Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Hậu duệ



Chủ hiệu thuốc Ích Đường là một người lính Việt Nam Cộng Hòa thoát chết ở Tây Nguyên tháng Ba năm Một chín bẩy lăm. Ông tên Hiền, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng ông sang Mỹ và chết tại Mỹ. Bây giờ, người con trai của ông tên là Hậu nối nghề của bố, ngồi trước cửa hiệu bắt mạch kê đơn.
Ông Hiền đi không vì lý do chính trị mà sang Mỹ với hy vọng mở hiệu Ích Đường America chữa bệnh theo sự thăng trầm của khí huyết. Nhưng rất tiếc, chất độc da cam trong người ông đã phát tác, sau mấy năm tàn tạ trên giường bệnh, ông qua đời còn mang theo một nỗi niềm day dứt vì món nợ với một người lính phía bên kia. Những ngày cuối cùng, ông phàn nàn không lẽ nước non đã thu về một mối mà ba phải mang món nợ xuống mồ! Ông đưa cho vợ chồng người con trai tấm ảnh và dặn, nếu các con không tìm được thì đời con của các con phải cố để tạ ơn người cứu mạng ba trong tấm ảnh này.
Hiền là trung sĩ quân y phục vụ tại bệnh viện dã chiến quân đoàn Hai. Trong cuộc rút chạy khỏi Plây ku, người trung sĩ này đã tìm cách thoát khỏi cảnh hỗn độn trên đường số Bảy tại Củng Sơn. Tại đây, ông đã hữu duyên với một người lính giải phóng tại quả đồi bên mé cây cầu. Cái duyên ấy là sự cho nhận sự sống và cái chết. Loạt đạn tiểu liên AR.15 lia theo khi ông đang cố chạy lên quả đồi, một thân người trúng đạn đổ ụp lên người ông, đẩy nhào ông vào sau mô đất.
Con trai ông Hiền tên là Hậu, trông hơi ốm. Mắt cận thị, lưng gù, trán hói, người đến khám bệnh lấy tên cửa hiệu ghép vào chữ “Cụ” thành Cụ Ích Đường. Nom Hậu càng già chứ thực tuổi, anh ta còn chưa đến bốn mươi. Chồng bị gọi bằng cụ nên vợ cũng được thăng lên chức bà, người ta gọi là bà Ích Đường. Bà Ích Đường có khuôn mặt rất ưa nhìn nhưng lúc nào cũng đăm chiêu, lời dặn của bố chồng tìm người trong tấm ảnh để tạ ơn làm bà lo lắng. Lối nghĩ của bà rất truyền thống, làm dâu nhà người mà không sinh được con nối dõi tông đường là tội lớn. Cưới nhau gần hai mươi năm, hai vợ chồng chẳng mấy khi phải xa nhau mà chưa một lần bà có chửa. Mong đến héo hắt nhưng hạnh phúc làm mẹ của bà cứ vời vợi, nỗi ám ảnh sang bên kia biết ăn nói thế nào cứ khắc khoải. Gần đây bà lại lẩn thẩn, nhìn ai có tấm lưng gù với có đôi hông thon, bà lại tiếc nuối. Sao mình không có tướng quý để được mau mắn trong sự sinh nở như lời thế gian. Rồi một chiều ra bến xe nhận hàng, bà đã gặp một cô gái có đôi hông thon thả dưới tấm lưng cong từ Bắc vào. Bà thành kẻ mộng du, cô đi đâu bà cũng ngẩn ngơ dong xe theo, rồi rủ rê, rồi hứa hẹn và cuối cùng đã chèo kéo được cô về làm cho cửa hiệu Ích Đường.
Lâu nay, đi chợ nấu cơm là việc của bà chủ. Từ hôm có Hoa, việc ấy giao hẳn cho cô, cô làm phở, làm bún bò giò heo, phục vụ bữa sáng cho cả nhà. Có tiền nhưng nếp nhà Ích Đường rất tằn tiện, có bữa chỉ ăn cháo đậu đen thả miếng đường phèn hoặc còn cơm nguội rang lên đập quả trứng xúc mỗi người một bát. Xong bữa sáng, cô phóng xe máy ra chợ mua thức ăn rồi về ghi nhật ký trong quyển sổ khám chữa bệnh. Đây là việc ghi chép hàng ngày, mỗi ngày hai lần trước giờ nấu cơm, chép lại những gì ông Hậu đã ghi làm căn cứ theo dõi, đối chiếu, chữa bệnh. Những tham vấn bệnh nhân của ông Hậu rất tỉ mỉ nên cuốn hỏi đáp khách hàng ghi chép rất nhiều, chữ ông thoắng quá nhiều đoạn đoán không ra, cô phải hỏi đi hỏi lại.
Buổi chiều thường ít người đến bắt mạch, bốc thuốc. Chị người làm cùng với Hoa vừa thả dao cầu vừa tán những chuyện vui. Ông Hậu ngồi lẳng lặng trước quầy, trương đôi kính trắng dày cộp nhìn hai người, tủm tỉm.
Hoa nhập vào nếp sống và làm việc của cửa hiệu rất nhanh nhưng vẫn không hiểu cái cười của ông chủ có nghĩa gì. Nhìn đôi mắt dại đờ sau cặp kính, cô động lòng thương hại. Ông chủ của cô chữa bệnh cho người ta đến gù lưng mà mình lại chẳng có mụn con, thật tội nghiệp. Trong lòng cô rất biết ơn, còn gì may mắn hơn khi trốn nhà vào Nam chỉ mong tìm được cơ hội chữa bệnh cho bố lại được ông bà Ích Đường nhận vào làm, khác chi cầu được ước thấy. Trong suy nghĩ của cô, bệnh của bố chỉ là ngã giàn giáo bị sún lưng chưa gặp được người chữa đúng cách nên mới kéo dài như vậy. Ở quê cô, người ta vẫn nói cách chữa ấy là chữa mẹo. Cô hình dung người chữa mẹo phải cao tay lắm nhưng khi thưa chuyện, cô mới biết điều mình nghĩ là hoàn toàn sai. Theo ông Hậu, chẳng có bệnh nào được chữa khỏi mà không bắt đầu từ những nguyên lý y học cơ bản. Từ hôm ấy, Trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh là địa chỉ trong mơ nhưng đắn đo mãi cô mới dám thưa với bà chủ. Thật bất ngờ, bà đã đồng ý cho cô đi học, không những học phí được bà đóng hộ mà lương tháng vẫn đưa đủ. Chỉ có việc dọn vào ở ký túc xá, bà bảo nhà còn thừa phòng, cứ ở đây cho vui!
Nhà Ích Đường ngày nào cũng thắp hương. Cầu thần tài thì thắp hương sáng sớm, tuần tiết sóc vọng thắp hương vào giờ hoàng đạo. Trước đây chỉ có bà thửa lễ đưa lên phòng thờ trên tầng bốn, nay việc ấy giao bà cho Hoa. Khi cô bê đồ cúng lên, ông Hậu dạy cô cách cắm lọ hoa, bày đĩa quả. Những lần làm cỗ mặn, ông bảo cứ bầy biện tự nhiên nếu có chỗ nào cần sửa ông sẽ sửa lại cho. Vào ngày Tây Nguyên thất thủ Mồng10 tháng Ba, hai ông bà đóng cửa hàng, mời thầy về cúng như lời dặn của người cha quá cố. Những lần ấy, ông Hậu tự tay soạn sửa đồ thờ, lau đi lau lại cái hộp sơn mài màu đỏ, nâng lên đặt xuống, động tác nào cũng trịnh trọng. Không kìm được tò mò, một hôm Hoa mở trộm ra xem. Trong hộp chỉ có tấm ảnh một thanh niên đứng trước hiên ngôi nhà lợp rạ có tấm dại trông rất giống ngôi nhà của bà nội. 
Hoa chỉ dám nhìn qua rồi trả tấm ảnh vào hộp nhưng kể từ hôm ấy, ngôi nhà có tấm dại trước hiên cứ ám ảnh cô. Sao nó giống nhà bà nội thế nhỉ? Hoa vẫn nghe năm Một chín bảy tư, xã báo tử ông nội nhưng bà bắt giữ nguyên tất cả mọi thứ trong ngôi nhà này để khi ông nội về không bị lạc. 

***

Trung sĩ Hiền vọt khỏi chiếc GMC rồi cắm đầu lao vào con khe cạn. Anh muốn ly khai cái khối ô hợp kia nhưng con khe cạn đã bị đám cây gai bít lại. Vừa chạy lên đồi, Hiền đã nghe tiếng quát của trung úy, tiếp theo là loạt tiểu liên cực nhanh chíu chíu. Sắp tới mô đất thì có một người đã đổ ụp lên người Hiền, máu từ người ấy thấm xuống bộ quần áo rằn ri Hiền đang mặc. Khi nhận ra đấy là một anh bộ đội giải phóng, hồn vía Hiền như lìa khỏi xác.
Các sắc lính từ Plâyku rút chạy theo đường số Bảy về Tuy Hòa đang bị ứ lại trước một cây cầu. Đám vợ con sỹ quan và dân chúng bám theo, vốn đã bị nhồi nhét luận điệu Việt Cộng tắm máu, bây giờ càng tán loạn. Liên tiếp là những tiếng kêu gào, tiếng van xin vô vọng lẫn vào muôn vàn tiếng nổ do bọn lưu manh côn đồ và do cả lính quân đoàn gây ra. Loa bộ đội giải phóng không ngừng khuyên mọi người hãy bình tĩnh. Quân đoàn Hai và chính quyền các cấp trên khắp Tây Nguyên đã hoàn toàn tan rã, tướng Phú đã bỏ mặc binh lính và dân chúng, đáp máy bay trực thăng chạy trốn về Nha Trang. Quân giải phóng yêu cầu ai ở đâu hãy ở yên đấy, tuyệt đối không được làm hại những người dân tay không. Bộ đội sẽ cứu giúp mọi người nhưng sẽ cương quyết trừng trị những hành động cướp bóc bắn giết dân lành.
Nằm sau mô đất, Hiền hoang mang vô cùng. Vừa thoát đạn của tay trung úy lại bị một ông giải phóng đè lên thế này, không biết có còn cửa nào sống sót. Anh chỉ còn biết để anh giải phóng phủ phục trên lưng mà lết, hy vọng sang được bên kia quả đồi còn chút mong manh sống sót. Khi ngớt tiếng đạn rít bên tai, anh hất cái xác trên lưng xuống, vùng chạy nhưng được một đoạn Hiền đã phải dừng lại. Anh lơ mơ một lời trách cứ, lúc đạn xé bên tai thì lấy người ta che đỡ, bây giờ êm lại bỏ chạy một mình. Hiền đã bò lại kéo anh giải phóng đặt nằm xuống đáy cái hố do một quả đạn pháo mới khoét. Bây giờ Hiền mới nhìn kỹ khuôn mặt vuông, đôi mắt nhắm nghiền như đang ngủ. Vẫn tư thế quỳ, anh chắp hai tay, miệng lắp bắp “Vì quân dịch tôi phải đến nơi này, xin thề với ông tôi chưa hề nhắm vào ai mà bóp cò một phát súng”. Tay cào đất đắp cho người chết, miệng Hiền lẩm bẩm “Tôi sẽ mang ơn này suốt đời, ông ạ. Bất luận ông chết trước lúc đè lên tôi hay chết trên đường tôi cõng ông xuống đây, thì ông vẫn là người đã nhường mạng sống cho tôi”. Súng lại rộ lên, Hiền tụt vội bộ rằn ri rồi nhặt cái cái ba lô và khẩu AK của anh giải phóng, lao xuống đồi. 
Hiền chỉ láng máng thấy mình nằm bên đống lửa có một ông già dân tộc rồi lại lịm đi. Chỉ đến lúc tiếng hát“Diệt đế quốc Mỹ, phá tan bè lũ bán nước” vang lên anh mới giật mình. Đây là một buôn người dân tộc, họ đang hát mừng phía bên kia, nếu không trốn nhanh, họ phát hiện ra mình là lính Cộng Hòa thì khó mà giữ mạng. Nhìn rặng núi trước mặt, Hiền đoán bên kia là đồng bằng Phú Yên, qua được bên ấy sẽ lần về điểm hẹn của cuộc tùy nghi di tản. Bên nhà dài vẫn vang vang“Ôi xương tan máu rơi, lòng hận thù ngất trời” làm Hiền lo cuống nhưng bỏ người đã đưa mình đây không một lời cảm ơn thì tệ lắm nên anh đánh bạo gọi ông già. Không có tiếng trả lời, Hiền cắm lại cành lá báo hiệu “đã đi khỏi” rồi đeo ba lô chống khẩu súng AK, dò bậc thang tụt xuống lết vào rừng.
Khi cái mùi đặc trưng của biển ập vào khứu giác, Hiền đã reo lên rồi nằm ngửa nhìn lên những tảng mây trắng lửng lờ trên bầu trời. Một ngày nữa trôi qua, cảm giác nhẹ nhàng xuất hiện nhưng chỉ trong giây lát sự đau nhức đưa anh về tình thế của mình. Anh đang chạy trốn ai chính anh cũng không cắt nghĩa được, bên nào gặp anh lúc này cũng có thể tiêu đời bằng một viên đạn. Cầm lại khẩu AK thấy vẫn còn đạn nhưng anh chuồi nó sang một bên, lúc này còn định bắn nhau với ai. Dù có chết mình cũng không được phép giết người, đấy là lời nguyền trước bàn thờ tổ ngày vào quân dịch. Chữa bệnh cứu người là nghiệp nhà anh, mấy năm trong lính anh chỉ lo cứu chữa thương binh, sao bây giờ lại nghĩ đến chuyện súng đạn.
Mặt trời lên soi rõ con đường dưới chân núi, dòng người chạy nạn từ đường số Bảy chắc mới qua đây, quần áo rằn ri, giày cao cổ vứt bừa bãi trên những vạch sơn. Một chiếc GMC húc đầu vào vách ta luy, một chiếc khác lao xuống rãnh chổng hai hàng bánh lên trời. Có một chiếc xe ca không hiểu vì sao lại đỗ bên lề như dừng lại giải lao, dưới đất là những bao bịch vứt chỏng chơ… Thỉnh thoảng lại có một chiếc xe phóng rất nhanh với những tràng súng không biết bắn cái gì nghe vu vơ, rất ngại. 
Miếng thuốc lá ông già dân tộc đắp vào vết thương chắc đã nhạt, bắp chân anh sưng tấy, tiếng muỗi mòng như nhồi thêm cái buốt nhức xuyên thấu lên đỉnh đầu. Khát, anh lần hú họa vào chiếc ba lô, may quá, trong túi cóc có một nắm xôi và bi đông nước. Quý nhân phù trợ đây rồi, chắc ông già dân tộc nhầm anh là bộ đội giải phóng nên để sẵn các thứ này trước khi ra khỏi nhà. Lần tiếp vào bên trong, dưới đáy ba lô còn một bộ quần áo, trong túi áo có một tấm ảnh. Dưới anh trăng nhạt nhòa anh chỉ thấy người trong tấm ảnh rất giống người lính phía bên kia anh chôn hôm qua. 
Ăn xôi vào Hiền lại thấy mệt. Trong giấc ngủ nặng nề, bệnh viện dã chiến Plâyku lại hiện ra những binh lính thương vong liên tiếp chuyển về, mấy chục phút lại có một chuyến trực thăng bốc về duyên hải. Tướng Phú ra lệnh bảo vệ Plâyku bằng mọi giá nhưng Việt Cộng lại bất ngờ đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, sư đoàn 23, trung đoàn 45 và các đơn vị trấn giữ thị xã vỡ trận, ông ta chuồn vội về Nha Trang để lại cái chiến thuật dở hơi tùy nghi di tản. Là lính quân y nhưng anh hiểu, chính cái sự tùy nghi ấy đã làm dòng người xô bồ hỗn độn suốt mấy chục cây số trên con đường số Bảy. Rồi sự gì xảy ra ắt phải xảy ra, lưu manh côn đồ và cả lính cướp bóc hiếp giết như bầy thú trong những cánh rừng. Quân lực hò hét bảo vệ cứ địa bảo vệ chiến hữu mà anh chỉ nhận được những băng tiểu liên cực nhanh của tay trung úy lia theo. Điểm đi điểm lại, suốt một ngày kề bên cái chết, Hiền chỉ thấy có anh giải phóng và ông già MaĐrắc, mỗi người một cách giữ mạng cho anh.
Hiền vẫn đinh ninh việc đến điểm hẹn X là bổn phận của một người lính. Anh sẽ đến và sẽ gặp trung úy để nói rằng, bắn giết cướp bóc là cảnh anh không chịu nối nên phải bỏ đi riêng. Trung tướng bảo tùy nghi di tản mà. Điều quan trọng là anh đã về đến vị trí tập kết như kế hoạch và sẵn sàng nhận tác vụ hành quân mới. Nhưng đấy chỉ là ý nghĩ ban đầu, trong đêm dài trốn chạy biết bao ý nghĩ đến rồi đi cứ rối lên, lúc này anh lại nghĩ khác. Về với quân lực rồi lại bị đẩy ra vùng Một chiến thuật chắc gì thoát khỏi số phận của quân đoàn Hai trên cao nguyên trung phần. Mặt đường ngổn ngang dưới kia như khẳng định ý nghĩ trong đầu anh. Đi đâu đây? Tay mặt là vào điểm hẹn X, hướng ngược lại là quê với gió biển rì rào!
Cuối cùng Hiền quyết định sáng mai xuống đường đón xe đò về quê. Về nhà thôi. Được ở bên cha mẹ vợ con dù có phải trốn chui trốn nhũi cũng còn hơn phơi thân ra nơi bom đạn. Khi đã dứt khoát đoạn tuyệt với quân lực Việt Nam Cộng Hòa, anh thấy người phấn chấn hẳn lên. Lần xuống lục trong chiếc xe ca, anh tìm được một cái quần loe và một chiếc sơ mi bó chẽn. Phải thay đồ dân sự chứ chân cẳng đang bị thương lại mà mặc quần áo phía bên kia đi xe đò sao được. Anh dúi bộ quần áo giải phóng, khẩu súng AK và cái balô cóc vào bụi nhưng lại lôi ra. Lần trong túi ngực chiếc áo Tô Châu, anh giữ lại tấm ảnh của người đã giữ mạng cho mình.

***

Sau khi tốt nghiệp trường Y học cổ truyền Tuệ Tĩnh, Hoa gặp phải một rắc rối lớn. Ba tháng nay cô không thấy kinh nguyệt. Nhận được tin qua điện thoại, chị Nụ cấp tốc lên xe trong tâm trạng rối bời. Trước đây chị nể phục ông bà Ích Đường bao nhiêu thì bây giờ chị oán hận bấy nhiêu.
Càng nghĩ càng thương con. Chỉ vì bố ốm đau mà con phải ra đi để rồi bị cái lão cận thị cướp mất đời con gái. Nhưng sao lại thế được nhỉ? Bao nhiêu lần vào thăm con trở về, chị đều phải hết lời khen ông bà Ích Đường là người tốt hiếm có. Cái Hoa không những có công ăn việc làm có chỗ ở ổn định mà còn được tạo mọi điều kiện để đi học. Bây giờ biết làm sao đây. Là người đã vì mổ xẻ mà mất khả năng sinh nở, chị không dám nghĩ đến chuyện đem đứa con gái duy nhất của mình đi nạo thai.
Chị Nụ cứ lan man không tìm được lối thoát. Khi đến bến, Hậu vừa cất tiếng con chào mẹ đã phải nhận một cái nhìn căm giận. Anh ta lúng túng nhìn sang Hoa cầu cứu nhưng cô còn mải giữ bàn tay mẹ đang xoa trên má mình. Nghe chị gọi là ông, Hậu bẽn lẽn dạ thưa, mẹ cứ gọi con là thằng Hai, trong này người ta hay gọi theo thứ, mẹ ạ. Chị Nụ chỉ thế ạ, cho qua. 
Đứa con gái đang thút thít trên vai càng làm lòng chị rối như canh hẹ. Ngày chị mang thai nó được bảy tháng, bác sỹ phải mổ lấy con ra để xử lý khối u cho mẹ. Sau cuộc phẫu thuật ấy, chị vĩnh viễn mất khả năng sinh nở, chồng chị bế cái Hoa đi bú chực khắp làng. Đến nhà ai anh cũng mang theo hộp sữa, con còn đang bú bố đã pha xong một cốc mời người hàng xóm tốt bụng. Ra viện, chị chỉ làm được mỗi một việc là ngồi bế con. Nào tiền thuốc cho chị, tiền sữa cho con rồi cái ăn cái mặc cho cả nhà, anh lại phải lăn lưng ra kiếm tiền. Rồi anh bị ngã giàn giáo, hai chân cứ teo dần. Bệnh viện tỉnh bệnh viện trung ương, bác sĩ nào cũng chẩn đoán xương sống chèn dây thần kinh nhưng hết thuốc tây rồi thuốc bắc, bệnh anh vẫn ngày một nặng thêm.
Chiều hôm thi môn cuối của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Hoa đã giấu bố mẹ vào Nam. Nó phải trốn đi vì từ lâu bố mẹ chỉ một mực bắt con thi đại học. Không thấy con về, chị Nụ chạy đến đứa bạn của Hoa thì nhận được mảnh giấy “Con đi tìm nơi học nghề thuốc chữa bệnh cho bố”. Hai vợ chồng cứ giấu nhau mà khóc, được một tuần Hoa gọi điện về báo đã xin được việc làm ở hiệu thuốc Ích Đường, chị định vào xem con ăn ở thế nào nhưng anh khuyên con nó mới tìm được chỗ làm, mình đừng vào vội. Không cho chị đi nhưng hơn tháng sau, nhớ con không ăn không ngủ được, anh lại giục mẹ nó vào xem cái Hoa thế nào. Lần ấy rồi những lần sau nữa, lần nào chị vào ông bà Ích Đường rất nồng hậu, lúc về còn gửi quà cho anh, cho bà nội.
Lần này chị vào trong tâm trạng rối bời, xe chạy rồi còn muốn quay về, nếu không nhận tin nhắn của Hoa mẹ đến đâu rồi chắc chị xuống giữa đường. 
Bà Ích Đường mở rộng hai cánh cổng cho xe vào. Thấy Hoa bước xuống hơi mạnh, bà đã giật mình ấy nhẹ chứ em. Qua tuần trà, bà mời chị Nụ đi rửa mặt, dặn chị từng loại xà phòng, từng cái khăn, khi trở ra còn lễ phép bà cứ tự nhiên như ở nhà mình ạ.
Chị Nụ rất khó xử mỗi khi bà Ích Đường xưng con với mình. Tuổi hai người chắc cũng gần nhau mà mấy lần chị đã không dám mà bà Ích Đường vẫn như bỏ ngoài tai. Nhìn vẻ lo lắng bất an của bà, chị Nụ càng không hiểu. Chồng có con với người làm công sao không mặt vênh mày vác mà lại cư xử như chị em với nó. Cho đến khi ngồi chải tóc bên cửa sổ, chị vẫn chưa biết nên xử sự thể thế nào. Sau bữa cơm, bà Ích Đường chắp hai tay thưa với chị Nụ rằng mình là người đàn bà có tội, em Hoa và ông bà ngoài nhà tha cho bao nhiêu thì được vơi nhẹ bấy nhiêu. 
Bà kể với chị Nụ từ ngày gặp Hoa ở bến xe đến khi Hoa có mang với chồng, tất cả đều do một tay bà sắp đặt. Để trả lời câu hỏi sao lại làm cái việc không giống ai như thế, bà đã kể câu chuyện của bố chồng đận tháng Ba năm 1975. Theo bà, anh bộ đội giải phóng là thiên sứ nhà trời phái xuống che mạng sống cho bố chồng bà. Bây giờ giữa núi đồi quạnh hiu, không biết vong hồn anh bộ đội giải phóng ấy đã được siêu thoát hay chưa. Bất giác chị Nụ giật mình, bố chồng chị cũng đã bỏ mình vào một ngày của tháng Ba năm ấy.
Câu chuyện của ba người đang vào hồi cảm thông, chia sẻ thì ông Ích Đường quì xuống thưa mẹ! Con đã tìm nhiều cách chữa bệnh vô sinh cho nhà con nhưng thuốc nào cũng vô vọng. Cô ấy đã nhiều lần giục con đi tìm tương lai cho mình nhưng con không nỡ. Việc con với Hoa… con xin mẹ đoái thương chúng con, đoái thương cả người cha đã khuất của con.
Biết nói gì đây? Xưa nay con gái đã lỡ mang thai thì bố mẹ chỉ còn nước muối mặt lụy người ta, đằng này ông bà Ích Đường lại van xin, không những thế họ còn đem cả nỗi thất vọng cổ truyền tông đường nối dõi và người cha quá cố đã thiệt phận vì hậu quả chiến tranh ra để minh chứng cho sự thành thực! Nghĩ đi nghĩ lại, chị chỉ thấy tấm những lòng chân thật.  
Xử sự thế nào mới phải đây? Còn đang hoang mang thì cái Hoa cầm tấm ảnh có lỗ thủng lấy trên ban thờ xuống đặt bên tấm ảnh bố mẹ và bà nội ngồi trước ngôi nhà cũ. Đấy là tấm ảnh năm trước nó xin bố chụp gửi vào, nói là để đỡ nhớ nhà. Hai tấm ảnh bên nhau, người trong ảnh và anh Nụ giống nhau như hai giọt nước. Lòng chị Nụ vỡ ra.

***

Cuộc ra mắt của Hai Hậu lại bắt đầu bằng việc bắt mạch cho anh Nụ. Bệnh này Hậu có thể chữa được, uống thuốc và châm cứu kết hợp tập Yôga, chỉ trong vòng nửa năm đôi chân sẽ có thể nhúc nhắc trở lại. Nghe Hai Hậu nói thế, ông trưởng họ mừng lắm. Ông tin anh Nụ cháu ông lại có thể khỏe mạnh mà chăm sóc cho một người rất quan trọng đối với dòng họ nhà ông. Đó là người chị dâu mắc căn bệnh tâm tưởng không nơi nào chữa được.
                                                                             Hà Nội- 30/4/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét