Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Biển rừng phố thị


          Chú Tam cam đoan với tôi đến Long Biên sẽ mời được anh bộ đội đeo quân hàm xanh đang chạy theo chiếc xe khách dưới đường kia lên xe mình đi cùng. Thấy bác cả có vẻ chưa tin, chú giải thích:
- Có ba đặc điểm để nhận biết các anh bộ đội lên vùng sâu vùng xa. Thứ nhất, ba lô nặng chứng tỏ về phép mang nhiều quà lên cho những người chưa được về. Thứ hai, không phải khách quen tài xế mới bắt chạy theo như thế và thứ ba, bước chân nhấc rất cao vì thường phải đi trên núi đá!
Bác cả nghe vậy biết vậy, chẳng nói gì.
Ba anh em tôi: bác cả bộ đội giải phóng Điện Biên, tôi bộ đội giải phóng miền Nam còn chú Tam sinh sau năm 1975 đang làm nghề kinh doanh bất động sản. Đợt này chú nghỉ mấy ngày lái xe đưa bác đi thăm chiến trường xưa. Mấy năm nay chú cứ áy náy anh mình mang danh chiến sĩ Điện Biên mà chưa biết Nà Ngần, Phai Khắt ở đâu nên giục tôi khẩn trương tổ chức đi một chuyến.
Đến vòng xuyến Long Biên, tôi còn chưa nhìn ra ai với ai thì chú Tam đã dừng xe, mở cửa:
- Đồng chí trung úy ơi, có đi Lạng Sơn lên xe đi cùng cho vui!
Anh bộ đội biên phòng mừng quá:
- Ôi, anh giúp cho thì còn gì bằng. Em đang cần...
Anh nói rằng đêm nay phải mua vé Lạng Sơn để sớm mai đi chuyến bốn giờ lên Cao Bằng vì hết đường ô tô còn nửa ngày cuốc bộ mới về đến đơn vị. Nhìn đôi mắt thiếu ngủ và chất giọng vùng biển nằng nặng, anh cả tôi đã cảm tình:
- Lên đi đồng chí. Lên chúng ta đi với nhau cho vui.
Tôi nhờ anh ngồi ghế trên tán chuyện cho chú Tam khỏi buồn ngủ nhưng vừa nhìn thấy mặt mình trong gương chiếu hậu, anh trung úy biên phòng đã cười thẹn:
- Ba đêm vừa rồi cháu không được ngủ trọn một đêm nào.
- Ba năm du kích năm kề, không bằng chủ lực chỉ về một đêm… Trung úy chắc lâu rồi mới về thăm vợ?
Anh trung úy biên phòng càng thẹn hơn:
- Em chưa…
Chú Tam lại cà kê chắc là về đi dạm vợ rồi đề nghị nếu không bí mật thì kể cho anh em vui quãng đường. Thanh- anh trung úy biên phòng ấy tên là Thanh- quay lại nhìn chúng tôi, dừng cái nhìn nơi bác cả. Được bác cả khuyến khích, Thanh mới kể câu chuyện của mình. 
Chỉ huy cho anh “về tranh thủ” vì có điện mẹ ốm nặng. Trước đó mấy tháng, bố anh mua căn nhà ở thị xã, thư lên bảo anh về để đứng lễ nhập trạch. Cứ như lời của bố trong thư, anh là con trai duy nhất, là người “kế danh tín chủ” không thể không có mặt trong lễ cúng an thần linh thổ địa nơi đất mới.
- Đúng rồi. Bây giờ có điều kiện nên thực hiện những việc kỹ càng như thế!- Bác Cả đồng tình với bố của Thanh.
Nhưng nhận thư của bố hơn ba tháng mà anh chưa thể về vì bản vùng cao vừa dời xuống thung lũng cấy lúa nước. Dân quen du canh du cư đốt phát chọc trỉa nay làm theo quy trình nhất thì nhì thục, bộ đội không thể bỏ dân mà về được.
- Em đã hướng dẫn rất tỉ mỉ nhưng tất tật bà con đều bắt phải làm mẫu. Cày cấy, làm cỏ bón phân, cứ là cầm tay chỉ việc. Vụ này lúa đã kém hạt mà bông vừa mới ửng đuôi, châu chấu đã về búng càng tanh tách nên phải tổ chức chong đèn đi vợt. Lại đến lúc gặt về gặp mưa, hạt thóc chỉ chực mọc mầm, thế là lại phải cùng bà con làm lò sấy. Chỉ khi có người lên thay với bức điện mẹ ốm nặng, bà con mới “Mẹ ốm thì bộ đội phải về thôi” rồi cả bản đưa anh ngược lên nơi có cây gỗ vắt ngang vượt qua dòng suối cuồn cuộn.
- Đi đường phải mất mấy ngày ấy chứ! Chú Tam chia sẻ.
- Mất hai ngày thôi anh ạ. Một ngày đường rừng, một ngày đường nhựa. Về đến đồn anh em chở ngay ra bến vừa kịp chuyến xe cuối cùng. 
Quê cũ của Thanh là một vùng biển đảo quanh năm gió sóng, ra khơi bằng thuyền, vào đất liền bằng mủng. Ngày còn học ở Học viện Biên phòng, mỗi lần anh về mẹ vẫn lội ra tận lợi cát, tay túm cạp mủng tay làm dấu thánh miệng lầm thầm Giê su ma lạy Chúa tôi. Đầu năm nay bố anh đã mua ngôi nhà ở thị xã, ngôi nhà ba tầng một tum giữa vườn cây đẫm bụi. Thanh thả ba lô đứng bên cánh cổng, không biết có phải nhà này không mà cửa ngõ im ỉm? Có tiếng chó rên ư ử và tiếng méo xẹo của con vẹt chào khách ở ngôi nhà bên cạnh. Anh ghé lỗ hoa sắt, nhìn vào. Con chó vàng gâu một tiếng rồi nhẩy chồm lên kéo theo sợi dây xích đánh xoảng. Con vẹt cũng tíu tít nhảy qua nhảy lại mấy thanh tre rồi nhào lộn trên những cái vòng treo. Đó là con Vàng và con vẹt Lì, chúng đã nhận ra người nhà. Còn chưa kịp mừng thì tiếng xe máy xịch đỗ sau lưng với giọng con gái tinh nghịch:
- Anh bộ đội nhòm ngó gì nhà em thế?
Thanh còn chưa biết nói sao thì cô gái đã hỏi tiếp:
- Anh Thanh phải không?
Con chó và con vẹt lại lồng lên khi nghe thổ âm vùng biển:
- Vâng, tôi là Thanh.
Cô gái như reo:
- Em đoán đúng mà! Mẹ bảo em chờ anh…
Nói chưa hết câu cô đột nhiên trở nên lúng túng. Lần đầu tiên gặp con trai của bà hàng xóm, trong lòng cô nhen lên những cảm xúc rất lạ. Cao lớn, khuôn mặt vuông, nước da ngăm mặn mòi gió nắng còn đẹp trai hơn những gì cô mường tượng qua lời kể của bà Thản. Cử chỉ của cô đâm ra mất tự nhiên. Đầu tóc không biết có ổn lại đang mặc bộ quần áo làm việc ở cửa hàng ăn, má cô chợt đỏ bừng. Mời Thanh vào nhà, cô bật quạt rồi bảo anh cứ ngồi cho mát rồi quày quả dắt xe ra cổng.
Cô Liên- cô gái hàng xóm đó tên là Liên- đã cho Thanh biết bố mẹ anh về quê. Bố về quê nội xin sớ nhập trạch, đi được một ngày thì mẹ anh dắt chó xách lồng chim sang nhà Liên gửi chìa khoá về quê ngoại. Nghe những lời của Liên, anh lại thêm lo. Từ lúc nhận bức điện trên bản vùng cao, anh chỉ lo bệnh tim của mẹ trở chứng nhưng đến lúc này anh thêm nỗi lo mới. Mẹ ốm thế nào mà phải về ngoại? Mà sao bố không đưa mẹ đi lại mỗi người một hướng thế này? Rồi cái Thành nữa, sao không xin nghỉ vài hôm mà đi cùng mẹ như lời anh dặn…
Liên từ cửa hàng mang về sắp lên bàn các món ăn:
- Anh Thanh phải ăn hết các món em làm riêng cho anh đấy nhé!
Lúc xin lại chìa khóa, Liên để tay trong tay anh hơi lâu rổi nói một câu đầy ngụ ý:
- Anh Thanh phải lấy vợ đi thôi, bà và cô Thành mong lắm đấy!
- Ai lấy bộ đội quanh năm xa tít ngoài biên cương hở cô!
- Anh cứ nói thế!
Liên có cửa hàng ăn ngoài ngả tư, giờ này khách rất đông. Cô không đành khi để Thanh một mình xách lồng chim và dắt chó về ngôi nhà vắng nhưng ngoài cửa hàng đang có nhiều khách quen đến ăn tối, cô không thể ở lại.
- Thế là ngon rồi. Thanh mà kết với Liên thành liên thanh nổ giòn như AK, nhỉ. - Chú Tam lại tếu.
- Đã có gì đâu anh. Mà em đã nói rồi, lấy bộ đội biên phòng là chuốc cái khổ vào mình!
Thanh kể tiếp:
- Liên đi rồi, ngôi nhà chỉ còn mình em với con Vàng và con Lỳ. Ngoài đường, xe tải liên tiếp rồ ga phủ thêm bụi lên những tàng cây. Em mở dây xích cho con Vàng. Nó tót ra gốc cây kếch một chân lên tè rồi tiện thể sủa trêu con vẹt một tiếng. Bố em vớt được nó bên bờ biển từ ngày em chưa đi Học viện Biên phòng, nay lên biên giới đã hai năm mà nó vẫn chưa quên cái nết gác mõm lên bàn chân em. Thấy em sẻ thức ăn vào cái tô, con Vàng nhẩy cẫng rồi nằm úp bụng, bò lại. Con Lỳ cũng vậy, thấy bạn gàu gàu nhai xương nó cứ nhào tít chào khách cho đến khi được muỗng hạt kê mới thôi.
Trong lòng anh đang nặng nỗi lo về mẹ. Còn bố ư? Không hiểu sao mỗi khi nhớ về bố, anh luôn nghĩ về một người thợ súng có tinh thần rắn như thép đã đi qua chiến tranh giải phóng là mẫu hình để thế hệ các anh noi theo. Lần trước, khi nhà còn ngoài đảo, anh về bố chỉ hỏi về được mấy ngày, công việc trên biên giới dạo này thế nào, sau đó là ngồi nhìn hai mẹ con tíu tít. Mẹ úp mặt vào lưng áo anh hít mùi mồ hôi rồi khơi lò cho nước nóng thêm để anh tắm. Con vừa mới về mà mẹ đã sụt sịt lo sắp đến ngày con lại phải đi!
Ánh điện đầu hôm soi qua lớp bụi làm không khí chung quanh vàng úa. Con Vàng thỉnh thoảng chạy ra hiên chõ mõm lên gâu một tiếng trêu con Lỳ. Vết chân của nó chi chít trên nền gạch bụi bậm. Anh cởi quân phục vắt lên thành ghế, xách xô xách chổi ra lau từ tầng tum xuống đến sảnh rồi lại lau từ sảnh ngược lên. Ở tầng ba có một phòng để bàn thờ, nhưng kệ tam sơn và bát hương cái nào cũng còn quấn trong ni lông. Xuống tầng hai, anh dừng khá lâu trước tượng Giê su chịu nạn và quyển kinh Phúc âm đặt trên cái bàn nhỏ. Đây là phòng cầu kinh của mẹ. Ngày chưa đi học viện, anh vẫn thường cùng mẹ quỳ trước tượng Chúa nơi vùng biển đảo ầm ì. Lúc này, anh bất giác thốt lên lạy Cha, Con và Thánh thần…
Ở gian bếp có bàn thờ thổ công, lọ hoa đĩa quả đã héo, mấy chén nước gần khô đóng những vòng bụi đỏ. Anh vặn vòi xả nước lau rửa úp lên mặt đá sa kim rồi tìm đồ nghề của bố vít lại bản lề triệt bụi lọt vào khe cửa.
Bao nhiêu việc đã làm xong mà trời vẫn chưa sáng! Thanh dạng chân giang tay trên nền gạch hoa nhìn cánh quạt quay đều đều. Phải đi tìm bố thôi. Anh sợ bố hay la cà sẽ làm nhỡ phép của anh. Sáng ra sẽ về ngoại tìm mẹ rồi hai mẹ con cùng về nội. Mà nếu không kịp làm lễ vào nhà mới anh cũng phải đi. Phải lên Lạng Sơn mua vé trước để bốn giờ sáng hôm sau đi chuyến xe đầu tiên mới kịp về đồn.

                                                     *
                                                  *    *

Từ ngày Thành lấy chồng về phố và Thanh lên công tác trên biên giới, nhà ông Thản chỉ còn hai vợ chồng già với bốn mùa sóng gió. Thứ bảy tuần nào bà cũng một mình một mủng đi nhà thờ trong Đảo Lớn. Ông đã thửa cho bà một góc đọc kinh nhưng bà không thể vắng buổi lễ Sam Bát và những lời giảng của Cha vào tối thứ bảy. Đã có lần gió đánh dạt bà sang tận bờ bên kia nhưng đến thứ bẩy tuần sau, bà lại chèo mủng đi.
Vùng biển hối hả với những dự án du lịch. Mấy quả đồi trồng phi lao được đền bù một số tiền đủ cho hai ông bà sống hết đời. Vậy mà lại sinh lắm chuyện. Ông muốn về quê nội cho gần họ tộc, ngoài đất làm nhà ở còn tậu đất xây khu lăng mộ rước các cụ năm đời về xum vầy bên nhau. Bà lại đòi về quê ngoại cho gần nhà thờ, gần Cha gần các bạn cùng dàn đồng ca từ ngày còn là thiếu nữ. Giận dỗi cứ triền miên, việc nào cũng ý kiến trái ngược nhau nhưng việc dành cho vợ chồng Thành một khoản mua ngôi nhà trên thị xã thì hai ông bà rất nhất trí. Ông bơi mủng vào Đảo Lớn đánh điện cho vợ chồng Thành. Vừa bế con qua bãi cát trước nhà, Thành đã bốp chốp:
- Mẹ chỉ loay hoay với những đức tin huyền bí của mẹ. Việc lớn thế này mẹ phải nghe theo bố chứ! Mà bố thì suốt ngày chỉ lo mồ với mả, sao không lo cho hai cái thân già…
Bà Thản lẳng lặng làm dấu thánh còn ông Thản chỉ e hèm. Đến lúc ngồi nhậu, ông chỉ chăm chú cắn càng cua bóc thịt cho cháu mà Thành lo. Chồng Thành vào bếp lấy thêm bia, Thành bám theo thì thào anh cứu em với. Về xin tiền bố để mua nhà trên phố cơ mà... cô lúng túng nói điều mình lo lắng nhưng chồng cô cứ mặc, kể cả lúc ngồi lại vào chiếu anh vẫn mải mê với những con cua bể đang ngồn ngộn trên mâm. Học cách của bố vợ, Kiên kê hàm răng cắn cái càng đánh đốp:
- Bố chọn cua sành thật đấy, con nào cũng chắc nịch. Hôm nào bố dạy con cách hấp làm sao gạch vừa tới mà thịt lại trắng vừa thơm. Con này ngon đây bố này.
Rồi Kiên- chồng Thành tên là Kiên- quay sang nịnh mẹ vợ:
- Ôi chao là cái món nước chấm! Bố chọn cua cũng tài mẹ pha nước chấm cũng tuyệt. Không có nước chấm của mẹ thì cua hấp ngon đến mấy cũng không thể hơn cả tuyệt vời thế này. Ngọt ngọt chua chua lại thơm ngào ngạt, một cái càng với mấy lát xoài đánh đổ lon bia. Sướng thật!
Ông Thản chỉ phẩy tay, giục uống đi, uống đi. Hai bố con ngồi đến lon thứ mười thì mọi chuyện đã khác.
- Để mẹ mày đi mua mấy xâu đen lên cho chúng nó.
Chúng nó đây là lũ bạn của vợ chồng Thành đã nhiều lần kéo về nhậu với ông. Ông thích cái tính chưa thấy người đã thấy vòi ăn, ông bảo gì chứ cua bể thì cứ về đây, mệt nghỉ. Ông chỉ có một yêu cầu là đứa nào rời mâm cũng phải thật no thật say, không no không say chỉ phí công ông dựng nhắm.
Sau lần về ngoại ấy Kiên có ý định sẽ vận động bố mẹ lên thành phố cho  bác Thanh đi về thuận tiện nhưng chưa dám nói với bố. Anh bàn với vợ rồi gọi các bạn tới. Bữa đó, mấy anh em sôi nổi lắm. Ngôi nhà cho các cụ phải là nơi có nhiều cây cối, nếu được hồ nước phía trước thì mỹ mãn. Bàn đi bàn lại, chỉ có khu đang xây dựng ngoại thị là hợp nhưng búa đóng cọc và xe tải ồn ào bụi bậm không biết khi nào các bố xây dựng mới xong mà các cụ lại đang ở nơi không khí biển trong lành. Cuối cùng, cả bọn đánh liều cứ mua chờ khi nào khu đô thị xây hoàn chỉnh tất cả sẽ ngon lành!
Kiên cùng một anh bạn đi đảo Tuần. Cả hai hồi hộp nhưng khuya hôm ấy Kiên đã điện về báo thành công chín mươi phần trăm. Gì chứ cứ ngồi vào mâm, nhậu đến lon thứ ba thứ tư thì bắt đầu mở màn rồi đến lon thứ chín thứ mười, con voi cũng lọt lỗ kim. Hôm ấy, hai ông về thay nhau kể lại chuyến thăm ông bà ngoại. Trả lời câu hỏi đầu tiên ông Thản hỏi về cháu ngoại, Kiên ngập ngừng thưa hôn ở đây vê con bé dị ứng xe đò hay sao mà cặp nhiệt sốt đến… ba bảy độ một! Ông Thản có hơi men nên chỉ biết sốt là sốt. Cháu ông về thăm ông bà phải đi xe đi đò mà ốm, ông xót lắm nhưng khi anh con rể nói thế mới biết thương bác Thanh xong xóc trên đường bao nhiêu năm nay thì ông lăng đi. Được kỳ phép mười mấy ngày phải rải ra nào núi rừng nào phố thị, rồi qua sông qua biển còn ở nhà được mấy ngày. Đang lúc ông xót con xót cháu, Kiên thẻ thọt:
- Chi bằng bố mẹ lên phố với chúng con, bác Thanh về cũng được ngắn thêm quãng đường mà cháu sang ông bà cũng gần.
Các bạn Kiên vẫn tích cực tìm nhà. Anh em tìm được ngôi ba tầng một tum, hướng Nam ghé Tây hợp cả tuổi ông Thản và tuổi Thanh, có sân có vườn cây, chỉ thiếu hồ nước phía trước nhưng bù lại là trục đường chính, mở cửa hàng bán lẻ hoặc đại lý kinh doanh, kiểu gì cũng thuận lợi. Kiên gọi điện xuống tán ngôi nhà như thế như thế, ở thành phố người ta gọi là biệt thự. Chỉ có mỗi một nhược điểm nho nhỏ là nằm bên quốc lộ đang lúc xây dựng hơi ồn hơi bụi một tí… Ông Thản không biết có hội ý với vợ hay không nhưng sau đó một ngày đã gọi lên. Và bây giờ hai vợ chồng ông đã chính thức thành công dân của cái thị xã đang bang bách vươn lên trong xây dựng.
                                                              

                                                              *
                                                          *      *

Chú Tam khen Thanh có cả số đào hoa và số thanh nhàn nhưng anh Cả bảo mấy ngày vừa rồi cháu chả thanh nhàn tí nào. Chắc anh tôi nói về hậu vận chứ lúc này Thanh đang tất tưởi lên biên giới sau khi đã tất tưởi thu xếp việc gia đình. Khi xe tiếp tục chạy, Tam lại gợi bằng một câu hỏi để được nghe tiếp câu chuyện nhà Thanh.
- Mẹ em giận bố em vì ông đã gắt: giỗ mẹ không lo làm xôi làm gà mà cúng lại lo mấy lớp kinh nhà thờ bắt các cụ nghe suông!
Không phải là bố không tôn trọng mẹ, không tôn trọng phong tục tập quán bên giáo nhưng quả thật ông không tán thành cái cách bỏ giỗ tưởng niệm ngày sinh nhật. Mẹ chết mấy chục năm mà chỉ đọc kinh ngày sinh nhật rồi mấy chị em bầy ra ăn uống với nhau? Còn bà, bà cãi con chiên đã được về bên Chúa còn bắt quay lại chốn cát bụi làm gì! Ông làm giỗ là tưởng nhớ quá khứ còn bà kỷ niệm sinh nhật là hướng tới tương lai. Bà có tín ngưỡng của bà, sống với nhau mấy mươi năm mà ông chẳng chịu hiểu bà. Không biết ngày xưa ông đến nhà thờ đọc mấy lớp kinh để làm gì?
- Thế à. Bố cậu ngày xưa cũng phải đến nhà thờ đọc kinh à?
Bác Cả hỏi Thanh không biết với ý gì.
- Vâng, trước khi cưới mẹ cháu, bố cháu đã học thuộc lòng mấy lớp kinh mẹ cháu viết cho rồi đến nhà thờ đọc, ông ạ!
Bác Cả chỉ ờ ờ rồi giục Thanh kể tiếp.
Hai vợ chồng già lời qua tiếng lại rồi ông về quê nội để lên chùa xin lá sớ làm lễ nhập trạch chuẩn bị cho ngày giỗ ông cụ thân sinh cũng sắp đến rồi.
Từ ngày lấy ông Thản, việc giỗ tết nhất nhất bà làm theo chỉ đạo của chồng, mua gà phải chọn gà trống tơ, xôi đồ xong phải đơm thành oản, mâm cỗ cúng nhất thiết phải đủ xôi gà trầu quả với lọ hoa tươi. Bà coi đấy là bổn phận nhưng lần này bà ấm ức, nỗi ấm ức vì một lý do rất đặc biệt xin kể ở phần sau!
Ông đi rồi, nhà cửa lạnh lẽo làm bà nhớ con trên biên giới đến xoắn gan xoắn ruột. Cả nhà chỉ một mình nó vất vả! Thế là bà ra bưu điện đánh một bức mẹ ốm nặng, về ngay. Về nhà mới thấy mình sai nên bà lại ra xin lại nhưng chị nhân viên bảo đã phát đi rồi. Rõ là mua dây buộc mình, giận chồng giận mình, bà nhưng chẳng biết làm sao đành gửi nhà cho Liên về quê gặp Cha xưng tội.  
Quê bà là vùng đạo toàn tòng. Làng nào cũng có nhà thờ, có Cha, các thế hệ giáo dân chung tay góp sức xây dựng nên một nền nếp hoạt động văn hóa rất chỉn chu. Mấy năm nay kinh tế phát triển, con chiên trong xứ và cả con cháu ở nước ngoài thành tâm công đức cho ngôi nhà của Chúa ngày mỗi thêm khang trang. Bà rưng rưng khi bước trên con đường lát gạch trong tiếng chuông chiều gọi nguyện. Gặp Cha, bà xưng tội đã làm con trai nơi biên cương phải bận lòng và xin mấy lớp Kinh cho người mẹ quá cố của bà là cụ Maria Đào Thị Thơm. Cha nhẹ nhàng khuyên ráng chờ tối thứ bảy này, nhân lễ Sam Bát có đông đủ bà con sẽ cầu nguyện cho linh hồn Maria được mãi mãi ở bên Chúa!
Hôm đi người đã khó ở. Ngồi xe máy lạnh hơn trăm cây số, về đến nhà em gái thì bà Thản bị cảm. Đã uống thuốc cảm và xông nước lá nhưng xem chừng những hương vị trần gian ấy không hiệu quả bằng nửa tiếng đồng hồ bên Cha. Rời xóm đạo đi công nhân quốc phòng rồi lấy chồng theo chồng về vùng biển đảo, mấy chục năm rồi hôm nay bà mới có dịp quẩn quanh dưới chân Chúa, nơi bà được chăn dắt tự thuở ấu thơ. Đặt bàn tay lên mái tóc bạc của bà, Cha du dương “Chúa luôn ở trong lòng con nếu lòng con sáng trong và không rời xa Chúa”. Những ông bà cùng dàn đồng ca ngày ấy tay bắt mặt mừng, họ nhắc về những phút giây cùng quỳ trước tượng Giê su chịu nạn, cùng cất tiếng amen âm vang dưới những mái vòm.
Thanh ngủ lại nhà dì với mẹ một đêm, hôm sau ra đi sớm. Bà Thản sụt sịt nhìn theo bóng con mà thầm gọi ông Thản ơi ông có biết con trai ông vất vả đến thế này không? Ngay lúc ấy bà đã nghĩ phải lỗi hẹn với buổi lễ tối thứ bảy này mất thôi.
Xe về thẳng quê nội bỏ chuyến nên Thanh phải vòng về thị xã. Anh đang ngồi nói chuyện với em gái thì con Vàng hực lên rồi chạy ra bắc chân cào cánh cổng. Là giống sinh ra giữa sóng và gió nên Vàng rất tinh tai, thính mũi, nó đã nhận ra ông Thản vác cái bao leo qua dải phân cách ở cuối đoạn đường. Tiếng gâu của con Vàng làm con Lỳ giật mình. Đang mắt nhắm mắt mở nhưng khi nhận ra ông Thản, Lỳ ta cứ tít mù nhào lộn chào khách.
Mở túi bò khô, ông lấy cho con Vàng một miếng rồi lại mở bọc ni lông lấy bông ý dỹ cho con Lỳ. Xong hai việc ấy ông mới hỏi Thanh:
- Anh về từ hôm nào?
- Con về hôm kia! Bố đi có được việc không bố?
- Được, được…
Ông Thản chợt nhớ ra điều gì:
- Mẹ chúng mày đâu?
Nghe Thanh trả lời mẹ đang dưới ngoại, ông à một tiếng như chẳng có gì quan trọng. Giọng ông vẫn không đổi:
- Bà ấy về xin kinh cứu rỗi đấy mà. Giỗ chạp phải có hương hoa trầu quả cỗ xôi con gà dâng lên tổ tiên, đàng này chỉ lo mấy lớp kinh suông. Tôi đã xạc cho mà vẫn không chịu sửa!
Thành ấm ức từ khi biết mẹ về ngoại bị cảm nên ngứa mồm quá:
- Bố thì lúc nào cũng xạc… Nói chưa hết câu Thành đã bật khóc: sao mà mẹ khổ thế mẹ ơi! Hơi một tý là bị mắng…
- Ơ, cái con này!
Ông Thản ngạc nhiên thốt ra khe khẽ mà tiếng khóc của Thành đã tắt ngấm. Cô vừa quệt mắt vừa thu xếp các thứ bố mới mang về.
- Không phải việc của cô!
Ông Thản vội ngăn vì đấy là bọc tro rơm nếp và những gói chân hương ông đem từ quê lên rất kỵ nữ nhi ngoại tộc chạm vào. Thấy con gái tủi thân, ông bảo:
- Thôi, con đi chợ đi.
Ông sai Thành đi chợ, dặn dò mua gà phải chọn gà trống cựa mới hơi nhú. Gà mới nhú cựa là gà chưa đạp mái, làm cỗ cúng cái gì cũng phải thanh sạch…
Ông Thản cởi áo dài mũ xếp quắc lên cây mắc, hai tay xoa vào nhau ra chiều thỏa mãn lắm. Lễ nhập trạch ông đã làm xong, có con trai cùng đứng lễ làm ông rất vừa ý. Ông đang định khen con gái có món gì mà thơm thế thì Thành đã chạy từ trong bếp ra:
- Bố ơi! Có lá thư của mẹ đây này. Ôi trời, mẹ để trong tủ bếp mà mấy hôm nay con không để ý…
Ông Thản chỉ nhìn qua. Thư của mẹ mày chứ cái gì mà phải ầm ĩ cả lên, ông bảo thế rồi tiếp tục gióng mắt qua ô cửa về cuối con đường. Hai anh em Thanh ngồi bậc cầu thang rì rầm, có dòng chữ ngày giỗ ông nội trùng với ngày sinh nhật của bà ngoại làm Thành không hiểu lại phải hỏi bố. Ông Thản xoay người lại:  
- Giỗ ông nội tính theo ngày âm lịch còn ngày sinh nhật của bà ngoại tính theo dương lịch. Năm nay hai ngày đó trùng nhau!
Thanh giơ hai tay a một tiếng vang cả ngôi nhà. Cùng là sự hiếu đễ với bậc sinh thành nhưng do lịch âm lịch dương trùng ngày lại do cách tưởng niệm khác nhau nên bố với mẹ đã xảy ra những bất đồng. Anh nói với bố:
- Từ lúc nghe cô hàng xóm nói bố về nội mẹ về ngoại, người đi trước người đi sau, con lo quá. Nỗi lo ấy còn lớn hơn cả nỗi lo về bệnh tim của mẹ đấy. Nếu bố mẹ không nương tựa vào nhau thì con không thể yên tâm công tác được. Thú thật, đã có lúc con nghĩ đời mình sẽ là cuộc đeo đá ngàn cân, bố ạ!
Từ lúc gặp con, linh tính người cha đã mách bảo ông có cái gì đó không ổn. Con ông đang có cái gì trong lòng nhưng đôi mắt trai trẻ lại không biết giấu giếm. Định xong việc ông sẽ hỏi để liệu cách giúp con chứ ông đâu biết rằng chính vợ chồng mình đã làm con lo lắng.
Thanh dừng lại, anh Cả bình luận:
- Đôi khi bất hòa lại làm tiền đề cho một sự thống nhất!
                                                             
 
                                                               *
                                                           *      *

Bà Thản cứ luôn miệng nhắc Thanh ăn nhiều vào con. Ở trên ấy kham khổ lắm phải không? Cái Thành hâm lại bát canh miến cho anh mày, chắt riêng nước ra mà đun…
          Cả nhà ngạc nhiên vì cách cư xử khác hẳn ngày trước của bà. Niềm vui vì được gần con trai và niềm vui của cuộc gặp Cha đang giao thoa và cộng hưởng trong lòng bà. Bà kể lại, khi Thanh đi rồi Cha đã đến nhà dì. Ông nghe nói có anh bộ đội biên phòng về nhà dì nên lại thăm. Ông khuyên bà nên về ngay, cứ yên tâm mà về, đến thứ bảy vẫn có buổi cầu kinh như đã hẹn. Cha đưa cho bà mấy lớp kinh về đọc ở nhà và giảng giải cho bà nhiều lắm. Bà hướng về phía ông:
          - Tôi sáng ra nhiều rồi, ông ạ. Lâu nay có gì làm ông phiền lòng cũng chỉ vì tôi chưa hiểu, ông bỏ qua cho tôi nhé.
          Mấy đứa con hết nhìn mẹ lại nhìn bố. Bữa cơm chiều thêm thật nhiều hương vị. Ông Thản cho rằng lời khấn quốc thái dân an, gia đình hạnh phúc trong lễ nhập trạch đã được thần linh chấp nhận nhưng bà Thản vẫn nhẹ nhàng:
          - Mẹ với bố cứ giữ cái cách làm giỗ và làm sinh nhật từ ngày xưa làm anh Thanh đợt này vất vả. Ở dưới ngoại bây giờ nhà nào cũng sắp ban thờ thắp hương ngày giỗ, ngày tết. Cha bảo thờ cúng tổ tiên là phong tục chung của người Việt nam chứ có phải của riêng ai.
Lúc nãy con nó dẫn tôi lên thắp hương cho cụ rồi đấy ông ạ- bà quay sang nói với ông. Mai ông cứ để mẹ con chúng tôi làm cỗ cúng ông nội xong rồi đọc kinh cho bà ngoại nhé. Bà vòng tay ôm Thanh: lâu lắm rồi con không cầu nguyện chung với mẹ, nhỉ?
Kiên nói với Thanh:
- Em đã chuẩn bị gỗ, tối nay thửa cho mẹ cái kệ trong phòng nguyện. Nếu anh mệt thì cứ nghỉ, em gọi mấy đứa bạn đến làm bảo đảm đến đêm là xong…
Ông Thản tiếp:
- Đúng rồi, gọi chúng nó đến. Xem có đứa con gái nào biết nấu nướng bảo chúng nó đến đỡ mẹ mày với cái Thành một tay. Mai nhà ta làm giỗ ông nội và sinh nhật bà ngoại lại có Thanh về, toàn là việc lớn. Bà nhớ bảo cái Liên sang nhé…





Câu chuyện của Thanh đã làm ngắn lại con đường lắm đèo nhiều dốc. Thanh nghe điện thoại rồi vui vẻ báo tin đến ngã ba sẽ có xe máy của đơn vị đón. Chỉ huy đã báo cho một người đang trên đường công tác trở về dừng lại chờ anh. Chú Tam với tay vỗ vỗ lên đầu gối Thanh:
- Mừng cho em. Gặp nhau không hẹn mà thật có duyên, em đã để lại trong anh không chỉ là ấn tượng về người lính biên phòng mà còn là bài học lớn của hậu phương đấy, Thanh ạ!
Khi Thanh đã được đồng đội đón ở ngã ba rồi, bác Cả ngồi thẫn thờ. Mãi một lúc lâu bác mới lên tiếng:
- Thôi. Anh em mình cũng quay về thôi!
Tôi không hiểu. Chuyến đi thăm chiến trường xưa của anh đã qua được bao nhiêu đường đất. Sao lại quay về? Chú Tam càng không hiểu. Thấy bác Cả bảo quay lại thì chú tạt vào bên đường:
- Sao thế anh?
- Mình rong chơi trong khi người ta vất vả từng giờ từng phút để giữ  gìn biên cương! Không nên, không nên…  
Tôi cứ nao nao nỗi nhớ về Thanh. Cho đến lúc này, hình ảnh Thanh vội vàng lên biên giới cho đúng ngày trả phép cứ day dứt trong tôi. Anh em chúng tôi dùng xe nhà đi chơi. Thành  phố và các vùng biển đảo, tôi và Tam đã đi nhiều rồi. Chuyến này, tiếng là đưa anh Cả đi thăm chiến trường xưa nhưng trong lòng tôi vẫn nghĩ lên rừng cho lạ cho mới, vậy thôi.
Thật may, chúng tôi đã đỡ Thanh được một quãng đường!
                                                                                          Hà Nội     - 20/10/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét