Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Sinh năm 1951...



Người ta mải vươn ra mặt đường nên không ai để mắt tới vùng núi hoang vu này. Không ai để ý đến một con người lầm lũi cùng tiếng mìn lẫn vào các đợt nổ bên công trường đá. Bởi thế anh có dư thời gian để tri âm cùng đất. Và đất đã bừng lên. Lúa bao quanh đầm cá, bờ vùng bờ thửa của anh xanh mướt những loài cây trái. Bưởi Đoan Hùng, vải Thanh Hà, xoài Ấn Độ… Khe Cát chả bao lâu nữa sẽ thành một vùng trù phú.
Nhưng anh đã rụng rời chân tay khi nhận được giấy triệu tập về xã  “giải quyết một số việc”?!
Ngồi thừ người bên bếp lửa, anh đăm đắm nhìn vào ba hòn đá kê làm kiềng. Ngày mới đến đây, ba hòn đá ấy đã thấm hơi cơm vị muối khi anh móc mấy con cua rốc vốc mớ ốc nhồi rồi vơ nắm rau má nấu bữa ăn đầu tiên. Chúng là chứng tích của sự sống khởi nguồn, bây giờ là ông Công ông Táo nhà anh, vậy mà bao công sức của anh có nguy cơ mất trắng.
 Tại trụ sở Uỷ ban xã, chủ tịch Hoạt cười cười:
- Đất Khe Cát thuộc quy hoạch kinh tế trang trại!
Anh chưa kịp nói gì thì ông Hoạt đã nói thêm:
- Ông đã cư ngụ trái phép!
Tiếng nói gằn như một nhát búa tạ nện thẳng vào đỉnh đầu anh. Những mảng dĩ vãng cay đắng bắn toé ra trước mắt anh thành những đốm hoa vàng chói gắt.  
Cái đêm ấy… trăng giãi trên lối ngõ. Một bọn ồn ào theo vệt thóc rơi từ nhà kho tới sục sạo trong nhà, ngoài vườn, rất hung hăng nhưng nhà anh có bao giờ đóng cửa. Bao thóc tung toé trong gian nhà ngang là vật chứng không thể chối cãi. Chúng xông vào trói rồi giải anh lên Uỷ ban. Làng trên xóm dưới đỏ đèn kéo đến xem mặt “thằng ăn trộm”. Mọi việc xẩy đến nhanh như cướp, anh hoàn toàn bị bất ngờ. Anh cố chứng minh bao thóc trong nhà ngang và vệt thóc rơi là hiện trường giả, cam đoan sẽ tìm được kẻ vu oan giáng hoạ nhưng không ai chịu nghe. “Trộm nào chả liến láu kêu oan”. “Phải trị tiệt nọc nòi trộm cắp!”… Những tiếng láo nháo lào nhào của đám đông hiếu kì bủa vây anh. Hàng chục cái đèn pin dọi thẳng vào mặt anh như những quầng lửa nhoáng bầm của những khối nổ ngày anh còn mở đường trên đỉnh Apông. Sáng ra, dân quân dong anh đi dọn nhà xí với cái biển “Kẻ trộm” đeo trước ngực, anh giằng ra liền bị trói gô vào cột. Lâu nay ai mất con gà, củ khoai cứ nhè tên Tùng mà réo: “Giờ mới lòi mặt con cáo hai chân”. Không có cái kẽ mà chui cái mo mà đậy, anh rũ xuống như tử tù trước cái nơi đã từng trống dong cờ mở tiễn anh đi.
Sau một tuần khổ sai, anh được thả. Vừa lê chân đến đầu ngõ thì thằng con ông Đội vụt chắn lối. Nó câng mặt “Sao không thấy tấm huân chương nào trên ngực?!”. Lời mỉa mai cùng điệu cười ác độc làm anh khuỵu xuống. Anh cố lết vào nhà. Trên bàn thờ, tấm ảnh của vợ lấy từ thẻ quân nhân bạc phếch, hóp héo, lồng trong cái gương to hơn bàn tay với cái nhìn dỗi hờn, oán trách như đốt cháy ruột gan anh.
Nhà gặp nạn, mấy hôm nay mẹ anh không biết ăn bằng gì. Không còn lẻ gạo nấu cho mẹ già bát cháo, anh đánh liều ra đồng ngô. Đội tuần đồng xộc tới, vẫn giọng nói đã nghe hôm ở Ủy ban: “Ối! Lại là mày à Tùng?” làm anh đứng như trời  trồng.
Bò hay lết về nhà, chính anh cũng không nhớ. Sao mà chán sống đến thế này? Tâm trạng anh hoang tàn như bãi tha ma. Mong ước yên bình được đáp trả tàn nhẫn quá!
Vợ anh đi chưa qua thất tuần mà bọn chúng đã bày trò hại anh. Đau đớn hơn là chúng hại anh vào lúc tâm trí anh tồi tệ, sức khoẻ anh suy kiệt. Mẩu gang trong đầu cứ nhay nháy cựa quậy, đầu óc lúc mê lúc tỉnh. Khi mê chỉ thấy lửa cháy và khói đen ngùn ngụt, lúc tỉnh lại nghe tiếng khóc của bà mẹ già gần đất xa trời. Khuôn mặt trong như sáp của vợ kéo anh đổ rầm vào góc tường rồi bất động trên nền nhà. Máu ri rỉ hai lỗ mũi, mẹ anh đã cố im lặng nhưng rồi cũng phải kêu làng xóm đến cứu anh. Anh giật mình vùng dậy, hai con mắt đỏ nọc dừng lại ở cái ba lô lộn ngược treo trên tường.
Tiếng kêu cứu của mẹ lại hoá thành lời thúc anh trốn chạy. Vụ bẻ trộm ngô đã hoàn toàn bít mọi lối gỡ cái oan phá kho trộm thóc. Tình thế đẩy anh đến đường cùng, anh là thằng trộm mười mươi còn dám nhìn ai, dám mở mồm kêu oan với ai!
Mọi người nghĩ ngay đến cảnh những anh bộ đội ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc Nam nên chia nhau đi tìm. Một tốp lần theo những ga tàu, một tốp săm soi bến xe khách nhưng đều không kết quả. Có tiếng ông hàng xóm hú lên: “Sao cái quần Tô Châu của anh Tùng lại vứt bên bờ rào nhà tôi?!”. Mọi người xô tới, lối rào xé vội, đôi dép tông chỏng chơ dưới ruộng. Theo vết chân, mọi người lần theo đến dải đầm hoang. Lau sậy um tùm. Mặt đầm dày đặc rong đuôi chó bị dạt ra một khoảng đen ghê lạnh. Nước đầm sâu và nhiều đỉa quá, đám đông tản dần.
Mọi người đinh ninh là anh đã chết chìm dưới làn nước đầm hoang. Nhưng không… Leo đến đỉnh đồi thì anh hoàn toàn kiệt sức, một cú trượt chân kéo anh lăn xuống tận dòng suối dưới chân đồi. Rất may, thân anh chìm dưới nước nhưng đầu còn ghé trên bãi cuội. Tiếng u u vần vũ của muỗi mòng giúp anh tỉnh lại. Những con muỗi căng máu vỡ nhoè, tanh nồng, rờn rợn. Anh đưa cả tay kia lên vỗ nhưng bị vướng. Đấy là dây buộc miệng của cái ba lô tong teo, sủng ướt, không hiểu vì sao nó lại bên mình. Ôm cái vật thân thiết ấy vào lòng, nước mắt anh ứa ra. Cảm giác ham sống vừa nâng vực tâm trạng được một chút lại trầm xuống theo ý nghĩ muốn đi theo bàn tay vẫy vẫy lẩn quất mơ hồ của người vợ đã chết.
Trong chiếc ba lô lộn ngược có một bánh thuốc nổ TNT, một khoanh dây cháy chậm, mấy cái kíp và con dao chuyên dùng của thợ mìn. Đấy là các thứ anh đem về khi ra quân, định bụng đêm giao thừa năm ấy sẽ tạo một tiếng nổ thật to để thông báo với đất trời rằng thằng Tùng còn gáo. Nhưng địa phương cấm ngặt, anh đã quên khuấy. Hôm nay bên bờ con khe trên đường chạy trốn, không định mà những vật thân quen ấy lại bên mình.
Núi rừng tĩnh lặng, anh nằm yên nghe tiếng suối reo. Hoà bình chưa bao lâu, hào quang chiến thắng tưởng như rực rỡ đến cả bờ khoai, cụm mía. Thế mà...
Những ngày đối mặt với mưa rừng thác lũ trên dãy Trường Sơn, ai cũng một mực “đấu tranh đến cùng thì thôi”. Có lẽ do quá quen với nếp sống ấy mà anh đã ngộ nhận, sự ngộ nhận ai cũng như mình. Chính vì sự ngộ nhận này mà anh không lường hết tâm địa của cha con ông Đội. Khi mất ăn cha con họ chỉ cay cú nhưng trước nguy cơ mất quyền lực thì sự cay cú sẽ biến thành mưu ma. Cái mưu ma chúng dành cho anh độc quá. Lâu nay anh chỉ được dạy cách tự hào chứ đã có ai dạy anh cách chịu nhục! Mảnh bom bằng nửa hạt tấm chắc đã chui hẳn qua hộp sọ hay sao mà nó đang chém đang lia trong não. Làm sao để được minh oan? Câu hỏi như thỏi sắt nung, chạm vào nó là đầu óc anh thon thót bức bối, tâm trạng rối bời, căng nhức. Sức lực của anh chỉ còn đủ để ý thức về nỗi nhục hiện hữu. Cảm thức về tương lai mịt mờ đang tiếp thêm cho những cơn đau xé trời liên tiếp quật anh. Tay ôm đầu, chân đạp cuội, trong khu rừng hoang vắng chỉ có dòng nước vỗ về anh. Khi cơn đau hơi dịu thì ham muốn được đi với người bạn đời đã khuất lại trỗi lên. Ham muốn ấy cứ lớn dần, lớn dần, có lúc đôi mắt đầy hoa cà hoa cải của anh còn nhìn thấy cả nụ cười của vợ như gọi như mời, như thúc giục…Ý nghĩ được chết bằng một quả bom loé lên như tia chớp đã lập tức huy động tất cả năng lực còn lại  nâng anh ngồi ngay ngắn. Bày các vật liệu nổ lên bãi cuội, anh cười méo xệch và bần thần thao tác quả mìn.
Một tay cầm dây cháy chậm giơ cao, anh hướng về quê: “Mẹ ơi! Tha lỗi cho con!”
Sau tiếng gào lạc giọng, anh cúi đầu như ngày nào cúi đầu vĩnh biệt những người bạn chết trên đỉnh Apông. Tiếng xuỳ của dây cháy chậm bén lửa đưa anh vào cõi hỗn mang… tiếng rú gào của gió, của đất trời cuộn xoáy mù mịt… bàn tay Mùa vẫy vẫy phía xa…
Nhưng sao muỗi mòng vẫn u u, chân tay mặt mũi vẫn buốt rát? Anh mở mắt, dây cháy chậm đã tắt từ bao giờ. Cánh tay ôm ba lô có khối nổ trước ngực thõng xuống. Hoá ra dây ướt không thể cháy tiếp. Anh cắn, anh day, thuốc dẫn cháy ngấm nước vón rơi lả tả. Bánh TNT bở mục, cái kíp số 8 cũng xanh gỉ đồng. Anh cười điên dại đập hòn cuội vào cái kíp đến bẹp dí mà không hề phát ra hiệu ứng gì.
Anh bải hoải bước theo dòng suối. Nước lanh tanh reo qua những hòn đá. Đầu óc anh chùng lại. Cảm giác cồn cào nhắc rằng đã mấy ngày nay anh không ăn. Cúi vục nước, bờ đất lở lạng nhào anh xuống đầm. Đánh hơi người, đỉa nhao đến như tên bắn, con to như đũa cả, con bé như lá hẹ, con nào cũng vàng xỉn, bám được vào người là cong thân hút lấy hút để. Anh cố trườn lên bờ. Đói, mệt và tuyệt vọng đến cùng cực nhưng anh vẫn còn cảm nhận được sự lạnh lẽo, cảm giác đó nhắc nhớ anh ở rừng phải có lửa.
Hơi ấm của đống lửa làm cho cơn đói càng dữ dằn hơn. Mắt loè nhoè thấy vật gì tròn tròn, di động. Hình như có tiếng lịch bịch từ những cục tròn tròn ấy phát ra. Anh túm lấy, giơ lên nhìn và láng máng nhớ đây là loài rùa núi có thể ăn được. Đưa con rùa lên gặm, móng chân rùa sắc nhọn cào móc vào môi vào má, anh lơ mơ ném con rùa vào đống lửa. Con rùa ngoe chân nguậy cổ tìm đường thoát nhưng đã bất lực, mùi thịt nướng lan toả làm nước dãi anh tứa xuống ngực. Anh xé, anh nhai, máu rùa nhễu ròng hai bên mép.
Chân tay đỡ run, mắt nhìn rõ dần, dòng suối trong veo nhảy nhót qua từng hòn đá. Mấy con cá nô đùa thỉnh thoảng lại toé lên trước cái thác con con. Trên bãi, những con rùa bị rơi xuống liên tục nhưng lại kiên nhẫn leo lên những hòn cuội. Chúng quyết đi tìm nước hay tìm bạn tình? Tình yêu cuộc sống từ loài vật đã lây sang anh, nhắc nhớ anh về bổn phận. Không, còn hơn bổn phận, đó là trách nhiệm là nghĩa vụ với mẹ già, với người vợ đáng thương. Một cái gì đó như là lòng tự trọng làm mặt anh nóng phừng, ta đâu thể trốn tránh cuộc đời bằng cái chết. Nếu mình chết thì ai nuôi mẹ, ai chăm sóc phần mộ cho Mùa?
Mùa của anh, cô gái công binh cùng đơn vị, ngày đầu nghe tiếng hoẵng tác ngoài suối Acho đã sợ run cầm cập. Nhưng những khuyên trăng nhảy nhót trên dòng vẫn cám dỗ cô. Mấy chàng lính tinh nghịch nghĩ ra một trò đùa, một tảng đá lăn xào qua mấy bụi mua rồi lao ùm xuống suối cùng với tiếng hét “Cọp Apông đấy!” đã làm Mùa quýnh quáng nhào vào lán đàn ông. Cô nhảy tót lên giường ôm cứng lấy Tùng mà run như giẽ. Khi trận cười như bão nổi của cánh lính giữa rừng tạm lắng, Mùa thẹn đến chín dừ mặt mũi. Và lúc Tùng đưa Mùa trở về lán con gái, Mùa lí nhí em với anh chắc có duyên trời định. Những tưởng hai người sẽ được hưởng hạnh phúc bên nhau đến trọn đời, vậy mà…
Người vợ yêu quí của anh đã phải gánh hoạ chỉ vì trời ban cho một giọng hát ấm trầm sâu lắng để hát những bài dân ca về một miền quê gian lao và thuỷ chung với bao thế hệ người ra trận. Cuộc thi hát của xã năm ấy, giọng hát của Mùa đoạt giải Nhất, cái giải mà trước đó người ta đã kháo nhau sẽ về tay vợ ông Đội. Kết quả ngoài dự đoán khiến vợ ông Đội cay mày đỏ mắt. Những câu thách thức, những lời mỉa mai khiến Mùa không thể im lặng mãi. Nhưng Mùa vừa cất lời “Chị không có quyền xúc phạm tôi” thì vợ Đội đã tru lên rồi túm tóc đẩy Mùa té ngửa vào hàng rào địa bi. Cái thai bị động, rồi sẩy, rồi băng huyết. Mùa đi…
Chuyện cũng chưa dừng ở đó. Trong những lần ra đồng, anh hay nheo mắt ước lượng đám này mấy sào, đám kia mấy thước, cho vui. Không ngờ mấy nhà bán tín bán nghi về các khoản thu nộp của ông Đội đã đòi đo lại ruộng. Anh em ông Đội bị phát hiện ăn gian diện tích nên cay cú. Thằng con ông Đội, cái thằng đã bắt chước bố uống mực tím rồi đi chiếu điện làm bệnh án dạ dày để trốn bộ đội, bây giờ có tí quyền lực trong tay rắp tâm trả thù.
 Giấc ngủ làm tâm trạng anh khá hơn. Phải tồn tại. Không sống được ở làng thì vào rừng. Dính viên đạn đầu tiên đã chịu chết là hèn. Anh tìm đường vượt sang thị trấn bên kia dẫy núi. Tóc dài cụp gáy, mặt xạm tái, hai hàm răng vàng ệch, đôi mắt lờ đờ, trên vai là những bao ốc, bao rùa và rắn nước, có khi là cả tổ ong bò vẽ còn nguyên. Dân phố thị hầu hết là người của mỏ đá, sẵn tiền thì mua, không tiền thì đổi. Đổi gạo muối dao cuốc… tất cả các thứ cần cho cuộc sống anh dần sắm đủ. Tiếng mìn ùng oàng của công trường đá đã cho anh một gợi ý. Anh đổi thuốc nổ của đám thợ mìn, những lượng nổ liên hoàn hình thành một đường khe. Lũ đầu mùa xói đường khe rộng dần thành con mương dẫn nước từ đầm xuống vùng trũng. Đất ven đầm đã ráo, cây cỏ vừa đốn chặt đã khô cong dưới gió Lào. Bát cơm gạo mới, mo nước giếng khơi đã giúp anh vượt qua nắng hun, mưa trút.
Ngày đầu tiên thả làn khói có hương vị cơm gạo vào núi rừng hoang vắng, anh bùi ngùi ngồi ngắm mảnh đất đã cưu mang anh. Rồi mùa mưa tới, căn lều dựng tạm bị nước ứ dềnh vây bốn phía. Cóc nhái chui rúc, chuột lích rích mái tranh, rắn lục khoanh tròn trên tấm mền đầu sạp… Hàng tháng trời anh chỉ ăn độc món củ chuối nấu với thịt rùa. Bụng réo cồn cào, anh thất thểu cầm dao lội nước đi tìm. Và anh đã tìm được mấy tổ kiến mang về gõ lấy bát trứng đem rang muối trộn với củ chuối rừng. Món nộm trứng kiến giúp anh tạm quên cảm giác nhớ ngũ cốc. Cứ thế, nơi mảnh đất hoang ấy, anh đã vượt qua những ngày khởi đầu cơ cực. Nó đúng là mảnh đất lành. Khe Cát! Một cái tên vụt hiện trong đầu anh.
- Ông chuẩn bị tinh thần để trả đất Khe Cát cho Nhà nước!
“Trả đất cho Nhà nước!”, câu nói như khối nặng ngàn cân đè ép lồng ngực anh. Đất của Nhà nước… Đất nào mà chả của dân của nước. Nhưng sao các ông không đòi ngay từ lúc tôi mới bập nhát cuốc đầu tiên vào miếng đất toàn đá là đá ấy?
- Chưa ai quên vì sao ông phải lên Khe Cát đâu!
Câu nói như một cú đấm bồi của ông Hoạt làm tay anh sõng sượt, hai đầu gối va nhau lục cục, mảnh gang trong đầu cùng hàng trăm thứ lam sơn chướng khí nhất tề bùng lên.
Những lời phân tích dai dẳng của ông Hoạt như sợi dây thít dần lấy anh. Đất của anh không vào định chế đền bù vì anh không có sổ đỏ, không đăng ký hộ khẩu, bao nhiêu năm nay không đóng thuế... Nói chung, những gì thuộc về pháp lý anh đều sai hết. Anh chưa biết mở lời thế nào thì ông Hoạt đã đổi giọng xưng hô ra chiều tình cảm:
- Những gì tôi nói nãy giờ là nói theo luật định. Nhưng xã cũng nhận thấy bác là người có công khai hoang Khe Cát nên quyết định ưu tiên cho bác theo chế độ chỉ định thầu. Bác chuẩn bị đóng tiền rồi tiếp tục sản xuất kinh doanh và nhớ sau này phải đóng góp với địa phương và nhà nước đấy!
Mới nghe những lời đó, anh đã rưng rưng cảm động. Nhưng khi biết phải đóng ngay một khoản bằng một phần ba giá sàn thì tai anh ù, mắt anh hoa. Vốn liếng của anh có vét váy cũng chỉ được một phần mười cái giá sàn đó.
- Sao? Bác không muốn chấp hành à?- Ông Hoạt xoáy cái nhìn vào anh rồi bất ngờ đanh giọng: - Luật pháp bất vị tình! Nếu bác không đóng tiền thì xã buộc phải cưỡng chế bác rời khỏi Khe Cát thôi.
Thập thững trở về Khe Cát, mồ hôi anh nhỏ trên con đường ngập đầy cỏ dại. Đời hỡi đời! Câu thán oán của mẹ ngày nhà gặp nạn cứ văng vẳng bên tai.
         

                                             *
                                          *    *                                          


Hạn cưỡng chế của xã đã đến gần vậy mà anh không ngó ngàng gì đến ruộng vườn. Bê về một tảng đá xanh vuông vức, anh đục. Tấm bia đá gồ ghề hằn dần lên những dòng chữ bi ai: Vũ Đông Tùng. Sinh ngày 13 tháng 2 năm 1951. Quê xã huyện tỉnh. Chết ngày tháng năm…
Núi rừng chuyển động, cây cối nghiêng ngả, lá vàng lá xanh bất lực theo gió cuốn. Mây đen vùn vụt ụp xuống cùng những tia chớp xé vụn thung lũng Khe Cát. Anh vẫn u mê với tác phẩm điêu khắc của mình. Tấm bia mộ chỉ thiếu mỗi ngày chết, anh để đấy đi làm việc khác. 
Lạnh lùng vác cuốc xẻng ra sân, anh lầm lụi đào một cái huyệt. Những nhát cuốc chạm đá toé lửa. Những xẻng đất hắt lên tơi tả. Mồ hôi anh chảy lạnh từ đầu xuống mặt, xuống cổ, xuống thắt lưng, rơi thon thót vào lòng cái huyệt vuông vức. Xong rồi. Giờ là lúc nối mìn. Một cân thuốc nổ đặt vào giữa khối đất mới vun lên cạnh miệng huyệt nối với mười mét dây cháy chậm. Anh sẽ châm lửa rồi ung dung xuống huyệt nằm. Mọi tính toán để quả mìn nổ đất sẽ ụp xuống kín huyệt thay người đắp mộ cho anh.
Ngày mai đội cưỡng chế sẽ lên Khe Cát.
Còn đêm nay thôi. Đêm nay anh sẽ hoàn tất tấm bia mộ.
Một tay cầm búa, một tay cầm đục. Con số 1 như cây thông hiên ngang giữa đất trời. Còn một con số nữa - con số ghi dấu ngày anh chết. Những nhát đục chí chát đều đều khảm vào đêm đông hoang lạnh. Cách cách cách cách…. Mất vợ mất con… Cách cách cách cách… Danh dự và nhân phẩm… Cách cách cách cách… Mồ hôi và máu… Cách cách cách cách… Tay trắng hoàn tay trắng… Con số 8 đã hiện hình như một chiếc còng khoá chặt vào con số 1 như cây thông đơn độc…Cách cách cách cách… Bụp!
 Một cảm hứng bất thần trỗi dậy khiến anh vung cao tay búa với những nhịp dập dồn. Nhát búa đã đập trúng ngón tay cái lơi ra trên bàn tay cầm đục. Một tia máu nóng bỏng phụt thẳng lên mặt anh trộn với mồ hôi cùng chảy chan hoà. Phút điếng hồn qua đi, anh giơ bàn tay với ngón tay nát bươm lên ngắm nhìn rồi bất thần ngửa cổ cười khi cơn mưa ụp xuống. Tiếng cười ha ha đập vào vách đá, dội thành từng chuỗi âm thanh đồng vọng.

                                                           *
                                                        *    *                          

Tiếng nổ đanh gọn trong buổi sáng tinh mơ chỉ khiến được những công nhân công trường đá càu nhàu chửi tay Tùng hâm phá giấc ngon của họ. Nhưng có một người đã giật mình:
- Mau lên, lão Tùng đang phá huỷ tài sản!
Đội cưỡng chế gồm năm người do Chủ tịch Hoạt chỉ huy phóng xe máy ào vào Khe Cát.
Sự thực không như lời ông Hoạt.
Sau một đêm thức trắng, anh đã móc quả mìn ra khỏi đống đất cạnh huyệt ốp vào tấm bia mới đục xong. Và anh châm lửa. Tiếng dây cháy chậm xuỳ một chuỗi bình thản dẫn vào khối thuốc. Đứng cách xa vài chục mét, anh chỉ thấy quầng lửa chói chang nhoá lên và tấm bia đá bay tung lên trời. 
Lạ kì thay, quả mìn được làm từ một cân thuốc nổ chỉ phá nát được phần dưới của tấm bia. Khi đội cưỡng chế vào tới nơi, anh vẫn đang ngồi ngắm nghía nửa tấm bia còn lại với hàng chữ: Vũ Đông Tùng, sinh năm 1951…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét