn nhiều việc quá… Đến bao giờ mới có dịp nói cho Th. biết đợt phép chui ấy nhỉ. Th. ơi, mình về trộm mấy ngày được thằng Hoài đúng vào đợt xét thăng quân hàm thượng uý, may lãnh đạo không biết nên mới được cùng đàn sáo sang sông với các bạn. Mình tồi lắm phải không, Th.? Cậu ở đâu hãy báo bằng cách nào đó cho mình, giấu Chính trị hiệp lý viên chứ mình đâu muốn giấu thằng bạn tứ đồng là cậu.
Hoá ra thằng cha lỉnh về ôm vợ. Như thế là đảo ngũ chứ phép chui cái nỗi gì. Huỳnh ơi là Huỳnh, thảo nào tay Chính trị Hiệp lý viên Cơ quan bấm đốt rành rành.
Ông Thoả bồi hồi nhớ ngày truyền thống Quân đội năm ấy, mấy trung uý kỹ sư Phòng Thiết kế được thăng cấp đều tề tựu vui vẻ nhận quyết định thượng úy, duy có Huỳnh nằm lì dưới tuyến.
Cô Giang nói trong tiếng nấc:
- Nhà em không giận, không trách gì anh đâu. Anh ấy vẫn kể những gì bác Thoả đã dành cho bố từ ngày mới vào bộ đội và dặn anh em thằng Hoài không bao giờ được quên. Anh đọc nhật ký chắc hiểu nhà em ân hận như thế nào. Mấy năm nay thỉnh thoảng anh ấy cứ lẩn thẩn ngửa mặt lên trời hỏi anh nọ anh kia đang ở đâu. Chúng em có lỗi với anh nhiều...
Anh giáo à lên thành tiếng. Đấy là tiếng à của sự vỡ lẽ. Anh đã nhận ra, đời không phải lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười khi hiểu được một phần uẩn thắt trong lòng bố!
Ông Thoả như người vừa ngoi lên khỏi mặt nước, mặc cảm gây ra rắc rối cho bạn đã được cất đi. Những dòng của Huỳnh từ những trang nhật ký làm lòng ông ấm lại. Một lần nữa, đứng trước bàn thờ Huỳnh, ông lại cất tiếng gọi Huỳnh ơi.


                                                   *
                                                *    *


Cô Giang kể, ông Huỳnh vừa đưa thằng Hoài vào Kiên giang nhận công tác. Về nhà được mấy hôm thì giải bóng đá Agribank Cup khai mạc.
- Anh ấy quý đội Thể công đến nỗi khi Thể công bị rớt hạng cứ thở dài thườn thượt. Trận hôm ấy, mỗi khi Thể công ghi bàn anh ấy lại hò hét còn to hơn hôm có thằng Hoài ở nhà. Em đi làm về mệt nên đi nằm sớm, khi nghe tiếng gọi vội chạy ra thì nhà em đã gục xuống thành ghế. Em gào bà con đưa đi cấp cứu nhưng chỉ được nửa đường, nhà em đã trút hơi thở cuối cùng. Không ngờ mẹ con em lại phải xa nhà em như thế, anh ơi!
 Cô Giang lại gục mặt vào cánh tay.
- Bây giờ em chưa biết báo tin cho thằng Hoài thế nào, anh ạ. Cháu vừa nhận công tác, không biết đã quen chỗ làm? Đường xa hơn ngàn cây số chứ có ít ỏi gì đâu…
Những lời của Giang và ánh mắt xa xăm mong đợi của Huỳnh cứ rõi theo ông Thỏa suốt chặng đường về. Lá khô xao xác đuổi nhau trên mặt đường. Thế hệ các ông đã đi qua cái khe rất hẹp của sự sống và cái chết, suốt mấy chục năm thương vong bệnh tật chẳng còn món nào không nếm trải mà bạn ông lại ra đi sau một tiếng hét vui mừng.
Thế mới biết những tơ sợi bồng bềnh giữa đời nặng biết bao nhiêu!  
                                                                                      Hà Nội - 30/4/2005
---------------------- 
*Xưn: Con trai (phiên âm tiếng Nga)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét