Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Mấy lời cùng Hát với vầng trăng khuyết

Mấy lời cùng
Hát với vầng trăng khuyết

Trần Ngọc Khánh




Có những con người, mà hình ảnh người ấy đã định hình tưởng như bất biến trong con mắt mọi người, ấy vậy mà đến một ngày nào đó, hoạt nhiên người đó hóa thân thành con người khác.
Tác giả Nguyễn Ngọc Minh là như vậy.
Từ một cậu học trò trên đất Bà Triệu dãi dầu, khi những sư đoàn đầu tiên quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, ông đã lên đường nhập ngũ thành người trai phong sương/ người trai trận mạc. Rồi các danh hiệu dũng sỹ lập công ở chiến trường đã đưa ông qua Học viện Kỹ thuật quân sự thành kỹ sư cầu đường, Cái nghiệp cầu cống ăn vào tận xương cho đến kết thúc binh nghiệp. Về hưu, thấu lẽ chung riêng từ khi vào Đảng, ông tham gia hầu như tất cả các công tác cơ sở từ làm chủ tịch Cựu chiến binh, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Bí thư chi bộ, Tổ trưởng dân phố… những công việc được người đời trìu mến gọi vui là vác tù và hàng tổng, ông viết truyện ngắn và làm thơ trong môi trường như vậy.
Tập truyện ngắn Hòn vọng phu trổ bông (Nhà xuất bản Hội nhà văn) và nhiều truyện ngắn khác của ông đầy ắp hương đồng gió nội, đượm chất sử thi, với tấm lòng da diết của một người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất mà nghèo khó mặc định miệng thế gian với câu thành ngữ “Được mùa Nông Cống thì sống mọi nơi”.
Nhưng tập thơ Hát với vầng trăng khuyết lại là những trải lòng của tác giả theo một cách tiếp cận khác. Vầng trăng cuối tháng ngày mỗi khuyết hao, phía trước là bình minh hé rạng, ông chia sẻ cái quy luật vĩnh hằng ấy với mọi người với một niềm lạc quan sống… Bài thơ Hát với vầng trăng khuyết (được dùng làm tên cho tập thơ) là sự khắc họa triết lý “cái chết là sự bắt đầu”.
Cũng như tập truyện ngắn nói trên, cả tập thơ là nỗi niềm đau đáu hướng về quê cha đất tổ. Mấy ai có quyền tự chọn nơi chôn nắm rau thai của mình và cũng mấy ai đã coi quê hương là “chùm khế ngọt” là “con đò nhỏ” là “bờ tre bến nước” để “nửa đời phiêu dạt/ ta lại về úp mặt vào sông quê”, nhưng với ông, Dẫu trời tắt gió xứ Thanh/ Thì mây trắng vẫn trong lành Ngàn Nưa/ Nỗi niềm quấn quýt sau xưa/ Phố phường vẫn quyện nắng mưa những ngàyQua cầu rau má tôi thành cử nhân. Ông đã nhận ra gốc cội tư duy trong tầm nhìn đế vương khi hạ chiếu dời đô của Lý Công Uẩn và cảnh tỉnh Đừng quên cây lúa giữ sơn hà. Hình như cũng trong gốc cội ấy, ông càng cảm thông hơn với quê hương Thương cây rau má buốt lòng/Nưa Sơn, Lãng Thủy đèo bòng nỗi quê mà viết nên một câu thơ uyên triết: Nơi xa nhất là quê hương. Chắc không ít người sẽ đồng cảm cùng ông khi chí trai Năm mươi năm/ Gói mỏi chân chồn/ Tóc đẫm hoàng hôn/ Lưng đồi… gió lay… chiều tím mà thốt lên: Thi nhân ơi đời đâu là quá vãng/ Thế gian này đâu quán trọ mà thôi. Ở một cung bậc khác, ông muốn nhắn đến một tầm nhìn: đừng quá mải mê với sân gôn mà chuốc vào cái họa như ngày nào, cắp bị đi…tìm gạo!
Có câu ngạn ngữ “Muốn biết anh là ai, hãy xem bạn của anh là ai; muốn hiểu họ, hãy nhìn trên tay họ đang cầm sách gì!”. Lật từng trang thơ, ta gặp đồng chí bí thư tỉnh ủy đương chức, ông thứ trưởng đã về hưu hoặc đồng chí trung tướng anh hùng quân đội…để Giữa bộn bề ta lại nói với nhau cùng các đồng chí đồng nghiệp, những người bạn chí cốt bạn văn thơ… sẽ thấy ông luôn hòa vào tất cả. Với tấm lòng chân thành, với đức tính sẵn sàng sẻ chia, sẵn sàng gánh vác những khó khăn, đồng lòng, đồng hành trên con đường đã chọn mà không hề bợn gợn, mà dãi ra trên những bài thơ trong suốt tập thơ.
Mong bạn sẽ thấy một phần của mình khi đọc Hát với vầng trăng khuyết.


                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét